Về xứ Mường Minh Hoà xem lễ hội mở cửa rừng

Lễ hội mở cửa rừng ở xứ Mường Minh Hòa, Yên Lập, Phú Thọ

 

Nằm cách trung tâm  huyện Yên Lập (Phú Thọ) 15 km về phía Đông Nam,  xã Minh Hòa nằm gọn trong một thung lũng có chiều dài khoảng 7 km, chiều rộng chừng 1,5 km được bao quanh 2 dãy núi đá vôi  là Đọi Đèn,  núi Khiếu có độ cao 700 m so với mục nước biển với những ngọn cao thấp nối tiếp nhau thành vòng cung ôm trọn dải đất Minh Hoà. Từ trên sườn núi, nhiều khe nước chảy róc rách xuống chân núi hợp thành suối Đát chạy dọc xã, tạo nên một vùng “Sơn chầu, thủy tụ” đẹp một cách huyền bí mê hoặc lòng người. Do địa hình chỉ có một con đường (độc đạo) vào làng Phục Cổ, người dân ở đây vốn có truyền thống anh dũng đánh giặc đã biến quê hương thành chiến khu cách mạng (chiến khu Lòng chảo) lừng danh trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Thực dân Pháp và phát xít Nhật nhiều lần thất bại khi chúng tiến công vào đây. Minh Hòa còn là  một xứ Mường với những  lễ hội, trò diễn tục lệ cổ xưa vẫn được bảo lưu làm cơ sở cho việc tổ chức phục dựng lễ hội Mở cửa rừng khá độc đáo.

Thần tích,  thần sắc làng Phục Cổ, Minh Hòa ghi rõ lễ Mở cửa rừng này là Xuân tế,  nó tương ứng với lễ Khai hạ của người Mường ở Hòa Bình,  đồng bào Mường các bản ở Yên Lập quen gọi là lễ Mở cửa rừng. Lễ này trước 1945 tổ chức trong hai ngày mồng 6 và 7 tháng Giêng (theo tài liệu lưu tại Thư viện Khoa học xã hội ký hiệu TTTS.14846- TTTS.14847). Sau Cách mạng Tháng Tám, lễ hội này đã bị mai một, không tổ chức trong nhiều năm. Tôi có may mắn chứng kiến những ngày lễ hội Mở cửa rừng chuẩn bị được  phục dựng sau khi có chương trình phục dựng một số lễ hội truyền thống của Sở Văn hóa, Thông tin Phú Thọ phục vụ phát triển du lịch của tỉnh từ năm 2006. Một trong số những người “có duyên” với việc phục dựng lễ Mở cửa rừng ở Minh Hòa là nghệ nhân văn hóa dân gian Nguyễn Ngọc Thưởng, dân tộc  Mường, quê ở xã Ngọc Đồng, một xã liền kề với Minh Hòa. Ông vốn làm tuyên văn trong quân đội hàng chục năm, sau đó về phục viên. Vốn sẵn lòng say mê vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, lại có năng khiếu biểu diễn dân ca, dân vũ Mường, biết sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân ca và bản thân là thầy mo của vùng mường gồm mấy xã như Ngọc Đồng, Minh Hoà, Phúc Khánh, ông  rất nhiệt tình trong sưu tầm các bài cúng , nghi lễ, trò diễn trong lễ hội, tìm đến các ông trùm phường săn ở các xã xung quanh Minh Hòa để tìm  hiểu về lễ hội tổ chức khi xưa.  Một số cán bộ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lãnh đạo của địa phương, của phòng văn hóa huyện Yên Lập biết ông có nhiều đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng, nhất là vốn hiểu biết về lễ hội truyền thống của dân tộc Mường đã mời ông tham gia chương trình phục dựng lễ hội Mở cửa rừng. Người có nhiều công lao này phải kể đến ông Phan Văn Đốc, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện; bà Ngô Thị Thành, nguyên trưởng phòng Văn hóa Thông tin Yên Lập. Khi lễ hội Mở cửa rừng xã Minh Hòa chính thức được  phục dựng, người dân rất hào hứng đón nhận. Sau vài năm,  vài lần  chỉnh sửa đôi chút về nghi lễ, nội dung, thời gian tổ chức cho phù hợp, nó đã được huyện Yên Lập chính thức đưa vào chương trình Ngày hội Văn hóa các dân tộc của huyện, tổ chức ngay tại bìa  cánh rừng  rất gần đình Phục Cổ năm 2009, như ngày xưa nó đã từng diễn ra. Không thể nói hết niềm phấn khởi, tự hào của đồng bào nơi đây. Họ coi đó là một sự kiện mang tính tâm linh, thể hiện ước vọng của mình với  môi trường từ ngàn xưa đã gắn kết họ , nuôi sống họ, thấy được cả lịch sử của dân tộc mình thời kỳ săn bắn,  hái lượm. UBND huyện đã chọn  lễ hội  Mở cửa rừng  trong  chương trình tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc của huyện  về phục vụ đồng bào và du khách ở  Đền Hùng. Tại đây, chương trình văn nghệ dân gian của huyện đã thu hút sự chú ý của nhiều  du khách và nhà nghiên cứu văn hoá dân gian. Họ yêu thích trích đoạn lễ hội Mở cửa rừng do các nghệ nhân Minh Hòa thể hiện trên sân khấu, ao ước một ngày nào đó được xem lễ hội này ở ngay quê hương xứ Mường Minh Hòa, Yên Lập. 

