Những biển mây miền Tây Bắc

Tôi yêu đắm say vùng đất biên cương Tây Bắc xa xôi và hùng vĩ. Nơi đây, có những biển mây bồng bềnh hòa vào dáng núi mỗi khi chiều về làm nên vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên và cuộc sống miền sơn cước. 

Những tên đất, tên làng miền biên cương Tây Bắc mỗi khi chiều về lại kết thành những biển mây khổng lồ như Sa Pa, Y Tý, Tà Xùa, Tú Lệ, La Pán Tẩn Tam Đường… Nghe mà thấy vừa xa lạ, hoang sơ, vừa quen thuộc. Tạo hoá đã ban tặng mảnh đất này tiết trời vừa trong lành vừa dịu mát. Nơi đây, không chỉ hoa trái quanh năm đua nở mà cảnh sắc còn biến đổi đến kỳ diệu theo ngày.

Khi trời đất giao hòa, những biển mây như đùn mãi lên từ mặt đất để trào dâng thành một tấm thảm bồng bềnh, vương vất quanh triền núi. Một không gian khoáng đạt được mở ra. Trập trùng núi, trập trùng mây và thấp thoáng những căn nhà chênh vênh bên vách núi. Hùng vĩ mà hữu tình đến thơ mộng, hoang hoải.

Ngắm mây, phải chiêm ngưỡng ngay từ khi những sợi mây chờn vờn giăng mắc cây cành và như đang trải khăn lụa mỏng mảnh cho núi. Nhìn cảnh này, lòng người tựa hồn như đang thanh dịu với những áng mây mềm mại, uyển chuyển, lửng lơ trên không trung như đang muốn chạm vào núi, vào rừng. Trước khoảnh khắc giao hòa, nếu mải mê nói chuyện đôi lời, ngoảnh lại, nhìn xuống thung lũng đã thấy mây đặc quyện, trắng toát một màu. Đó là giây phút mây xuống núi ở vùng biên cương Tây Bắc. Với ai chưa từng đến nơi này thì quả là lạ lẫm và thích thú.

Còn với đồng bào nơi đây, cảnh sắc đó đã quá quen thuộc và cả cuộc đời họ sinh ra, lớn lên, mưu sinh trong cái bồng bềnh mây trắng ấy mỗi ngày. Chiều về, Tây Bắc như một biển mây với sóng mây đang cuộn xô bên đá núi. Người vùng cao vẫn thầm bảo đây là cảnh thần tiên chỉ có ở bản làng của họ.  Mỗi giây phút trôi qua, mây càng như đùn lên cao tới lưng vách núi. Đứng trên mỏm đá nhìn xa hút tầm mắt, không thấy gì khác ngoài tấm thảm mây như xa tít chân trời.

Trong giây lát, tựa hồ như mây đang vướng vít lấy mình, đang cuồn cuộn dưới chân. Biển mây dâng lên khi nắng chiều chưa tắt. Đó mới là khung cảnh kỳ diệu nhất của vùng cao Tây Bắc. Khi ánh nắng chiều còn chênh chếch bên sườn non thì những dải mây đã chờn vờn và rồi kết thành mây núi.

 

Trong cái dày đặc của biển mây, đâu đó, những tia nắng vàng rực chiếu xiên qua những làn mây khiến cho biển mây như được rưới lên một sắc vàng dịu nhẹ của nắng chiều. Nắng đã làm cho khung cảnh nơi đây trở nên huyền ảo, thơ mộng và thêm phần bí ẩn. Mây xuống núi khi người vùng cao vẫn còn lao động trên nương rẫy. Dáng vẻ cần cù, mải miết cày xới, vun trồng của con người trên những triền đồi đã tạc vào mây núi một sức sống nơi thâm sơn cùng cốc.

Mây sà xuống nương ngô, ruộng lúa, quẩn quanh bên người vùng cao để rồi có giây phút cả người và mây hòa quyện làm một. Sắc màu thổ cẩm trên trang phục của đồng bào vùng cao hòa vào mây chiều làm ngời lên nét văn hóa bản địa đến thân thuộc và độc đáo. Đâu đó vang lên tiếng khèn Mông gọi bạn hòa vào biển mây đang bồng bềnh dưới thung lũng.

Những đứa trẻ người Mông, người Dao nô đùa quanh triền núi, tiếng nói cười lanh lảnh như phả vào những làn mây đang nhảy múa. Những con nghé, con ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, đám cỏ non đang đẫm sương, đôi lúc lại ngẩng đầu lên nhìn mây, nhìn núi, bộ lông thì như đang được choàng lên chiếc áo của mây chiều.

Trong cái bồng bềnh của biển mây, thấp thoáng những ngôi nhà mộc mạc, bình yên trong những bản làng choáng ngợp mây núi. Những bờ rào đá uốn lượn quanh những ngôi nhà như cũng mềm đi bởi mây núi đang vương vất xung quanh. Bên mái nhà thân thương, bếp lửa bập bùng, ấm áp như xua tan đi cái giá lạnh, cái hoang hoải nơi núi rừng.

Mây làm bạn với người vùng cao nơi biên cương từ bao giờ, từ những đứa trẻ cho đến người già ở vùng cao Tây Bắc, mỗi khi chiều về, đôi mắt lại trong veo để cảm nhận cái bồng bềnh của mây núi.

 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

 

 

;