Đó là một lễ hội khá độc đáo, giàu ý nghĩa nhân văn ở Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Lễ hội này rất cổ xưa, nó bị mai một trước năm 1945 đến năm 1993 đã dần được khôi phục. Những năm gần đây, thành phố Việt Trì tổ chức lễ hội quy mô lớn cả phần lễ và phần hội với mong muốn lễ hội này trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đồng thời là một điểm nhấn trong chương trình Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam của tỉnh Phú Thọ, điểm du lịch hấp dẫn của Việt Trì.
Minh Nông xưa thuộc kẻ Nú hay làng Nú. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng từ Nú đồng âm, đồng nghĩa với Lú, Lú nghĩa là Lúa. Minh Nông là Kẻ Lú - Làng Lúa. Thời nhà Lê, kẻ Lú có tên chữ là Minh Nông thuộc huyện Phù Ninh, phủ Tam Đới , trấn Sơn Tây. Năm 1900, thời nhà Nguyễn, xã Minh Nông đứng đầu tổng Minh Nông thuộc huyện Hạc Trì. Tổng Minh Nông có 8 làng: Minh Nông, Nỗ Lực, Nông Trang, Phương Châu, Phú Nông, Tiên Cát, Thanh Miếu, Thọ Sơn. Hiện nay, làng Lú xưa là phường Minh Nông thuộc thành phố Việt Trì. Minh Nông có các xóm: Hồng Hải (Giải Làng), Thông Đậu (xóm Đõ), Minh Tân (xóm Núi), Minh Bột (xóm Đồi Rơm), Hòa Phong (xóm Đồi Lúa ). Làng Minh Nông xưa có vị trí địa lý đặc biệt tiếp giáp vùng hạ lưu 3 con sông lớn: sông Hồng (sông Thao), sông Đà, sông Lô nên lượng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng ở đây rất lớn. Trong đó, phải kể đến đồng Lú. Các cụ cao tuổi ở đây cho biết đất đồng Lú cực tốt, nếu trồng lúa nếp có năng suất 6 thúng / sào mà chỗ khác chỉ 4 thúng/ sào, chất lượng lúa thơm, ngon, dẻo nổi tiếng cả vùng. Theo nhà sử học địa phương Vũ Kim Biên, đất Minh Nông có đủ ba vùng địa lý tự nhiên của vùng trung du: có đồi có dộc, có sông có trằm. Đồi có Hóc môn, Hóc chuối, Phân dù; trằm có Trằm đá, Trằm sào; có đồi Mã Lao nơi Vua Hùng dạy quân cưỡi ngựa, có dấu tích cư trú của cư dân Đồng Đậu cách đây 4.000 năm qua những hiện vật khảo cổ ở di tích Mã Lao năm 1977. Nơi đây, từ xa xưa đã nổi tiếng lúa tốt, kê sai bông, lắm tôm cá, thuận lợi cho cư dân sinh sống. Minh Nông trước có 3 ngôi chùa, 5 ngôi đền nhưng không có đình. Dân làng không dựng đình bởi lý do cấm lệ vì vua Thần Nông phải tế lộ thiên ngoài trời. Nghiên cứu cấm lệ này ta thấy có những điểm khác lạ so với các làng xã khác, làng nào cũng có đình tuy quy mô to hay nhỏ còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế nhưng Minh Nông không dựng đình. Các vị bô lão làng Minh Nông cho biết, từ xa xưa, làng đã có đàn Thần Nông ở cạnh khu ruộng Tịch Điền rộng 7m, dài 8m, cao 1,3m. Bên trong đàn có đắp bệ hổ phù dài 1,2m, cao 0,3m, ở giữa có bệ dài 0,6m, rộng 0,8m trên đặt bát hương, sân đàn trồng cỏ. Bên cạnh đàn Thần Nông có cây đa cổ thụ gọi là cây đa Đồn. Lưng đàn quay về hướng Tây Nam nơi có chòm sao Thần Nông. Khi có tiệc cầu chủ tế đứng trước Đàn hướng về phía chòm sao Thần Nông mà lễ bái. Đó là những sự tích ở vùng đất đặc biệt liên quan đến vua Hùng dạy dân cấy lúa, trồng kê, đến tín ngưỡng nông nghiệp của cha ông ta từ xa xưa. Trong cuốn Truyền thuyết Hùng Vương nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Khắc Xương có nói đến: “Thời xưa nhân dân chưa biết cày, cấy làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống bằng thịt thú rừng, rễ cây, quả cây và các loại rau dại lúa hoang nhặt được. Các vùng đất ven sông mỗi lần nước lớn dâng lên lại được phù sa bồi thêm màu mỡ. Vua