Mới đây, có dịp ghé thăm xã Zuôih, một xã vùng biên của tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Thạnh Mỹ - trung tâm huyện Nam Giang khoảng 85km về hướng Tây Bắc, với 99% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống. Giữa lòng thung lũng thôn Công Dồn, dưới chân núi Coong Chang, chúng tôi ghé nhà anh Tơngôl Đơớch - Nghệ nhân Dân gian trẻ khi anh cùng các nghệ nhân của xã vừa đi tham gia Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ VI, năm 2024.
Tơngôl Đơớch với tác phẩm ché gỗ Cơ Tu
Vừa rót nước mời khách, anh Tơngôl Đơớch (43 tuổi) chia sẻ: Từ hồi 13 tuổi, tôi đã theo nghệ nhân Bh'ling Hạnh trong làng làm điêu khắc gỗ, cùng đánh chiêng, hát, múa điệu Tâng tung za zá. Cái gì hay, tốt đẹp thì mình cần phải học hỏi những thế hệ đi trước để giữ gìn các giá trị truyền thống của người Cơ Tu. Để trở thành người tạc tượng gỗ giỏi, ngoài năng khiếu nghệ thuật, óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo còn cần có đức tính cẩn thận, kiên trì và nhẫn nại, bởi mọi ý tưởng, nhát chặt bằng rìu, nhát chặt bằng rựa hay đục bằng dao đều có sự tính toán và cần độ chính xác cao. Tạc sai một lần có thể phá hỏng ý định, hình dáng tổng thể của cả tượng gỗ đã xây dựng trước đó, anh Tơngôl Đơớch trải lòng khi gặp chúng tôi tại nhà.
Anh Tơngôl Đơớch, được xem như “nghệ sĩ làng”. Chỉ với con dao, chiếc rìu và vài cục than củi, một khúc gỗ ưng ý, qua vài nét gọt đẽo, tô vẽ, anh có thể tạo nên một bức tượng gỗ, bức tranh hay bức phù điêu có hồn, anh Đơớch tạc phù điêu, tượng gỗ có hồn. Làm nhiều, chế tác nhiều rồi thành quen. Mỗi lần đi rừng khi bắt gặp một gốc cây hay một khúc gỗ thô, trong đầu anh đã hình dung ra được mình phải đục đẽo như thế nào. Khi mang một gốc gỗ về, anh cũng cần thêm nhiều thời gian để ngắm nghía, hình dung rồi mới mày mò để sáng tác. Làm một bức tượng gỗ đã khó, nhưng để bức tượng đó có hồn, mang ý nghĩa và toát lên nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì càng khó hơn. Trong các ngày lễ hội của làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Chaha roo tơmêê), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví), lễ Bỏ mả (Têng-Ping), lễ Phuôih zơvây haroo; anh Tơngôl Đơớch đứng ra xin với cả làng để anh làm cây nêu, cột buộc trâu. Gốc cây nêu được anh đục, chạm và trang trí rất đẹp. Cả làng không ai tin là anh Đơớch lại khéo tay đến vậy. Rồi Đơớch đục tượng gỗ. Những tượng gỗ của Đơớch làm, kẻ nào có bụng xấu, nhìn vào phải thấy sợ; còn người có bụng tốt cũng đều cảm thấy ấm lòng và sung sướng...
Lần đầu chúng tôi tình cờ gặp Đơớch khi anh trình diễn tài tạc tượng của mình tại Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ V, năm 2022.
Bằng năng khiếu trời cho cộng với lòng say mê học hỏi, tích lũy từ vốn nghệ thuật của các nghệ nhân đi trước, Tơngôl Đơớch có khả năng thực hiện việc trang trí làm đẹp cho bức tượng gỗ và bức tranh màu, hoa văn mang nhiều sắc thái độc đáo. Tơngôl Đơớch đã tạo nên những bức tranh, nhóm tượng mang vẻ đẹp kỳ bí, hấp dẫn, độc đáo gắn vào những công trình kiến trúc của chính dân tộc Cơ Tu của mình như Gươl, nhà mồ. Tơngôl Đơớch còn kết hợp sử dụng màu sắc được tạo ra từ những chất liệu có trong tự nhiên để trang trí cho các tác phẩm điêu khắc của mình khiến chúng trở nên sinh động và gần gũi với cuộc sống thường ngày. Trong đó, hai màu chủ đạo được sử dụng nhiều nhất là màu chàm đen và màu đỏ. Hai màu sắc đen và đỏ, theo quan niệm của người Cơ Tu là hai màu thiêng vì tượng trưng cho đất và trời, cặp nhị nguyên tạo ra sự sống và cái chết. Khách tham gia ngày hội trầm trồ, thán phục trước tài nghệ của anh Đơớch và từ nghệ nhân tài hoa này, họ đã cảm nhận được thêm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.
