Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam trong cơn bão số 3 (Yagi)

Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta đầu tháng 9/2024 đã gây tổn thất vô cùng to lớn về người, vật chất và môi trường. Giữa ảnh hưởng khủng khiếp từ bão Yagi, tinh thần “tương thân tương ái”, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau của người dân Việt Nam một lần nữa được khơi dậy và lan tỏa qua những nghĩa cử ấm áp tình người. “Tương thân, tương ái” chính là truyền thống tốt đẹp, cao quý của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi nhân dân, động viên các lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Tuyên Quang ngày 12/9/2024 - Ảnh: TTXVN

 

Bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa, kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn. Bão Yagi đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, cả trên biển và trên bờ, toàn bộ địa bàn của một số địa phương và tại nhiều địa phương. Bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm 2024 có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó. Sơ bộ, thiệt hại về tài sản khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 15/9, đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương(1). Bên cạnh đó, bão gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Trước sức tàn phá của bão Yagi, truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam như được nhân lên gấp bội và không ngừng lan tỏa giá trị nhân văn, cao quý.

“Tương thân, tương ái” là một truyền thống quý báu được xây dựng và giữ gìn từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào luôn yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Tinh thần “tương thân, tương ái” là sự quan tâm, gắn kết, hỗ trợ, yêu thương lẫn nhau giữa con người với con người, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, là cơ sở tạo nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Bên cạnh sức ảnh hưởng và tàn phá khủng khiếp của cơn bão Yagi, những hình ảnh cảm động về tình người, về những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ đồng bào giảm thiểu thiệt hại, chung tay vượt qua khó khăn, hoạn nạn cũng được lan tỏa. Có thể khái quát truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam - nhìn từ bão Yagi trên một số phương diện cốt lõi sau đây:

Đảng và Nhà nước huy động mọi nguồn lực quốc gia đồng hành lúc dân cần, khi dân khó với tinh thần  “cứu dân là ưu tiên cao nhất”. Trước, trong và sau bão, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Đó chính là tinh thần“6 điểm tựa Việt Nam” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khái quát: Thứ nhất là điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế. Điểm tựa thứ hai là chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Điểm tựa thứ ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn", "bầu ơi thương lấy bí cùng”. Điểm tựa thứ tư là nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Điểm tựa thứ năm là quân đội, công an. "Lúc cần, lúc khó có quân đội, công an". Điểm tựa thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân(3). Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã trực tiếp đến những điểm nóng, những nơi có “mạch sủi” trên đoạn đê xung yếu, vùng “rốn lũ” hay nơi xảy ra trận sạt lở đất kinh hoàng,… để sẻ chia với những mất mát của đồng bào, động viên các lực lượng cứu nạn, cứu hộ; kịp thời có những chỉ đạo sát sao với chính quyền, lực lượng chức năng. Lực lượng vũ trang đã phát huy vai trò “sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt” để triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ. Lực lượng vũ trang có mặt ở nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, với tinh thần không để ai bị đói rét, bị khát, không có chỗ ở,... Đã có cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ. Sát sao, quyết liệt, gần dân và vì dân là tinh thần chung của toàn bộ hệ thống chính trị được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Luôn ở bên nhân dân ngay lúc khó khăn nhất, những tâm thế và hành động đó làm ấm lòng người dân vùng thiên tai và củng cố niềm tin của dân vào hệ thống các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp: “Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Chúng ta đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất... Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng”(4).

Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, tập thể, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam đã sẻ chia, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng giúp đỡ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các tổ chức trong hệ thống chính trị “phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước và tinh thần: “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc” như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm(5). Hàng triệu người, theo cách của mình, sẵn sàng quên thân cứu nạn, sẻ chia vật chất, tình người cho vùng bão lụt. Họ chỉ là những người rất đỗi bình thường nhưng khi hoạn nạn thì gác lo toan mưu sinh, “mình vì mọi người”, có những hành động phi thường. Đó là những địa chỉ cung cấp nơi ở miễn phí và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người bị mất nhà cửa do bão lũ. Đó là hình ảnh một đoàn xe ô tô đi trên cầu đã chủ động giảm tốc độ, đi chậm để che chắn gió cho các xe máy vượt qua cầu,... Những nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa không chỉ là hình ảnh đẹp, là câu chuyện ấm lòng giữa cơn cuồng phong bão Yagi, mà còn tiêu biểu cho một trong những giá trị tốt đẹp, cao quý nhất của dân tộc Việt Nam - “tương thân, tương ái”. Phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, rất nhiều cá nhân, tập thể đã và đang quyên góp ủng hộ bằng tiền, thực phẩm, quần áo, đồ dùng,... Nhiều đoàn xe ủng hộ, hỗ trợ hướng về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ với tinh thần ai có của giúp của, ai có công giúp công, có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít,... Tinh thần “tương thân, tương ái”, tình đồng chí, nghĩa đồng bào hơn lúc nào hết lại được thắp sáng trong những lúc gian khó từ bão Yagi. Trong khó khăn, hoạn nạn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Lực lượng vũ trang cùng với cán bộ cơ sở đã bất chấp nguy hiểm lao mình vào mưa giông, bão giật cứu giúp người dân, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân. Tinh thần “chiến tranh nhân dân” được khơi dậy mạnh mẽ, đầy xúc động trong bão lụt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi giáo viên và học sinh trường Mầm non Ánh Dương ( TP Yên Bái) trong chuyến công tác kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái ngày 12/9  - Ảnh: Trần Hải

 

Nhiều quốc gia, tổ chức và bạn bè quốc tế đã nhanh chóng chia sẻ, hỗ trợ, cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi. Các nước như Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Mỹ, Australia,... đã thông báo các gói viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam để khắc phục hậu quả của bão Yagi - cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, gây mưa lớn, lũ lụt,... trên diện rộng ở miền Bắc. Khắc phục hậu quả của bão Yagi, Việt Nam đang nhận được sự sẻ chia của cộng đồng quốc tế, là minh chứng thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong tâm trí bạn bè quốc tế. Tình đồng bào, nghĩa đồng bào dù ở ở trong nước hay quốc tế vẫn luôn mãi thiêng liêng và ngời sáng. Tình đồng bào ấy chính là thứ gắn kết, là sợi dây nối nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, từ ngàn đời nay, trước giặc ngoại xâm, rồi giặc bão lũ, thiên tai. Gió to bão lớn có thể đổ cây, có thể sập nhà nhưng mái nhà của tình đoàn kết, “tương thân, tương ái” đồng bào ngàn đời của người dân Việt không dễ lung lay. Đó cũng là minh chứng sinh động cho trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại,... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(6). Giúp nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn, giúp bạn là tự giúp mình cũng là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, từng được phát huy cao độ trước đây, đặc biệt khi dịch bệnh COVID -19 bùng phát trên quy mô toàn cầu.

“Mưa bão dù ác liệt đến đâu rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình đồng chí, nghĩa đồng bào mãi còn ở lại cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”(7). Từ bão Yagi, truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam tiếp tục được khẳng định và lan tỏa giá trị. Ngày nay, trong hệ giá trị quốc gia, “tương thân, tương ái” vẫn là yếu tố quan trọng, là nền tảng tạo niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

                                        

1. PV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bão Yagi có thể khiến GDP năm 2024 của Việt Nam giảm 0,15 điểm phần trăm, consosukien.vn, 16/9/2024.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.622.
3. Hà Văn, Thủ tướng chia sẻ về “6 điểm tựa Việt Nam”,  15/9/2024, chinhphu.vn.
4. Hà Văn, Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau “siêu bão” lịch sử, 15/9/2024, chinhphu.vn.
5. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, vanhoanghethuat.vn, ngày 10/9/2024.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.162.
7. Hương Diệp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến: Mưa bão rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình đồng chí, nghĩa đồng bào mãi còn ở lại, mattran.org.vn, 11/9/2024.

 

NGUYỄN QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024

;