Thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục lợi dụng âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình”, đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội ta. Chúng tung thông tin thông tin giả, xấu độc, xuyên tạc từng ngày, từng giờ trên internet và mạng xã hội. Do vậy, chủ động và tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài trong tình hình mới.
Các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá nước ta với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, đặc biệt chúng lợi dụng internet, mạng xã hội đưa những ý kiến trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh sai tình hình thực tiễn cách mạng, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại ở Việt Nam. Có thể kể đến các tổ chức như Việt Tân, Đài Á châu tự do, thoibao.de… thường xuyên đăng tải, tung thông tin sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước.
Chúng thiết lập các trang website, blog, facebook, YouTube, mở các “diễn đàn”, “câu lạc bộ”… phát tán những thông tin, tài liệu, hình ảnh, video clip có nội dung xấu độc để chống phá; đăng tải thông tin thật giả lẫn lộn để đả kích, phủ nhận phủ nhận truyền thống cách mạng, bản chất cách mạng cao đẹp của lực lượng vũ trang, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng sử dụng không gian mạng để tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp dư luận, gây hoang mang trong dư luận xã hội; chuyển hóa các bài viết có sẵn thành thể thơ hoặc bài hát phát trên các kênh âm nhạc trực tuyến làm công cụ tuyên truyền, chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị còn thực hiện thủ đoạn mới bằng cách huy động, kêu gọi các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối “Dự thảo Luật Đặc khu”, “Luật An ninh mạng”… tạo ra hiệu ứng đám đông, nhằm mưu đồ tác động thay đổi tư tưởng trong xã hội theo chiều hướng tiêu cực. Bên cạnh đó, khi cả nước ta đang phải đương đầu trước những khó khăn, phức tạp do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 lan rộng, tốc độ lây lan rất nhanh, biến chủng khó lường, các cấp, các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã rất nỗ lực, chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ trong phòng, chống dịch… thì tổ chức khủng bố Việt Tân đã tráo trở cắt ghép hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng xã hội để xuyên tạc rằng: “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói nổi dậy… Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để răn đe dân chứ không phải chống dịch COVID-19”… Mục tiêu của chúng nhằm chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân; dựng ra chuyện nhóm này, nhóm kia hãm hại… đả kích một số đối tượng xấu để bịa đặt, suy diễn, kích động làm “nóng” tình hình; bày ra âm mưu cực kỳ tinh vi, xảo quyệt hòng thúc đẩy nhanh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong quân đội, đơn vị. Những thông tin do các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhào nặn rất tinh vi, trộn lẫn tốt xấu, thật giả, khó nhận diện, trở nên cực kỳ nguy hiểm.
Nhận thức rõ tác động tiêu cực của những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đối với công tác tư tưởng, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 25/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Kết luận số 53-KL/TW ngày 04/6/2019 của Ban Bí thư về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội…. các cấp ủy đảng trong toàn Đảng, toàn quân đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Đảng về đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Các cấp ủy đảng, đơn vị và đội ngũ cán bộ chính trị đã phát huy vai trò nòng cốt trong chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, thường xuyên chú trọng định hướng đấu tranh trên mạng xã hội; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng như các tầng lớp nhân dân; huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, thường xuyên đổi mới về nội dung, phương pháp, hình thức đấu tranh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, phản động.
Tuy nhiên, việc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng nhằm phản bác các thông tin giả, xấu độc, sai sự thật ở một số cơ quan, đơn vị cơ sở chưa thật sự chủ động, nhạy bén, sắc sảo, chưa liên tục, còn phải đôn đốc, nhắc nhở. Một số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tham gia chưa thường xuyên, lơ là, thiếu sót, chưa tự giác, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động nhưng chưa được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời; đội ngũ cán bộ ở đơn vị cơ sở còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin chưa thành thạo, nhiều cán bộ chưa biết cách vào các trang mạng xã hội để phản bác những luận điệu xuyên tạc… nên chưa tạo được sự chú ý rộng rãi và sức lan tỏa đối với cộng đồng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền và đấu tranh, phản bác còn mang tính hình thức, thụ động, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác này; nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của kẻ địch chậm đổi mới; thiếu những bài viết có chất lượng chuyên sâu để đấu tranh trực diện phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái…
Để nâng cao chất lượng đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên internet, mạng xã hội, thiết tưởng cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phòng chống “diễn biến hoà bình” trên mạng xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phản bác luận điệu sai trái trên không gian mạng theo định hướng, chỉ đạo thống nhất, đồng thời giao mỗi ban ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị phải xây dựng lực lượng, hệ thống, kế hoạch tuyên truyền; thường xuyên nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, khắc phục tình trạng mơ hồ về chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.
Thường xuyên gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng, tuyên truyền với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Hai là, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân để mọi người thấy rõ “tính hai mặt” của mạng xã hội, hiểu biết đầy đủ những thủ đoạn hoạt động và nội dung chống phá của các thế lực thù địch; mức độ nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh là vấn đề hết sức quan trọng. Đây là cơ sở của hành động, định hướng hành động, có nhận thức đúng mới có trách nhiệm cao và hoạt động hữu hiệu.
Thường xuyên nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội trong các tầng lớp nhân dân; định hướng thông tin chính xác, kịp thời nhằm tạo khả năng “miễn dịch”, “tự đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ địch để chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với âm mưu “diễn biến hòa bình”, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, kích động, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị trật tư an toàn xã hội.
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hoá hình thức đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội.
Đổi mới nội dung tuyên truyền đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... trên mạng xã hội, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục truyền thống, định hướng hệ giá trị, bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cho thế hệ trẻ một cách thiết thực, sâu rộng, có tính thuyết phục cao, qua đó nâng cao khả năng đề kháng và phản bác của người dân trước những thông tin sai trái, thù địch.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền; lựa chọn đúng nội dung và luôn có những thông tin mới trong tuyên truyền. Phải hướng mạnh về cơ sở, tăng cường thông tin đối ngoại; tiến hành điều tra dư luận xã hội để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cơ sở để xây dựng nội dung tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của kẻ địch.
Bốn là, duy trì thường xuyên và có hiệu quả hoạt động thông tin tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân.
Cần phát huy hiệu quả lợi thế từ công tác tuyên truyền, với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; chủ động thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ, kịp thời, bảo đảm tính định hướng nhằm giải quyết hiệu quả các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là trước những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị, nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân cần cảnh giác với thông tin trên các trang mạng xã hội, phải tỉnh táo, sáng suốt nhận biết thông tin nào là đúng, chính xác, thông tin nào là giả, bịa đặt, xuyên tạc nhằm tránh bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị sử dụng để lôi kéo, kích động người dân hướng theo ý đồ xấu, độc của chúng. Phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
NGUYỄN THANH HOÀNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022