Làng Hoàng Đan - xưa & nay

Làng tôi bên bờ sông Đáy (cách cố đô Hoa Lư 8km) có đồng lúa, nương ngô xanh mướt cánh cò bay, bát ngát hương đồng gió nội. Làng tôi có đê quai, cây đa, bến nước, sân đình lưu giữ bao trầm tích văn hóa và kỷ niệm. Thuở xưa, làng tôi có người con gái lấy vua, được phong Hoàng Thái hậu. Cứ mỗi dịp Tết đến, nỗi nhớ quê trong tôi bỗng trào dâng, bao kỷ niệm lại ùa về.

Sớm mồng hai Tết, trời Đà Lạt sương mù giăng khắp lối, đẹp như bức tranh thủy mặc. Đang đứng từ lầu hai nhà riêng, chụp dinh Bảo Đại vàng rực giữa rừng thông xanh thì điện thoại reng. Buông máy ảnh, nghe đầu dây bên kia tiếng anh Bùi Tự người làng, lập nghiệp ở Bình Dương chúc Tết. Rồi anh bảo, ngày 20 tháng giêng “Họp mặt Hội đồng hương làng Hoàng Đan toàn miền Nam” tại nhà hàng X Sài Gòn, em thông báo bà con ở Lâm Đồng xuống dự nha! Tôi vui như đứa trẻ ngày Tết khoe áo mới, rủ bạn chơi cù, bắn bi, đánh đáo hồi ở làng. Và hồi ức về làng lại ùa về. Vẫn nhớ như in ngày rời làng, tôi đưa gia đình vào Đà Lạt lập nghiệp. Vậy mà đã 37 năm rồi. Cuộc sống thật bận rộn, tôi ít có dịp về thăm quê. Ở xứ ngàn hoa Đà Lạt, tôi vẫn nhớ quê da diết. Đã bao lần nghe mẹ kể chuyện làng, hấp dẫn đến kỳ lạ. Mẹ tôi kể rằng, làng ta xưa có nàng Phương Dung đẹp người, đẹp nết cắt cỏ bên sông Đáy, giữa trưa nắng có đám mây che trên đầu, vừa làm vừa hát “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Bao nhiêu thảo mộc hai hàng tay ta”. Lúc ấy, vua ngự thuyền rồng đi ngang qua, mê giọng hát hay, cho là duyên trời se, rồi đưa nàng về cung làm vợ. Bà sinh hạ một hoàng tử, sau hoàng tử lên làm vua, bà được phong Hoàng Thái hậu. Sau khi bà qua đời, triều đình đưa thi hài bà về làng mai táng, xây lăng và đền thờ. Đến nay, ở làng vẫn còn tên gọi Vườn Rồng, Vườn Thụ, Vườn Kho, Mả Lăng, Mả Cháy… ghi dấu tích đám tang bà. Tôi hỏi, sao mẹ thuộc sử làng quá vậy? Mẹ tôi bảo, bà cố kể cho bà ngoại, bà ngoại kể cho mẹ, mẹ kể cho con. Hồi còn ở làng, mẹ đi cấy, từng trú mưa trong lăng Hoàng hậu, đi chùa vào Đền bà Hoàng. Bao nhiêu trận lụt lút cả làng, mà lăng bà không ngập bao giờ. Tương truyền, dưới lăng có 100 quan tài, chỉ 1 mai táng bà, còn 99 cái khác chôn gấm vóc, châu báu. Đã có kẻ đào trộm lăng, sau phát điên, ngày nào cũng đến lăng quỳ lạy xin bà tha tội. Mẹ tôi tuy ít chữ nhưng sáng dạ, đảm đang, hiền lành vô cùng. Mấy năm trước, tôi định đưa mẹ xuống Sài Gòn gặp người làng, chưa kịp thực hiện dự định thì mẹ qua đời năm 2014, thọ 86 tuổi. Tôi tiếc nuối và thương mẹ vô cùng, vì bố dự đôi lần, còn mẹ thì không! Tôi sinh ra và lớn lên ở làng 18 năm, rồi đi bộ đội, đã từng vào lăng và Đền bà Hoàng. Tôi tin lời mẹ kể là sự thật. Là người cẩn trọng “Nói có sách, mách có chứng”, nhiều năm nay, tôi nhờ người thân ngoài quê tìm - dịch gia phả, văn bia bà Hoàng, nhưng chưa có kết quả. Rất may, có thầy dạy sử Đại học Đà Lạt tặng file cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, tôi tìm ra thân thế, công đức của bà.     

