Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản tinh thần vô giá, ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng thực tiễn vĩ đại, nhà tổ chức kiệt xuất, đồng thời là nhà lý luận, nhà chiến lược thiên tài của cách mạng Việt Nam. Nét đặc sắc ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là lý luận nhưng không giáo điều, sách vở, trái lại, luôn gắn bó chặt chẽ, nhuần nhuyễn với thực tiễn; lý luận mà không cao xa, cầu kỳ, trái lại, rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, thiết thực. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lý luận cách mạng giàu thực tiễn và kinh nghiệm đấu tranh, đồng thời là một nhà thực tiễn giàu lý luận khoa học. Ở Người có sự thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất, vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lê-nin để tự tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ cụ thể và cả những vấn đề cụ thể của Việt Nam chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở.

Song, các thế lực thù địch lại cố tình xuyên tạc tư tưởng của Người, cho rằng, tư tưởng cốt lõi Hồ Chí Minh là tư tưởng dân tộc để qua đó, chúng xuyên tạc, biến tướng tư tưởng của Người thành tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, tư tưởng dân tộc tư sản. Thời gian gần đây, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhưng có thể thấy tập trung ở hai luận điệu xuyên tạc sau: Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, tiếp thu mù quáng, đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là một sai lầm. Thứ hai, chủ nghĩa Mác – Lênin, trước hết là chủ nghĩa xã hội khoa học là sai lầm và đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cả hai luận điệu xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất ở trong nước, là những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Ở dạng thứ nhất, chúng đánh vào cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lênin. Chúng cho rằng: Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu; du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin với thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” là một sai lầm mà lịch sử không bao giờ tha thứ. Từ đó họ phát động chiến dịch bôi nhọ, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Gần đây, chúng tung ra khẩu hiệu “No Ho” (tức là không Hồ Chí Minh), thực chất là phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc công lao, sự nghiệp vĩ đại của Người . Ở dạng thứ hai, họ tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác – Lênin, chúng ngụy biện rằng: “Bây giờ học thuyết Mác – Lênin đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá”. Bề ngoài có vẻ như ca ngợi sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ phê phán chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng đây là cách lừa gạt tinh vi, mà thực chất là đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin. Đây là sự ngụy biện trắng trợn hòng phủ nhận tính thống nhất biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lênin.

Để bác bỏ tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực chống đối, thù địch ở bên ngoài, cùng với bọn cơ hội chính trị, xét lại đã viết và phát tán những tài liệu với chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng dân tộc, không có ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin” và “con đường Bác Hồ đã chọn là con đường dân tộc, không phải chủ nghĩa xã hội”, “Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là không đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn”. Chúng còn viết nhiều tài liệu với đầu đề dưới dạng văn học nhằm dựng chuyện, vu cáo bỉ ổi, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả về đời tư và sự nghiệp lãnh đạo cách mạng. Bên cạnh đó, chúng chỉ đạo viết những tài liệu xuyên tạc trắng trợn nhằm thực hiện ý đồ “hạ thần tượng Hồ Chí Minh”. Chúng cho rằng, khi đã lợi dụng được tư tưởng Hồ Chí Minh để chuyển hóa quan điểm lý luận thì sẽ xóa luôn cả vai trò, vị trí lịch sử của Bác, để dựng ngọn cờ mới dưới các chiêu bài chủ nghĩa xã hội dân chủ, chủ nghĩa xã hội nhân bản, thực chất là xóa bỏ chủ nghĩa xã hội khoa học và học thuyết Mác – Lênin. Nhìn chung, thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đánh vào tâm lý, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận cán bộ, đảng viên để gây ra sự “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” từ bên trong nội bộ. Trong đó, có những kẻ tự xưng là “người yêu nước”, người “bất đồng chính kiến” ở trong và ngoài nước đã lợi dụng intơrnet, mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo và bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh là một trong số ít các lãnh tụ cộng sản đã có sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Người đã tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin theo phương pháp luận Mác-xít, đồng thời theo lối tư duy phương Đông, cốt lấy ở cái tinh thần, cái bản chất, chứ không bị trói buộc trong cái vỏ ngôn từ. Từ lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin để tìm ra chủ trương, chính sách phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam, không rập khuôn máy móc những lý luận đã có sẵn trong sách vở kinh điển. Chính lý luận Mác – Lênin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng để tổng kết kiến thức, tổng kết lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn, tìm ra con đường cứu nước mới, đưa Người vượt hẳn lên phía trước so với những người yêu nước đương thời, khắc phục căn bản cuộc khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc . Với quan điểm lịch sử cụ thể và phương pháp luận biện chứng Mác-xít, ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã thấy sự khác biệt giữa các nước tư bản ở châu Âu mà C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lênin đã nghiên cứu, so với thực tiễn Việt Nam – một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, kinh tế kém phát triển… Người đã đề xuất bổ sung về “cơ sở lịch sử phương Đông”, để vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phương Đông và Việt Nam. Chính Hồ Chí Minh đã vận dụng thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin để nghiên cứu thực tiễn Việt Nam và thế giới, tự tìm ra con đường của cách mạng Việt Nam phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử và của thời đại. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác – Lênin là cơ sở lý luận làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh vượt lên trước các quan điểm, tư tưởng của những nhà yêu nước đương thời. Chủ nghĩa Mác – Lênin là một trong những nguồn gốc quan trọng nhất sản sinh ra tư tưởng Hồ Chí Minh, là cái cốt lõi nhất đem lại cho tư tưởng ấy tính tích cực khoa học và cách mạng. Cho nên, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một thể thống nhất, không thể tách rời. Tuy nhiên, không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ nghĩa Mác – Lênin, bởi vì chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết có hệ thống, bền vững, không ngừng được bổ sung, phát triển. Bản thân tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận tiếp nối trong hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, sáng tạo và phát triển trên cơ sở thực tiễn Việt Nam và thời đại ngày nay.

