Những năm gần đây, Ba Vì (Hà Nội) bỗng nhiên được biết đến bởi một thứ vốn không phải là “đặc sản” nơi đây: hoa đào, hoa mai. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người ta lại thấy những cành đào phai - đào núi, những chuyến xe chở đầy mai trắng được chuyển về trung tâm Hà Nội. Thứ đào phai có một màu sắc rất riêng, “thế” rất riêng, thứ mai trắng tinh khôi, cánh mỏng manh, với những dáng thế đặc biệt bởi lớn lên từ đất ở chân núi Ba Vì, nơi xứ Đoài mây trắng, đang có những ngôi làng, những con người gắn bó cả cuộc đời với cây hoa đào, cây mai trắng.
Người dân trồng đào xã Vân Hòa
Những người trồng đào đang tất bật xuống lá đón Tết
Hiện nay, xung quanh chân núi Ba Vì, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có tới hơn 400 hộ trồng đào, chủ yếu ở các xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại, Minh Quang. Chị Nguyễn Ngọc Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa cho biết: Xã Vân Hòa có khoảng hơn 300 hộ dân trồng đào, nhà ít thì chục gốc, nhà nhiều lên đến cả vài trăm gốc. Suốt dọc con đường nhỏ vòng quanh chân núi đi xuyên xã Vân Hòa, hầu như trong vườn của hộ dân nào cũng thấy cây đào. Cây đào ở Vân Hòa chủ yếu là đào phai, đào ta, một số diện tích mới trồng có thêm giống đào bích đỏ. Từ việc trồng đào và một số loại cây hoa khác có giá trị kinh tế, người dân xã Vân Hòa và các xã miền núi có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Rùa, xã Vân Hòa đã tất bật với các công đoạn tuốt lá, tỉa cành khô, cành vụn, lên chậu cho cây đào. Đây được xem là công đoạn “thay áo” cho các gốc đào, cũng là công đoạn cuối để chuẩn bị cho đào ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán. Anh Thắng cho biết: “Mỗi người trồng đào sẽ có kinh nghiệm riêng để nhận biết thời điểm thích hợp nhất cho việc tuốt lá hay để đào tự xuống lá. Thông thường, sẽ tuốt lá từ khoảng 30-45 ngày tùy theo thời tiết. Hiện tại, một số gốc đào lá tự rụng, số khác tuốt lá, một số búp đã hé mở”. Anh Thắng chia sẻ: Gia đình anh có 500 gốc đào trồng trên diện tích 8 sào đất, cây đào chỉ cần trồng từ 1-2 năm là đã có thể bán được rồi, với giá bán buôn khoảng 500k/cây. Năm ngoái, gia đình anh Thắng bán được 100 triệu đồng tiền đào. Anh mong rằng năm nay toàn bộ nở đúng dịp Tết để có thêm thu nhập. Việc tuốt lá đào phải được thực hiện đúng thời gian để đào có thể nẩy lộc, bung chồi và cho ra những lứa hoa to, đẹp vào dịp Tết Nguyên đán.
Bà Nguyễn Thị Thu – Trưởng thôn Rùa, xã Vân Hòa cho biết: Toàn thôn có 160 hộ dân thì có tới hơn 70 hộ trồng đào, mỗi hộ có diện tích từ 1 sào đến 5 sào đất trồng đào, cây đào cho người dân có thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Hằng năm, cứ đến tầm tháng 10 -11 âm lịch là thương lái lại đến tận vườn mua chở đi Hà Nội cung cấp cho nội thành Hà Nội, còn một số được chở đi Sơn Tây, Phúc Thọ phục vụ người dân chơi Tết.
Vợ chồng ông Đỗ Quang Thái chăm sóc vườn mai giống
"Thủ phủ mai trắng" dưới chân núi Tản
Nếu cây đào được trồng nhiều ở xã Vân Hoà thì xã Tản Lĩnh lại là thủ phủ của cây Mai trắng hay còn gọi là Nhất chi mai. Nằm khép mình dưới chân núi Tản Viên, xã Tản Lĩnh được thiên nhiên ban tặng cho đất đai màu mỡ. Trong những năm qua, nghề trồng cây hoa mai trắng giúp nhiều hộ gia đình vùng này có thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng mai trắng của gia đình ông Đỗ Quang Thái ở thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì vào một ngày nắng đẹp. Mặc dù đang bận rộn với công việc chăm sóc vườn mai nhưng ông Thái vẫn dừng tay để tiếp chuyện. Ông Thái kể, vào những năm 1990, ban đầu, một số hộ dân chỉ trồng mai trắng như một thú chơi hoa ngày Tết. Tuy nhiên, sau đó, thấy cây đẹp, độc đáo và được thị trường ưa chuộng nên người dân đã học hỏi, tìm tòi cách tạo thế để tăng giá trị cho cây. Sau đó, bà con nhận thấy mô hình mai trắng cho thu nhập cao gấp 10 – 15 lần so với trồng lúa.
