Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024) là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, từng giữ nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đã để lại một di sản lý luận quý giá, trong đó có những tư tưởng chỉ đạo về không ngừng quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa của nhân dân, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: CTV
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người nặng tình với nền văn hóa dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (trước kia thuộc xứ Kinh Bắc, phủ Từ Sơn), tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Phú Trọng được nuôi dưỡng bởi suối nguồn văn hóa trong lành từ những câu ca dao, tục ngữ của bố và lời ru của mẹ.
Hồi ức về thuở thiếu thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Tôi sinh ra ở một làng quê gần sông Hồng đỏ đục phù sa thuộc ngoại thành Hà Nội. Làng tôi nghèo lắm, cũng giống như cái nghèo của biết bao làng quê khác trên đất nước ta trước Cách mạng tháng Tám. Ông bà, bố mẹ tôi đều là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, không có điều kiện học hành đến đầu đến đũa, nhưng các cụ thuộc rất nhiều ca dao, dân ca. Tôi lớn lên trong tiếng ru của mẹ và trong những lời răn dạy từ tục ngữ, ca dao của bố”1.
Như vậy, ngay từ thuở ấu thơ, cậu bé Nguyễn Phú Trọng đã được tiếp cận với những nét đẹp của truyền thống văn hóa qua những câu ca dao, tục ngữ, những làn điệu dân ca chứa đựng những bài học về đạo lý làm người, về vẻ đẹp của quê hương, đất nước và những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Không gian, môi trường văn hóa đó đã sớm hình thành nên những phẩm chất, đức tính tốt đẹp trong con người Nguyễn Phú Trọng - một người gắn bó sâu nặng với quê hương, đất nước, có tâm hồn đôn hậu, vị tha.
Lớn lên trong thời buổi chiến tranh, chứng kiến cái đói, cái nghèo, cuộc sống lam lũ, vất vả, nhọc nhằn của bà con nông dân và những người thân xung quanh, cậu học trò Nguyễn Phú Trọng đã nỗ lực, quyết tâm vươn lên bằng con đường học hành, thi cử. Nhớ về những năm tháng nhọc nhằn nhưng đầy ắp kỉ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Hồi hòa bình mới lập lại ở miền Bắc (năm 1954), trường sở, nơi học hành ở quê tôi còn rất thiếu. Hai, ba xã mới có một lớp 4, vài huyện mới có một trường cấp II, cho nên chúng tôi phải đi học rất xa. Từ năm lớp 4, lớp 5 chúng tôi đã phải trọ học. Vài ba anh em cùng ở nhờ một nhà dân, tự lo cơm nước, nấu nướng với nhau. Nhà nghèo cho nên học hành càng gian nan, vất vả, ăn uống thì kham khổ, thiếu thốn. Nhiều lúc tôi phải vừa học vừa lao động kiếm sống để nuôi mình. Ròng rã hơn 6 năm tôi sống và học trong điều kiện như thế. Nhưng chúng tôi rất ham học, đua nhau học và sống rất vô tư, thỏa mái”2.
Sau này khi trở thành sinh viên khoa Ngữ Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, niên khóa 1963-1967, rồi trở thành cán bộ Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), nguồn suối văn hóa mát lành từ những câu ca dao, dân ca, tục ngữ đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực tinh thần to lớn, góp phần hình thành nên phong cách, tâm hồn, đức tính tốt đẹp trong con người Tổng Bí thư. “Tôi đặc biệt say mê đọc, học thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian, rồi Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu…, những hồn thơ đậm chất dân gian. Không phải ngẫu nhiên mà năm cuối khóa học tôi chọn đề tài "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình. Tôi đã tìm thấy phong vị ca dao dân ca đậm đà trong thơ Tố Hữu - một hồn thơ trữ tình, dịu ngọt mà khỏe khoắn, tràn đầy nhựa sống, tỏa sáng lý tưởng cách mạng, rất mới mẻ đối với trang lứa chúng tôi, và có sức lôi cuốn, hấp dẫn chúng tôi đến kỳ lạ”3.
Bài báo đầu tiên được đăng báo của Tổng Bí thư là bài Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu, đăng trên Tạp chí Văn học (số 11/1968) đã tiếp thêm động lực, tình yêu của Tổng Bí thư đối với nền văn hóa dân tộc qua những câu ca dao, dân ca, tục ngữ.
Khi được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao đảm nhiệm những cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, Tổng Bí thư luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc (năm 2021). Đây là một hội nghị có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự vận động, phát triển nền văn hóa dân tộc. Đến dự Hội nghị, Tổng Bí thư chia sẻ cảm xúc “rất vui mừng và hào hứng” khi được đến dự Hội nghị, bởi vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã điểm lại quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa với những thành tựu đạt được và cả những khó khăn, thách thức đặt ra, đồng thời đề xuất 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp cơ bản để tiếp tục xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hóa dân tộc để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi".
