Bí ẩn bãi cọc gỗ bên dòng sông Thương

Hơn 20 năm trước, người dân thôn Tiên La, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) phát hiện hơn 100 khúc gỗ lim lớn nằm sâu dưới lòng đất bên thềm sông Thương. Sự việc đã được trình báo cấp trên, rất tiếc mọi thứ mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát mà chưa có những nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn. Có nhiều giả định được giới chuyên môn đặt ra, song, cho đến nay, thông tin liên quan đến những thớ gỗ lim cổ này vẫn đang là vấn đề bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu.

Tháng 12/2019, đoàn cán bộ Bảo tàng Bắc Giang trong quá trình điền dã tại thôn Tiên La, xã Đức Giang (Yên Dũng) đã tiếp nhận thông tin rất bất ngờ qua văn bản do ông Nguyễn Quang Thôn hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Giang viết cách đây hơn 20 năm. Văn bản của ông Thôn - lúc đó là cán bộ thống kê xã, gửi ngày 14/7/1997, trình báo về việc phát hiện nhiều hiện vật gỗ lim ở sâu dưới ao của một hộ dân thôn Tiên La, khi người dân đào đất làm trạm bơm cục bộ năm 1993.

 

Phát hiện mới về khảo cổ học

Tiếp chúng tôi, ông Thôn mở tủ sắt, cẩn thận lấy ra một tờ giấy viết tay đã ố vàng nhưng nét chữ vẫn rất rõ ràng. Đã hơn 20 năm, song những lời mô tả trong lá đơn vẫn là vấn đề mới mẻ, ít người biết đến: "Năm 1993, thôn Tiên La làm trạm bơm cục bộ, đã lấy đất dưới lòng hồ để lấp bể bơm. Khi đào đất, thấy hiện vật là gỗ lim ở sâu dưới lòng hồ. Tháng 11/1994, 10 lao động đã "khai thác vụng ban đêm", trong thời gian ngắn đã đào được hơn 100 khúc gỗ lim và họ chia nhau sử dụng hết…”.

Theo bản trình báo, vị trí hiện vật ở giáp chân đê sông Thương, tìm thấy ở độ sâu 3m so với mặt ruộng (2m so với đáy hồ), từ mặt trên tới mặt dưới của hiện vật gỗ dài 2m. Phải đào qua 1,5m đất sét cứng, sau đó tới đất cát đen thì phát hiện các khúc gỗ. Hiện vật phát hiện gồm nhiều phiến gỗ có kích thước dài từ 2 - 3,5m, đường kính 0,3m, được ghép thành kiến trúc gần nửa vòng tròn, có hệ thống cột chôn sâu đỡ, có dầm ngang và gỗ đặt dọc. Theo nhận định của ông Thôn thì nhân dân đã lấy 4 đoạn khớp nối với tổng số hơn 100 khúc, gồm: Ghép ván 13 cây/đoạn nối, 8 cột cả hai vế và các cây đặt dọc. Do di tích ăn vào ruộng canh tác của người dân nên việc khai thác trái phép sau đó phải dừng lại. Kiến trúc gỗ chưa lấy vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất. Rất tiếc là từ năm 1997, sau khi nhận được trình báo, các cơ quan chức năng, Bảo tàng Hà Bắc, sau này là Bắc Giang đã có một số lần cử cán bộ về khảo sát bước đầu song cũng chưa có đánh giá, tìm hiểu kỹ.

