Hòa vào nguồn âm nhạc dân tộc nói chung, Đờn ca tài tử trên mảnh đất Tây Nam Bộ nói riêng, Đờn ca tài tử thành phố Rạch Giá tự hào đã sáng tạo ra dây đờn mang sắc thái riêng mộc mạc, ngọt ngào như mật U Minh rót vào lòng người.
Âm sắc phong phú, trầm bổng, sắc thái tinh tế
Khi đàn Tây Ban Cầm du nhập vào Việt Nam thì nó sớm hóa thân thành cây đàn Ghi - ta Việt Nam bởi nó được móc phím. Từ đó, cây đàn Ghi - ta bản vọng cổ đã được biến đổi nhiều kiểu dây khác nhau như: dây Bạc Liêu, dây Long An, dây Sài Gòn, dây Ngân Giang (Bảo Chánh), dây Tứ Nguyệt, dây Xề, hoặc gọi thẳng tên người cải biên ra dây đó như: dây Văn Vỹ, Văn Giỏi, Hoàng Thành… Ở Rạch Giá, nhiều tay Đờn ca tài tử qua các buổi “so dây” trao đổi kinh nghiệm nhằm sáng tạo kiểu dây đờn mang bản sắc riêng của người dân Rạch Giá, trong đó nghệ nhân đi đầu trong công trình nghệ thuật này là ông Ba Lạc và ông giáo Tiên.
Đầu thập niên 30 của thế kỉ XX, ông Nguyễn Văn Lạc còn gọi là Ba Lạc - một công chức thời bấy giờ, đã sáng tạo ra một kiểu đờn vọng cổ trên cây đàn Măng - đô - lin. Sự sáng tạo này đã nhận được nhiều khen ngợi của các bạn tài tử ở Rạch Giá bởi âm sắc, âm vực của bài vọng cổ được mở rộng hơn, trong khi nhạc cụ truyền thống chưa lột tả hết chất trữ tình của bài vọng cổ.
Không dừng lại ở đó, ông Ba Lạc cùng ông giáo Tiên sáng tạo ra kiểu đờn vọng cổ trên cây đàn Ghi - ta loại nhỏ. Bài vọng cổ được đờn trên đàn ghi ta nhỏ nghe hay hơn nhiều so với cây đàn Măng - đô - lin bởi âm thanh trầm, bổng được mở rộng réo rắt hơn. Ông dùng cây đàn Ghi - ta nhỏ còn gọi là Octavina vẫn lên dây theo kiểu Măng - đô - lin từ thấp lên cao sẽ có các chữ nhạc như sau: từ kiểu dây lai nếu muốn có dây Rạch Giá thì nhạc sĩ chỉ cần lên dây số 1 từ chữ nhạc Xê, cung hò nhất lên thành chữ nhạc Cống, các dây buông có các chữ nhạc là dây 5 chữ Xề trầm, dây 4 chữ Hò, dây 3 chữ Hò, dây 2 chữ U và dây 1 chữ Cống. Ở cung hò nhất là giọng nam trung, tương đương với cao độ nốt Sol nhạc Tây. Vẫn kiểu lên dây như vậy nhưng ở cung hò tư sẽ có giọng nữ trung, tương đương với cao độ nốt Rê nhạc Tây.
Tuy nhiên, hai ông và các bạn Đờn ca tài tử vẫn chưa hài lòng bởi thấy chữ nhạc thiếu mùi, nhất là khi nhấn chữ Xang nên chưa chuyển tải hết những cung bậc rung cảm của người nghệ sĩ. Vì vậy, cùng với giới tài tử Rạch Giá, các ông đã dũa phím đàn Ghi - ta thành các phím lõm hình bán nguyệt, nhờ đó, mỗi khi nhấn nhá, âm sắc trên dây đàn phong phú, trầm bổng, tinh tế hơn, bài vọng cổ có sức lan tỏa sâu lắng trong lòng người, và cây đàn Ghi - ta nhỏ trở thành cây đàn Ghi - ta phím lõm. Cũng vì nó có sáu dây nên gọi là Lục huyền cầm.