Những gợi mở mang tính chỉ đạo của Tổng Bí thư đã đề cập đến nhiều vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực văn hóa, từ đó tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, huy động sự tham gia đóng góp của các nguồn lực, tạo động lực, khí thế mới để quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đánh giá về những cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài viết “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, hiện là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khẳng định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ý thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hóa của Đảng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”4.
Không ngừng quan tâm, chăm lo phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở
Nhận định về vấn đề đặt ra trong đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tổng Bí thư chỉ rõ thực trạng, đó là “sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn”5.
Trước tình hình đó, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp các ngành không ngừng đổi mới tư duy, hành động, có nhiều biện pháp và cách làm sáng tạo để khắc phục tình trạng chênh lệch về trình độ và mức thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, đảm bảo quyền văn hóa của người dân. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước”6. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hoá sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, bảo đảm sự công bằng.
Về những nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Cần làm tốt hơn nữa việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số”7.
Đặc biệt quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc. Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào, kiên quyết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Theo Tổng Bí thư, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số cần coi trọng cả hai hướng: tổ chức đưa văn hóa - thông tin lành mạnh, bổ ích, thiết thực và phù hợp đến với đồng bào và hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào tự tổ chức lấy các sinh hoạt văn hóa trên cơ sở kế thừa, khai thác, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Hai hướng này đều có tầm quan trọng như nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển và giữ được bản sắc dân tộc. Đây cũng là cách thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa phù hợp với miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh việc khai thác, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống những âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa - thông tin, âm mưu “xâm lăng văn hóa” của các thế lực xấu, thế lực thù địch. Các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là truyền thanh, truyền hình, các nhà xuất bản, các hãng phim, các đội chiếu bóng…) cần có chương trình phục vụ đồng bào miền núi, vùng đồng bào các dân tộc một cách phù hợp, thiết thực, vừa góp phần nâng cao trình độ văn hóa nhân dân, thỏa mãn nhu cầu của nhân dân, vừa góp phần chiếm lĩnh trận địa làm thất bại mọi âm mưu của địch.
Thời gian qua, lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo, trình độ nhận thức còn hạn chế của đồng bào, một số kẻ xấu và thế lực thù địch đã ra sức lợi dụng để kích động, lôi kéo, xúi giục đồng bào tham gia vào các hội nhóm phản động, chống đối lại chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất tình hình an ninh chính trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bình yên của các bản làng, thôn xóm.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế đó, theo Tổng Bí thư, ngoài việc tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật thì cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến công tác cán bộ, bởi đó là vấn đề “then chốt của then chốt”. Tổng Bí thư yêu cầu các cấp các ngành cần đặc biệt chú ý đến khâu bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hoạt động văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Phải từ thực tiễn của phong trào để phát hiện những người có am hiểu, nhiệt tình, có năng khiếu làm văn hóa - nghệ thuật dân tộc để đưa đi bồi dưỡng, đào tạo theo nhiều hình thức khác nhau. Những anh chị em được cử đi học cần có chính sách hỗ trợ trong thời gian học và khi học xong phải sử dụng để tránh lãng phí. Ngành Văn hóa - Thông tin cần nghiên cứu để có nội dung bồi dưỡng, đào tạo phù hợp và thiết thực đối với những cán bộ là người các dân tộc. Làm văn hóa dân tộc rất cần có những cán bộ là người các dân tộc8.
Nhấn mạnh vào một trong những giải pháp cơ bản, then chốt, lâu dài trong xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư cho rằng cần phải “xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới" 9.
Nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, vị trí của văn hóa sẽ có ý nghĩa quan trọng, từ đó khơi dậy, lan tỏa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, nhất là khoảng cách giàu nghèo, sự chênh lệch về văn hóa giữa các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua những bài viết, bài phát biểu chỉ đạo, thư thăm hỏi, chúc mừng, cho thấy sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư đối với nền văn hóa dân tộc, trong đó có đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân sẽ cụ thể hóa thành những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực với những cách làm hay, sáng tạo nhiều giá trị văn hóa mới, tạo nền tảng tinh thần phong phú, lành mạnh, truyền những cảm hứng tích cực để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
1,2,3,5,6,7,8,9. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 559, 559-560, 560-561, 41, 45, 150, 152, 48.
4. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 26/7/2024.
TS NGUYỄN HUY PHÒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024