Nội dung cơ bản Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Tại kỳ họp thứ 8 (khai mạc ngày 21/10, dự kiến bế mạc ngày 30/11), Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến lần đầu đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu nội dung cơ bản của dự thảo luật.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV - Nguồn: chinhphu.vn

 

Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó có các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và ngành quảng cáo nói riêng, cụ thể như: Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện quan điểm về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tại Điều 52 “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước…” và khoản 1 Điều 60 “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Các Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng nhấn mạnh phải thực hiện các giải pháp để xây dựng  môi trường văn hóa, phát triển thị trường văn hóa; các ngành công nghiệp văn hoá và phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021  của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.

Để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành các văn bản liên quan đến công nghiệp văn hóa và quảng cáo, cụ thể: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030  ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 cũng xác định mục tiêu “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế”, trong đó, phải tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về điện ảnh, tài trợ, hiến tặng trong lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa, sở hữu trí tuệ, phòng, chống bạo lực gia đình và quảng cáo...

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo năm 2012, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của ngành Quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do. Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp. Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động quảng cáo giúp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp với khách hàng - Nguồn:  Báo Diễn đàn doanh nghiệp

 

Nội dung cơ bản của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam và các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo là đối tượng áp dụng của dự án Luật.

Dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật được Chính phủ và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi 15 Điều, bổ sung 2 điều mới, cụ thể:

Sửa đổi, bổ sung khái niệm, quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để phù hợp với các hình thức thể hiện, chuyển tải sản phẩm quảng cáo phát sinh trong thực tiễn hiện nay. Đồng thời, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, như: phải quảng cáo trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các điều kiện, nội dung theo quy định.

Về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo: Dự án Luật sửa đổi quy định về nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng; không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; phân định nội dung quảng cáo với hoạt động trên sàn thương mại điện tử, hoạt động trưng bày hàng hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại. Đồng thời, bổ sung các quy định cụ thể về nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm… bảo đảm sự phù hợp với các Luật chuyên ngành như: Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh…

Về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình: Hiện nay, với sự cạnh tranh của các hình thức quảng cáo trên mạng cũng như các nền tảng mạng xã hội, doanh thu từ hoạt động quảng cáo trên các phương tiện báo chí đang ngày càng suy giảm mạnh. Trong khi đó, phần lớn các cơ quan đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ và duy trì chất lượng nội dung thông tin. Vì vậy, Dự án Luật sửa đổi các quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền, đặc biệt là trong các chương trình phim truyện nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan báo chí cân đối nguồn thu từ quảng cáo, nâng cao chất lượng nội dung, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Về quảng cáo trên mạng: Dự án Luật bổ sung quy định cụ thể về hình thức quảng cáo trên mạng bao gồm: quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet. Đồng thời, dự án Luật cũng đưa ra các quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng, như: đối với người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, pháp luật về thuế; đối với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội khi cho phép người sử dụng thực hiện quảng cáo phải có tính năng, ký hiệu để người sử dụng tự phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác; đối với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên  mạng  có trách nhiệm: thông báo thông tin đầu mối liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông, xác minh danh tính của người quảng cáo, lưu trữ thông tin, hồ sơ về hoạt động quảng cáo, có giải pháp kỹ thuật kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Về hoạt động quảng cáo ngoài trời: Dự án Luật sửa đổi các quy định theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc phân định thẩm quyền, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo cho chính quyền các cấp. Tiếp tục khẳng định việc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước, dự án Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời; các nguyên tắc khi xây dựng quy hoạch; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động quảng cáo, dự án Luật sửa đổi các thủ tục hành chính không còn phù hợp, phức tạp, phiền hà; tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính; giảm một số trường hợp phải xin giấy phép và thay đổi bằng hình thức hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

 

LÊ THỊ THU OANH
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;