Hà Nội - Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình

Năm 2024, đất nước ta kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) - mốc son trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn, dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước. Tinh thần Ngày Giải phóng Thủ đô đã trở thành ngọn cờ cổ vũ cho dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội Trần Duy Hưng từ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô - Ảnh tư liệu

 

Hà Nội trong những ngày Cách mạng Tháng Tám

Lúc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra, tại Hà Nội có đến 10.000 lính Nhật đồn trú. Trong đó, Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài là nơi hàng nghìn lính Bảo an Nhật đồn trú.

Các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã kéo vào đánh chiếm Trại Bảo an binh vào ngày 19/8/1945. Nhận được tin, Bộ Chỉ huy quân đội Nhật đã cho xe tăng và hàng trăm lính đến bao vây, yêu cầu ta nộp vũ khí, giải tán, giao trại cho Nhật.

Căn cứ vào chủ trương của Ủy ban Quân sự cách mạng đối với quân Nhật, ta đã mềm dẻo thuyết phục quân Nhật, nói cho chúng rõ Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh, nếu chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta thì ta cũng để cho chúng yên ổn chờ ngày về nước. Ngược lại, nếu chúng bắn vào quần chúng cách mạng thì ta sẵn sàng dùng vũ lực chống lại. Xe tăng và quân Nhật sau đó phải rút lui.

Sau cuộc thương thảo đó, Nhật phải công nhận Việt Minh là đại diện của Việt Nam. Sau việc này được xác nhận bởi bức điện văn của Đại sứ Nhật gửi về Tokyo: “Chiều ngày 19, Đại sứ đã “được mời” đến dự cuộc gặp với các lãnh đạo Etsumei (Việt Minh) và đã tham gia bàn bạc với những người đó, được coi như là các nhà chức trách chính thức”(1). Ngày 19/8/1945 đã đánh dấu sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Hà Nội trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp

Theo Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), thực dân Pháp được đưa 15.000 quân ra Bắc vĩ tuyến 16 để thay thế 20 vạn quân Tưởng (vào nước ta làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật) chuẩn bị rút về nước. Trong đó có 5.000 quân Pháp đóng ở Hà Nội.

Nhưng với dã tâm tái chiếm toàn bộ nước ta, thực dân Pháp đã không ngừng đưa thêm quân ra Hà Nội và các địa phương trên miền Bắc. Tới cuối tháng 10/1946, số quân Pháp ở Bắc vĩ tuyến 16 đã lên đến 30.000 tên và riêng ở Hà Nội là 6.500 tên. Vũ khí của chúng có 5.000 súng trường, 600 tiểu liên, 150 trung liên và đại liên, 42 khẩu pháo các loại, 22 xe tăng, 40 thiết giáp, 30 máy bay và một số tàu chiến trên sông. Đây là những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn hẳn ta nhiều lần.

Ngoài ra, nhiều gia đình trong số 7.000 Pháp kiều cũng được trang bị vũ khí và tổ chức thành hàng trăm ổ chiến đấu độc lập rải ra các khu phố. Quân Pháp bố trí xen kẽ với ta, trong đó chúng chiếm giữ một số vị trí hiểm yếu, như: Phủ Toàn quyền, Trường Bưởi, Đồn Thủy, Sân bay Gia Lâm... Sĩ quan, binh lính địch được huấn luyện chính quy, bài bản, được bảo đảm phương tiện thông tin hiện đại. Nhiều đơn vị của Pháp đã có kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945).

Về phía lực lượng ta ở Hà Nội có 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, 1 đại đội cảnh vệ, 4 trung đội pháo ở các pháo đài: Láng, Xuân Canh, Thổ Khối, Xuân Tảo, với tổng quân số 2.516 người, được trang bị 1.516 súng trường, 3 trung liên, 1 đại liên, 1 ba-dô-ka 60mm, 1.000 lựu đạn, 80 bom ba càng, 200 chai xăng cơ-rếp, 7 khẩu pháo cao xạ, 1 khẩu sơn pháo 75mm, 1 khẩu pháo 25mm, 2 khẩu cối 60mm.

Ngày 12/12/1946, trước âm mưu đô hộ nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến(2). Ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Người đã kêu gọi toàn dân tộc đoàn kết đứng lên chống lại thực dân Pháp: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc… Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(3).

Vào 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, khi đèn điện thành phố vụt tắt, quân và dân Hà Nội đồng loạt tiến công 21 vị trí quân Pháp đóng quân và hoàn toàn làm chủ tình thế, dựa vào công sự, chiến lũy và thế liên hoàn của các căn nhà, dãy phố, kiên cường chiến đấu gây cho địch nhiều tổn thất.