 Sử sách ghi rõ, một lần vua ngự thuyền rồng xuôi dòng sông Đáy, khi qua một dải đất có hình dáng lạ kỳ ở xã Hoàng Đan, xứ Sơn Nam Hạ (nay là xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), vua truyền cho dừng thuyền lại để hỏi thăm và người dân ở đây cho biết, nơi họ sinh sống có tên gọi là xóm Thoi. Bởi, dải đất ấy có hình như cái thoi dệt vải. Khi ấy, nhà vua bỗng nghe thấy tiếng hát trong trẻo, thánh thót từ xa vang đến, đưa tầm mắt tìm kiếm, Lê Thần Tông rất ngạc nhiên, thấy một cô gái không giống như mọi người đến lạy phục ra mắt hoàng đế, mà lại điềm nhiên như không, bàn tay thoăn thoắt dùng liềm cắt cỏ bên bờ sông, vừa làm vừa hát. Điều đặc biệt là, trên đầu cô gái lơ lửng một đám mây xanh có hình như chiếc lọng. Cho đó là chuyện khác thường, vua Lê Thần Tông truyền gọi cô gái cắt cỏ đến, tuy là con gái thôn quê nhưng dung nhan diễm lệ, cử chỉ nhẹ nhàng, tự tin, ứng đáp thông minh, trôi chảy của cô khiến vua rất mến, bèn cho rước lên thuyền rồng, đưa về cung làm phi. Sau dịp quen tình cờ, Lê Thần Tông lập bà làm Quý phi, truyền chỉ đổi tên quê bà từ tên xóm Thoi thành thôn Thanh Vân (Mây Xanh) để kỷ niệm mối duyên kỳ ngộ của mình. Vào cung được hơn một năm, Quý phi Nguyễn Thị Ngọc Bạch có mang, đến giữa năm Canh Ngọ (1630) thì sinh hạ Hoàng tử trưởng đặt tên là Lê Duy Hựu. Cũng thời gian này, chúa Trịnh ép vua lấy con gái mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc để lập làm Hoàng hậu (cho dù trước đó bà đã lấy bác họ của Lê Thần Tông và có 4 người con với ông này). Vì là Hoàng hậu nên Trịnh Thị Ngọc Trúc trở thành mẹ đích của Lê Duy Hựu, còn Quý phi Nguyễn Thị Ngọc Bạch chỉ là mẹ sinh. Có con trai nối dõi, vua vui mừng ban chiếu lập Hoàng Thái tử, đến tháng 10 năm Qúy Mùi (1643) thì truyền ngôi cho Lê Duy Hựu để làm Thái Thượng hoàng. Thái tử kế vị ngai vàng, đặt niên hiệu Phúc Thái, thường gọi Lê Chân Tông, làm vua được 7 năm (1643 - 1649) thì mất. Sử sách chép rằng: “Vua Lê Duy Hựu, con trưởng của Lê Thần Tông, 13 tuổi được truyền ngôi, ở ngôi 7 năm, thọ 20 tuổi, chôn ở lăng Hoa Phố. Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của bậc Đế vương”. Sau khi Lê Chân Tông mất, Lê Thần Tông lại trở lại làm vua lần thứ hai. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Lê Thần Tông là bậc vua giỏi. Những người vợ của vua đều sống rất hòa thuận. Ngay cả khi chết, sáu người vợ cùng bày tỏ ý nguyện ở bên nhau mãi mãi”. Tương truyền, sáu pho tượng nhập thần ở chùa Mật Sơn - Thanh Hóa, là do sáu bà cùng bỏ tiền công đức ra làm. Trong lịch sử quân chủ Việt Nam, hiếm có vị vua nào được sử sách nhắc đến chuyện vợ con, lạ kỳ như vậy. Vua Lê Thần Tông có 6 người vợ, 10 người con, 4 con trai đều kế nhau lên ngôi Hoàng đế. Năm 1662, vua Lê Thần Tông băng hà, hưởng thọ 56 tuổi, ông làm vua 2 lần tổng cộng 37 năm. Mấy năm sau đó, Quý phi Nguyễn Thị Ngọc Bạch qua đời, triều đình cho rước linh cữu bà về quê chôn cất và xây lăng. Trên đỉnh lăng ghi sáu chữ “Hoàng Thái hậu - Triều hậu Lê”. Đến nay, tại làng Hoàng Đan vẫn còn nhiều địa danh liên quan đến đám tang bà, như: Vườn Rồng (nơi thuyền rồng đưa linh cữu cập bến), Triều Trên (nơi các quan đại thần trú tạm khi về làm lễ cúng tế), Mả Cháy (nơi quan quân đốt lửa nấu nướng, nung gạch xây lăng), Vườn Thụ (nơi quân binh, dân phu hưởng thụ lễ vật, nhận tiền ban thưởng sau khi lăng xây xong). Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm Nhâm Tuất (1682), triều đình truy tôn Quý phi Nguyễn Thị Ngọc Bạch làm Minh Thục Hoàng Thái hậu. Đến năm Giáp Tý (1684), vua Lê Hy Tông dâng thêm tôn hiệu cho bà là Minh Thục Trinh Tĩnh, Thuần hòa Hoàng Thái hậu, sau đó sai người xây dựng điện Hoàng Long ở thôn Thanh Vân để thờ phụng. Đến nay, người dân vẫn quen gọi là Đền Hạ (Hoàng Thái hậu). Tấm bia “Hoàng Long điện bi ký tịnh minh” dựng ở đền thờ Nguyễn Quý phi tại thôn Thanh Vân có đoạn viết: “Thôn Thanh Vân, nơi sinh ra Nguyễn Thị Phương Dung công chúa, húy Ngọc Bạch, tuổi Giáp Thìn, là người trăm nết vẹn toàn, bao quát muôn khéo, tướng hay, có đủ tứ đức, cực khéo cực đẹp. Khá lấy sánh với cửu trùng, rất quý rất tôn, tác hợp bởi trời, lạ lùng kỳ ngộ. Phụng sự Thần Tông Uyên hoàng đế”.