Theo ông Thái, gia đình ông trồng với diện tích hơn 2ha mai trắng, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng trên 2.000 – 3.000 gốc mai. Nếu tính giá bán buôn trung bình mỗi gốc từ 200.000 đồng trở lên thì ước chừng mỗi hộ trồng mai trắng ở Tản Lĩnh có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm.
Tương tự, hộ gia đình anh Khuất Duy Khởi ở thôn An Hòa cũng trồng hơn 1ha mai, trung bình mỗi năm, vườn mai của anh cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 gốc, với giá bán từ 200 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/gốc tùy thuộc vào tuổi và thế cây. Tổng doanh thu hằng năm được gần 1 tỷ đồng từ vườn mai.
Công đoạn lên chậu cho những cây mai thế
Nói về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mai, anh Khởi chia sẻ: "Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc cây mai ra hoa và nở đúng dịp Tết Nguyên đán vẫn là thời tiết. Nếu dự báo trước được (từ 15 tháng Chạp) đến nửa tháng cuối năm nắng tốt, khí trời ấm áp thì chắc chắn hoa sẽ nở sớm, bạn nên lặt (vặt lá, tuốt lá) lá trễ từ 16 - 18 tháng Chạp". Cũng theo anh Khởi, khi trồng mai cần chọn loại đất mềm, tơi xốp và dễ thoát nước. Người trồng luôn phải chú ý chọn các loại đất phù sa có nhiều chất dinh dưỡng, không bị chua, nhiễm mặn hay ngấm phèn.
"Mai trồng trực tiếp trên nền đất hay trồng trong chậu đều được. Quan trọng là loại đất phải tốt và cách trồng phải đúng kỹ thuật. Nếu trồng trực tiếp trên nền đất, người ta thường trộn thêm những phân hữu cơ hoai mục hay vôi bột, trộn lẫn tro trấu để giúp đất tơi - dễ thoát nước hơn. Mai rất dễ chết nếu bị úng nước nên hãy chọn vị trí trồng cao, thoáng mát và cách xa nguồn nước", anh Khởi kể.
Anh Khởi cho biết thêm, cây mai trắng khi chưa nở, nụ màu hồng, khi nở hoa có màu trắng muốt rồi chuyển dần thành phớt hồng khi sắp tàn. Đã vậy, cây mai trắng Tản Lĩnh còn rất phong phú về thế, về dáng, về hoa... nên mới được giá và khách hàng ưa chuộng như vậy.
Được biết, cả thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì có 240 hộ thì hơn 60% số hộ trồng mai trắng, tận dụng từ đất vườn nhà hoặc đất thuê thầu, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại cây khác. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ - 2 tỷ đồng/năm. Điển hình là hộ các ông: Đỗ Văn Thơ, Khuất Duy Thế, Đỗ Tuấn Hải, Bùi Văn Hà… Nhờ hiệu quả kinh tế có được từ cây hoa mai trắng, thu nhập bình quân đầu người dân trong thôn hiện đạt khoảng 85 triệu đồng/năm; nhiều hộ đã có nhà cửa khang trang, có tiền mua ô tô và các tiện nghi sinh hoạt gia đình.
Trước kia, những gốc mai trắng được chăm sóc theo phương thức truyền thống, những năm gần đây, đồng bào dân tộc sinh sống ở thôn An Hòa còn phát triển cả hoa mai chậu, theo hướng công nghệ cao. Nhiều hộ gia đình đã ươm giống để bán cho tiểu thương ở những tỉnh thành trong cả nước. Điều đáng nói là, bà con nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề trồng mai mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, các loại cây kém hiệu quả kinh tế chuyển sang trồng mai trắng để thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, các nhà vườn ở Tản Lĩnh đã dồn tâm huyết để cho ra đời nhiều gốc mai trắng với các thế khác nhau như: trực, huyền, hoành... Có lẽ vì vậy, mai trắng Tản Lĩnh đã trở thành sản phẩm cây cảnh Tết được chào đón ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Vũng Tàu, Đắk Lắk...
Ông Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì tâm sự: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ cho bà con chuyển đổi cây trồng, từ đất lúa canh tác khó khăn sang trồng mai, trồng đào tập trung; đồng thời xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý... Qua đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng núi Tản từ cây hoa mai, cây hoa đào…".
Để vùng hoa quý không mai một, giữ được danh thơm thủ phủ Nhất chi mai và đào núi Ba Vì bên cạnh sự nỗ lực của nông dân, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể ở các xã miền núi đã có các chương trình hỗ trợ. Hàng chục tỷ đồng từ các nguồn vốn như: Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội… đã, đang và tiếp tục đồng hành với người trồng hoa.
KHUẤT DUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024