Tháng Giêng nhớ mùa hoa cải sông Yên

Tôi sinh ra và lớn lên ở ngôi làng nhỏ ven sông Yên với vạt bãi bồi màu mỡ, quanh năm hoa màu tốt tươi. Đất bãi nơi đây, người dân quê tôi trồng các loại rau, màu như bắp, khoai, mè, các loại đậu… Dù trồng loại rau màu gì đi nữa thì vào cuối năm, mẹ tôi cũng dành ra mấy luống đất để gieo rau cải. Và nhà nào cũng vậy, đều gieo cùng thời vụ một vài vạt cải ven sông để trước là lấy rau ăn, rau bán; sau là làm giống bán hạt cải cho mùa sau.

 

Trong các loại “hoa đồng cỏ nội “ở quê tôi thì mùa xuân có hoa bưởi đằm thắm trong vườn; hoa cải dịu dàng, dân dã ven sông hay  cánh đồng làng. Mùa hạ có hoa sen nở thoang thoảng hương thơm dưới ao, hồ. Mùa thu có hoa cúc dại, hoa trinh nữ lẻ loi ven đường. Còn mùa đông, ắt phải là hoa lau trắng xóa bờ sông… Thật ra, hoa cải ở quê tôi không phải loài hoa mang sứ mệnh đón xuân về như hoa mai, hoa cúc nhưng hoa cải dễ làm nao nao lòng người bởi một màu vàng rực rỡ với những cánh hoa vàng mỏng manh, bé xíu đã bao lần chở theo cả mùa xuân tuổi thơ của tôi.

Tháng Giêng, khi ngọn gió xuân hây hây thổi về, cả bãi bồi quê tôi rực màu hoa cải vàng tươi trên đôi bờ sông quê. Loài hoa ấy mang sắc vàng chanh, không kiêu sa, lại rất đỗi dịu dàng. Màu hoa dân dã nhưng đẹp mãi trong tôi cả một thời tuổi thơ, đẹp trong những câu chuyện tình quê thầm lặng, đơn sơ, mộc mạc. Tôi còn nhớ như in, ngày bé thơ, sau mỗi buổi tới trường, tôi vẫn thường lẽo đẽo theo phụ mẹ bên những luống cải ngoài bãi sông. Khi thì giúp mẹ nhổ cỏ dại trong luống cải, khi thì rót nước cho mẹ uống. Ngoài ra, tôi cùng các bạn chơi “đá gà” bằng loại cỏ “gà chọi” mà ngày nay xem ra đã bị tuyệt chủng. Tôi còn rủ mấy đứa cùng xóm đi bắt bướm, bắt dế mãi đến trưa mẹ gọi về. Có những buổi chăn trâu cắt cỏ gần bến sông, chỗ vồng cải đang vươn cao những bông vàng chanh, cả lũ trẻ chạy đến hái hoa kết thành vương miện, mải mê chơi trò “cô dâu chú rể” rồi bày trò “đám giỗ” hay “bán buôn”…

Tôi thích nhất ra bãi khi những vạt rau cải ven sông đang nở rộ, bung vào cùng một thời khắc. Tuổi đời của mùa hoa cải chỉ kéo dài trong khoảng trên chục ngày. Vào mùa hoa cải, cả vạt bãi bồi rộng chạy từ cánh đồng Đại Hiệp (Đại Lộc - Quảng Nam) sát làng lên tới chân cầu Ba Ra An Trạch trông tựa một bức thảm với màu vàng óng trên nền xanh của những chiếc lá. Ong, bướm từ đâu hội tụ về rất nhiều trên những bông hoa cải dày đặc. Thật là: “Tháng Giêng hoa cải nở nhiều / Ong ong, bướm bướm dập dìu tìm hoa / Lưa thưa ngồng cải quê nhà / Lả lơi theo gió in trời  dưới sông…”.

Ra Tết, trời hanh hao nắng, cả một vùng hoa cải rộng mênh mông tỏa mùi hương ngào ngạt. Hương thơm của hoa cải thoảng bay xa, có khi đứng cách những vạt cải cả trăm mét, tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi hương lan tỏa trong gió. Rất tiếc là thời đó không có máy ảnh hay điện thoại để “check-in” lại và tôi không nhớ trọn vẹn để diễn tả hết cảnh đẹp của một miền hoa cải ven sông ngày ấy. Ngày nay, trong ngăn tầng ký ức tuổi thơ của tôi, vẫn vẹn nguyên hình ảnh những mùa cải xanh mượt mà, nồng nàn hương vị. Đi trong buổi mai sương sa trắng nhạt nhòa, ẩn hiện xa xa trên cánh đồng, những mảnh vườn, những triền sông bạt ngàn hoa cải với màu vàng tươi thắm, tỏa ngát mùi hương cả khoảng trời quê trong cái nắng hanh hao của những ngày xuân tươi thắm.

Hôm rồi, khi đi ngang qua khu vườn nhà ai, nhìn thấy luống cải đã lên ngồng trổ hoa, tôi lại bâng khuâng về “mùa hoa thương nhớ cũ” ở quê nhà, nhớ về những khúc sông “chở” đầy hoa cải đung đưa trước gió. Giờ đây, tôi lưu lạc ở một góc trời xa, có đêm tôi mơ thấy có một vùng trời bình yên vàng lên hoa cải ven sông lúc chiều xuân nghiêng nắng.

 

TIÊN SA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

 

;