Nhớ đèn kéo quân Trung thu

Mùa Thu đã về, đây đó trên phố phường lại rực sáng sắc đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cù, đèn lồng cùng các đồ chơi điện quang dành cho thiếu nhi vui Tết Trung thu. Các em nhỏ kéo tay cha mẹ sà vào các cửa hàng đồ chơi và như có một sức hút, chúng đều dừng trước cây đèn kéo quân, xoay tít mù với những hình người và hình con vật lung linh. Ngoài hình rối chuyển động, giữa thân đèn còn phát ra tiếng lách tách rất vui tai...

Đèn kéo quân Tết Trung thu

 

Bài hát đồng dao có câu:

Khen ai khéo xếp… í a cây đèn kéo quân

Voi giấy, ngựa giấy chạy vòng quanh

Nào xe, nào pháo, nào quân tướng

Í a… tít mù vòng quanh

Tuy có tên gọi hùng dũng như trong chiến tranh nhưng đèn kéo quân là một đồ chơi hết sức gần gũi của trẻ thơ mỗi mùa Trung thu. Cây đèn mô phỏng một đoàn quân chạy vòng tròn khi được đốt sáng và bắt nguồn từ trò chơi xếp trận giả trong đó các em bé chia làm nhiều đội, mỗi đội cử một người làm vua hoặc tướng, những người khác làm quan và quân lính cùng nhau đi thực hiện việc cứu người, đánh giặc hoặc tìm hiểu đời sống thôn dã.

Đất nước ta từ xa xưa đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc và qua cây đèn kéo quân, người lớn muốn để trẻ em nhớ về lịch sử oai hùng của dân tộc. Buổi đầu, hình ảnh trên cây đèn kéo quân thường nói về làm việc nghĩa nhưng dần dần đã đổi sang đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh (long, ly, quy, phụng) nhảy múa, hoặc bác nông phu làm ruộng, em bé mục đồng chăn trâu,… Đến nay là các truyện cổ tích, khoa học viễn tưởng như Tôn Ngộ Không, mèo máy Doremon, thủy thủ mặt trăng…

Sử sách ghi lại, đèn kéo quân đã có từ đời nhà Nguyễn, cùng thời những cây đèn lồng Tết Nguyên tiêu. Dân gian cũng kể rằng: Một năm sắp đến Trung thu, đức vua cùng với các quần thần ra ngoài hoàng thành ngắm cảnh, nhân dân làm rất nhiều đèn lồng để soi sáng đường cho vua qua. Các phố phường được lịch đón tiếp vua, ai cũng khẩn trương làm một cây đèn lồng…

Ở một ngôi nhà nghèo nọ, có hai mẹ con, chàng trai tên là Lục Đức (sáu điều tốt), ăn ở hiền lành tốt bụng. một đêm, Lục Đức mơ thấy gặp Thái Thượng Hoàng mách cho cách làm một cây đèn. Đêm Trung thu, chàng trai dâng cây đèn lên nhà vua. Nghe anh kể lại ý nghĩa của cây đèn miêu tả những cảnh sinh hoạt dân gian sung túc, cảm động đức độ, đức vua đã cho truyền bá cây đèn rộng rãi và gọi là đèn kéo quân vì có những hình rối vui tươi chạy vòng quanh. Ngày xưa, thú chơi đèn kéo quân diễn ra trong tất cả các dịp lễ Tết trong năm, thế nhưng không hiểu sao ngày nay chỉ còn thấy ở Tết Trung thu.

Có nhiều câu chuyện vui thiếu nhi về đèn kéo quân, chẳng hạn: Thời Vua Gia Long triều Nguyễn, cậu bé Nguyễn Quý Tân (1811-1856) vốn rất thông minh và dũng cảm, từng dằn mặt viên quan to nhất phủ Hải Dương. Đó là vào đêm rằm tháng Tám, tại đường cái quan của Hải Dương, Nguyễn Quý Tân đang chơi cùng chúng bạn, rước đèn trông trăng thì viên quan đi qua, mấy tên sai nha gặp ai cũng la lối, đánh mắng. Bất bình, Nguyễn Quý Tân đứng lì giữa đường không tránh và đợi lính đến thì thản nhiên xưng là học trò vì mải vui chơi không nghênh tiếp kiệu quan, viên quan thấy cậu bé khôi ngô, nói năng chuẩn mực, liền nói: Nếu đúng là học trò thì phải làm một bài thơ nói về đêm Trung thu và cây đèn kéo quân, nếu không sẽ bị đánh đòn. Cậu bé Tân liền ứng khẩu:

Một lũ ăn mày, một lũ quan

Quanh đi quẩn lại vẫn một đoàn

Đến khi dầu hết đèn thôi cháy

Chẳng thấy ăn mày, chẳng thấy quan.