Tơngôl Đơớch trổ tài đánh chiêng tại Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ V, tháng 8 năm 2022
Điều Đướch mừng là mỗi khi được tham gia giao lưu tạc tượng gỗ, điêu khắc các tác phẩm dân gian với các dân tộc khác, có cơ hội giới thiệu nét đẹp văn hóa điêu khắc dân gian của người Cơ Tu, cũng như được học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm thông qua kỹ thuật tạc tượng gỗ của dân tộc mình. Đơớch luôn trăn trở làm sao để tác phẩm của mình làm ra thật gần gũi với đời thường mà việc tạc tượng gỗ dân gian còn gắn liền với các lễ hội truyền thống của người Cơ Tu. Những tượng gỗ như sợi dây kết nối, gửi gắm tình cảm của thế hệ con cháu với tổ tiên, giúp họ gìn giữ lối sống sinh hoạt, lao động, sản xuất mà còn là cách để những người đang sống tưởng nhớ lại những kỷ niệm, hình ảnh gắn liền người đã mất trong làng.
Tơngôl Đơớch không chỉ tài hoa với nghệ thuật điêu khắc gỗ trẻ nhất của xã Zuôih mà còn đánh chiêng rất điêu luyện, điều đó đã giúp anh Tơngôl Đơớch tham gia nhiều ngày hội cồng chiêng do huyện, tỉnh tổ chức. Theo Tơngôl Đơớch, lớp trẻ Cơ Tu ngày nay năng động, đi học rồi làm những việc có thu nhập cao hơn, còn nghề đan lát lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, giá trị kinh tế không cao, đến nghệ thuật điêu khắc gỗ làm ra những tượng gỗ dan gian tiêu thụ ít nên các em ít theo nghề truyền thống. Phát huy được năng khiếu của bản thân, tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, ngày hội tạc tượng gỗ dân gian trên địa bàn xã Zuôih, huyện Nam Giang.
Tơngôl Đơớch đang truyền nét vẽ trên tác phẩm hội hoại Con gà trống cho lớp trẻ Cơ Tu trong làng
Với anh Tơngôl Đơớch luôn cống hiến tận tâm tậm lực nghệ thuật điêu khắc gỗ cho truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Những bức vẽ, những tượng gỗ do anh làm nên không đơn thuần là làm đẹp mà còn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh quan sâu sắc của chàng trai Cơ Tu trẻ với quê hương và núi rừng Nam Giang trên vùng Trường Sơn hùng vĩ. Chính vì lẽ đó, nhiều người gọi Tơngôl Đơớch là nghệ nhân Cơ Tu tài hoa nhất, có lẽ không quá lời. Bởi năm nay, mới ngoài 43 tuổi mà anh hầu như nắm giữ những tinh hoa về hội họa, điêu khắc, trang trí và một số môn nghệ thuật truyền thống khác của dân tộc Cơ Tu. Tơngôl Đơớch là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn lại giữa núi rừng đại ngàn Trường Sơn có thể tạc tượng, vẽ tranh say mê như một nhà điêu khắc, hay một họa sĩ...
Nói về việc làm của các nghệ nhân cộng đồng, ông Doãn Bing, Chủ tịch UBND xã Zuôih cho biết: Qua thời gian, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu đang bị mai một. Nghệ nhân duy trì nghệ thuật điêu khắc gỗ hiện nay không còn nhiều. Việc lưu giữ và truyền bá những giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số đến nay vẫn còn là một bài toán khó. Trong khi những người nắm rõ, hiểu biết và thông thuộc các thể loại điêu khắc gỗ truyền thống Cơ Tu đều đang ở tuổi xế chiều và họ luôn đau đáu với nỗi lo thất truyền những giá trị truyền thống. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu, thời gian qua, xã đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ, khôi phục nghề truyền thống của bà con. Đến nay, địa phương đang khôi phục và giữ gìn một số nghề truyền thống như dệt vải, đan lát mây tre, nghệ thuật điêu khắc gỗ... Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ quan tâm hơn nữa đến những nghệ nhân trẻ, trong đó có anh Tơngôl Đơớch gắn bó từ lâu với nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian gắn liền trong đời sống văn hóa, tâm linh Cơ Tu, nhằm giữ gìn và phát triển những giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
SƠN GIA PHÚC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024