Sinh kế mùa nước nổi ở Nam Bộ

Theo vòng quay của tạo hóa, mỗi năm, vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, con nước lũ lại về với đồng bằng châu thổ Cửu Long. Mùa nước nổi cũng là mùa mưu sinh của người dân cao tuổi vùng đầu nguồn sông Mê Kông. Không chỉ giăng câu, thả lưới bắt cá, tôm, ốc… nhiều hộ người cao tuổi còn ra đồng hái bông súng, bông điên điển, rau nhút, hẹ nước để tăng thêm thu nhập. Những chuyến đi khai thác thủy sản bắt đầu từ tờ mờ sáng trên tắc ráng, vỏ composite gắn máy đuôi tôm chạy phăng phăng trên đồng nước, buổi trưa cập bến để mang sản vật lên vựa cân đong bán cho thương lái. Từ những vựa thu mua này, sản vật mùa lũ được vận chuyển ra các chợ để bán.

 

Sản vật mùa nước nổi

Dọc theo kênh Vĩnh Tế mùa này, con nước đã vào đến bãi, vỗ về mấy chiếc vỏ lãi của dân câu lưới đồng xa. Mỗi khi lũ về, mỗi ngày cư dân đầu nguồn đánh được hàng chục, thậm chí hàng trăm ký cá linh non để bán cho thương lái mang đi tiêu thụ khắp nơi. Hiện nay, tại các chợ đầu nguồn của tỉnh An Giang và Đồng Tháp, các tiểu thương thu gom cá linh với giá cá linh non còn sống vào khoảng 200.000 đồng/kg, cá lóc đồng 140.000 đồng/kg, cá sặc đồng 70.000 đồng/kg, ếch đồng 90.000 đồng/kg, cá thiểu 70.000 đồng/kg. Nhiều sản vật khác như bông súng, điên điển, rau muống đồng cũng đã có mặt tại chợ.

Mùa nước nổi cũng là mùa điên điển trổ bông. Dọc theo tuyến kênh ngút tầm mắt là đồng nước mênh mông và những rặng điên điển đang vào mùa trổ bông vàng rực. Chú Lý Văn Sơn, 60 tuổi, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết: “Xứ này điên điển nhiều lắm. Mùa nước ngập, bông nở vàng đồng. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo mẹ bơi xuồng đi hái bông điên điển về nấu ăn. Bông điên điển trở thành món ngon nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng nên giá bán cũng được trên 30.000 đồng/kg. Bông điên điển hái buổi sớm rất tươi ngon. Vào mùa nước nổi, mỗi ngày tôi cũng hái được năm ba ký, có thêm chút thu nhập để phụ thêm tiền học cho con”.

Kiếm sống bằng nghề đóng đáy

Cơn sóng nhỏ bất chợt lướt ngang mặt sông, chiếc ghe bầu của Hai Lũy - tên thường gọi của chú Nguyễn Văn Lũy, 64 tuổi, ngư dân ở huyện An Phú chòng chành từng nhịp. Năm chiếc võng mắc trên ghe bầu là chỗ nương náu của 5 phận đời làm nghề đóng đáy trên sông.

Năm nào cũng vậy, đến mùa nước nổi, những người bạn “tri kỉ” của Hai Lũy lại hẹn gặp tại sông Dung Thăng để mưu sinh với nghề đóng đáy. Khác với những nhánh sông lớn ở đầu nguồn, dòng sông Dung Thăng có vị trí thuận lợi, nằm ngay hạ lưu của 2 nhánh sông nhỏ chảy qua từ nước bạn Campuchia. Vào mùa nước nổi, nơi đây hứng một lượng lớn “sản vật đồng” từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, những năm gần đây, “mẹ thiên nhiên” không ưu đãi nữa.

Đang quay chiếc sa tay kéo túi đáy ngoài khơi lên để thu hoạch cá linh, Hai Lũy trần tình: “Lũ năm nay thấp, cá linh “chạy” đáy quá ít. Mỗi ngày, dàn đáy của tôi thu hoạch khoảng 20kg cá linh, bán không đủ chi phí để trả công cho mấy ông bạn dỡ đáy”. Lời chia sẻ của ngư dân được mệnh danh là “cao thủ” chuyên nghiệp, sống bằng nghề hứng cá “miệng bà thủy” như nói thay tình cảnh của những người trót mê cái “nghiệp” đóng đáy trên sông.