Hùng thấy đất ấy tốt lắm, mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước. Vua thấy lúa mọc hoang nhiều, mới bày cách cho dân giữ hạt, gieo mạ, khi mạ lên xanh thì đem cấy vào những tràn ruộng có nước. Lần đầu không biết cấy, dân tìm hỏi vua. Vua Hùng nhổ cây mạ lên, đem tới ruộng nước lội xuống cấy cho dân xem. Mọi người cùng làm theo. Cấy tới lúc mặt trời đứng bóng vua nghỉ tay, cùng mọi người ăn uống ở dưới gốc đa lớn”. Cũng theo ông Nguyễn Khắc Xương trong cuốn Truyền thuyết Hùng Vương: “Một hôm, con gái các Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên bờ sông thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, nhảy nhót trong đám cỏ lau, các nàng đều vui thích. Có một nàng công chúa mải ngắm đàn chim, dừng tay quăng lưới, chợt có con chim thả một bông kê rơi trên mái tóc. Công chúa đem bông kê về trình với Vua Hùng. Vua mừng vì cho là điềm lành, hạt nay chim ăn được chắc người cũng ăn được, liền bảo các Mị nương ra bãi tuốt các bông đó đem về. Tới mùa xuân, vua đem các hột kê ra bảo các mị nương gọi dân đi quải kê (rắc kê). Nhân dân vui mừng rước vua ra đồng. Trống mõ đi đầu rồi tới những người rước lúa, rước kê. Vua, các Mị nương và nhân dân đi sau. Tới bến sông, Vua xuống bãi lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt lúa rồi lại gieo hạt kê trên bãi. Làm xong, vua cắm một cành tre để chim khỏi ăn hạt. Các Mị nương và dân làm theo vua, tra lúa gieo kê và cắm các cành tre khắp đồng, khắp bãi”.
Minh Nông xưa có hai lệ cầu trong một năm. Vào đầu vụ cấy thì làm lễ tế vua Hùng tại đàn Tịch Điền và dưới gốc đa. Đó là lễ hạ điền (xuống đồng) vào ngày 1/6 âm (vụ mùa) và 1/11 âm (vụ chiêm), hai kỳ lễ cơm mới (thượng điền) vào thời điểm sau khi thu hoạch vụ chiêm và vụ mùa. Người dân cho biết, trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, cổ lệ trên không duy trì đều đặn, mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào 1/6 âm lịch. Hôm đó, từ sáng sớm các quan viên, chức dịch và bô lão, dân làng làm lễ thắp hương ở các đền, đến 9 giờ mọi người tập trung ra đàn Tịch Điền để tế Thần Nông. Trước hôm 1/6 âm, thửa ruộng trước đàn Tịch Điền được cày bừa kỹ, mạ do chủ tế gieo từ 1/4 âm lịch đủ tuổi nhổ cấy. Sáng mồng 1/6, mang cái mạ gọi là một cặp để sẵn đầu bờ ruộng. Ông chủ tế đồng thời cũng là chủ điền được dân làng chọn từ trước theo tiêu chuẩn khoẻ mạnh, thạo nghề nông, nhà không có tang, chấp hành tốt hương ước của làng, đông con nhiều cháu. Sở dĩ có điều này là vì người dân kỳ vọng những điều tốt đẹp từ ông chủ điền sẽ hóa thân vào cây lúa, truyền vào đó sự sinh sôi tốt đẹp để mùa màng bội thu. Tế Thần Nông xong, ông chủ tế chuyển sang vai tượng trưng cho Vua Hùng xuống đồng dạy dân cấy lúa. Đi cùng nhà vua có một người cầm lọng che, một người cầm ống hương, một người cầm bó mạ, nhà vua xắn quần, vén vạt áo và xắn tay áo, tay cầm bó mạ cấy mấy chục khóm hết bó mạ đó rồi lên bờ. Dân làng lúc đó chạy về ruộng nhà mình cấy theo lấy khước sau khi đã được xem vua cấy làm mẫu. Kể từ thời điểm này, vụ cấy bắt đầu. Trước đó dân làng không được cấy khi chưa tế Thần Nông và cầu hèm xuống đồng. Những năm sau này, sau khi Vua Hùng cấy mẫu, dân làng ùa xuống cấy tiếp thửa ruộng trong không khí rất phấn chấn. Xong công việc, dân làng cùng ông chủ tế về làm lễ tạ Thần Nông rồi cùng các vị quan viên, bô lão trong làng về đền làm lễ tạ Thành Hoàng. Đến đây, lễ hội kết thúc.