Bài thơ hay và rất chuẩn nhưng lại hàm ý chế nhạo lũ quan quân, kênh kiệu. Bị bẽ mặt nên viên quan và đoàn quân ấy im lặng rút êm.

Làm đèn kéo quân khá phúc tạp. Đầu tiên, cần một bộ khung thật chắc chắn bằng cật tre, cao chừng 60cm, đường kính 50cm. Các mặt khung tre đều dán giấy trắng tinh hoặc giấy màu. Ở bốn góc vẽ cảnh núi sông, cây cỏ, mái đình hoặc thành trì để làm nền cho các hình con rối. Chân đèn cũng có thể đính các tua sợi chỉ ngũ sắc, hoặc hoa giấy, hạt cườm cho thêm đẹp. Bên trong đèn kéo quân đặt một chiếc đĩa dầu lạc (dầu phộng) hoặc thắp nến, xung quanh đĩa dầu lắp một trục chuyền (một cái chong chóng) dán các hình người và vật quây quanh đèn. Do trục trơn, các hình nhẹ nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí tạo thành luồng gió khiến trục quay kéo theo các hình ảnh chuyển động.

Đèn kéo quân khổng lồ

 

Khi đèn sáng, giấy trắng sẽ như một tấm gương soi rọi các hình bên trong. Ví dụ ở trên trục quay gắn một con ngựa màu đỏ thì trên mặt giấy trắng sẽ hiện hình một con ngựa đỏ hoặc hình một quý bà xiêm áo xanh, đỏ, tím, vàng cũng hiện lên xanh, đỏ, tím, vàng, thậm chí các chi tiết cũng rõ rệt từ mắt mũi, tóc tai, cúc áo, đồ vật kèm theo… Có thể xem một cây đèn kéo quân là một màn diễn múa rối tự động, không cần người điều khiển.

Đèn kéo quân làm rất công phu và rất bền. Vì thế, khi Trung thu đã qua, các bậc cha mẹ thường bảo giữ lại cây đèn và bảo quản chúng như báu vật, khi thích lại mang ra đốt đèn xem chơi. Vô hình chung, đèn kéo quân trở thành món đồ chơi giải trí của người lớn.

Đèn kéo quân thường gắn liền với tuổi thơ. Ngày xưa, trẻ em nào cũng thường đươc ông bà, cha mẹ lắp hoặc mua cho một cây đèn kéo quân để chơi vào lễ Trung thu. Các hình rối có sức lôi cuốn trẻ thơ rất lớn, khiến các em nhỏ tò mò thích thú. Bên cây đèn luôn có ánh mắt tròn xoe háo hức và tiếng cười đùa giòn tan.

Mỗi dịp Trung thu về, các tụ điểm vui chơi ở nước ta trước đây đều treo đèn kéo quân để chào đón thiếu nhi. Đặc biệt, có nơi làm những cây đèn kéo quân khổng lồ lớn nhất từ xưa tới nay, như ở làng Đàn Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội từng cho làm một cây đèn kéo quân cao tới 7 m, đường kính rộng tới 2,6 m, xung quanh đế đèn gắn thêm 6 cây đèn nhỏ và thắp sáng tại Cung Thiếu nhi Hà Nội vào năm 2006. Hoặc ở khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 2007 trưng bày cây đèn kéo quân cao tới 7,5 m, đường kính rộng tới 2,6 m. Ở Hà Nội trước đây, có rất nhiều nơi bày bán đèn kéo quân mỗi dịp Trung thu về như các phố Hàng Mã, Hàng Gai, Hàng Trống, phố Lương Văn Can…

Đêm Trung thu, thiếu nhi ở các vùng nông thôn miền Bắc thường tổ chức rước đèn kéo quân dưới ánh trăng thanh, xúng xính trong bộ quần áo mới, ngăn túi đầy ắp bánh kẹo, tham gia phá cỗ trông trăng với cơ man là các loại hoa quả cây nhà lá vườn thơm ngon. Các em tay trong tay chạy nhảy, múa hát theo tiếng trống bập bùng, hát khúc đồng dao Đèn kéo quân hoặc bài Lồng đèn kéo quân:

Vào một ngày sao soi bước bóng trăng rằm,

Một chú bé bên sông ngồi sao buồn thế,

Ngồi mơ ước ông trăng bay cùng bay,

 Để thấy đâu đây vì sao, bầy đom đóm vây quanh màu sáng soi,

Nhìn lập lòe xa xa có ánh đèn, một cơ bé trong đôi dày nơ trắng,

Chợt đi đến trong tay cây đèn xinh, lấp lánh như đêm đầy sao,

Và em bước lon ton lại gần, mơ màng nhìn ánh sáng đèn,

Cứ quay quay ngỡ là giấc mơ về cung trăng ngày rằm tháng Tám…

 

SÔNG CÔN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024

;