Lễ hội Lồng tồng (Lễ hội xuống đồng) là lễ hội mùa xuân gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của đồng bào Tày ở vùng cao Tây Bắc. Trải qua thời gian, đồng bào Tày nơi đây vẫn đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hoá cổ truyền này.
Lồng tồng là lễ hội cổ truyền của đồng bào Tày vùng Tây Bắc
Xuống đồng ngày xuân
Trong không khí đón xuân mới, đồng bào ở khắp các bản Tày Tây Bắc nô nức cùng nhau tổ chức nghi lễ và các hoạt động để khởi đầu cho một năm cày cấy, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Trước ngày tổ chức lễ hội Lồng tồng, các bản Tày chuẩn bị một số công việc cho ngày hội như lễ cúng thần linh bao gồm gà, xôi màu, hoa quả, tiền vàng, trầu cau, bánh... và chọn thửa ruộng gần trung tâm, ở nơi bằng phẳng, thuận tiện cho tổ chức nghi thức xuống đồng, tổ chức hội thi cấy. Các bản cũng chọn chiếc cày đẹp, chắc khỏe, dán giấy màu, chọn con trâu tốt để thực hiện những đường cày đầu tiên của năm mới.
Theo thông lệ, cứ đến mồng 5 hoặc mồng 7 tháng Giêng hằng năm, trong tiết trời mùa Xuân ấm áp, lòng người phấn chấn, bà con tại các bản Tày nô nức cùng nhau tập trung tại thửa ruộng được bản chọn để tổ chức hội Lồng tồng. Tại đây, Ban Tổ chức tiến hành phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phần hội sôi động, vui vẻ.
Phần lễ của lễ hội Lồng tồng là nghi thức cúng thần linh. Mâm lễ được đặt trang trọng trên bàn giữa khu đất bằng ngay trên bờ ruộng, nơi có sân khấu. Các nghi lễ được những bậc cao niên trong bản tiến hành như rước nước, cúng thần bản, thần suối, thần núi, cúng cây còn... với mong muốn thần linh sẽ ban cho con người, cho dân bản nguồn nước để tưới cho những cánh đồng, ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng được bội thu, cho con người sức khỏe để cày cấy. Sau phần lễ, phần hội được tổ chức ngay. Muốn tổ chức phần hội, người làm lễ phải xin phép Thành hoàng làng bằng cách dâng lễ tại chân cột còn, sau khi chủ nhang làm lễ và tiến hành tung quả còn ba lần thì dân làng bắt đầu vào hội.
Mở đầu phần hội là nghi thức đi đường cày đầu tiên của năm mới. Bà con chọn người khỏe mạnh trong bản, cày tốt, trâu tốt. Người nông dân đại diện sẽ thắng trâu vào cày và bắt đầu cày thửa ruộng được chọn sẵn. Mọi người đứng xung quanh trên bờ cổ vũ, khích lệ. Sau khi cày xong, nước được đưa về ruộng là nghi thức cấy những cây mạ đầu tiên của năm.
Đậm sắc màu dân gian
Trong lễ hội Lồng tồng, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như hội thi cấy giữa các bản, thi ném còn, chọi gà bằng hoa chuối, chọi trâu bằng măng vầu, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh yến... Ngoài ra, còn có các tiết mục văn nghệ như hát múa, hát Then, hát yếu, giao duyên, múa Xòe xuống đồng, múa khăn...
Hội thi cấy là hoạt động thu hút sự chú ý của dân bản nhất. Bà con đứng trên bờ hò reo cổ vũ. Người đứng cấy vừa nhanh tay vừa chú ý đường thẳng của hàng. Phần thắng sẽ thuộc về đội nào có đường cấy thẳng nhất.
Lễ hội Lồng tồng ở vùng cao Tây Bắc không chỉ mang giá trị văn hóa tâm linh mà còn là dịp để đồng bào Tày mỗi vùng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình, giáo dục thế hệ trẻ biết yêu quý những gì cha ông để lại, gắng sức xây dựng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Nghệ nhân Ưu tú Ma Thanh Sợi (Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Đồng bào Tày cùng nhau tổ chức xuống đồng đầu năm mới là hoạt động gắn với tập quán trồng lúa nước từ bao đời nay; là sự quý trọng hạt gạo nuôi sống con người; là ý chí chinh phục tự nhiên để làm nên hạt lúa cho cuộc sống ấm no”.
Bảo tồn và phát huy
Để lễ hội Lồng tồng được bảo tồn và phát huy giá trị trong thời kỳ hội nhập, các địa phương có đông đồng bào Tày sinh sống đã đưa lễ hội vào danh mục các hoạt động cần được gìn giữ, tổ chức trong sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư.
Công tác bảo tồn được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp như sưu tầm, ghi chép các tư liệu liên quan đến lễ hội Lồng tồng...
Với đặc thù lễ hội Lồng tồng có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, mở màn vào mùa Xuân, khởi đầu của năm mới, vì vậy, các bản làng Tày ở vùng cao Tây Bắc đã tổ chức hằng năm, đưa vào môi trường diễn xướng thực tế, sinh động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân. Từ đó, mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Tày không chỉ tham gia, góp công sức mà còn tự hào và có ý thức gìn giữ, trao truyền nét đẹp văn hoá của cộng đồng.
Lễ hội Lồng tồng là nét đẹp văn hóa được các bản làng Tày trình diễn để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một hướng bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Lồng tồng một cách hiệu quả. Gắn với phát triển du lịch cộng đồng, các điểm du lịch ở vùng cao Tây Bắc đã tổ chức các không gian văn hoá của cộng đồng các dân tộc, trong đó có Lễ hội Lồng tồng. Du khách đến đây có thể dừng chân chiêm ngưỡng và cảm nhận được nét độc đáo và giá trị nhân văn của lễ hội gắn với nghề trồng lúa của đồng bào vùng cao.
Trong các nhà trường, việc bảo tồn lễ hội Lồng tồng thông qua lồng ghép các hoạt động trải nghiệm văn hóa địa phương được gắn với các mô hình trường học như “Trường học đa văn hóa”, “Trường học gắn với thực tiễn”, “Trường học hạnh phúc”...
Thầy giáo Trần Thế Hồng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hồng Quang (Lục Yên, Yên Bái) cho biết: “Lễ hội Lồng tồng được các nhà trường tổ chức trong hoạt động ngoại khóa trải nghiệm để học sinh trình diễn các nghi lễ, các trò chơi dân gian gắn với lễ hội. Qua đó, các em học sinh vừa tự hào, vừa có ý thức gìn giữ bản sắc của dân tộc mình”.
Lễ hội Lồng tồng ở vùng Tây Bắc mang tính cộng đồng cao và là sự quy tụ tinh hoa của những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tày. Trải qua thời gian với biết bao sự đổi thay, bản sắc văn hóa trong lễ hội Lồng tồng vẫn được đồng bào Tày vùng Tây Bắc lưu giữ trong tiềm thức, trong đời sống văn hoa tinh thần của cộng đồng.
Phần thi cày trong lễ hội Lồng tồng
NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022