Với bản lĩnh, trí tuệ siêu việt, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã không áp dụng máy móc, giáo điều chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam. Người nhận thức sâu sắc rằng: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và giải quyết thành công những vấn đề lớn, cơ bản, quan trọng của cách mạng Việt Nam, như giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc tế; sáng tạo về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân… Đặc biệt, là sự sáng tạo về xây dựng đảng chính trị kiểu mới ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến bằng cách kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước (trong chủ nghĩa Mác – Lênin chưa đặt vấn đề phong trào yêu nước). Lý luận này đã góp phần bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin.

Đông đảo du khách tham quan làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác Hồ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) - Ảnh: Văn Tý - TTXVN

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh có nền tảng là chủ nghĩa Mác – Lênin đã đi vào đường lối của Đảng ta từ khi Đảng được thành lập. Đặc biệt, từ đầu năm 1941, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thể hiện đầy đủ trong đường lối, quan điểm của Đảng. Việc một số người la lối lên rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, một lần nữa là minh chứng biểu hiện cho sự thiếu hiểu biết, sự yếu hèn, run sợ, thất thế của các thế lực thù địch, phản động, của những kẻ cơ hội chính trị trước sức mạnh tự thân, hiện thực của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Lịch sử cho thấy, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thử thách trong thực tiễn khắc nghiệt của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành.

Do vậy, không gì có thể cản trở chúng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới đất nước, mở cửa và hội nhập quốc tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”, muốn giành được thắng lợi “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác  – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra” . Với tinh thần đó, sau hơn 36 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã không ngừng bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên một loạt vấn đề lý luận cơ bản như: toàn cầu hóa; lựa chọn con đường phát triển của Việt Nam: sở hữu tư liệu sản xuất, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng… Đến Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), Đảng ta đưa ra tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh .

Kiên định và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đồng nghĩa với việc chúng ta kiên quyết đấu tranh làm rõ tính khoa học, tích cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, phản động; tiếp tục khẳng định tính thống nhất hữu cơ giữa chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo đảm cho Đảng ta không thay đổi “màu sắc” và vẫn luôn xứng đáng là đội tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của cả dân tộc. Để kiên định và bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh trước sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tư tưởng, lý luận theo hướng khoa học, thiết thực, kịp thời, hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lấy gương “người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, giáo dục, tạo hiệu ứng tích cực, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm các vi phạm chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đồng thời cổ vũ, biểu dương các tấm gương đạo đức để tạo ảnh hưởng lan tỏa trong nội bộ Đảng và trong toàn xã hội.

Hai là, các cấp ủy Đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương những nơi làm tốt, phản ánh, nhân rộng những việc tốt, người tốt; đồng thời tích cực nhắc nhở, phê phán, uốn nắn những nơi chưa làm tốt. Tiếp tục gắn việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng, với tinh thần kiên quyết, kiên trì; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chủ động và tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.

Ba là, tổ chức tốt cuộc đấu tranh vạch trần những quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên nhận rõ mục tiêu sâu xa của các quan điểm sai trái. Tích cực chống lại các khuynh hướng đem đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin, hòng phủ nhận vai trò của cả chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống, thiết thực, đi vào chiều sâu của cuộc sống.

Bốn là, tăng cường trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; bảo đảm việc học tập các môn lý luận chính trị được tiến hành thiết thực hơn, để người học nắm được những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cơ sở xem xét, phân tích, đánh giá thấu đáo các vấn đề chính trị - xã hội diễn ra trong đời sống hiện thực. Mặt khác, các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm lan truyền những thông tin sai lệch hoặc có nội dung xấu, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao tính tự giác trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục nỗ lực học tập và nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, có hệ thống di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng trong thực tiễn và chủ động tuyên truyền, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng của Người lan tỏa, thấm sâu trong Đảng và trong xã hội.

Sáu là, mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời dạy của Người thì nhất định Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ gìn được bản chất và truyền thống tốt đẹp của Đảng, tiếp tục được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của từng người.

 

PHẠM NGỌC HÒA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

;