Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”

Làng Vệ Yên, xã Quảng Thắng, huyện Quảng Xương (nay là phố Vệ Yên, phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa) không chỉ nổi tiếng là một vùng quê trù phú mà còn lưu giữ được nhiều nét đẹp lịch sử - văn hóa truyền thống tiêu biểu, trong đó có trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”.

Trò chạy chữ  Thiên - Hạ -Thái - Bình  tại Lớp tập Hỗ trợ tập luyện, thực hành trò Tú Huần và Thiên Hạ Thái  Bình tại thành phố Thanh Hóa, năm 2024

 

Theo những người cao tuổi tại phường Quảng Thắng, cho đến nay, không có tài liệu nào ghi nhận trò chạy chữ được đưa vào làng từ bao giờ, chỉ biết sau Cách mạng tháng Tám, hằng năm, cứ đến ngày mồng 7, mồng 8 tháng Giêng, làng mở hội, tổ chức lễ tế Thành hoàng làng Nguyễn Phục thì có trò chơi chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” hay còn gọi trò chạy Gậy (bởi chủ yếu đạo cụ là gậy) cùng với các trò diễn khác như: Đấu vật, đấu võ, tung cù, múa hát…

Những năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đến cuối thế XX (1995) do nhiều nguyên nhân nên Vệ Yên không tổ chức hội làng. Vì vậy, các trò chơi, trò diễn bị gián đoạn, mai một. Thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, năm 1996, Đảng ủy xã Quảng Thắng (nay là phường Quảng Thắng) đã ban hành Nghị quyết khai trương xây dựng làng Vệ Yên thành Làng văn hóa đầu tiên của thành phố Thanh Hóa. Đồng thời, khôi phục lại một số trò chơi trò diễn dân gian trước đây như Phá trận, Chạy chữ, Tung cù… và thành lập Câu lạc bộ Võ thuật Tiêu Sơn; lập tờ trình đề nghị UBND thành phố, Sở VHTTDL Thanh Hóa cho phép tôn tạo lại đền thờ Nguyễn Phục. Trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” kết hợp biểu diễn võ thuật hướng tới mục đích giáo dục cộng đồng tinh thần thượng võ để rèn luyện sức khỏe, cống hiến sức mình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước đồng thời gửi gắm mong cầu, ước nguyện về cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Vào các ngày mồng 7, 8 tháng Giêng, trong lễ hội của làng, cùng với các nghi thức rước kiệu, tế lễ, các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng, thể thao (tung cù, bịt mắt đánh trống, múa lân rồng...), trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” là một trong những “điểm nhấn”, thu hút đông đảo người xem. Trò chạy chữ được diễn ra trong không gian của đền thờ Nguyễn Phục, đền thờ Thành hoàng của làng.

Cách thức tổ chức trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” rất độc đáo. Số lượng người tham gia khoảng từ 20 đến 30 hoặc có thể huy động lên tới 80 hoặc hơn 100 người tùy sự kiện, sân khấu, bao gồm cả nam và nữ. Không có yêu cầu quá khắt khe, người tham gia cơ bản đáp ứng các yếu tố sức khỏe, nhiệt tình, thuộc chữ, khả năng quan sát, ghi nhớ tốt.

Khi vào đội hình, “quân” sẽ được chia thành hai đội với số lượng người tương đương, dẫn đầu mỗi đội là ông tướng. Hai đội phân biệt với nhau bằng màu sắc trang phục nên thường gọi là quân xanh và quân đỏ. Quân xanh là quân địch, quân đỏ là quân khởi nghĩa và chạy theo từng nét chữ đã được vạch sẵn để xếp thành chữ. Trên áo của từng binh sĩ in số theo thứ tự xếp chữ, các tướng chỉ huy mặc trang phục kiểu tướng đánh trận. Lực lượng nhạc công có thể mặc đồng phục cùng màu. Lực lượng cầm hồng kỳ đóng khung mặc quần xanh áo lót trắng, trên đầu đội nón tốt màu đỏ, màu xanh theo trang phục từng bên, chân đi giày xanh ba ta, có nẹp sọc ống chân và tay. Việc luyện tập thành thục để chạy chữ vừa đúng, vừa đẹp, vừa khoẻ, khi thì chạy thẳng tắp, khi thì lượn vòng xoáy ốc để tạo thành các dấu chậm, nét mắc... cũng rất công phu. Người tham gia phải khoẻ mạnh, dẻo dai để đủ sức chạy liên tục trong 3, 4 giờ đồng hồ, thực hiện trọn vẹn trò chơi. Từ các tài liệu còn lưu giữ và qua lời kể của các vị cao niên trong làng, theo lệ cũ, trước khi vào màn chạy chữ, hai đội quân tập hợp thành hàng dọc vào bái tổ (Thành hoàng làng), làm các nghi thức “nhận lệnh”. Hiện nay, để phù hợp với bối cảnh, tính chất sự kiện, thời gian tổ chức, cách thức tổ chức trò chạy chữ có nhiều điểm khác biệt so với trước đây. 

