Trong các nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 thì mục tiêu chủ yếu là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ... Trong đó, quan trọng nhất là nước ta sẽ phấn đấu có ít nhất 5 di sản được UNESCO ghi danh.
Bình Định được coi là một trong những chiếc nôi của nền võ học cổ truyền Việt Nam và từ xa xưa được gọi là “Miền đất võ”. Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm và thể hiện rõ nét vào thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ cuối thế kỷ XVIII. Năm 2012, võ Bình Định đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhằm tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản và định hướng cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị một di sản nghệ thuật trình diễn truyền thống trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ VHTTDL xem xét, trình Chính phủ đưa di sản Võ Bình Định vào danh mục đề cử lên UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời có ý kiến chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp và hỗ trợ tỉnh lập hồ sơ khoa học di sản Võ cổ truyền Bình Định trong giai đoạn 2021 - 2025. Tháng 10/2021 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đồng ý để Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ đối với di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới..
Bình Định hiện có hơn 100 võ đường võ cổ truyền, trải rộng khắp 11 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Năm 2013, UBND tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định nhằm tạo mọi điều kiện pháp lý để giao lưu, trao đổi các dòng võ cổ truyền nói chung, tạo ra ngôi nhà chung cho các làng võ cổ truyền trong cả nước. Cả tỉnh Bình Định từng có hàng nghìn nghệ nhân và võ nhân đang nắm giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định. Họ cũng đang tổ chức truyền bá võ Bình Định cho thế hệ trẻ tại 177 võ đường, hoặc câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trên thế giới, đang có nhiều võ đường tổ chức truyền dạy Võ Bình Định ở châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Trong suốt mấy mươi năm đầu thế kỷ XVII, những cuộc chiến tranh, động binh liên miên đã đẩy người dân vào chốn điêu linh. Thêm nhiều cuộc khởi nghĩa ở khắp mọi nơi chống lại triều đình. Tuy vậy, những cuộc khởi nghĩa đó đều thất bại. Không ít lãnh tụ, tướng lĩnh bị truy lùng, trả thù. Nhiều anh hùng, nghĩa sĩ phải lui về ở ẩn, hoặc lang bạt kỳ hồ vào vùng đất phía Nam. Đất Quy Nhơn trở thành nơi quy tụ anh hùng và võ nhân từ khắp nơi trong cả nước.
Lúc bấy giờ võ thuật cổ truyền như nắng hạn gặp mưa rào. Phong trào học võ ở Bình Định đã hình thành và phát triển khắp nơi. Người dân học võ để tự vệ, để phòng thân, thanh thiếu niên học võ để chờ thời đầu quân khởi nghĩa và cũng có nhiều kẻ học võ để cướp bóc, kiếm sống qua ngày...
Võ nghệ lúc này như một thứ “giấy thông hành” để vào đời, lập thân, lập nghiệp. Trong khi đó, sau khi lật đổ nhà Minh, triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) đã tiến hành những cuộc thanh trừng các tổ chức, hội đoàn thuộc phong trào "Phản Thanh, phục Minh". Cùng với các thương nhân, nhiều nghĩa sĩ người Trung Hoa đã bỏ chạy sang Việt Nam thông qua cảng Nước Mặn Tuy Phước - Thị Nại. Không ít võ sĩ, võ sư trong số này đã chọn Quy Nhơn làm quê hương thứ hai của mình. Quá trình mưu sinh tại Bình Định, những võ sư Trung Hoa (gọi là người Minh Hương) đã góp phần "gieo mầm" võ thuật trên vùng đất Quy Nhơn.
Thời đó, bên cạnh nền võ thuật cổ truyền từ Đàng Ngoài (phía Bắc) vào, Bình Định, Quy Nhơn còn tiếp thu thêm những tinh hoa võ thuật Champa của các bộ tộc người Chăm và cả tinh hoa võ Tàu (Minh Hương). Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XVII, Quy Nhơn đã xuất hiện những anh hùng hào kiệt, võ nghệ cao cường như: Võ sư, võ nhân Quảng Phú, Linh Vương, Chàng Lía, cha Hồ, chú Nhẫn, Trần Đức Hòa, Nguyễn Hữu Tiến và một số thủ lĩnh của bộ tộc người Hơ rê, Bana, Chămpa … Không ít người trong số họ đã tham gia tích cực trong phong trào khởi nghĩa Tây Sơn - Tam Kiệt.