Tính đến nay, Hai Lũy sống bằng nghề “hạ bạc” hơn 30 năm nên ông hiểu rõ “tính nết” của con nước lũ từng năm. Những bạn đóng đáy thường ví von, Hai Lũy như “phù thủy sông sâu” biết được cá sinh sản nhiều hay ít theo con nước. Nhìn nguồn nước chầm chậm trôi, giọng Hai Lũy trầm buồn: “Lũ thấp như vầy, khó mà có nhiều cá. Hằng chục năm trong nghề, chưa thấy năm nào cá ít như mùa lũ năm nay. Thường vào thời điểm này, cá linh vô đáy nhiều lắm”.

Ông giải thích, con cá linh “chạy” mạnh vào các ngày mùng 8, 9, 10 trong tháng (âm lịch). Nếu hôm nào trúng mánh, thu hoạch cả tấn cá linh. Dạo này, cá chạy rất ít nên bạn dỡ đáy nằm đợi nguồn cá “chạy” trong tháng 9, 10 (âm lịch) để gỡ gạc lại vốn liếng.

Giữa trưa, các anh bạn nghề đáy đã dỡ xong đợt thứ 2 trong ngày mà chỉ dính toàn rác và vài ký cá linh, tép. Cầm chiếc móng, Hai Chí tát nước sột soạt, rồi suy tư: “Lạ thiệt, đã cuối tháng 8 (âm lịch), nguồn cá linh dính đáy quá ít. Lũ năm ngoái, ít gì thu hoạch cũng được từ 300 - 400kg cá linh mỗi ngày, bỏ chi phí, anh em chúng tôi kiếm được vài trăm ngàn đồng”.

Hai Lũy bồi hồi nhớ lại kỷ niệm trong đời đặt đáy 20 năm về trước, vào mùa nước nổi, nguồn cá linh, cá chốt nhiều vô tận, ngư dân chạy ghe đến các miệng đáy thu mua cá mồi đem về vỗ béo cho cá tra, cá basa, cá lóc bông. Cá nhiều, các bà nội trợ đem làm mắm, tạo nên những thương hiệu mắm đặc sắc, nổi tiếng khắp vùng. Dạo trước, cách 1 tiếng đồng hồ là đổ đáy một lần. Nếu trúng mánh, cá chạy vài đêm là lấy vốn ngay. Cá linh người ta đong bằng giạ, chứ không cân ký như bây giờ. Cuối mùa lũ, tôm càng xanh chạy dính đáy khoảng chục ký mỗi ngày. Bạn đặt đáy chê cá linh, ăn toàn cá bự. Đêm xuống, họ nướng tôm càng xanh thưởng thức, huyên thuyên trên ghe cho đỡ nhớ nhà.

Nhắc về thời vàng son của nghề đóng đáy, Hai Lũy kể thêm, hơn 20 năm trước, khi đến mùa lũ, những ngư dân “cố cựu” như: Năm Hải, Tư Sến, Sáu Quới… tranh nhau đấu thầu các điểm đặt đáy ở đầu nguồn. Ai cũng ra giá rất cao để đấu trúng thầu các dàn đáy nhất, nhì, ba. Một mùa lũ, nếu cá chạy trúng mánh, họ lấy lại cả vốn lẫn lời. Còn nay, cá dưới sông ngày càng ít đi, họ không còn mặn mà với nghề “hạ bạc” này.

Nghề đóng đáy rất cực, suốt ngày họ cứ lầm lũi trên sông. Để mẻ lưới hứng cá thuận lợi, mỗi buổi trưa họ dùng thanh tre, rồi hì hục dùng sức đập mành lưới lịch bịch giặt sạch rong rêu. Ngoài ra, họ còn phải canh chừng thường xuyên, không cho những giề chấp trôi dạt vào miệng đáy. Thấy đơn giản vậy chứ, mỗi lần dỡ đáy là phải có tới 5 anh em tiếp sức với nhau thì mới kéo lên nổi. Dàn lưới nặng, chưa kể rong rêu, rác tấp vào.

Hai Lũy trần tình, mấy bữa rày, mực lũ ở đầu nguồn có lên nhưng vẫn thấp hơn so với các mùa lũ trước, Hai Lũy đứng ngồi không yên. Các đập thủy điện ở thượng nguồn dự trữ nước dẫn đến lũ thấp ở hạ lưu. Do đó, cá, tôm giảm mạnh, cuộc sống của bà con nghèo bị ảnh hưởng theo.

Bên cạnh những giá trị về sản vật, sinh kế và lợi ích cho nông nghiệp, mùa nước nổi còn là ký ức, hình ảnh đặc trưng của miền Tây nói chung và vùng đất An Giang nói riêng. Nó nhắc nhở mỗi người đừng quên đi món quà mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở mình. Để rồi, dù có đi ngược về xuôi, người ta vẫn sẽ đôi lần chợt muốn quay về với mùa nước lũ tràn đồng, bên mâm cơm chiều dưới mái tranh xiêu.

 

ĐÔNG THỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;