Trang phục người Hà Nhì ở Y Tí, Bát Xát, Lào Cai
Theo thống kê năm 2009, người Hà Nhì ở Việt Nam có 24.178 người, trong đó, tỉnh Lào Cai có 3.418 người, Điện Biên 5.255 người và Lai Châu 16.045 người. Người Hà Nhì di cư đến Việt Nam khoảng 300 năm trở lại đây. Họ là 1 trong số 6 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (Hà Nhì, Cống, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La). Người Hà Nhì sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trong đó canh tác ruộng bậc thang đạt một trình độ khá cao. Trong đời sống của đồng bào, rừng và nguồn nước có vai trò quan trọng, rất nhiều nghi lễ, thực hành gắn với việc giữ gìn nguồn nước và rừng. Hai thành tố này đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định địa bàn cư trú, tập quán sản xuất của đồng bào. Trong xã hội truyền thống, người phụ nữ có vai trò rất quan trọng nhưng ít được quan tâm để ý nên thường bị ẩn khuất trong các lễ tục hay đôi lúc bị xem nhẹ. Họ là người tham gia gần như toàn bộ các công việc trong gia đình từ lao động sản xuất đến chuẩn bị các lễ vật cho các nghi lễ tín ngưỡng. Trong khi các vai trò thuộc về thiên chức như sinh đẻ, chăm sóc con cái và các công việc hằng ngày như chăm sóc cây trồng, vật nuôi vẫn được họ đảm đương đầy đủ. Tuy nhiên, do sống trong gia đình phụ hệ nặng nề nên vai trò của họ thường bị xem nhẹ, mờ nhạt, ẩn khuất từ trong xã hội đến các công trình nghiên cứu. Trong bối cảnh giao lưu hội nhập như hiện nay, vai trò của họ dần được thể hiện rõ hơn, người phụ nữ đã mạnh dạn bước ra khỏi “định kiến” của xã hội, họ đi làm ăn xa, họ kinh doanh buôn bán và quan trọng hơn họ có thể nuôi sống cả gia đình. Bởi vậy, vai trò của họ dần được cộng đồng và xã hội thừa nhận; và vị thế của họ trong gia đình được cởi mở hơn, họ được tham gia sâu vào các thực hành nghi lễ và hoạt động xã hội.
Tư liệu bài viết, được khảo sát tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Bài viết góp phần nhìn nhận vai trò của nữ giới trong bức tranh xã hội truyền thống và đó là lợi thế để nữ giới khẳng định vai trò mình trong bối cảnh hiện nay.
Nữ giới trong xã hội truyền thống
Trong bức tranh xã hội truyền thống, người phụ nữ thường bị ràng buộc bởi nhiều nghi lễ, cấm kỵ. Nên vai trò của họ trong truyền thống thường mờ nhạt hoặc ít được đề cập. Do đó, vô hình chung, chúng ta khó hình dung được vai trò của họ trong cuộc sống sinh hoạt hay trong các thực hành nghi lễ, tín ngưỡng. Thực tế, qua quan sát, người phụ nữ gần như làm toàn bộ những công việc trong gia đình: từ chuẩn bị thức ăn đồ uống cho các thành viên, gia súc, gia cầm, đến lao động sản xuất... Ngoài ra, họ còn tham gia các hoạt động xã hội. Với một dân tộc theo chế độ phụ hệ rất đặc trưng và nặng nề, người phụ nữ thường bị hạn chế trong việc tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhất là các nghi lễ, tín ngưỡng của cộng đồng như: nghi lễ cúng rừng, tảo mộ hay lễ hội Khu Già Già... Đặc biệt, trong các nghi lễ cộng đồng quan trọng như Khu Già Già, cúng thần rừng gần như chỉ có người đàn ông tham gia. Người phụ nữ thường bị ràng buộc bởi các điều cấm kỵ, lễ nghi nên rất ít người được tham dự các lễ hội lớn trong cộng đồng. Theo chia sẻ của ông Phà Mừ Có, 62 tuổi, thôn Lao Chải I: “Những người phụ nữ mang thai, ở cữ, sinh con đôi không được tham dự các nghi lễ cộng đồng. Theo quan niệm của người Hà Nhì, phụ nữ mang thai, sinh con đôi là những người không trong sạch hoặc trái với lẽ tự nhiên nên không được tham dự các lễ hội quan trọng của cộng đồng”.
