Sức sống của làng nghề điêu khắc xứ Huế

Trong các nghề thủ công mỹ nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế, có một làng nghề khá nổi tiếng, gây được thiện cảm với du khách gần xa, bởi các yếu tố: thương hiệu, uy tín, chất lượng sản phẩm… đang ngày càng được phát huy, nâng tầm lên vị thế mới. Đó là nghề điêu khắc ở làng Mỹ Xuyên.

Tượng Quan Công - một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc do nghệ nhân Ngô Đức Phi chế tác

 

Đi lên từ gian khó

Làng Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) nằm ẩn mình bên dòng Ô Lâu thơ mộng, cách trung tâm TP Huế khoảng 40km về phía Bắc. Mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên đã nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn (giữa thế kỷ XIX). Điều này được minh chứng bằng những công trình còn lưu dấu đến ngày nay như hệ thống nhà rường cổ Phước Tích, các công trình kiến trúc cổ ở thành phố Huế, hay các chùa, đình làng, nhà thờ họ… ở nhiều nơi trên dải đất miền Trung. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, biến thiên của thời gian, rồi chiến tranh, thiên tai, điêu khắc Mỹ Xuyên có lúc “sống thoi thóp”, cũng từng “lên bờ, xuống ruộng”, tưởng chừng sắp bị xóa sổ. Sau ngày thống nhất đất nước, HTX điêu khắc mỹ nghệ Phong Mỹ (Phong Điền, Mỹ Xuyên) được thành lập, có khoảng 120 thợ hành nghề bởi nghệ nhân Lê Độ Túy - bàn tay vàng trong làng điêu khắc mỹ nghệ thời bấy giờ. Sản phẩm của làng đi khắp nơi nhưng chủ yếu là làm hàng cho khối XHCN, xuất khẩu sang tận châu Âu như: Liên Xô (trước đây), Bun-ga-ri, Ru-ma-ni... Tuy nhiên, hoạt động được khoảng 14 năm thì HTX phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ do không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, chưa có đối tác mới (do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 1989, 1990). Bấy giờ, trước nhu cầu bức thiết của cuộc sống, nhiều thợ giỏi của làng phải phiêu bạt khắp nơi để kiếm kế sinh nhai. Thế là, nghề điêu khắc làng Mỹ Xuyên phải trải qua hơn 12 năm “sống èo uột”, hoạt động cầm chừng, đa phần các thợ giỏi, nhà điêu khắc nổi tiếng của làng lúc bấy giờ đều rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Mãi đến năm 2003, doanh nghiệp mộc mỹ nghệ xuất khẩu của nghệ nhân Lê Văn Mân thành lập, mới thổi một luồng sinh khí, tạo động lực cho làng nghề, đã tập hợp hàng chục thanh niên đi làm ăn xa quay về làng để tiếp tục sản xuất. Sản phẩm xuất bán nhiều nơi ở trong nước, và sang tận Thái Lan, Lào, Campuchia. Tình hình kinh tế của làng từ đó được cải thiện đáng kể, đời sống khá lên trông thấy, nhiều thanh niên, trung niên của làng đều là thợ mộc, thợ điêu khắc và đa phần “đầu quân” cho doanh nghiệp này. Thế nhưng, đến năm 2006, doanh nghiệp ông Mân bất ngờ tuyên bố phá sản. Thêm một lần nữa, làng nghề Mỹ Xuyên lại không đứng vững trên “đôi chân” của mình. Nghệ nhân Ngô Đức Phi nhớ lại: “Những năm trước đây, nhiều thợ mộc, điêu khắc của làng do không sống nổi với nghề, vì quá bế tắc nên đành phải bỏ xứ mà đi. Chúng tôi cảm thấy bất lực, buồn phiền khi nhìn thấy thanh niên trai tráng trong làng lần lượt khăn gói vào Nam, ra Bắc, đi tha phương cầu thực”.

Điêu khắc làng Mỹ Xuyên đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập ổn định

 

Cả làng điêu khắc

Năm 2004, làng nghề được khôi phục, chính quyền xã tạo điều kiện giao mặt bằng cho các hộ sản xuất, rồi thành lập khu quy hoạch làng nghề; huyện hỗ trợ kinh phí, cho vay lãi suất ưu đãi bằng nhiều nguồn vốn khác nhau để đẩy mạnh sản xuất. Sở Công Thương Thừa Thiên Huế hỗ trợ vốn khuyến công để người thợ mua sắm máy móc, thiết bị, hướng đến việc sản xuất mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, từng bước hiện đại. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm đầu tư đúng mức của chính quyền các cấp, sự đồng thuận, quyết tâm của người dân, quyết bằng mọi giá phải khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống của cha ông. Vì thế, nghề điêu khắc Mỹ Xuyên đang từng bước được hồi sinh, tiếp tục khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, nghề điêu khắc Mỹ Xuyên phát triển mạnh, không thua kém gì ở thời hoàng kim. Sản phẩm điêu khắc của làng tham dự đều đặn các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế. Trước quy luật cạnh tranh để tồn tại, đòi hỏi những người thợ điêu khắc Mỹ Xuyên phải không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới nhằm chinh phục thị trường ngày càng khó tính, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Nghệ nhân Ngô Đức Phi cho biết: “Qua nhiều năm mày mò học hỏi, nghiên cứu, doanh nghiệp của tôi đã chế tác, khắc thành công tượng Phật nghệ thuật một mặt, và đã được nhiều đối tác nước ngoài như: Nhật Bản, Thái Lan, Lào... đặt hàng với số lượng lớn”.

