Rồng là con vật thần thoại được người xưa tôn sùng vì nó là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Ngoài ra, rồng còn tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối của nhà vua, là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng đầu trong tứ linh: long, lân, quy, phụng. Chính vì vậy mà con người thường dùng hình ảnh con rồng để trang trí trong kiến trúc cung đình, mang đậm bản sắc dân tộc.
Hình tượng rồng Việt Nam xuất hiện trên khắp miền đất nước. Trải qua các triều đại từ Lý, Trần, Lê đến nhà Nguyễn, hầu hết các chùa chiền, đình miếu, lăng tẩm đều trang trí hình rồng với biểu tượng Lưỡng long triều nguyệt, Lưỡng long tranh châu hoặc Hồi long triều nguyệt (hai con rồng quay đầu lại chầu mặt trăng). Đời Lý Thái Tổ đã đặt tên cho đế đô là Thăng Long thành (rồng bay) tượng trựng cho sức vươn cao của giống nòi và khát vọng hòa bình vĩnh cửu của nông dân trồng lúa nước.
Hình tượng con rồng Việt Nam mình uốn éo, mắt lồi to, hàm rộng mở, không sừng, dáng vẻ hùng vĩ, đầu luôn hướng về phía trước đớp lấy viên ngọc, thể hiện ý chí mãnh liệt. Đây chính là nét độc đáo để các họa sĩ, các nhà điêu khắc khai thác và sáng tạo nghệ thuật. Hình tượng Lưỡng long chầu nguyệt thường được dùng để trang trí các cung điện, đền đài và miếu mạo. Điển hình như Hội linh cổ tự (Cần Thơ), trên mái nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt. Long tuyền cổ miếu (Cần Thơ) thì dọc trên bờ nóc có tượng một đôi rồng uốn lượn tranh lấy quả châu. Tại miếu bà Chúa Xứ (An Giang), đình thần Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào (Cần Thơ), đình thần Thoại Ngọc Hầu (An Giang), chùa Đàn Tiên (Cần Thơ), Dinh Cậu (Phú Quốc)…đều trang trí hình rồng một cách nghiêm cẩn qua khối óc sáng tạo tài tình, tinh xảo của các nhà thiết kế mỹ thuật.
Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, việc trang trí hình rồng ở Việt Nam rất linh hoạt, hình thành những tác phẩm vô giá, tạo nên công trình kiến trúc để đời. Có nơi người ta dùng hình tượng Lưỡng long triều nhật với ý nghĩa ngọn lửa thiêng tượng trưng cho sự an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời chế ngự sự xâm nhập của tà ma. Có nơi là hình tượng Lưỡng long tranh châu, biểu tượng cho sự chiến thắng và thành đạt.
Hình tượng con rồng không những được các nhà kiến trúc khai thác và sáng tạo mà còn được thiết kế trên nhiều đồ dùng của vua chúa như long bào, long sàng, long ngai, long xa, long thuyền (châu). Ngoài ra, rồng còn có ngôn ngữ riêng cho vua chúa như long thể, long nhan. Ngoài nghệ thuật kiến trúc, các họa sĩ, các nhà mỹ thuật xưa nay thường chọn biểu tượng rồng để sáng tạo ra những tác phẩm tuyệt vời như tranh vẽ, hoa văn trên chén, đĩa, bình trà, bình cắm hoa và các dụng cụ quý hiếm.
Qua cách trang trí của kiến trúc thời xưa, chúng ta nhận thấy ông cha ta rất coi trọng hình ảnh con rồng. Thời nhà Nguyễn, Huế có nhiều họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng về phác họa hình rồng. Nhờ vậy mà từ cung điện đến lăng tẩm chỗ nào cũng có hình rồng, tạo ấn tượng mạnh mẽ và khó quên.
Trong kho tàng văn học dân gian có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về rồng.
Thời phong kiến rồng tượng trưng cho thành đạt, thi đỗ làm quan:
Một mai con cá hóa rồng
Đền ơn cha mẹ chờ mang những ngày.
Rồng tượng trưng cho quê hương đất nước thanh bình, thịnh vượng:
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long.
Và cho những ước vọng:
Ước gì gặp hội long vân
Cho quen người lạ, cho gần người thương.
Có thể nói, rồng là nguồn gợi cảm sâu sắc giúp cho những người sáng tác mỹ thuật tạo ra những tác phẩm hoàn mỹ, nhằm làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ và nhu cầu về đời sống tâm linh. Đây còn là một loại hình văn hóa đầy sáng tạo, gần gũi với cuộc sống đời thường, thể hiện muôn màu muôn vẻ và đậm đà bản sắc dân tộc.
HOÀI PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024