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhất là khi có khách, người phụ nữ không được ngồi ăn chung với khách. Họ chỉ được ăn khi khách và người đàn ông ăn xong. Khi ăn, họ cũng phải dọn mâm riêng dành cho những người nữ giới, trẻ nhỏ. Bố trí bên trong nhà người Hà Nhì thường được làm phần sàn cao khoảng 30 - 50cm để đặt bếp kiềng, làm nơi thờ tự - đây cũng là không gian để dọn mâm cho người đàn ông và dùng để tiếp khách. Bếp kiềng của người Hà Nhì thường đặt trên phần sàn và để sát với mép, tiện cho nữ giới hằng ngày nấu ăn. Theo tục lệ, phụ nữ không được bước lên phần sàn; khi nấu ăn, họ cũng chỉ được đứng ở dưới nền đất. Riêng mâm cơm dành cho người phụ nữ được dọn ở dưới nền đất, phần thấp hơn trong ngôi nhà. Không gian đặt bàn thờ, người phụ nữ cũng không được đến gần, nhất là con dâu, người mang thai và ở cữ. Trong cuộc sống sinh hoạt, phụ nữ cũng hạn chế đi lại xung quanh nơi thờ tự và lối đi về của tổ tiên. Khi ngồi ăn uống, người phụ nữ không được quay lưng vào bàn thờ hay có thái độ bất kính với tổ tiên.
Theo tục lệ, vào đêm 30 tháng 11 âm lịch (đêm Giao thừa theo Tết truyền thống của người Hà Nhì), người Hà Nhì thường tổ chức lễ Chự cư ở nhà Tộc trưởng để kể lại các đời trong dòng họ theo nguyên tắc phụ tử liên danh. Chự có nghĩa là đời, cư là nói, kể; chự cư là kể lại các đời của dòng họ mình (Viện Dân tộc học, 1978, tr.347). Nghi lễ được tiến hành bằng cách ông Tộc trưởng đọc to họ tên của tổ tiên các đời sau đó con cháu nhắc lại; trong lễ này, người phụ nữ cũng được tham dự nhưng không được đọc cùng những người đàn ông. Họ chỉ được nghe và nhớ lại nguồn gốc tổ tiên theo dòng cha. Lễ này cũng được tiến hành khi trong dòng họ có người mất và người phụ nữ chỉ được nghe mà không được đọc theo. Chia sẻ về quy định tham dự nghi lễ này trong bối cảnh hiện nay, chị Tráng Thị Mự, 26 tuổi, thôn Lao Chải giải thích thêm: “Hiện nay, nữ giới cũng phải chấp hành theo những quy định truyền thống. Chúng tôi chỉ được lắng nghe mà không được tham gia trực tiếp vào nghi lễ quan trọng này”.
Trước đây, trong các nghiên cứu thường để ý đến phong tục, tập quán, lễ nghi hay lễ hội truyền thống của người Hà Nhì... còn vai trò của người giữ lửa cho gia đình, chăm lo, nuôi dưỡng gia đình sự quan tâm nghiên cứu là chưa đủ. Bởi thế, khó thấy được vai trò nổi bật của nữ giới trong gia đình; nó thường bị ẩn khuất trong những điều cấm kỵ. Những nghiên cứu về chủ đề này có lẽ mờ nhạt như chính vai trò được thừa nhận của người phụ nữ trong bức tranh xã hội truyền thống, đặc biệt vai trò của họ trong việc tham gia các nghi lễ. Qua khảo sát tại thôn Lao Chải I, II, Choản Thèn xã Y Tý, gần như không có người phụ nữ hành nghề thầy cúng, kể cả nghi lễ cúng mụ. Bởi thế, trong đời sống tín ngưỡng vai trò, vị thế của nữ giới rất mờ nhạt, đặc biệt là trong các nghi lễ quan trọng của cộng động.
Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị lễ cúng Khu Già Già
Vai trò nữ giới trong bối cảnh hiện nay
Để khai tỏ vai trò của người phụ nữ Hà Nhì trong giai đoạn hiện nay, trước hết phải nói đến vai trò của họ trong sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của lão nông, 64 tuổi, ở thôn Lao Chải I về người phụ nữ trong công việc làm ruộng: “Đàn bà làm ruộng tốt hơn đàn ông: biết cày, biết cấy, biết làm cỏ, thu hoạch, vận chuyển, chế biến… Còn đàn ông nhiều người chỉ biết mỗi cày, bừa ngoài ra không biết làm gì”. Đây có lẽ là đánh giá khách quan, trung thực nhất về vai trò của người phụ nữ trong lao động sản xuất, nhất là các kỹ năng làm ruộng, làm nông nói chung. Nguồn sinh kế chính của người Hà Nhì dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp trong đó trồng trọt chiếm vai trò chủ đạo. Đồng bào thường canh tác lúa trên ruộng bậc thang, với một năm một vụ lúa. Thời tiết thì khắc nghiệt, mùa hè thường ngắn hơn so các địa phương khác nên cơ cấu cây trồng tương đối hạn hẹp, chủ yếu là các loại cây trồng xứ lạnh như bắp cải, su su, cải mèo, su hào… Bởi thế, người phụ nữ càng phải tần tảo, lo toan nhiều hơn cho gia đình.