Hiện nay, làng Mỹ Xuyên có khoảng 22 hộ gia đình đang hành nghề tập trung tại khu quy hoạch làng nghề, khoảng 30 hộ khác đang sản xuất tại nhà, nằm rải rác từ đầu đến cuối làng. Nghệ nhân Lê Văn Trực chia sẻ: “Ngoài con số hàng trăm thợ điêu khắc đang hành nghề ở làng, tổng số thợ của làng Mỹ Xuyên đi làm khắp nơi như: Thanh Hóa, Đông Hà, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắc Lắc,TP Hồ Chí Minh… ước tính khoảng 1.200 - 1.400 thợ. Ngoài ra, nhiều thợ giỏi của làng đang là doanh nghiệp, xưởng sản xuất có tiếng ở Lào, Campuchia là khoảng 200 người. Thế mới biết, câu nói “Cả làng điêu khắc” quả là không ngoa tí nào!

Nhiều thợ giỏi của làng được UBND tỉnh cấp bằng nghệ nhân như: ông Lê Thừa Bằng (năm 2010), ông Ngô Đức Phi (năm 2012), Lê Văn Trực (năm 2019)… Riêng nghệ nhân Ngô Đức Phi bước vào nghề điêu khắc từ năm 1983, đến nay ông đã đào tạo 140 thợ cho làng (bình quân mỗi năm cho ra lò 15 người), xưởng sản xuất của ông Phi hiện có 14 thợ đang làm quanh năm, với mức thu nhập thấp nhất hàng tháng là 6 triệu đồng/người, thu nhập cao nhất là anh Lê Thanh Long (12 triệu/tháng). Nhà điêu khắc Lê Thanh Long tuy mới 26 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề, từng làm ở Quảng Trị, Đắc Lắc, Đà Nẵng, Lào. Với trình độ tay nghề khá điêu luyện, những sản phẩm do Long chế tác như tượng Quan Âm, Di Lặc,…được nhiều khách hàng khó tính ở nước ngoài chấp thuận.

Có thể nói, nghề điêu khắc làng Mỹ Xuyên phát triển mạnh là từ năm 2010 đến nay, cả làng có khoảng 50 hộ sản xuất, có 2 doanh nghiệp tư nhân mà tên tuổi của họ đang “nổi như cồn” ở trong và ngoài nước. Đó là doanh nghiệp Thường Trực và doanh nghiệp Trung Hòa. Từ năm 2006, ông Lê Văn Trực - một tay thợ giỏi có tiếng ở làng, chủ doanh nghiệp Thường Trực hiện nay đã mạnh dạn mở cơ sở. Xuất phát điểm từ một cơ sở nhỏ lẻ, doanh nghiệp của ông đã nhanh chóng trở thành một cơ sở mạnh với tổng thu nhập lên đến vài tỷ đồng/năm, sản phẩm mà ông Trực hướng đến là nội thất đồ cổ và nhà rường. Nếu doanh nghiệp Thường Trực chuyên về nhà rường thì cơ sở Lê Văn Hưu, Ngô Đức Phi…nổi tiếng với sản phẩm tượng gỗ chạm khắc cao cấp. Điêu khắc gỗ ở Mỹ Xuyên mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế, thể hiện giá trị mỹ thuật với kỹ xảo nghề nghiệp, trình độ chạm khắc điêu luyện và sự phối hợp thuần thục, nhuần nhuyễn, với cảm quan thẩm mỹ được thông qua những bàn tay tài hoa của người thợ lành nghề, các nhà điêu khắc giỏi của làng, bằng những công cụ giản đơn, thô sơ là những chiếc đục tạo nên trên các chất liệu bằng gỗ. Nghề điêu khắc gỗ ở Mỹ Xuyên đang từng bước được “nâng tầm”, và hơn ai hết, chính những nghệ nhân của làng ý thức rất rõ: họ chính là chủ nhân quyết định sự thành - bại của làng nghề, góp phần tôn vinh giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ, thông qua nhiều dạng khác nhau: chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm chấm phá, chạm khảm…đã thêm phần điểm tô, làm trang trọng hóa sản phẩm của nghề chạm khắc làng Mỹ Xuyên. 

Điều đáng nói là các hộ gia đình ở làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên không những đêm ngày nỗ lực phấn đấu, thi đua làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm thanh niên địa phương và các vùng phụ cận, mà còn tạo thành khối gắn kết chặt chẽ, thống nhất từ nhận thức cho đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa-tinh thần ngày càng vững mạnh ở địa bàn dân cư.

 

VÕ VĂN DẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024

;