Được biết, Bảo tàng Bắc Giang từng cử một đoàn công tác về kiểm tra, xác minh thực tế trong tháng 12/2019 và có báo cáo Viện Khảo cổ học đề nghị phối hợp khảo sát. Tháng 10/2020 và 12/2021, đoàn khảo sát của Bảo tàng Bắc Giang và Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức khảo sát tại khu vực này. Qua khảo sát, đã xác định bước đầu đây là kiến trúc gỗ nằm sâu trong lòng đất thuộc khu vực ao cá nhà anh Hà - một khu vực trũng thấp gần cửa sông Thương hợp lưu với sông Lục Nam, cách cửa sông 1,4 km về phía Nam. Từ phía Bắc của trạm bơm xuống tới cửa sông, trong phạm vi kéo dài 2 km phía trong đê có nhiều ao hồ có thể nối lại thành dải. Theo bà con địa phương, đây là những vết tích ao hồ do người dân lấy đất đắp đê sông Thương trong lịch sử. Tuy nhiên, kết quả khảo sát viễn thám cũng ghi nhận khu vực này là vùng thấp trũng, có thể là dòng sát bờ cũ của sông Thương khi chưa có đê như hiện nay. Theo Địa chí Bắc Giang: Đê sông Thương ở khu vực này thuộc vùng xung yếu và được Công sứ Pháp là Maire cho đắp trong khoảng thời gian từ 1909 - 1914, góp phần ngăn chặn nạn ngập lụt.

Khu vực ao cá, nơi phát hiện di tích, theo lời chủ nhà thì từ đáy ao phải đào sâu thêm ít nhất 2m mới chạm tới những tấm gỗ đã phát hiện trước đây. Trong quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu được nhân dân địa phương chỉ dẫn chi tiết vị trí từng đào đất đắp trạm bơm, nơi phát hiện gỗ cũng như những đồ vật được các gia đình trong vùng lấy gỗ từ năm 1993, 1994 đóng đồ sử dụng trong gia đình (bàn ghế, sập, lan can cầu thang…).

Ngoài những mảnh gỗ đã được gia công thành đồ dùng sinh hoạt, nhóm khảo sát tiếp cận được một khúc gỗ nguyên vẹn, hiện được lưu giữ tại gia đình anh Hà. Có lẽ khúc gỗ này được phát hiện ở thời điểm sau năm 1994 nên vẫn được gia đình giữ lại chưa sử dụng như những khúc gỗ đã phát hiện trước đó. Khúc gỗ lớn hình khối hộp, hai đầu được cắt gọn gàng, ba mặt thân xẻ phẳng, một vế còn lại vẫn là thân gỗ tròn. Gỗ rất chắc và tốt, dài 1,85m, rộng 0,25m, dày 0,19m. Trên hai mặt phẳng có đục tạo lỗ vuông xuyên qua thân gỗ. Trong một lỗ đục vuông có một đinh sắt lớn. Khúc gỗ trên khá giống mô tả của ông Nguyễn Quang Thôn về những thanh gỗ ghép máng phát hiện năm 1994 (được đẽo 3 vế, có cá gỗ đục ghép lần lượt các khúc vào nhau) nhưng kích thước ngắn hơn. Các nhà nghiên cứu nhận định: đây là khúc gỗ được đóng ở vị trí trên bề mặt để tạo sàn của một công trình kiến trúc. Nó được đỡ bởi hai thanh dầm ở hai đầu, thanh dầm cũng được làm bằng gỗ và sau khi đặt khúc gỗ lát sàn lên, chúng được cố định bằng cách đóng đinh xuyên từ mặt sàn xuống thanh dầm, tạo một mặt sàn gỗ phẳng và có sức chịu lực lớn.

Ông Lê Văn Đua - một trong những nhân chứng đã tham gia trong đợt đào đất làm trạm thủy lợi tại thôn Tiên La và hiện đang quản lý trạm cho biết: Có tổng số 110 hộp gỗ lim đã được đào lên tại vị trí này. Sau khi người dân đưa lên, tình trạng gỗ khá mềm mủn nhưng để một thời gian sau chúng rắn chắc lại. Điều đặc biệt là những tấm gỗ sau khi được chế tác thành bàn ghế, sập, tủ, lan can cầu thang… để càng lâu thì gỗ càng đen bóng, hiện các vật dụng còn rất chắc chắn. “Nhiều khả năng dưới lòng đất thuộc khu vực này vẫn còn khối lượng lớn các tấm gỗ lim nữa”, ông Lê Văn Đua nhận định.