Tập quán định cư, sống ổn định với lối canh tác lúa nước nên vai trò của nữ giới càng rõ nét. Nó khác xa so với văn hóa du mục trọng dương hơn trọng âm, đề cao sức mạnh hơn người nắm giữ dòng chảy của văn hóa gia đình. Trong gia đình Hà Nhì, nhìn bề ngoài là gia đình phụ hệ nhưng người nuôi sống cả gia đình theo cả nghĩa thực và bóng đều là người phụ nữ. Họ thường là người nắm lịch tiết, nông lịch, cơ cấu cây trồng theo từng mùa vụ rõ ràng hơn người đàn ông. Theo chia sẻ của anh Tráng Xá Mừ, 35 tuổi, thôn Lao Chải I: “Trong gia đình mình, người biết nhiều nhất về cơ cấu cây trồng là mẹ và vợ mình. Người đàn ông thường chỉ nắm sơ qua các loại cây trồng cho từng mùa vụ. Đến lúc nào mẹ với vợ bảo làm đất thì làm đất, cày, bừa xong các công việc còn lại đều do người phụ nữ làm. Có nhiều nhà đàn ông chả phải làm gì, đến cày bừa cũng do người phụ nữ tự làm”.
Trong lao động sản xuất, người phụ nữ luôn là những người lao động chính, họ là người không thể thiếu trong mọi mùa vụ, mọi hoạt động của nhà nông. Về nông nghiệp, người Hà Nhì chủ yếu canh tác nông nghiệp theo hình thức ruộng bậc thang. Ngoài ra, còn trồng thêm hoa màu góp phần làm phong phú đời sống của gia đình. Trong những công việc này, người phụ nữ là người tham gia trực tiếp vào toàn bộ công việc đồng áng. Một công việc rất quan trọng gắn với vai trò của người phụ nữ là chọn giống cây trồng. Với kinh nghiệm truyền đời cộng với tính cẩn thận, tỉ mỉ nên đây có lẽ là lợi thế riêng của nữ giới. Các bà các mẹ là người giữ cho các loại giống cây trồng luôn được truyền đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vai trò này như một sự sắp đặt của tự nhiên để người phụ nữ là giữ nguồn sống của mỗi gia đình, tập quán sản xuất không bị ngắt quãng, đứt đoạn. “Những giống lúa được phụ nữ Hà Nhì chọn ngay trên nương lúa tốt, họ chọn những bông có nhiều hạt mẩy, đều bông để làm giống. Khi chọn xong, họ thu hoạch và cất riêng trong kho hay phơi trên trên sàn gác”. Những công việc cày bừa do người đàn ông đảm nhiệm còn những công việc gieo hạt và chăm sóc cây lúa đều là việc của người phụ nữ. Trong các công đoạn trồng lúa, có hai công việc rất nặng nhọc cấy lúa và làm cỏ. Tuy nhiên, cả hai công đoạn này gần như được phó mặc cho người phụ nữ. Khi nói về nỗi vất vả của nhà nông, cha ông ta thường nói “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nỗi vất vả này được lột tả rõ nhất trong công việc cấy lúa và làm cỏ. Công việc cấy lúa thường chiếm rất nhiều thời gian của người phụ nữ, họ phải liên tục cúi hàng giờ. Thông thường, mỗi vụ lúa, người phụ nữ đều đi làm cỏ 2 lần để tránh cho cỏ mọc cao gây cản trở sự phát triển của cây lúa. Khi thu hoạch, người đàn ông sẽ phụ giúp. Kết thúc quá trình sản xuất đến công đoạn chế biến, nấu nướng cũng đều gắn với vai trò của người phụ nữ. Phụ nữ là người phơi phóng, giã gạo, sàng sẩy, nấu cơm, dọn cơm… cho cả gia đình.