Vậy là đã rõ. Lời kể của mẹ tôi khá trùng khớp với sử sách nước nhà. Gần ngàn năm tuổi, làng Hoàng Đan xưa và nay có hàng ngàn hộ dân vẫn bám đất giữ làng, hàng trăm hộ di cư khắp mọi miền Tổ quốc và hàng chục hộ ra nước ngoài lập nghiêp. Làng tôi, đã từng bị giặc Pháp đốt cháy trụi làng, người dân phải tản cư tứ xứ. Làng tôi, đã từng bị bom Mỹ tàn phá, giết hại dân lành. Làng tôi “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Làng tôi, có hàng trăm người tham gia kháng chiến, bộ đội, công an, có hàng chục liệt sĩ ngã xuống bảo vệ Tổ quốc, có Mẹ Việt Nam anh hùng, có đại biểu Quốc hội, nhiều người là những dũng sĩ, thương binh, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, nhà báo, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân... tiên tiến. Dù ở bất kỳ nơi đâu, dân làng Hoàng Đan cũng đều hiếu học, cần cù, vượt khó, nghĩa tình, giầu lòng yêu nước và thành đạt. Hiện tại làng tôi có 5 xóm An Phúc, An Khánh, An Phận, Thanh Vân, Quang Phúc với hơn ngàn hộ dân, đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Lòng tôi quặn đau khi biết nhà văn Nam Cao (với tác phẩm Chí Phèo nổi tiếng) bị lính Pháp bắn chết tại bến đò Hoàng Đan năm 1951, hưởng thọ 34 tuổi. Song tôi cũng rất đỗi tự hào, vì xã Yên Hưng từng đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, với những trận thắng oanh liệt, trong đó có trận phá tan đồn bốt Pháp ở làng Hoàng Đan (trấn giữ cầu Gián Khẩu và Ngã ba sông Đáy - sông Hoàng Long) năm 1953.

 Đêm nay, trên chuyến xe về Sài Gòn họp mặt đồng hương làng Hoàng Đan, lòng tôi nôn nao kỳ lạ. Mặc cho xe lướt qua vùng rau - hoa nhấp nháy ánh đèn nhà kính, trong màn sương mờ ảo. Tôi lơ đãng hít hà hương trà - cà phê nồng nàn, trên cao nguyên Lâm Đồng. Và tôi chợt bừng tỉnh, ngất ngây khi nghe bài hát Quê hương từ điện thoại ai đó phát ra nhè nhẹ. “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/...Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Tôi tự nhủ, hãy xứng đáng là dân làng Hoàng Đan - hậu duệ bà Hoàng Thái hậu. 

 

HÀ HỮU NẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;