Giai đoạn giữa thế kỷ XVIII đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của võ Bình Định với sự xuất hiện của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Trong đó, còn có sự đóng góp rất hiệu quả của các võ sư, võ nhân như: Trương Văn Hiến (còn gọi là Giáo Hiến), Đinh Văn Nhưng (còn gọi là Ông Chảng). Họ là những người thầy đã truyền thụ tinh thần, ý chí cùng những tinh hoa võ thuật cho 3 anh em nhà Tây Sơn.
Trong quá trình lãnh đạo nông dân khởi nghĩa, Nhà Tây Sơn đã đóng góp cho võ Bình Định ngày càng tinh túy và độc đáo. Trong đó, nổi bật nhất là người anh hùng "áo vải cờ đào" Nguyễn Huệ. Nhà vua là người đề ra phương pháp luyện quân, luyện binh, luyện võ với những bí quyết cho đến nay các nhà khoa học về binh pháp thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, khám phá. Nhiều lúc chỉ trong một thời gian ngắn sau khi được tuyển, quân lính Tây Sơn đã nhanh chóng nắm bắt được những yêu cầu cơ bản về võ thuật, về cách sử dụng binh khí. Vì vậy, quân Tây Sơn được truyền tụng cho tới nay là một đội quân dũng mãnh, bách chiến, bách thắng, đánh đâu thắng đó …
Bên cạnh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, triều đại Tây Sơn còn có nhiều võ tướng, võ nhân kiệt xuất như: Trần Quang Diệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Tuyết, Võ Đình Tú, Bùi Thị Nhạn, Ngô Văn Sở, Phạm Cần Chính, Nguyễn Văn Lộc, Trần Kim Hùng, Đặng Xuân Phong…
Năm 1802, sau khi thôn tính được nhà Tây Sơn, Vua Gia Long đã trả thù tàn khốc những người từng tham gia Phong trào Tây Sơn. Riêng đối với nền võ học Bình Định, nhà Nguyễn một mặt cấm dạy, cấm học, cấm truyền bá, cấm lưu hành những tư liệu, sách vở về võ Tây Sơn. Đồng thời, triều đình nhà Nguyễn còn tìm cách truy lùng, tiêu diệt những võ sư, võ sĩ danh tiếng dưới thời Tây Sơn. Tuy nhiên người dân đất võ vẫn âm thầm lưu giữ để những thế võ cổ truyền của Tây Sơn - Bình Định không bị thất truyền.
Dưới thời Nguyễn, dù không hưng thịnh như thời Tây Sơn nhưng võ Bình Định vẫn âm ỉ cháy. Một số võ sư, võ sĩ và kể cả những võ tướng người Bình Định phục vụ nhà Nguyễn vẫn không quên võ cổ truyền Bình Định. Tiêu biểu trong số này là những võ tướng, võ nhân như Lê Đại Cang, Trần Thị Quyền, Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, Võ Văn Trừ, Ông Mười, Tạo Sĩ, Trung Quân…
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, nhân dân Bình Định đã đứng lên chống lại quân cướp nước. Nhiều võ nhân, võ sư tham gia các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương, phong trào kháng thuế, phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du… trong số đó, có phong trào Cần Vương và phong trào kháng thuế do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Bên cạnh Mai Xuân Thưởng là các võ tướng, võ nhân khác như Đào Doãn Đích, Võ Trứ, Tăng Bạt Hổ, Trần Diệu, Trần Tân, Nguyễn Hóa, Huỳnh Ngạc, Nguyễn Đáng, Võ Đạt... cũng tham gia rất tích cực.
Thời kháng chiến chống Pháp, Bình Định còn có những võ sư, võ nhân danh tiếng như Hồ Ngạnh (Hồ Nhu), Diệp Trường Phát, Hương Mục Ngạc, Hương Kiểm Mỹ (Đinh Hề), Hương Lễ Nghè, Hương Kiểm Lài, Hương Kiểm Sát, Bầu Đê, Chín Giác, Mười Đậu, Tám Cảng, Hai Tửu, Bảy Lụt, Dư Đành, Năm Nghĩa, Đoàn Phong, Đội Bốn, Đặng Đồng, Xã Nung, Lương Công Hoàng, Đoàn Ngọc Sang, Cai Kệnh, Dương Tại, Hà Trọng Sơn…
Bên cạnh vũ khí hiện đại, võ Bình Định cũng đóng góp khá hiệu quả cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều võ sư người Bình Định thời ấy đã từng tham gia dạy võ thuật cho nhiều cán bộ, chiến sĩ, tự vệ, dân quân, du kích Việt Minh những bài võ, những bài kiếm thuật rất lợi hại, gây sát thương đáng kể cho giặc khi lâm trận.
