Những năm gần đây, du khách đến Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là các nhà khoa học, học sinh, sinh viên không thể bỏ qua điểm tham quan, trải nghiệm lý thú: Khu biệt điện Trần Lệ Xuân (nay là trụ sở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), số 2 - Yết Kiêu - Phường 5 - TP.Đà Lạt…
“Đệ nhất biệt điện”
Biệt điện Trần Lệ Xuân (hay biệt điện bà cố vấn) được xây dựng năm 1958 - gắn với thời kỳ hưng thịnh nhất của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH), do vợ chồng Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân làm chủ. Một thời, công trình này được mệnh danh là “Đệ nhất biệt điện” hay “Đệ nhất trời Nam” bởi kiến trúc của nó rất sang trọng, xa hoa, thể hiện sự giàu sang và uy quyền của gia đình họ Ngô này.
Khuôn viên tòa “biệt điện” nằm trên diện tích 13.000 m2, đầy đủ tiện nghị: phòng làm việc, hội họp, phòng khiêu vũ, phòng chiêu đãi… Ngoài sân, có hồ bơi nước nóng, sân chơi tennis, vọng đài và một hoa viên rất đẹp do các kỹ sư người Nhật Bản thiết kế. “Biệt điện” có 4 cụm kiến trúc; gồm 3 biệt thự riêng biệt với tên gọi rất hoa mỹ: Bạch Ngọc, Lam Ngọc, Hồng Ngọc và khu vườn mang đậm phong cách Nhật với hệ thống sân vườn, bonsai, cây cảnh, thảm cỏ, bãi đá, các loài hoa lạ, đẹp…
Trong 3 khối biệt thự thì Bạch Ngọc là nơi bố trí ăn chơi của gia đình Trần Lệ Xuân và tướng tá Sài Gòn; Lam Ngọc được sử dụng làm nhà nghỉ cuối tuần của gia đình bà “cố vấn”. Còn Hồng Ngọc là tòa biệt thự Trần Lệ Xuân xây tặng cho bố đẻ là ông Trần Văn Chương, lúc này đang là Đại sứ VNCH tại Mỹ. Để phòng bị bất trắc, biệt thự Lam Ngọc được thiết kế một căn phòng (tầng hầm) có sức chứa khoảng 10 người, được sử dụng bằng loại thép đặc biệt có thể chống đỡ sức công phá mạnh. Trong căn hầm này còn có một đường thoát ra bên ngoài…
Giai đoạn 1954 -1960, gia đình họ Ngô đang trên đỉnh cao quyền lực và biệt điện Trần Lệ Xuân là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Hàng chục cảnh sát, vệ binh cộng hòa túc trực, bảo vệ ngày đêm. Song, chủ nhân của nó không tránh khỏi “quả báo”: Cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 đã kết thúc chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm. Tài sản gia đình họ Ngô bị tịch thu, khu “biệt điện” Trần Lệ Xuân được trưng dụng làm “Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên” vào thời Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền…
Sau ngày đất nước thống nhất (1975), chính quyền cách mạng tiếp quản và gìn giữ khu biệt điện. Năm 1984, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước quản lý làm nơi bảo quản khối tài liệu “Mộc bản triều Nguyễn”. Ngày 25/8/2006, Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập “Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV” với chức năng thu thập, bổ sung, bảo quản và sử dụng tài liệu lưu trữ của quốc gia…
Trở thành Kho Di sản Tư liệu thế giới
Hơn 15 trở lại đây, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ) trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước quan tâm đến lịch sử - văn hóa Việt Nam.
Trong quá trình trùng tu, tòa “biệt điện” được giữ nguyên kiến trúc cũ. Ba tòa biệt thự được sử dụng làm khu trưng bày tài liệu lưu trữ quý hiếm, độc đáo và được tổ chức theo từng chuyên đề để du khách tiện tham quan, tìm hiểu với các nội dung: “Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”; “Miền Trung - Tây Nguyên trong chiến tranh giải phóng dân tộc 1954 - 1975”; “Đà Lạt - Lâm Đồng qua tài liệu lưu trữ” và “Từ Biệt điện Trần Lệ Xuân đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV”.
Tại đây, đang lưu giữ và bảo quản hơn 34.000 tấm mộc bản, trên 14.000 tấm bản đồ, 6 phông tài liệu Hành chính thời Pháp thuộc và thời VNCH; đặc biệt, có một số kiệt tác mộc bản mang giá trị lịch sử như Mộc bản khắc “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ (năm 1010), Mộc bản vua Minh Mạng đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội (năm 1831); một số tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Thời điểm kỷ niệm 10 năm thành lập (2007 - 2017), Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã tổ chức 2 không gian Chuyên đề phục vụ du khách gồm: Không gian bên ngoài với chuyên đề “Di sản tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản - Giá trị lịch sử từ ký ức” và Không gian bên trong, Chuyên đề: “Triều Nguyễn với việc biên soạn và san khắc quốc sử”… Châu bản triều Nguyễn là tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý Nhà nước của triều Nguyễn (1802 – 1945), năm 2014 đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu nằm trong “Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.
Còn Mộc bản Triều Nguyễn là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm nhân bản tài liệu (từ Châu bản) để phổ biến đến thần dân thực hiện các chuẩn mực đạo đức, luật lệ. Đó còn là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố chính trị… Tại đây, đang bảo quản hơn 34.000 tấm mộc bản với hơn 55.000 mặt khắc của hơn 150 đầu sách, có giá trị phản ánh lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương đến triều Nguyễn. Ngày 31/7/2009, Khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này cũng đã được UNESCO ghi danh là Di sản Tư liệu thế giới. Đây là Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Châu bản, Mộc bản, Sách ngự lãm là kho tư liệu quý, nguồn sử liệu phong phú về đời sống chính trị, xã hội Việt Nam thời Nguyễn. “Mộc bản triều Nguyễn” đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV vô cùng quý giá về tư liệu lịch sử, sự trân trọng lịch sử và ý thức lưu giữ để truyền lại cho hậu thế của các bậc tiền nhân.
Kho Di sản Tư liệu Mộc bản triều Nguyễn và công trình kiến trúc “biệt điện Trần Lệ Xuân” là nơi tìm đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, nhất là các nhà nghiên cứu khoa học, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên các trường học trên cả nước…
THANH DƯƠNG HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 552, tháng 11-2023