Thầy mo làm lễ xin mở cửa rừng

 

Lễ Mở cửa rừng gồm 3 lễ chính: Lễ kính cáo và tế Thành hoàng ở đình Phục Cổ  (tế Khai xuân); Lễ xin mở cửa rừng và  Lễ Tống xui. Lễ vật theo các lễ chính có sự khác biệt. Lễ tế ở đình Phục Cổ gồm  có cỗ xôi gà, hoa quả, rượu, nước lã được đặt trên mâm gỗ. Sau khi sắp lễ chu đáo, thủ từ nổi một hồi chiêng và bước vào trong chiếu lễ trước ban thờ hậu cung  đọc lời khấn, đại ý: dân bản  dâng lễ xin Thành hoàng cho phép dân bản được khai xuân, xin được mở cửa rừng, hạ cây nêu, phù hộ dân làng một năm khoẻ mạnh, may mắn, mùa màng tươi tốt, thóc lúa đầy bồ. Sau lời khấn của thủ từ, những người trong ban tế chầu tế với nghi thức giống nghi thức tế ở đình của người Kinh gồm 3 tuần tế,  3 tuần dâng lễ: Hành sơ hiến lễ, Hành á hiến lễ, Hành chung hiến lễ. Kết thúc là độc chúc (đọc văn tế) sau đó hóa chúc (đốt văn tế) để lễ tất (lễ hết). Kết thúc nghi lễ, ông thủ từ đánh 3 hồi 5 tiếng trống báo hiệu mở của đình, mở cửa rừng trong ngày đầu xuân mới. Lễ xin mở cửa rừng được tiến hành ngay sau lễ tế ở  đình. Trước đó, tại một bãi đất bằng trước cửa đình, lễ vật đã được những người trong ban tế bày sẵn trên một mâm gỗ vuông ở cạnh cây nêu. Lễ vật gồm lễ mặn và lễ chay. Lễ mặn dâng lên ông Moong (ông hổ) gồm xôi ngũ sắc, thịt mỡ luộc, 5 con cá nướng để nguyên con, 5 miếng thịt sống để nguyên cả lông, rượu và các loại rau rừng. Cỗ chay để dâng lên Thành hoàng làng và các vị thần linh gồm hoa quả, trầu cau, rượu mọng cùng 5 cối vàng trấu, vàng soi. Các lễ vật trên được đặt trên lá  chuối trong chiếc mâm gỗ;  chén, đũa làm bằng ống nứa theo phong tục người Mường. Sau khi lễ vật được sắp đặt xong, thầy mo trong bộ lễ phục truyền thống, tay phải cầm quạt, tay trái cầm chiếc đĩa có 2 đồng chinh cúng, cùng các động tác di chuyển theo lời cầu khấn lễ mở cửa rừng, sau đó các thành viên tiến hành hạ cây nêu. Đến đây lễ kết thúc.

Lễ Đoọc mong (lễ đi săn), tiếng mường Đoọc nghĩ là đâm, Moong nghĩa là con hổ nhưng cũng có nghĩa là muông thú . Đoọc moong nghĩa bóng là đi săn. Sau lễ mở cửa rừng, cây nêu được hạ xuống, phường săn của bản bắt đầu tổ chức cuộc đi săn. Tiếng trống , tù và rúc liên hồi giục giã mọi người khẩn trương vào cuộc săn, làm  rộn rã cả vùng, có tác dụng dồn đuổi thú rừng vào những chỗ được những bậc cao niên,  nhiều kinh nghiệm dự đoán từ trước. Trước ngày đi săn, trùm phường săn đã bàn bạc, trao đổi , xin ý kiến các bô lão trong bản  về hướng săn, tụ điểm săn, những con thú có khả năng ẩn nấp vào những vị trí đã đoán định…Theo tiếng cồng của trùm phường săn,  các tốp thợ săn với súng kíp, nỏ,  lao và chó săn chạy  đến khu rừng đã dự định.  Không khí buổi đi săn rất phấn khích lòng người, mọi người tự  ý thức rõ  trách nhiệm trong sự kiện mở đầu năm mới của cả cộng đồng mà không cần đến sự thúc giục của ai. Mọi người trong phường săn  ai cũng muốn thể hiện sự cố gắng của mình cùng với lời cầu  mong  gặp  nhiều  may mắn.  Khi săn được con thú, cả đoàn hú vang mừng rỡ, rồi đưa con thú về nhà trùm phường giết mổ và chia phần cho các thành viên tham gia. Đầu con thú và một phần nội tạng được làm sạch sẽ, nấu chín để trùm phường săn cùng các cụ cao niên và một số thành viên tích cực của phường săn dâng lên Thành hoàng tại đình Phục Cổ.