Nhận định bước đầu

Tìm hiểu tư liệu lịch sử về các dấu tích trong khu vực này và qua khảo sát, các cụ trên 80 tuổi ở thôn Tiên La đều khẳng định: trong quá trình sinh sống tại đây, họ không hề biết và chưa nghe nói có một công trình di tích nào nằm ở vị trí này. Trong khi vùng đất Tiên La là nơi hợp lưu của sông Thương, sông Lục Nam và khu vực Lục Đầu Giang (cách Tiên La 11km về phía Nam) có vị trí chiến lược rất quan trọng về mặt giao thông đường thủy và có mối liên hệ với vương triều nhà Trần trong lịch sử đấu tranh chống giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII - XV. Kiến trúc gỗ đã phát hiện kể trên nằm ven sông, rất có thể là một công trình liên quan mật thiết với vị trí chiến lược của khu vực này trong lịch sử. Điểm phát hiện nằm gần đền thờ Trần Minh Tông tại thôn Tiên La, xa hơn chút là đền Cổ Phao (thờ danh tướng Nghĩa Xuyên thời nhà Trần), cách chùa Vĩnh Nghiêm khoảng 2,5km, bên kia là khu di tích Kiếp Bạc - phủ đệ của Trần Hưng Ðạo.

Từ thực tế hiện vật phát hiện và qua đánh giá nghiên cứu, bước đầu có thể nhận định: kiến trúc gỗ phát hiện tại thôn Tiên La được xây dựng bằng gỗ lim tốt, các dấu vết kỹ thuật, cưa, cắt, đục, đóng đinh… đều rất quy chuẩn, cho thấy tính chất quan trọng của kiến trúc này trong đời sống xã hội đương thời. Ngoài hơn 100 khúc gỗ lim đã được người dân khai thác năm 1994, theo nhân dân địa phương, trong lòng đất vẫn còn nhiều khúc gỗ khác. Dựa vào những thông tin thu thập được, bước đầu có thể nhận định: ở khu vực này đã từng tồn tại một công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn. Do nằm ở vùng trũng, ven sông và qua hình dáng tạo tác, có thể là một kiến trúc gỗ dạng cầu, hộp cống hoặc bến thuyền. Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam thì đây có thể là dạng khuôn đóng thuyền lớn. Niên đại di tích cũng được xác định dựa trên hiện trường khảo sát, có thể thấy lớp bồi tụ phù sa đã vùi lấp công trình kiến trúc gỗ dưới độ sâu khoảng 2m. Để có thể hình thành lớp bồi tụ này, theo đối chiếu của các nhà khoa học, cần phải mất khoảng 500 - 700 năm. Bên cạnh đó, tính chất, cách chế tác gỗ và nhất là những đinh thuyền chữ T cho thấy các hiện vật thường được sử dụng trong việc đóng các công trình gỗ lớn và khá phổ biến trong giai đoạn thời Trần - Lê sơ (thế kỷ XIII - XV).

Những khúc gỗ được người dân lấy lên từ bãi cọc gỗ bí ẩn nằm dưới lòng đất ở thôn Tiên La mấy chục năm trước

 

Ông Nguyễn Quang Thôn cho biết: Năm 2017, một gia đình đang ở trên vị trí đó đã đào được thêm hàng chục khúc gỗ nữa dưới ao. Chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn cấp trên, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tổ chức các chương trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ học để có đánh giá cụ thể, chính xác hơn về những hiện vật gỗ lim tìm thấy ven sông Thương, từ đó làm căn cứ khoa học để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Công trình kiến trúc gỗ phát hiện tại thôn Tiên La cần được nghiên cứu chi tiết hơn. Tuy nhiên, bước đầu cho thấy, có rất nhiều dấu ấn lịch sử liên quan đến thời Trần ở khu vực này cần tiếp tục làm rõ. Được biết thời gian tới, Bảo tàng Bắc Giang sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu, xác định vị trí còn lại của kiến trúc bí ẩn này cũng như khảo sát kỹ các dấu tích văn hóa vật chất liên quan để đề xuất giải pháp khai quật, bảo tồn.

 

TUẤN KHOA - TIẾN ĐẠT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

;