Sau này, ông Sáu Oanh, chủ tiệm đóng đờn Sơn Ca, tọa lạc ở cua quẹo Cây Còng gần Cầu Quay (nay là khu phố 2, phường An Hòa, Rạch Giá) đã đóng đàn Ghi - ta năm dây phím lõm đủ ngũ âm. Ông Sáu Oanh biết ông Tám Luông là người khéo tay, kỹ lưỡng dùng gốc tre gai làm phím đờn Kìm vừa cứng, nhấn lâu lún lại vừa đẹp nên mướn ông Tám Luông làm phím đờn Kìm. Cây đờn Kìm có đặc điểm là mặt thùng đờn toàn bằng gỗ ngô đồng, thùng sau và cần đờn dùng toàn gỗ trắc, trong thùng có gắn chuông khi ta lắc nghe reng reng, đặc biệt, cây đờn Kìm và cây đàn Ghi - ta Sơn Ca khi đàn kêu cả thùng lẫn dây đã góp phần làm thăng hoa dây đờn Rạch Giá.
Theo nhịp thời gian, từ năm 1931 đến năm 1935 là thời gian phát triển và hoàn thiện dây Rạch Giá từ nhịp 4 lên nhịp 8, 16, 32, 64 ở cây đàn Octavina, Ghi - ta phím lõm. Dây đờn Rạch Giá bắt nguồn từ bài vọng cổ hình thành trên nền tảng của dây lai (hò nhất), khác với dây lai, ở dây số 1 chữ đờn thưa, nhấn nhá, khoan nhặt tùy theo dòng nhạc của mỗi người. Dây đờn Rạch Giá không áp dụng điệu thức bài bản, không phù hợp với giọng cổ hơi dài mà nó chỉ đờn chân phương gắn với lời ca mộc mạc, trữ tình mang đậm chất đồng quê sông nước nên phát triển cực thịnh vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX, hầu hết những người chơi tài tử ở khắp Nam kỳ lục tỉnh và miền Đông Nam Bộ đều biết chơi dây đờn Rạch Giá.
Về sau, vào thập niên 60 của thế kỷ trước trở về sau, phong trào Cải lương và Tân cổ giao duyên phát triển mạnh mẽ, dây đờn Ngân Giang và dây đờn Sài Gòn ra đời. Dây Sài Gòn, dây Ngân Giang, dây lai sử dụng thông dụng được nhiều thể loại trong Đờn ca tài tử trong khi dây đờn Rạch Giá chỉ đờn bài vọng cổ. Từ đó, dây đờn Rạch Giá bị mất vị thế, bị lãng quên và mai một dần.
Cần giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống
Hiện những người biết dây đờn Rạch Giá đã lớn tuổi, số lượng không còn nhiều cho nên việc sưu tầm, phục hồi và bảo tồn dây đờn Rạch Giá thật sự cần thiết để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc trong cộng đồng. Để làm “sống dậy” dây đờn Rạch Giá, nhóm Phù Sa do ông Nguyễn Hoàng Vũ làm Chủ nhiệm đã tập hợp những người có chuyên môn, tâm huyết, say mê Đờn ca tài tử khảo sát những người biết dây đờn Rạch Giá ở trong và ngoài tỉnh như An Biên, Vĩnh Thuận, An Minh ( Kiên Giang), Cà Mau, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh… thu thập tài liệu, chắt lọc ghi lại thành nhạc lý, hoàn thiện một cách đầy đủ nhất, truyền dạy, đưa vào đời sống cộng đồng để giữ gìn nét đặc sắc riêng của Đờn ca tài tử Kiên Giang.
Tâm huyết, say mê đờn ca tài tử, soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn luôn trăn trở. Theo ông, để bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử, dây đờn Rạch Giá, món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Kiên Giang, cần phải sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngay từ trong trường học nếu không sẽ bị thất truyền, thế hệ con cháu sau này sẽ không biết đến một nét đẹp rất riêng của quê hương - dây đờn Rạch Giá, góp phần làm phong phú giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.
TRƯƠNG ANH SÁNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021