Lễ tống xui : sau khi phường săn trình lễ vật,  chiến lợi phẩm của cuộc đi săn đầu năm lên Thành hoàng làng và các vị thần linh, chúa đất thì triển khai lễ Tống xui ở ngay ngã ba  suối ven cửa rừng,  điểm này cách điểm làm lễ Mở cửa rừng khoảng 15 m về phía trái hướng đình. Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, thầy mo  vào trước bàn khấn lễ. Mục đích của lễ Tống xui là xua đuổi những điều không may  đến với dân bản trong năm.  Nội dung bài khấn này là nhân ngày dân bản làm lễ Mở cửa rừng, sắm sanh lễ vật dâng lên vua Thuỷ Tề, các vị thần sông, thần suối mong các vị thần đem các điều đen đủi trong năm của dân bản theo các con thuyền , con mảng ra sông, ra biển để năm tới người dân làm ăn yên ổn, tấn tài,  tấn lộc.  Dứt lời khấn thày mo  xin âm dương, sau đó tất cả đồ cúng lễ được ném xuống suối  dâng vua Thuỷ Tề, các vị thần linh sông , suối để  vua và các thần linh đưa những điều không may của dân bản ra sông,  ra biển. Lễ Tống xui kết thúc, cũng là lúc dân bản mở hội ăn mừng.

Lễ mở cửa rừng ở Minh Hòa gắn liền với đời sống và tín ngưỡng của đông bào Mường, nó tạo nên sắc thái văn hoá đặc trưng của người Mường Yên Lập nói chung, Minh hòa nói riêng. Việc tổ chức lễ hội mở  cửa rừng hằng  năm của đồng bào là nhớ về tổ tiên cội nguồn, nhớ về lịch sử dân tộc, nhắc nhở mọi người sự liên kết cộng đồng với những điều tốt đẹp , nhắc mọi người sống có trách nhiệm với môi trường xung quanh. Những hình thức văn nghệ dân gian, trò diễn, hội bản đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người mỗi khi làng bản mở hội - cũng là một dịp mọi người hướng tấm lòng tôn  kính của mình với thần linh, trời đất để sống tốt đẹp hơn, vui vẻ hơn.

Lễ tống xui trong lễ hội mở cửa rừng

 

Trong những năm qua, huyện Yên Lập  đã hoàn thành một số đề tài khoa học cấp tỉnh : “Điều tra, nghiên cứu, phục dựng  và đề xuất một số giải pháp phát huy lễ  hội truyền thống dân tộc Mường huyện Yên Lập”. Sau việc phục dựng thành công lễ hội mở cửa rừng dân tộc Mường, xã Minh Hoà, lễ hội đã được trả về cho chủ thể  và được người dân xứ Mường nói chung, đặc biệt là người dân Minh Hòa hào hứng đón nhận.  Năm 2022, Yên Lập tiếp tục bảo vệ thành công dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Phục dựng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy một số di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập , tỉnh Phú Thọ”;  phối hợp hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể: “Lễ hội mở cửa rừng dân tộc Mường” đề nghị Sở VHTTDL xét trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Phùng Duy Nam, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Lập phấn khởi cho chúng tôi biết những thông tin này. Cũng cần phải nói thêm, đây là những cố gắng rất lớn của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Lập trong giữ gìn, khôi phục và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số,  phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ngay tại chỗ và kết nối tour, tuyến du lịch về nơi Cội nguồn dân tộc Việt Nam của tỉnh Phú Thọ.  

Về xứ Mường Minh Hòa hôm nay, ta không chỉ cảm nhận niềm vui của người dân về sự thay da đổi thịt của chiến khu cách mạng năm xưa mà còn thấy rõ sự đổi thay về tư duy phát triển kinh tế du lịch cộng đồng của người dân. Nhiều công trình to đẹp đã mọc lên trên mảnh đất anh hùng. Bên cạnh đó là những nét đặc sắc trong văn hóa Mường, những tình cảm chân thực, những phong cảnh hữu tình thơ mộng của Minh Hòa như núi Đọi Đèn, núi Khiếu với nhiều hang động, suối Đát, cánh rừng đẹp như trong cổ tích và những chiến công chói ngời trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Phú Thọ năm 1945 đã cuốn hút du khách gần xa trong những tour du lịch  trải nghiệm, khám phá vùng đất lạ mà quen. Xứ Mường Minh Hòa, xứ Mường Mỹ Lung và nhiều địa danh du lịch khác nữa ở Yên Lập cùng với sản vật đặc trưng: gạo nếp gà gáy, rượu cần men lá, măng chua, cá suối, cơm lam, gà đồi Tân Sơn… đã và đang là những địa chỉ có sức níu chân du khách ở cả hai phương diện vật chất và tinh thần cùng thú vui thưởng ngoạn, khám phá  ở những vùng đất có phần còn  hoang sơ.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

 

 

;