Trong những thời điểm nông nhàn, để phục vụ cuộc sống sinh hoạt thường ngày, người Hà Nhì thường hái lượm, săn bắt để làm phong phú thêm cơ cấu bữa ăn. Công việc hái lượm thường gắn với vai trò của nữ giới và trẻ nhỏ đặc biệt là các bé gái. Với một dân tộc chưa xem trọng làm vườn, nguồn rau xanh, thực phẩm từ hái lượm đóng một vai trò rất quan trọng trong cải thiện bữa ăn hằng ngày. Những lúc giáp hạt, nguồn hái lượm đôi lúc còn là nguồn sống chính của cả gia đình. Chia sẻ về công việc hái lượm, anh Phu Xe, 29 tuổi, thôn Lao Chải I cho rằng: “Trẻ nhỏ người Hà Nhì từ 6 - 8 tuổi đã có thể phụ giúp gia đình hái măng, nấm, rau xanh. Các bé gái rất thành thạo xúc cá, bắt tép, đào dế, bắt chuột từ lúc còn rất nhỏ”. Trẻ nhỏ thường đi chăn trâu và kết hợp hái lượm, săn bắt các loại thú nhỏ. Công việc này vừa phù hợp với sức vóc của trẻ nhỏ vừa cung cấp thực phẩm khá dồi dào cho cả gia đình. Việc chăm sóc vườn là công việc của những người già và trẻ nhỏ trong gia đình. Người Hà Nhì có tập quán làm khu vườn nhỏ gần nhà, trong vườn thường trồng những loại cây gia vị, các loại rau xanh dùng trong đời sống hằng ngày. Ngoài ra, tất cả các những công việc chăn nuôi trâu, ngựa, gà… đều là những công việc của phụ nữ. Công việc cắt cỏ dữ trữ cho gia súc vào mùa Đông thường do phụ nữ đảm nhận. Đối với gia súc bị ốm hoặc mới đẻ, phụ nữ cũng là người nấu cháo, đốt lửa, lấy cỏ cho chúng ăn về đêm. Những hoạt động săn bắt là những công việc của người đàn ông , họ có thể săn bắt theo những hình thức cá nhân hay tổ chức săn bắt tập thể vào các thời điểm khác nhau. Với hình thức săn tập thể trẻ nhỏ, phụ nữ thường tham gia hỗ trợ lùa thú vào một điểm để đàn ông bắn. Người đàn ông Hà Nhì rất giỏi đan lát và làm mộc, họ thường tự tay làm những dụng cụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất như thùng đựng gạo, chạn bát, thúng, mẹt… Những sản phẩm thừa, chưa dùng đến, phụ nữ thường mang xuống chợ để trao đổi với người đồng tộc và các dân tộc khác. Nếu có dịp vào chợ phiên Y Tý, chúng ta sẽ thấy rất rõ vai trò của nữ giới trong trao đổi buôn bán: gần như toàn bộ các gian hàng trao đổi của người Hà Nhì đều do người phụ nữ đảm nhiệm. Họ là người chăn nuôi, hái lượm, thu hái nông sản để mang ra chợ bán; những mặt hàng thổ cẩm, đồ đan lát, may mặc cũng do các bà các chị đảm nhiệm. Các em gái thì bày biện các món ăn vặt, bán đồ lưu niệm, đồ điện tử, quần áo được họ chế biến và nhập sỉ ở chợ huyện mang về bán. Có thể nói, bức tranh của chợ phiên đã lột tả rõ nét vai trò của nữ giới Hà Nhì trong gia đình và xã hội trong bối cạnh hiện nay.
Bên cạnh những vai trò theo phân công xã hội, gia đình và giới, nữ giới Hà Nhì còn đảm nhận thiên chức một cách rất tốt. Họ là người nuôi dưỡng, chăm sóc cho những đứa con từ trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành. Khi sinh, người phụ nữ Hà Nhì thường sinh ngay tại buồng vợ chồng, có thể đẻ đứng hoặc đẻ ngồi, người đỡ đẻ là mẹ chồng hoặc em gái. Bà mẹ thường được ưu tiên ăn món ăn có lợi cho sản phụ và em bé như thịt gà nấu gừng, thịt lợn nạc, ăn cơm nếp, tắm và uống thảo dược. Nếu không có sữa hoặc ít sữa sẽ được ăn thêm chân giò hoặc chân chó nấu cháo. Việc chăm sóc và bảo vệ con cái được xem là thiên chức đối với người phụ nữ. Chính vai trò đặc biệt này, khi bước ra xã hội trở thành lợi thế riêng của người phụ nữ trong lựa chọn việc làm như làm bảo mẫu, giúp việc hay chăm sóc người già.
