Người Dao đến với vùng đất Hà Tuyên vào khoảng thế kỷ XIII, XIV và đến nay, người Dao ở Hà Giang có bốn nhóm, gồm: Dao Đỏ (Đại Bản), Dao Áo Dài (Dao Chàm), Dao Tiền (Tiểu bản) và Dao Quần Trắng. Trong quá trình tụ cư tại vùng đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam, người Dao đã lập làng, tổ chức sản xuất, sáng tạo và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Người Dao có những nét đặc trưng riêng như: ngôn ngữ, chữ viết, tập quán xã hội, văn nghệ dân gian... trong đó, dân ca là một loại hình văn nghệ dân gian điển hình mang tính truyền thống lâu đời và độc đáo. Người Dao ca hát gọi là Páo Dung, nhóm Dao Đỏ, Dao Tiền phát âm là Pá Dung, Pả Dung; nhóm Dao Áo Dài phát âm là Ay Dủng, Ày Dủng. Dù cho cách phát âm của từng nhóm Dao có khác nhau song Páo Dung chính là lời tâm tình của người Dao ở Hà Giang.
Hát Páo Dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Đây là loại hình hát dân ca của người Dao, là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Páo Dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Dao đang cư trú trên địa bàn các huyện: Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ. Về với bản Dao, gặp gỡ nghệ nhân Đặng Văn Háu, ngành Dao Áo Dài xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên; nghệ nhân Lý Công Siểu, ngành Dao Quần Trắng, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang; nghệ nhân Triệu Tạ Phấu, ngành Dao Đỏ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì... để tìm hiểu về Páo Dung của người Dao. Trong câu chuyện say sưa xen lẫn niềm tự hào các nghệ nhân chia sẻ: Người Dao gọi dân ca là “Páo Dung”. “Dung” là ca hát, “Páo Dung” là hình thức hát các bài hát ngẫu hứng, người hát tự đặt lời và truyền miệng hoặc ghi chép lại cho các thế hệ. Các làn điệu Páo Dung phản ánh về cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ nghi và những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Dao trong cuộc sống. Hát Páo Dung không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, rất tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát. Chính vì vậy các làn điệu Páo Dung giàu nhạc điệu và thấm đậm chất trữ tình. Người Dao dùng chữ Nôm - Dao để ghi chép các bài dân ca giao duyên, bài cúng dùng trong các nghi lễ. Trên cơ sở các bài dân ca truyền thống, các thế hệ người Dao tiếp tục sáng tạo, bồi đắp những giá trị mới để làm giàu thêm kho tàng dân ca của dân tộc. Nhóm Dao Áo Dài chia sẻ: Xưa kia người Dao rất yêu ca hát, trong cuộc sống vất vả nay đây mai đó, mỗi bước đi, mỗi ngày lao động, mọi niềm vui nỗi buồn đều được chắt thành lời ru của mẹ, lời tâm tình của chàng trai cô gái, lời răn dạy của ông bà, cha mẹ… Mỗi khi lời hát được cất lên thấy xua đi mọi mệt mỏi, buồn phiền và con người lại thấy tràn đầy sức sống. Từ đó, người Dao tự cùng nhau sáng tác, cùng nhau hát, cùng nhau vui chơi và chắt lọc những lời hát hay, ý nghĩa cho cuộc sống... để lưu truyền cho đến ngày nay. Dù có nhiều giả thiết về xuất xứ của Páo Dung, song, các cụ cao niên người Dao đều cho rằng, làn điệu Páo Dung do nhiều người, nhiều thế hệ cùng sáng tác, được hình thành từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần. Ngay từ nhỏ, trẻ em Dao đã được nghe những bài hát ru ngọt ngào, êm ái của bà, của mẹ, của chị... Khi lớn lên, với tuổi thơ trên đồng chăn trâu, cắt cỏ, các em lại được cất lên nhưng bài hát đồng dao để vui chơi; khi trưởng thành, trai gái tụ họp thi hát đố, hát giao duyên... Páo Dung đã tạo nên đời sống tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, hiểu đạo lý…
Dựa vào nội dung của các bài hát Páo Dung, có thể nhận thấy, Páo Dung của dân tộc Dao có ba loại hình, gồm: Páo Dung lễ nghi là những bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao, như hát trong lễ cấp sắc, lễ cưới, lễ cúng Bàn Vương, đám tang, cúng đầy tháng… Páo Dung trong sinh hoạt là các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ. Páo Dung trong lao động, sản xuất là những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, phản ánh đời sống du canh du cư, canh tác nương rẫy hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau. Điều đặc biệt ở Páo Dung là có thể cùng một loại hình, một nội dung nhưng ở mỗi ngành Dao lại có giọng điệu, âm hưởng và hình thức thể hiện riêng làm phong phú thêm kho tàng dân ca của đồng bào dân tộc Dao.
Những điệu Páo Dung của các nhóm Dao đều hình thành trên thể thơ sáu tám hoặc thơ bảy chữ và thường rất dài, có thể hát đối đáp nhau hết ngày, tàn đêm. Lời ca giàu hình tượng và sử dụng nhiều từ ví von, so sánh. Âm điệu luyến láy, tiết tấu tự do, sự nhanh, chậm của tiết tấu phục thuộc vào tâm tư tình cảm của người hát. Cách xưng hô phong phú có thể là: mình, ta, nàng, chàng, anh, em còn có cách xưng hô như loan, phụng, ô, thuyền, bến... Tuy nhiên, chàng và nàng là cách xưng hô phổ biến trong Páo Dung giao duyên. Người Dao hát Páo Dung ở trong nhà, trong bản, ngoài chợ, trên nương, bên suối... có thể hát đơn, hát đối đáp, hát động thanh... Chính vì vậy mà điệu Páo Dung luôn được bồi đắp, phát triển và lưu truyền trong cộng đồng.
Có thể nói, Páo Dung là hình thực sinh hoạt văn nghệ dân gian phổ biến của đồng bào Dao ở Hà Giang. Các làn điệu Páo Dung có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống tinh thần, quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng của người dân trong vùng, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ cuộc sống. Hiện nay, trong cộng đồng người Dao ở Hà Giang vẫn thực hành hát Páo Dung. Qua khảo sát, có thể nhận thấy, không chỉ các cụ cao niên hát mà các thế hệ trung niên người Dao vẫn lấy Páo Dung để thể hiện tâm tư tình cảm của mình. Với giá trị độc đáo đó, ngày 21/2/2024 Páo Dung của người Dao ở Hà Giang đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn phi vật thể của quốc gia. Đây là niềm vinh dự tự hào của người Dao nói riêng và cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang nói chung. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, tạo động lực nội sinh quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, các cấp các ngành và đặc biệt là cộng đồng người Dao sẽ chung tay bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Páo Dung độc đáo này.
NGUYỄN HOÀI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024