Trước nay, người ta biết đến Đà Lạt là thành phố nên thơ, xinh đẹp; xứ sở của rau, hoa nổi tiếng; con người Đà Lạt “Thanh lịch - Hiền hòa - Mến khách”... Song, dường như chưa có nhiều người biết đến một loại “đặc sản” nữa mà từ rất lâu đã có sức “mê hoặc” du khách mỗi khi đặt chân đến phố núi sương mờ, đó là cà phê.
Thưởng thức ly cà phê ngắm sương mù Đà Lạt còn gì lý thú hơn
Thiên đường cà phê
Nói đến cà phê, cả thế giới đều biết đến loại thức uống đặc biệt này, không những đã “gây nghiện” đối với đấng “mày râu” mà ngày nay “phái đẹp” cũng không thể… cưỡng nổi!
Cà phê, quán cà phê đều có mặt ở tất cả mọi quốc gia, mọi tỉnh, thành từ đô thị đến nông thôn; từ chốn phồn thịnh giàu sang đến tận vùng quê nghèo, hẻo lánh… Tuy nhiên, từ việc bố trí quán, cách pha chế đến phong cách thưởng thức cà phê ở mỗi nơi, mỗi vùng miền đều có điểm khác nhau khá thú vị.
Tôi vừa là người “nghiện” loại thức uống có sức “quyến rũ” này, vừa may mắn đi khá nhiều tỉnh, thành trong nước và một số quốc gia nên có cơ hội tìm hiểu về nét đặc trưng của quán cà phê và cách thưởng thức cà phê ở từng vùng, miền. Đừng vội cho tôi là kẻ cổ hủ “con hát mẹ khen hay”, nhưng phải công nhận cách thức bố trí các quán cà phê và cách thưởng thức cà phê ở Đà Lạt rất khác và khá đặc biệt.
Về ý tưởng thiết kế, cách sắp đặt, bài trí không gian một quán cà phê (trừ các quán cóc ven đường) thì hầu hết các quán cà phê nổi tiếng ở Đà Lạt đều gắn kết hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan, phù hợp tính cách đặc trưng của con người Đà Lạt: Phong thái ung dung, nhẹ nhàng, sâu lắng…
Trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện có hàng trăm quán cà phê ở hầu hết các phường, xã, thôn, buôn; tập trung nhiều nhất trên các tuyến phố chính, khu trung tâm Hòa Bình, hồ Xuân Hương, tại các phường và ở những nơi có vị trí cao, thoáng đãng. Trong đó, có nhiều quán cà phê lâu năm, có “thương hiệu” đã ăn sâu trong ký ức và trở thành nơi quen thuộc của đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Đà Lạt như: Café Tùng (số 6 - khu Hòa Bình - phường 1); Rainy Café (số 24B/1 - Hùng Vương - phường 10); An Tiến Café (đường Lê Hồng Phong - phường 4)…
Ngoài nằm rải rác khắp các nơi trên địa bàn thành phố và vùng phụ cận; những năm gần đây, trước xu thế “hợp tác”, tạo ra thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của cà phê phục vụ người dân bản địa và du khách, nhiều chủ quán cà phê ở Đà Lạt đã liên kết mở các quán cà phê tập trung. Cụ thể như “Phố cà phê Lê Đại Hành” (cả con đường là các quán cà phê nối nhau) có view nhìn xuống hồ Xuân Hương rất đẹp; vào mỗi buổi bình minh mặt trời còn “ngái ngủ” trong lớp sương trắng chợt ló dạng lấp lánh trên mặt nước hồ bềnh bồng sương trắng; hay vào những đêm không mưa, cả thành phố in bóng xuống mặt nước hồ lung linh… Đó là các quán cà phê đẹp nằm quanh bờ hồ Xuân Hương trong những năm gần đây du khách đều không thể bỏ qua như: Cà phê Thủy Tạ, Thanh Thủy…
