Lãng mạn hoa phượng tím Đà Lạt

Trong một cuộc Hội thảo bàn về phát triển TP. Đà Lạt, có ý kiến rằng: Đà Lạt được bạn bè yêu mến tặng quá nhiều mỹ danh, nên xác định mỹ danh nào chính? Theo tôi, “Thành phố ngàn hoa” là chuẩn nhất. Bởi, ngoài “Thành phố Festival hoa của Việt Nam”, không nơi nào có nhiều hoa như Đà Lạt. Riêng hoa phượng, Đà Lạt đã “sở hữu” 5 loài: phượng đỏ, phượng hồng, phượng vàng, phượng tím, phượng trắng. Và, bây giờ Đà Lạt đang tím trời hoa phượng tím.

 

Miền đất lý tưởng

Nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát lạnh, xưa nay Đà Lạt rất phù hợp cho nhiều loài rau, hoa từ khắp các châu lục sinh trưởng, phát triển. Các nghiên cứu cho biết, khi được di thực về Đà Lạt, nhiều loài rau, hoa còn phát triển tốt hơn so với khi còn ở “cố quốc”.

Riêng hoa phượng, hiện trong bộ “sưu tập” Đà Lạt đã có 5 loài, với những màu sắc rất riêng và quyến rũ: đỏ thắm, tím biếc, vàng kiêu sa, hồng trang nhã và trắng tinh khôi. Trong đó, một số loài trước nay chỉ thích nghi ở những vùng khô, nóng (phượng đỏ, phượng hồng) nay chúng đã có mặt trên miền đất lạnh để thêm một lần nữa khẳng định: Đà Lạt là vùng đất lý tưởng đã và đang quy tụ  hàng trăm ngàn loài hoa đẹp, hoa quý trên cả thế giới!.

So với các loài phượng khác (đỏ, trắng, hồng, vàng), phượng tím được trồng ở Đà Lạt sớm nhất, nhiều nhất và từ lâu đã khẳng định “thương hiệu” là một trong những loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, được cư dân phố núi yêu quý và rất tự hào.

Phượng tím là một trong những loài hoa “báo mùa” của Đà Lạt. Mỗi năm, cứ sau Tết Nguyên đán chừng một tháng; khi hoa mai anh đào khép cánh, trên các con đường, mái phố, lũng sâu, hay trong khuôn viên các cơ quan, trường học, nhà dân… tím ngát một màu hoa phượng tím. Phượng tím đã trở thành “sản phẩm” du lịch Đà Lạt; màu hoa tinh nguyên, quyến rũ của nó đã “gây thương nhớ” cho biết bao du khách phương xa, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên…

Lãng mạn hoa phượng tím

Quan sát kỹ, màu tím của hoa phượng tím Đà Lạt không giống màu tím của các loài hoa dại khác như: lưu ly, thạch thảo, violet… buồn, ủy mỵ; hoa phượng tím biếc một màu, tinh nguyên, rất lãng mạn và thật đáng yêu. Thường màu tím mang đến cho con người cảm giác buồn. Song, hoa phượng tím có màu tím thẫm gợi nhớ về những ký ức, hoài niệm, những kỷ niệm về thời tuổi trẻ đẹp nhất mỗi đời người; ẩn chứa, gửi gắm thông điệp thánh thiện: Hãy yêu cuộc sống, yêu con người, thiên nhiên, cỏ cây và vùng đất nên thơ con người đang sống.

Điều kỳ diệu là ở Đà Lạt có rất nhiều loài hoa “báo mùa”. Ví như, khi những cơn mưa cuối mùa bịn rịn rơi trên mái phố, trên những con đường rợp bóng thông ngàn, những bông dã quỳ vàng hé nụ - Mùa nắng đã về trên Cao nguyên. Khi trên cành xương mai anh đào trụi lá, chấp chới những nụ hồng phớt dưới cái lạnh se sắt cuối đông - mùa Xuân đã về phố núi sường mờ. Và mỗi khi tháng 3 về trên vùng đất Tây Nguyên đại ngàn - mùa hoa phượng tím bâng khuâng đất trời phố núi.

