Đà Lạt kỳ vọng gia nhập Thành phố sáng tạo về Âm nhạc

Cuối tháng 6/2023, UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) chính thức gửi hồ sơ đến Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), đề nghị gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo về Âm nhạc. Hồ sơ gửi đi mang theo niềm kỳ vọng của gần 300 ngàn công dân “Thành phố ngàn hoa” cũng như hàng triệu người dân tỉnh Lâm Đồng và cả nước.

Vì sao Đà Lạt gia nhập Thành phố sáng tạo về Âm nhạc?

Trước khi hoàn thiện hồ sơ gửi đến UNESCO, lãnh đạo TP Đà Lạt phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tham vấn xây dựng hồ sơ Thành phố Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”. Hội thảo tổ chức trực tiếp và trực tuyến, kết nối giữa 150 đại biểu, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa ở Lâm Đồng và các bộ, ngành liên quan với một số chuyên gia các nước: Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tại Hội thảo, nhiều nội dung, những vấn đề quan trọng, cốt lõi được  gợi mở. Ngoài 20 tham luận được trình bày, nhiều ý kiến, kinh nghiệm của lãnh đạo, chuyên gia ở một số thành phố trên thế giới đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO cũng được đề cập, trong đó tập trung các vấn đề: Vì sao Đà Lạt nên gia nhập Tổ chức UNESCO? Làm thế nào để gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO? Cơ hội và những thách thức gì dành cho Đà Lạt? Vì sao Đà Lạt quyết định chọn gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo về Âm nhạc?...

 Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO có 7 lĩnh vực: Thủ công và nghệ thuật dân gian; Thiết kế; Điện ảnh; Ẩm thực; Văn học; Nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và Âm nhạc. Tính đến cuối năm 2021, đã có 295 thành phố của 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO.

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, lĩnh vực Thiết kế (ngày 31/12/2019).

Về lĩnh vực Âm nhạc, hiện nay trên thế giới đã có 59 thành phố chính thức được công nhận. Nếu được công nhận, Đà Lạt sẽ là thành phố đầu tiên khu vực Đông Nam Á (thành phố thứ 60) gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO lĩnh vực Âm nhạc. Đây vừa là niềm tự hào, cũng là thách thức không nhỏ đối với Đà Lạt.

 

Khi gia nhập các Thành phố sáng tạo Âm nhạc

Mục tiêu của UNESCO xây dựng Mạng lưới các Thành phố sáng tạo nhằm hướng tới thực hiện sứ mệnh: Thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường; lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị toàn diện, gắn với Chương trình Phát triển bền vững của UNESCO đến năm 2030.

Gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, các thành phố cam kết chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất để đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác giữa khu vực công - tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp; tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa...

So với nhiều thành phố đã gia nhập Mạng lưới, Đà Lạt chỉ là địa phương nhỏ, hoạt động âm nhạc cũng còn hạn chế. Tuy nhiên, xưa nay Đà Lạt nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp; không gian văn hóa nên thơ; là nguồn chất liệu vô cùng phong phú cho thi ca, nhạc, họa... Không ngẫu nhiên, Đà Lạt được bạn bè trong và ngoài nước tặng nhiều mỹ danh: Thành phố tình yêu, Thành phố ngàn thông, Thành phố mộng mơ, Thành phố của những bản tỉnh ca; “Thành phố Festival Hoa Việt Nam” (được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận năm 2017)…

Về âm nhạc, trước năm 1975 đã có hàng chục ca khúc nổi tiếng viết về Đà Lạt như: Ai lên xứ hoa Đào (Hoàng Nguyên); Đà Lạt hoàng hôn, Thương về miền đất lạnh (Minh Kỳ-Dạ Cầm), Má hồng Đà Lạt (Minh Kỳ-Lan Anh); Thành phố buồn (Lam Phương); Về thăm xứ lạnh (Hùng Cường)… Thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, dòng ca khúc trữ tình viết về Đà Lạt tiếp tục ra đời: Đồi thông hai mộ (Hồng Vân); Đà Lạt lập đông (Thế Hiển); Đà Lạt khói sương (Quốc Dũng); Tình yêu như bóng mây (Song Ngọc); Đà Lạt mộng mơ (Từ Huy); Lao xao rừng thông (Thế Bảo)…

Trong dòng chảy năm tháng, nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ đã “bén duyên” vùng đất lạnh; có người chọn Đà Lạt sống, gắn bó; có người chỉ “lưu lại” một thời gian rồi rời xa; song, họ đã để lại những ca khúc, những tình khúc bất hủ.

Hiện nay, trong 11 chi hội thuộc Hội VHNT Lâm Đồng có hơn 50 nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn; trong đó, 16 người là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; mỗi năm họ sáng tác hàng trăm ca khúc; phần lớn viết về Đà Lạt. Theo thống kê, tính đến nay, đã có trên 300 ca khúc của các nhạc sĩ trong và ngoài nước viết về Đà Lạt.

Khoảng 15 năm trở lại đây, nhiều nhạc sĩ của Lâm Đồng đoạt giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và quốc gia, với nhiều ca khúc viết về Đà Lạt- Lâm Đồng như: NSƯT Đình Nghĩ, Sóng Trà, Công Huân, Hà Huy Hiền, Mạnh Đạt, Trọng Thủy, Dương Toàn Thiên, K’raJan K’Dick, Thu Hường, Trần Khánh Nam, Minh Thu…

TP Đà Lạt nằm trong Không gian văn hóa Tây Nguyên, văn hóa cồng chiêng của các DTTS bản địa hết sức đặc sắc đang được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, hệ thống các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, yal yau… rất phong phú, làm giàu thêm đời sống âm nhạc của người dân.

Một khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Đà Lạt sẽ có hình ảnh mới; đó không chỉ là “thương hiệu” mà còn đem lại điều kiện “vàng” để Đà Lạt phát triển toàn diện. Cũng từ đây, âm nhạc tiếp tục tạo “dòng chảy mới” trong đời sống đương đại. Âm nhạc sẽ đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa; thúc đẩy khả năng sáng tạo của mọi chủ thể và cùng thụ hưởng thành quả lao động nghệ thuật.

Chưa hết khi Đà Lạt gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, sẽ tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tích cực tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trong tương lai.

 

THANH DƯƠNG HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;