Theo bình chọn của du khách, trên địa bàn TP. Đà Lạt có hơn 10 quán cà phê đẹp, lạ với lối kiến trúc đẹp mắt được giới sành điệu yêu thích như: Là Việt coffee (số 200 - Nguyễn Công Trứ); Gout Coffee and Pastry (số 55 - Nguyễn Văn Trỗi); Dalat Train and Villa (số 1 - Quang Trung); Windmills Coffee (số 7 - đường 3 Tháng 2); Rainy CaFé (24B/1 Hùng Vương); Zen Cafe Dalat (27C - Phạm Hồng Thái); Daily coffee (số 11 - Lê Hồng Phong)…
Ngoài ra, còn hàng chục quán cà phê có “view rừng” khá đẹp khiến khách mộ điệu “mê mẩn”. Đó là những quán cà phê được thiết kế gắn với rừng, hồ, thác nước, có không gian thoáng đãng để khách vừa thưởng thức từng “giọt đắng” vừa ngắm nhìn mây trời, sương mờ giăng trên các cánh rừng thông, vườn tược, nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót trong khóm phong lan thoang thoảng hương thơm... Có thể kể đến một số địa chỉ như: Mê Linh Coffee Garden (thôn 4, xã Tà Nung); Cafe sách Hoa Violet (số 16 - Trần Hưng Đạo), Ma Rừng Lữ Quán (xã Lát, Lạc Dương)…
Quán cà phê có view gắn với núi đồi rất lãng mạn
Văn hóa cà phê
Theo bí kíp của các chủ quán cà phê ở Đà Lạt, để “hút” khách, cần có các tiêu chí cơ bản như: Quán được thiết kế đẹp, có không gian hài hòa; nhạc hay, cà phê ngon và cung cách phục vụ lịch thiệp, chu đáo. Đối với Đà Lạt, đòi hỏi có thêm tiêu chí về không gian thoáng đãng (nằm ở vị trí cao, được gắn với hồ, thác, vườn, rừng). Bởi vậy, nắm bắt thị hiếu của “thượng đế” ngày càng khó tính, những năm gần đây, loại hình “cà phê vườn”, “cà phê rừng”, cà phê thủy tạ… đã ra đời.
Uống cà phê, ngoài thỏa mãn nhu cầu, sở thích, thói quen, thú tao nhã, còn là sự cảm nhận, sự trải nghiệm, giúp con người cân bằng trạng thái sau những giờ làm việc vất vả, áp lực trong cuộc sống. Đến quán cà phê cũng có khi để gặp bạn, bàn chuyện công việc, chuyện kinh doanh, làm ăn; chí ít để tán gẫu, giết thời gian...
Trước nay, trên thế giới tồn tại trên 400 khái niệm về văn hóa; có “văn hóa ẩm thực”, tất có văn hóa… uống và “văn hóa cà phê” là khái niệm không còn xa xỉ. Bởi cà phê, ngoài thức uống phổ biến, bản thân nó đã là sản phẩm văn hóa; tuy nhiên, phong cách thưởng thức cà phê, ứng xử như thế nào nơi công cộng, trong không gian văn hóa đậm chất nghệ thuật (kiến trúc không gian, âm nhạc, thức uống, giao tiếp ứng xử) giữa con người với con người… mới là điều đáng nói.
Người dân địa phương và du khách đến các quán cà phê ở Đà Lạt dường như đều có chung nhu cầu tìm đến không gian yên tĩnh để tận hưởng giây phút thư thái, tránh xa sự ồn ào, phiền muộn… Điều đặc biệt ở các quán cà phê Đà Lạt là không khí rất yên lặng, nhạc êm dịu, cà phê đặc biệt thơm ngon và cung cách phục vụ nhẹ nhàng. Ở Đà Lạt, du khách khó bắt gặp những cảnh ồn ào, huyên náo, xô bồ thường thấy ở các thành phố khác…
Trong tiết trời se lạnh, bên người thân, bạn bè nhâm nhi, thưởng thức từng giọt đắng được chắt ra từ “đất đỏ bazan” trong không gian thoáng đãng phố núi, có lẽ không còn gì thú vị hơn…
THANH DƯƠNG HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024