Các chiến sĩ “cảm tử quân” ôm bom ba càng lao vào diệt xe tăng, thiết giáp, gây nên nỗi kinh hoàng cho quân Pháp. Hình ảnh dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ cảm tử trở thành biểu tượng của ý chí “Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân dân Thủ đô đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, phá hỏng 22 xe tăng và xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi và bắn hỏng 7 máy bay địch, bắn chìm 2 ca nô.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch, quân ta đã thực hiện cuộc lui quân “thần kỳ”, rút khỏi thành phố trong vòng vây khép kín của kẻ thù, vượt qua sông Hồng, lên Chiến khu an toàn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Đối với thực dân Pháp, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, chúng buộc phải ký Hiệp định Genève (20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Hiệp định Genève được ký kết đồng nghĩa với việc thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Đề phòng âm mưu của thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người dân di cư vào Nam, Đảng ta đã khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp quản Hà Nội.

Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô(4). Hội đồng Chính phủ công bố các chính sách đối với thành phố mới giải phóng; chính sách đối với tôn giáo; các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố mới giải phóng. Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ thành phố và chuẩn bị phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.

Tái hiện về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội - Nguồn: antv.gov.vn

 

Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp thu và quản lý thành phố. Cuối tháng 9/1954, trước sức mạnh đấu tranh của ta, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi Hà Nội đúng thời hạn. Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự. Ngày 2/10/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Theo đó, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố. Theo đó, các đơn vị bộ đội tiền trạm đã tiếp quản một số nơi ở Hà Nội theo nguyên tắc quân Pháp rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Lực lượng tự vệ nhà máy cùng nhiều công nhân cũng đến canh gác bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp của mình. Đến 16 giờ, ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội và các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh quân mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội hân hoan chào đón chính quyền cách mạng trở về Thủ đô.

Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) là mốc son rực rỡ nhất. Sự kiện này là thành quả vĩ đại sau 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) cũng đi vào lịch sử thế giới, đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới. Do đó, Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô, nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài mà các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng hân hoan phấn khởi, cùng chia vui.

Trong thư gửi đồng bào Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết”(5).

Hà Nội trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972). Trong đó, quân dân Hà Nội lập công to lớn hơn cả với thành tích bắn rơi 32 chiếc máy bay (trong đó có 25 máy bay B-52).

Trước đó, ngày 29/12/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại giao nhiệm vụ cho đồng chí Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài rằng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị”(6).

Đầu tháng 12/1972, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, nhận định: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng Không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”(7).

Nói về Chiến thắng Hà Nội - “Điện Biên Phủ trên không”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Đây là thắng lợi to lớn nhất, chiến công xuất sắc nhất của cuộc chiến tranh nhân dân trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ… Quân dân Hà Nội, quân dân miền Bắc anh hùng đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của Không quân Mỹ, lập nên một “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Hiệp định Paris”(8) .

Trong cuốn sách “Không còn những Việt Nam nữa”, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chua xót nhận ra: “Đỉnh cao của cuộc leo thang chiến tranh ở Việt Nam là đợt chúng ta đưa B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng dịp lễ Noel năm 1972. Nhưng chúng ta đã thất bại và phải ký Hiệp định Paris”(9).

Chiến thắng Hà Nội - “Điện Biên Phủ trên không” đã buộc đế quốc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Năm 1999, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký bằng tặng thưởng Thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, vai trò, vị thế, uy tín của Hà Nội ngày càng được nâng cao, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

                                

1. Lê Trọng Nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng ra mắt ở Hà Nội sau Khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, in trong: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 19/8: Cách mạng là sáng tạo, 1995, tr. 94.
2. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, dangcongsan.vn, cập nhật ngày 7/10/2019.
3. Đỗ Thoa, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) ‐ Bản hùng ca bảo vệ Tổ quốc, dangcongsan.vn cập nhật ngày 19/12/2023.
4. Nguyễn Văn Sáu, Tiếp nối chiến thắng vẻ vang,  hanoimoi.vn, cập nhật ngày 9/10/2024 .
5. Kiều Văn Vang ‐ Ngày trở về, laodongthudo.vn, cập nhật ngày 10/10/2024.
6. Lê Tử Dân, Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đối đầu với B‐52 trên bầu trời Hà Nội, phongkhongkhongquan.vn, cập nhật ngày 5/10/2017.
7. Nguyễn Văn Sáu ‐ Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ‐ nhân tố quyết định làm nên Chiến thắng “Hà Nội ‐ Điện Biên Phủ trên không”, dangcongsan.vn, cập nhật ngày 5/12/2022.
8. Nguyễn Thị Lan, Ký ức Hà Nội 1972, baotanghanoi.com.vn, cập nhật ngày 10/10/2024 .
9. Võ Hoàng Khải ‐ Phủ nhận, xuyên tạc sự thật lịch sử là tội ác, dangcongsan.vn, cập nhật ngày 29/4/2024.

 

 

NGUYỄN TOÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;