Năm 1993, Minh Nông lần đầu tổ chức phục dựng lại một phần lễ hội sau hơn 40 năm lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa bị mai một. Năm 2018, lễ hội được thành phố Việt Trì tổ chức khá quy mô sau khi địa điểm Minh Nông được đưa vào chương trình du lịch về miền Lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam. Kịch bản tổ chức phần lễ và phần hội có sự giúp đỡ của các chuyên gia về di sản văn hóa của Sở VHTTDL, Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, Bảo tàng Hùng Vương, Đoàn Nghệ thuật chèo Phú Thọ... được dư luận đánh giá cao, người dân ở Minh Nông rất phấn khởi. Các nghi lễ truyền thống như Cáo yết, cúng Thần Nông, tế lễ , rước kiệu, đặc biệt là phần tái diễn sự tích “ Vua Hùng dạy dân cấy lúa” được lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cùng nhân dân phường Minh Nông tiến hành đầy đủ, trang nghiêm. Phần hội có thi cấy lúa giữa các đội, hát Xoan, múa lân, múa sư tử, trò chơi Bịt mắt đập niêu đất. Lịch tổ chức lễ hội được chọn là ngày 15 tháng Giêng. Ngay từ sáng sớm, các cỗ kiệu được rước từ bến sông về đàn Tịch Điền thôn, Hồng Hải. Đi trước là đội nghi thức rước cờ, bát bửu, nghi trượng, đội nhạc bát âm sau đoàn kiệu là chủ tế (chủ đồng), 18 thanh nữ mang lễ vật bánh chưng, bánh giầy, hương hoa, 18 thanh niên trang phục áo nâu rước các nông cụ sản xuất như cuốc, cày, liềm, hái, 18 thôn nữ mang những bó mạ, đội hát Xoan… chiêng trống vang lừng tạo nên bầu không khí thật rộn ràng khắp các ngả đường dẫn đến địa điểm tổ chức lễ hội. Sau nghi thức tế lễ, Vua Hùng xuống ruộng thực hiện các động tác cấy lúa và hướng dẫn người dân. Cấy xong bó mạ, Vua Hùng lên bờ, dân làng ùa xuống cấy tiếp trong không khí hân hoan, phấn khởi. Ai ai cũng tin tưởng mùa màng sẽ bội thu, nhà nhà no đủ. Sau khi hoàn thành việc cấy ,chủ tế và dân làng làm lễ tạ Thần Nông tại đàn Tịch Điền. Đến đây, phần kễ kết thúc, phần hội với nhiều trò chơi dân gian, liên hoan văn hoá văn nghệ , hội thi cấy lúa giữa các đội được tổ chức thu hút rất đông người tham gia.
Lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” là một tập tục tín ngưỡng đặc trưng của cư dân trồng lúa nước có từ thủơ các vua Hùng dựng nước, là nơi khởi nguồn của nghề trồng lúa. Người dân từ bao đời ghi nhớ công ơn vua Hùng đã khai sáng nghề nông, mở ra thời kỳ văn minh lúa nước sông Hồng, tôn vinh Vua Hùng là ông Tổ nghề nông, là Thần Nông. Vì thế, lễ hội luôn mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó càng sâu sắc hơn khi vấn đề an ninh lương thực không một quốc gia nào không coi trọng. Nó nhắc nhở mọi người Việt Nam luôn nhớ về ngọn nguồn của nghề trồng lúa, người khai canh vĩ đại là Vua Hùng có công dựng nước cách đây mấy ngàn năm. Qua câu chuyện này, chúng ta còn hình dung được công cuộc trị thuỷ cực kỳ vất vả đối với các con sông ở đồng bằng Bắc Bộ qua nhiều thời kỳ lịch sử để hôm nay có được cả một nền văn minh lúa nước sông Hồng. Câu chuyện lễ hội còn là lời nhắc nhở mọi người nhớ về truyền thống đạo lý dân tộc “ Uống nước nhớ nguồn”, “ Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Về Minh Nông hôm nay, kẻ Lú xưa hẳn mỗi người mang nhiều hoài niệm về vùng đất nơi Vua Hùng đã khai canh nghề trồng lúa nước mà lòng xốn xang. Nhà thơ Kim Dũng ở Phú Thọ có nhiều suy tư qua bài thơ: “Từ Minh Nông nghĩ về cây lúa”:
Các Vua Hùng gieo nắm thóc nơi này
Buổi dựng nước - vua tôi cùng cày cấy
Làng Minh Nông có tên từ thủơ ấy
Hạt lúa xưa để giống đến bây giờ…
Minh Nông với lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa sẽ là điểm du lịch hấp dẫn không chỉ đối với khách trong nước mà còn cả với khách quốc tế. Rồi trong một tương lai không xa ở hạt lúa nơi đây sẽ trở thành sản phẩm tiêu biểu của vùng đất cội nguồn đến với mọi nhà, mọi người.
TRẦN VĂN QUANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024