Điều kỳ diệu nữa về 5 loài hoa phượng hiện hữu ở Đà Lạt là chúng đều nở hoa vào tháng 3 - khi mùa nắng về trên Cao nguyên xanh. Giữa thiên đường hoa Đà Lạt, bừng lên những mảng màu tươi thắm của hoa phượng đỏ, màu hồng phấn thướt tha của phượng hồng, màu vàng óng ánh của phượng vàng, màu trắng tinh khôi như áo học trò của hoa phượng trắng… Và, tím biêng biếc của loài hoa phượng tím, đã tạo nên bức tranh hoa tuyệt đẹp giữa phố núi vào hè.

Mỗi năm, khi Tháng 3 về, cùng với mùa hoa phượng bâng khuâng nở tím trời phố núi; đây là mùa Đà Lạt đẹp nhất trong năm - mùa Du lịch Đà Lạt. Bởi vậy, rất tự nhiên, phượng tím trở thành “đặc sản” rất riêng của du lịch Đà Lạt.

Hiện nay, từ TP Đà Lạt đi về các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành, Tà Nung (và một số huyện lân cận); trên nhiều tuyến đường, trong sân các trường học, cơ quan, khu dân cư… phượng tím được trồng khá nhiều, vươn cao và nở hoa tím ngát, tô điểm sắc trời Tây Nguyên mỗi năm khi tháng 3 về.

Đặc biệt, trên các tuyến đường phố chính của Đà Lạt: Quang Trung, Trần Phú, Phù Đổng Thiên vương, Trần Hưng Đạo…, chen giữa các hàng hoa ban trắng (“công dân vùng núi Tây Bắc” đã có mặt ở Đà Lạt hơn 15 năm qua), người ta trồng các cây phượng tím, cao chừng 15 - 30 mét và đều đã ra hoa. Tháng 3 cũng là mùa hoa ban trắng nở; màu trắng hoa ban quyện với màu tím bâng khuâng của hoa phượng tím, tạo nên bức tranh đa sắc, đẹp vô cùng. Và trên các con đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Nguyễn Lương Bằng, quanh bờ hồ Xuân Hương…, hoa phượng tím đang bung nở, thu hút nhiều du khách và người dân địa phương, nhất là giới trẻ tìm đến để, chụp hình, check-in.

 

Trước đó, Đà Lạt có 2 con đường mang tên hoa: đường Mimosa và đường Mai Anh Đào; năm 2017, HĐND tỉnh Lâm Đồng ban hành nghị quyết đặt tên thêm 6 con đường trong Khu du lịch (KDL) quốc gia Hồ Tuyền Lâm Đà Lạt mang tên 6 loài hoa đặc trưng của Đà Lạt. Theo đó, đường Hoa Hồng dài 8.200m, từ đường Trần Nhân Tông (cổng sau Thiền viện Trúc Lâm) vào KDL Đường hầm đất sét; đường Hoa Đỗ Quyên dài 7.800m, từ cầu Preen (Quốc lộ 20) đến ngã ba bán đảo Công ty Sacom Tuyền Lâm; đường Hoa Phượng Tím dài 6.200 mét, từ cổng sau Thiền viện Trúc Lâm tới KDL Đá Tiên; đường Hoa Hoàng Anh dài 2.940m,  đường Hoa Cẩm Tú Cầu dài 1.500m và đường Hoa Tường Vi dài 720m.

Việc đặt tên đường mang tên các loài hoa cũng là một khác biệt của Đà Lạt. Ngoài tôn vinh những loài hoa đặc hữu, niềm tự hào của công dân phố núi, đây còn là sự quan tâm phát triển du lịch. Qua đó, hoa phượng tím càng được nhiều người biết đến, thêm yêu quý và càng có sức quyến rũ đối với du khách muôn phương.

Bạn tôi ở Hà Nội vừa phone: “Tháng 3 này mình sẽ “bay” vào Đà Lạt để chiêm ngưỡng mùa hoa phượng tím”.

Rõ ràng, hoa phượng tím đã “để lại dấu ấn” du khách, phượng tím đã trở thành sản phẩm của du lịch Đà Lạt.

 

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

;