Theo đó, đội hình xếp thành hai hàng với hai tướng cầm quân đứng đầu. Hai tướng dẫn quân chạy vòng tròn xoắn ốc để “chào sân”, chào khán giả. Sau đó hai hàng bắt đầu ra quân để “bắt”/xếp vào chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” đã được chuẩn bị sẵn trên nền sân, đều là các Hán tự. Quân xanh chạy chữ “Thiên - Hạ”; quân đỏ chạy chữ “Thái - Bình”. Trong quá trình đó, mỗi khi kết thúc một chữ, hai đội quân liên tục vào ốc nhỏ, vào ốc lớn để chuyển sang chữ tiếp theo. Tiếp tục, hai đội quân sẽ đổi vị trí xếp chữ. Quân đỏ chạy chữ “Thiên - Hạ” hô to “Thiên - Hạ”, quân xanh chạy chữ “Thái - Bình” hô to “Thái - Bình”. Hoàn thành việc hoán đổi chạy chữ, hai đội dồn quân để xếp đồng loạt 4 chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”. Kết thúc phần xếp chữ, “quân” tỏa ra thành vòng tròn lớn, giữa vòng tròn có người biểu diễn võ thuật, phất cờ. Hai đội quân vào lại hai hàng theo tướng, chào sân để kết thúc trò chạy chữ. “Trống giong, cờ mở” trong suốt quá trình chạy chữ giúp cho không khí trò diễn càng thêm sôi động, khiến người xem có cảm giác như đang được chứng kiến những trận đánh hào hùng, đầy khí phách của cha ông ta trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Các đội chạy vào vòng ốc và về vị trí tập kết trong trò chạy chữ Thiên - Hạ - Thái - Bình

 

Ông Lê Khắc Bình - Trưởng phố Vệ Yên cho biết: “Chẳng ai trong chúng tôi biết được trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” có từ khi nào. Chúng tôi chỉ biết nó đã tồn tại rất lâu đời, tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân làng chúng tôi, ai ai cũng thích xem trò chạy chữ. Chỉ riêng không khí tập luyện thôi đã thấy rộn ràng”. Ông Bình là Chủ nhiệm CLB Văn hóa nghệ thuật truyền thống phường Quảng Thắng, phụ trách chính trò chạy chữ, người nhiều năm đảm nhận vai trò làm “tướng” dẫn đầu đầu quân Ngô. Xuất phát từ tình yêu, đam mê với văn hóa truyền thống mà cha ông để lại, các thành viên trong CLB Văn hóa nghệ thuật truyền thống của phường luôn hăng say tập luyện, dẻo dai, bền bỉ với những màn trình diễn chạy chữ. Điều mong mỏi lớn nhất của họ là có thể lan tỏa được nét đẹp của trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” đến với đông đảo người dân hơn; truyền dạy cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ biết cách chạy chữ, say mê chạy chữ để bảo tồn và phát huy giá trị trò diễn này.

Để trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” được bảo tồn, trao truyền, tiếp nối và liền mạch, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tổ chức mở Lớp tập huấn “Hỗ trợ tập luyện, thực hành trò Tú Huần và Thiên Hạ Thái Bình tại thành phố Thanh Hóa, năm 2024”. Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 19/8 đến ngày 21/8/2024 với sự tham gia của 100 học viên. Các học viên sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành, phát triển của nghệ thuật trò chạy chữ; cách chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình”; phương pháp tổ chức, duy trì hoạt động câu lạc bộ; tổ chức hướng dẫn chương trình giao lưu, tương tác giữa các nghệ nhân với du khách, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, chương trình biểu diễn phục vụ du lịch... Từ đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa của thành phố Thanh Hóa đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, lớp tập huấn chỉ được diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian chưa thực sự đồng bộ, rộng khắp và không tránh khỏi những hạn chế. Vì lẽ đó, nhân dân phường Quảng Thắng mong mỏi rằng, trên hành trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của phố Vệ Yên nói riêng, cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung, họ tiếp tục nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ thiết thực từ các cấp, ngành, sự chung tay của cả xã hội. Hiện nay, theo chủ trương của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành, nội dung các trò chơi, trò diễn dân gian phải gắn với phát triển du lịch, việc nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học các trò chơi, trò diễn trong đó có trò chạy chữ “Thiên - Hạ - Thái - Bình” để tăng cường sức sống, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng nhất của thành phố Thanh Hóa hết sức cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024

;