Nguyễn Khuyến với hai danh sơn tiêu biểu trên quê hương

Có thể coi núi An Lão, sông Ninh là cặp non nước ở phía Nam; núi Đọi, sông Châu là cặp non nước ở phía Bắc biểu trưng cho văn hóa Hà Nam. Bài viết xin giới thiệu hai cuộc du vịnh ở núi An Lão và núi Đọi trên quê hương Hà Nam của Nguyễn Khuyến.

Đền Cao tại quần thể di tích, danh thắng Núi Quế, sông Ninh

 

Núi An Lão còn được gọi là Quế Sơn (núi Quế), Nguyệt Hằng Sơn, Tượng Sơn (giống hình con voi đang phục), hay Lão Sơn (tên làng). Núi cao trăm mét. Theo tư liệu xưa và những phát hiện khảo cổ học mới thì núi có vị thế quan trọng trong lịch sử, văn hóa Hà Nam. Trên núi và quanh chân núi đã tìm thấy nhiều trống đồng Đông Sơn, những bôn đá, khuôn đúc, đồ đất nung… Có thể khẳng định Hà Nam là địa bàn tụ cư sớm của người Việt cổ và núi An Lão được người xưa coi là thắng cảnh. Cổ thư từng ghi: “Núi An Lão ở huyện Bình Lục, đá núi cao chót vót tựa cái tán, lên đỉnh núi nhìn bốn hướng mênh mông…”.

Trước lúc thăm danh sơn này, Nguyễn Khuyến làm bài thơ Núi An Lão thổ lộ tấm lòng mình. Bài thơ sâu nặng nỗi lòng tình cảm quê hương. Tác giả trách cứ mình: Núi An Lão - hình bóng quê hương gần gũi, thân thương là vậy mà sao “trải bao non xanh” suốt thời gian dài trong cuộc đời, nay mới tới thăm! Điều giản dị ấy, phải đánh đổi cả cuộc đời Nguyễn Khuyến. Suốt thời thiếu niên, thanh niên, trung niên, ông mê đắm sách thánh hiền, mải miết thi cử, đỗ đạt, đeo đuổi con đường hoạn lộ với chí hướng phò vua, giúp nước, an dân nhưng gặp buổi Nho tàn, lại bị thực dân phương Tây xâm lược nên tan vỡ mộng, chua xót trước cảnh không tìm đâu ra con đường cứu nước.

Về vườn Bùi ẩn dật, Nguyễn Khuyến sống gần dân hơn, càng hiểu và thương dân, mới thấu sâu ý nghĩa cuộc đời bình dị. Nghe nói núi An Lão còn nguyên sơ “đầy cỏ mọc”, nơi thanh bình dân dã, ông đã vội tới thăm và làm thơ Vịnh núi An Lão. Bài thơ vẽ nên bức tranh sơn thủy hữu tình của núi An Lão cùng cảnh đẹp xung quanh. Thiên nhiên, con người nơi đây hòa hợp thành một cảnh trí thanh bình. Ngay cả buổi họp chợ đông người huyên náo cũng không làm mất đi vẻ tự nhiên thanh bình ấy. Tất cả như buổi đầu trời đất sinh ra, chưa có sự tác động của xã hội con người, sơ giản mà tinh khiết.

Núi Đọi thuộc địa phận xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên ngày nay. Núi cao gần 400m, chu vi khoảng 2.500m. Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt nhìn bốn phía, du khách thấy phong cảnh thật nên thơ: Xóm làng đông đúc, cánh đồng trù phú, bãi mía, bãi ngô mượt mà, xanh tốt… Theo những phát hiện mới về khảo cổ học, các ngôi mộ cổ từ thời Đông Sơn đến thời Hán, Hậu Lê gần gần đó đều có đầu mộ quay vào núi nên núi Đọi được coi là “núi thiêng”. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh cho biết núi có tên là Long Lĩnh (ngọn rồng). Vua Lý Nhân Tông đặt tên núi là Long Đội Sơn. Thời Lý, Long Đội Sơn được coi là “tiền án” của kinh thành Thăng Long, dấu ấn phong thủy và biểu tượng của đế vương. Núi Đọi là tên gọi của dân gian bởi hình dáng giống cái bát úp. Quanh núi có 9 giếng nước, dân gian tôn là 9 mắt rồng. Mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành về đây làm lễ Tịch điền, mở đầu mỹ tục khuyến nông. Sau đó vua Lý Thái Tông cho xây chùa trên núi. Vua Lý Nhân Tông mở rộng quy mô chùa, xây tháp Sùng Thiện Diên Linh. Tháp cao 14 tầng, mở 13 cửa hứng gió. Vua còn cho tạc ở đây một tấm bia lớn và đẹp nhất thời Lý.

Một ngọn núi thiêng giữ vị thế quan trọng trong lịch sử quê hương – đất nước, vậy mà cũng giống như núi An Lão, mãi cuối cuộc đời Nguyễn Khuyến mới du thăm. Nguyễn Khuyến có ba bài thơ: Trông núi Đọi, Nhớ núi Đọi I, Nhớ núi Đọi II.

Ở bài Trông núi Đọi, Nguyễn Khuyến chủ yếu miêu tả cảnh yên bình của trời mây song nước. Đến bài Nhớ núi Đọi - I là những suy tư về thời cuộc bể dâu. Thấy phong cảnh chùa chiền biến đổi mà lòng dạ ông chẳng khuây, thấy tấm bia bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh bị giặc Minh hủy hoại hàng trăm năm trước mòn theo thời gian, ông nghĩ mà đau xót.  Chỉ có thiên nhiên là vô tình, chẳng để tâm, để ý như dòng nước vẫn vô tư chảy qua tháng năm. Theo chúng tôi, có lẽ hay nhất trong ba bài thơ trên là bài Nhớ Đọi Sơn - II: Ở đây hình bóng Nho giáo không còn, Phật giáo thì sắc sắc, không không, như ảo ảnh lẩn trong và chìm đi, tan biến dần vào thiên nhiên yên bình, vĩnh cửu:  “Sư nghèo một giường lẫn cùng mây với khói” (Sư cụ nằm chung với khói mây).

Nền chủ đạo trong bức tranh thơ này là cuộc sống bình yên nơi thôn dã: “Hữu khách tang gia lập đãi thuyền. Dã lão vi tri chung hưởng ngọ. Phóng ngưu sơn lộc ngọa tùng miên” (Ở giữa bãi có khách đứng đang chờ thuyền. Ông già quê chưa biết chuông giờ ngọ đã khua, còn thả trâu chân núi, nằm ngủ dưới cây thông). Ở đây, Nguyễn Khuyến miêu tả hình ảnh lão mục (ông lão chăn trâu), bỏ mặc trâu trên nội cỏ, ngủ dưới gốc cây thông, trong tiếng chuông chùa, dưới chân núi Đọi. Đó là cuộc sống an nhiên, sơ giản mà Nguyễn Khuyến muốn có được để vơi đi nỗi sầu đau thời thế, lúc xã hội Việt Nam “cuối mùa quân chủ, đầu mùa thực dân”.

 

LÊ ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;