Sau năm 1954, đất nước ta bị chia cắt. Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhiều võ sư, võ nhân Bình Định tham gia kháng chiến chống Mỹ do Mặt trân Giải phóng miền Nam Việt Nam phát động nên nền võ thuật cổ truyền không có đất phát triển. Ngoài ra, phong trào thanh thiếu niên miền Nam Việt Nam thích học võ thuật nước ngoài như Karate, Teakwondo, Judo… cũng góp phần kìm hãm võ thuật Bình Định cổ truyền.
Năm 1972, sau "sự kiện" cuốn sách "Võ Bình Định chân truyền" của võ sư Diệp Bảo Sanh, giới võ học Bình Định đã quyết tâm thành lập “Hội Võ thuật Bình Định” với mục đích giữ gìn và khơi dậy truyền thống võ cổ truyền Bình Định. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng có chủ trương cho một số lực lượng nằm vùng và lính đặc công và dân quân du kích học môn võ cổ truyền Bình Định để tăng cường hiệu quả trong chiến đấu.
Năm 1975, bên cạnh các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, điền kinh, bóng bàn… bộ môn Võ Cổ truyền Bình Định đã được tỉnh cho phép thành lập và tạo mọi điều kiện để bảo tồn và phát triển. Võ cổ truyền Bình Định cho đến năm 2022 vẫn là một trong những môn bộ môn thể thao mũi nhọn của tỉnh. Hàng trăm võ đường và CLB võ thuật ở 11 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh được tạo điều kiện để bảo tồn và phát triển không ngừng, trong đó có nhiều võ đường võ cổ truyền thuộc những gia đình có truyền thống võ thuật lâu đời ở huyện Tây Sơn, Tuy Phước, An Thái, An Nhơn...
Một thời gian dài, các giải Võ Cổ truyền ở Bình Định hầu như ít có đối thủ xứng tầm. Thậm chí, có giải thi đấu quốc gia, Bình Định đoạt 5/7 Huy chương Vàng trong số 7 hạng cân. Tiêu biểu trong số này có các võ sư, võ sĩ của những võ đường Phan Thọ, Đặng Vĩnh Nghê, Hồ Sừng, Hồng Kim Nghi, Minh Tinh, Vũ Lê Cang, Đinh Văn Tuấn, Kim Sơn, Kim Đình, Kim Dũng, Hàm Hữu Nghĩa, Bửu Thắng, Hạnh Hoà, Đặng Hiếu Hiền, Kim Thanh, Nguyễn Thi Liên, Đinh Bình Nam, Hồ Đắc Sơn, Phan Trường Hận…,
Công tác sưu tầm, nghiên cứu võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định cũng luôn được quan tâm từ hàng chục năm nay. Ngoài việc xây dựng những võ đường, CLB Võ Cổ truyền ở nhiều địa phương, Võ Bình Định còn được truyền bá, lan rộng khắp nơi trong nước và cả nước ngoài.
Thông qua Liên đoàn Quốc tế Võ Việt Nam, Võ Cổ truyền Bình Định đã được nhiều võ sư, võ sĩ và thanh thiếu niên ở nhiều quốc gia yêu thích, luyện tập và tham gia biểu diễn trong các đợt lễ hội Festival võ thuật ở Việt Nam như: Mỹ, Pháp, Nhật, Thuỵ Sĩ, Algeria, Mêxico, Italia, CHLB Đức, Ucraina, Nga … Theo thống kê sơ bộ tại những lễ hội Festival ở Bình Định và TP Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua (từ 2008 - 2022) thì ở các quốc gia nói trên, đã có hàng vạn người tham gia tập luyện võ cổ truyền Bình Định.
Có thể nói, Võ Bình Định tự hào và rất xứng đáng được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới.
NGUYỄN TẤN TUẤN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022