Phủ Chủ tịch - di sản kiến trúc, lịch sử giữa lòng Hà Nội

Nằm tại trung tâm Ba Đình (Hà Nội), bên cạnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch nằm uy nghi, bề thế ngay mặt đường Hùng Vương. Công trình này đã được tạp chí Architectural Digest – một tạp chí uy tín về nghệ thuật và kiến trúc, bầu chọn là một trong 13 dinh Tổng thống đẹp nhất thế giới.

Phủ Chủ tịch đã được Tạp chí Architectural Digest bầu chọn là một trong 13 dinh Tổng thống đẹp nhất thế giới – 
Nguồn ảnh: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Di sản kiến trúc độc đáo

Phủ Chủ tịch là công trình được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp thiết lập xong chế độ đô hộ ở ba nước Đông Dương. Với âm mưu chiếm đóng lâu dài, người Pháp đã ráo riết tìm kiếm một vùng đất để xây dựng cơ quan đầu não của chính quyền thực dân tại Đông Dương. Nhưng mãi đến năm 1897, khi công việc phá dỡ tường thành Hà Nội hoàn tất, chính quyền thực dân mới quyết định lấy một phần đất ở phía Tây Bắc thành Thăng Long cũ và một phần đất của Vườn Thực vật (nay là Bách Thảo) để xây dinh.

Công trình mang phong cách kiến trúc Phục hưng do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Charles Lichtenfelder thiết kế và phụ trách thi công trong suốt 6 năm (1900 - 1906). Tòa nhà được xây dựng vô cùng kiên cố, riêng phần móng đã mất hơn một năm. Mặt bằng công trình hình vuông theo kiểu Palladio thời Phục hung, hậu kỳ có lối vào từ 3 phía mang tính đối xứng nghiêm ngặt, đây cũng là nét độc đáo của tòa nhà vì ở Hà Nội chỉ có duy nhất Dinh Toàn quyền là có dạng mặt bằng này. Phía trước sảnh chính là một cầu thang đại hội lớn xây bằng đá rất rộng, có nhiều bậc và được kéo thẳng lên tầng một càng làm tăng tính kỳ vĩ của công trình. Cầu thang ở những phía còn lại có bản thang nhỏ gọn hơn nhưng cũng được trang hoàng bằng các hình thức đậm chất cổ điển.

Diện tích sử dụng của toà nhà gần 1.300m2. Quy mô đồ sộ và phong cách kiến trúc của toà nhà như muốn thể hiện quyền uy và sức mạnh của nước Pháp. Theo thiết kế, tòa nhà chính cao 4 tầng gồm: tầng hầm, tầng trệt và 2 tầng gác. Thời Pháp, tầng hầm được dùng để lương thực và thực phẩm, nhà bếp… Tầng trệt gồm các phòng chính như: phòng khánh tiết lớn, phòng hội đàm và thư viện. Tầng 2 và tầng 3 là nơi ở của gia đình Toàn quyền. Toàn bộ tòa nhà có trên 30 phòng, mỗi phòng được trang trí theo một phong cách riêng rất cầu kỳ, tỷ mỉ: Phòng khánh tiết lớn được thiết kế theo phong cách Vua Louis XIV; phòng ăn lớn theo phong cách thời Phục hưng; phòng riêng của Toàn quyền theo phong cách thời đại đế Pháp.

Nguyên liệu để xây dựng lên công trình này cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những loại tốt nhất trong nước và ngoài nước lúc bấy giờ: gạch của Nhà máy gạch Hà Nội, Đáp Cầu (Bắc Ninh), đá ở vùng Đông Triều (Quảng Ninh) và Kẻ Sở (Hà Nam). Đá cầu thang ngoài trời là đá hoa cương trắng Thanh Hóa. Gỗ làm cầu thang, cửa ra vào là gỗ lim, gụ Thanh Hóa, Nghệ An. Gỗ lát sàn là lãnh sam (họ của gỗ thông) nhập khẩu từ Mỹ và Na Uy, xi măng sản xuất ở Pháp… Có thể nói, công trình đã tiêu tốn rất nhiều tiền của, mồ hôi và nước mắt của nhân dân ta.

Khi đó, tòa nhà có tên gọi là Phủ Toàn quyền Đông Dương vì đây là nơi ở và làm việc của Toàn quyền và quyền Toàn quyền Đông Dương. Mỗi lần thay đổi đời Toàn quyền, công trình lại được tu sửa theo ý thích của những người chủ mới. Với tư cách trụ sở cơ quan quyền lực cao nhất toàn xứ Đông Dương, với tính chất một công trình long trọng, nguy nga, được xử lý nhuần nhuyễn theo nguyên tắc kiến trúc Phục hưng hậu kỳ, Dinh Toàn quyền Đông Dương xứng đáng là đại diện lớn nhất cho thể loại nhà hành chính theo phong cách Tân cổ điển ở Hà Nội.

Nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng

Từ khi tòa nhà được hoàn thành đến khi Cách mạng Tháng Tám (1945)  thành công, đã có 29 đời Toàn quyền và quyền Toàn quyền sống và làm việc tại đây. Đời toàn quyền đầu tiên là Paul Beau và cuối cùng là Decoux.

Từ năm 1945 đến năm 1946, phát xít Nhật và quân đội Trung Hoa dân quốc đã chiếm giữ tòa nhà này. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai thì nơi đây lại trở thành trụ sở cao nhất của chính quyền thực dân. Tòa nhà này chỉ thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công (1954). Sau khi Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc về Hà Nội, với mong muốn đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và đáp ứng được những nghi lễ ngoại giao khi Người đón tiếp khách trong nước và quốc tế, các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ đã mời Người về ở và làm việc tại Phủ Toàn quyền cũ, nhưng Người khước từ. Người đề nghị sử dụng tòa nhà làm nơi làm việc và tiếp khách của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam. Từ đó, tòa nhà được gọi là Phủ Chủ tịch. Nơi đây, đã diễn ra những hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước.

Tại Phủ Chủ tịch, đã diễn ra những phiên họp Hội đồng Chính phủ, đề ra đường lối chủ trương, chính sách nhằm củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh, chăm lo đời sống của nhân dân, đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam đi đến thống nhất đất nước, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế như: phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (23/12 – 25/12/1954), kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa I, đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất cũng được tiến hành tại đây…

Phủ Chủ tịch còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Nhà nước Việt Nam tiếp đón, hội đàm với một số vị nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng các nước anh em, đại sứ các nước đến trình quốc thư. Tại đây, Người cũng đón tiếp, gặp gỡ các đoàn nghệ thuật, thể thao, các nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, các tổ chức quần chúng... và bạn bè khắp nơi trên thế giới đến với Việt Nam. Những buổi tiếp đó đã để lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc  trong lòng nhân dân và những người yêu tự do, hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới.    

Đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng – những chủ nhân tương lai của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm yêu thương đặc biệt. Bác thường đón các cháu vào đây vui chơi. Trong không gian tươi mát của Phủ Chủ tịch, rộn ràng những tiếng hát lời ca, những câu chuyện của trẻ nhỏ chia sẻ với Bác về thành tích học tập, lao động.

Với tất cả ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Phủ Chủ tịch được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Song, cũng từ đó đến nay, tòa nhà này vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam. Những hoạt động trọng thể của Đảng và Nhà nước vẫn được tiến hành tại nơi này.

 

TRẦN THU HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;