Một vai trò nữa đang dần thay đổi trong cộng đồng Hà Nhì, đó là việc người phụ nữ tham gia sâu vào các nghi lễ cúng bái. Phải nói rằng, đây là bước thay đổi quan trọng về nhận biết rõ hơn vai trò của nữ giới trong giai đoạn hiện nay. Theo PGS Nguyễn Văn Huy, bà chủ gia đình là người chịu trách nhiệm cúng tổ tiên. Nếu bố mẹ chết, các anh em ở chung thì người con dâu cả hoặc người con dâu út sẽ phụ trách cúng tổ tiên. Tuy nhiên, việc chịu trách nhiệm giữ bàn thờ, thừa kế việc cúng bái tổ tiên là trách nghiệm của người anh cả. Người phụ nữ chỉ thực hiện nghi thức cúng bái. Theo Chu Thùy Liên thì con trai mới là người thờ cúng tổ tiên. Nếu nhà không có con trai nối dõi, con gái sẽ chăm sóc bàn thờ (người Hà Nhì ở Điện Biên, Lai Châu). Việc thực hiện nghi lễ thờ cúng có thể là đàn ông hoặc phụ nữ nhưng việc giữ bàn thờ thì bắt buộc phải là đàn ông. Trường hợp nhà gái không có con trai, con rể muốn thừa kế và thờ cúng tổ tiên (sau khi bố mẹ chết) thì phải đổi họ mới được thờ cúng. Trước đây, vai trò của nữ giới trong thực hành các nghi lễ rất mờ nhạt. Đến nay, vai trò đó đã dần được thừa nhận, nữ giới đã tham gia sâu hơn vào đời sống tín ngưỡng trong gia đình và xã hội. Đây là bước tiến lớn trong quan niệm và khẳng định thêm vai trò của nữ giới trong cộng người Hà Nhì hiện nay.
Như vậy, với một cư dân nông nghiệp, vai trò của nữ giới thể hiện rõ nét trong các khâu, công đoạn để tạo ra hạt gạo và nuôi sống cả gia đình. Người phụ nữ ngày càng tỏ rõ vai trò của mình từ các công việc nội trợ đến cả những công việc tưởng chừng dành cho đàn ông như cày bừa, cúng bái hay buôn bán... Có lẽ, không quá khi nói phụ nữ Hà Nhì là người nắm giữ cả một nền nông nghiệp và nuôi sống từng thành viên trong mỗi gia đình trong xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị bánh trong lễ Gạ Ma O (Tết thiếu nhi) Sờ Cò Suy
Thay lời kết
Trong xã hội truyền thống, người phụ nữ Hà Nhì thường bị ràng buộc bởi những cấm kỵ, luật tục. Bởi vậy, vai trò của nữ giới thường bị xem nhẹ, ẩn khuất trong thực hành các nghi lễ truyền thống. Dù trong cuộc sống họ là người tham gia vào tất cả các hoạt động từ chuẩn bị lễ vật, lao động sản xuất, bảo vệ chăm sóc con cái, gia súc… Vai trò của nữ giới ít được thừa nhận có lẽ do định kiến của xã hội, luật tục, tư tưởng trọng nam khinh nữ tương đối nặng nề. Tuy nhiên, khi cuộc sống thay đổi đã kéo theo sự dịch chuyển vai trò của nữ giới. Trong bối cảnh lối sản xuất truyền thống dần thay đổi cùng với sự hình thành các nguồn sinh kế mới, người phụ nữ Hà Nhì dễ dàng lựa chọn nghề nghiệp hơn người đàn ông. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, họ đang làm rất nhiều việc để nuôi sống cả gia đình. Người đàn ông dần bị bó hẹp trong gia đình, đồng ruộng nên vị trí của họ trong gia đình ngày càng mờ nhạt. Bởi vậy, vai trò, tiếng nói của nữ giới dần thay đổi theo hướng tăng dần vị thế của họ trong gia đình và xã hội. Họ được tham gia sâu vào các thực hành nghi lễ cũng như các sinh hoạt chung của cộng đồng trong cuộc sống hiện nay. Vai trò của họ trong xã hội hiện nay đã rất vững chắc và dần được cả cộng đồng ghi nhận một cách đậm nét.
CHU QUANG CƯỜNG - LƯƠNG VĂN THIẾT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024