Sắc màu văn hóa hội tụ

Hình ảnh những nghệ nhân đến từ các buôn làng say sưa ngân vang nhịp chiêng, nối dài vòng xoang hay cất cao điệu hát giao duyên tình tự là điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi sự kiện Festival văn hóa cồng chiêng tại Gia Lai. Bên cạnh đó, hình ảnh các già, các mẹ cặm cụi bên khung dệt tỉ mỉ luồn từng sợi chỉ, chuốt nhỏ lồ ô để đan gùi, làm túi… trong không gian xanh mát của Bảo tàng đã để lại ấn tượng đẹp, thu hút sự tham quan trải nghiệm của đông đảo người dân và du khách. Đây là dịp để những giá trị văn hóa truyền thống tồn tại từ bao đời nay của người dân bản địa từ làng về phố một cách chân thực và gần gũi nhất.

 

Nghệ nhân Đinh Nhiu đến từ làng Kte lớn A (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện) cặm cụi đan từng sợi nan đã được chẻ nhỏ, chuốt mỏng từ cây le để tạo nên chiếc gùi truyền thống của bà con dân làng. Bên cạnh ông là mô hình nhà rông đã được hoàn thiện cách đây gần 1 tháng. Ông bảo: đây là sản phẩm kỳ công nhất mà ông làm được từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu cho đến đi vào tạo hình. Khó nhất là việc tạo hoa văn, phối màu, khắc họa những chi tiết nhỏ trên mô hình để tạo nên một sản phẩm vô cùng đẹp mắt và độc đáo.

Bên cây đàn Ting Ning, nghệ nhân Yung đến từ làng Đê Kjiêng (xã Ayun, huyện Mang Yang) chia sẻ: từ năm 18 tuổi ông đã biết chơi đàn. Vào mỗi buổi chiều tối nông nhàn, rảnh rỗi, ông và thanh niên trong làng lại tụ họp cùng nhau hát giao duyên, ngân những nhạc điệu dân ca bản địa bên cây đàn tình yêu nên âm nhạc truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt. 

 

Anh Đỗ Mạnh Cương cùng các nghệ nhân làng Bok Ayơl (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) khẩn trương hoàn thành chiếc gùi với kích thước “khổng lồ” nhằm bán đấu giá gây quỹ “Tre làng”. Đây là ý tưởng anh Cương nghĩ ra hơn một tháng trước thềm lễ hội nhằm xây dựng nguồn quỹ dùng vào việc bảo tồn, xây dựng không gian văn hóa truyền thống từ các làng.

Nghệ nhân Đob sinh năm 1954, đến từ làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) đang tỉ mỉ bên khung dệt để tạo nên một chiếc váy truyền thống của người Bahnar. Theo bà, người phụ nữ trong gia đình bà ai cũng biết dệt vải, từ bà, mẹ, đến đời của bà rồi con cháu sau này đều theo học và nối nghiệp như vậy.


 

Những chiếc túi xách thời trang vô cùng đẹp mắt và độc đáo với kiểu dáng hiện đại cùng màu sắc được phối khéo léo là sản phẩm được tạo ra từ các nghệ nhân đến từ làng Bok Ayơl (xã Hà Ra, huyện Mang Yang). Giá thành cho mỗi chiếc túi như vậy dao động tầm 700.000 đồng. Phải thật kỳ công và tỉ mỉ, lành nghề thì bà con trong làng mới có thể làm ra được những sản phẩm có độ khó như vậy. Đây là tín hiệu vui và tích cực bởi từ việc học hỏi lẫn nhau, trao truyền và nối nghiệp mà bà con đã gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống cư dân bản địa.

Bản sắc truyền thống mà các nghệ nhân đến từ làng Ktang (xã Kdang, huyện Đak Đoa) tham gia chuỗi sự kiện thông qua việc tái hiện lại các lễ hội bản địa đã góp phần vào sự thành công của lễ hội.

Thông qua chuỗi sự kiện ý nghĩa này, du khách có dịp tiếp cận và trải nghiệm những giá trị di sản, văn hóa chân thật nhất ngay giữa trung tâm thành phố. Những sản phẩm thủ công truyền thống do các nghệ nhân làng Chuét Ngol (xã Chư Á, thành phố Pleiku) tạo nên từ chiếc gùi, nơm đánh cá đến tấm khăn, khố… đã góp phần mang lại một không gian văn hóa đa sắc màu để người dân và du khách thưởng lãm.

 

VÕ THANH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;