Hà Giang tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

 

Hà Giang - nơi hội tụ của 19 dân tộc, với những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đó là tài sản quý giá để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Kết luận Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 3 bảo vật quốc gia, 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó có 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh). Hà Giang đã tổ chức khảo sát nhận diện được 370 di sản, 22 di sản trong số này được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Cao nguyên đá Đồng Văn được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; tỉnh có 18 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích bước đầu được quan tâm, với 29/62 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo đạt 46,7%; 34 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng. Nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa ngày càng được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống như: Kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian... được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Giang chưa tương xứng với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; việc phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội chưa rõ nét; một số di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc có nguy cơ bị mai một; một số làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hằng ngày bị thất truyền; nhiều di tích đã xếp hạng chưa được tu bổ, tôn tạo, phục hồi; một số di tích đã được tu bổ, tôn tạo nhưng chưa thể khai thác, phát huy giá trị. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về giá trị di sản văn hóa còn hạn chế; kinh phí nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác bảo tồn di sản còn thấp; chưa có cơ chế, chính sách để thu hút các tố chức, cá nhân đầu tư, quản lý khai thác các di tích; mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa được giải quyết hài hòa.

Nhằm tiếp tục hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Kết luận Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 6/11/2021, tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 15 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hà Giang xác định: bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho nhiều thế hệ nhân dân các dân tộc Hà Giang; đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. Mục tiêu đặt ra giai đoạn 2021 - 2025 là giữ vững các danh hiệu di sản văn hóa đã được ghi danh vào danh mục di sản thế giới và quốc gia. Chú trọng vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát huy di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc; tôn vinh các giá trị di sản văn hóa và khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Đến năm 2025, 100% di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được phục dựng, bảo tồn, gắn với phát triển kinh tế du lịch. Xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xếp hạng 5 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. 100% di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng các cấp được quy hoạch, tu bổ, phục hồi gắn với phát triển du lịch. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, trước mắt quan tâm chỉ đạo thực hiện ở 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc, trong đó tổ chức quy mô cấp tỉnh Lễ hội Khèn Mông, lễ hội thêu dệt thổ cẩm, lễ hội văn hóa dân gian dân tộc Nùng, lễ hội chợ Phong Lưu Khau Vai, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội hoa Tam giác mạch, lễ hội ruộng bậc thang; tổ chức quy mô cấp huyện 15 lễ hội; quy mô cấp xã 58 lễ hội tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc. Hoàn thành cải tạo nâng cấp Bảo tàng tỉnh thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh Hà Giang xác định năm nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Một là, đối với di sản văn hóa vật thể, tập trung chỉ đạo rà soát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di sản văn hóa vật thể làm cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tổ chức khoanh vùng cắm mốc, cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất đối với các di tích, đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật. Quan tâm làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó, ưu tiên tu bổ các di tích được công nhận cấp quốc gia, di tích lịch sử cách mạng và di tích lịch sử - văn hóa đang có nguy cơ bị xuống cấp; thực hiện các biện pháp bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thế.

Hai là, đối với di sản văn hóa phi vật thể, ưu tiên nghiên cứu, bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc. Thực hiện tốt công tác kiểm kê, nhận diện và xác định giá trị của từng loại di sản trong cộng đồng, trên cơ sở đó, lựa chọn các di sản tiêu biểu, xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một; nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Tiến hành bảo tồn các di sản văn hóa ngay chính trong đời sống cộng đồng; đưa nội dung bảo tồn di sản văn hóa vào trong các hương ước, quy ước hoạt động của thôn, bản để cộng đồng cùng cam kết thực hiện. Tổ chức phục dựng, trình diễn, phổ biến di sản văn hóa truyền thống trong gia đình, cộng đồng. Quan tâm công tác truyền dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ, nhân rộng mô hình đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Bảo tồn và lựa chọn một số lễ hội tiêu biểu tổ chức định kỳ hằng năm. Xây dựng các đội văn nghệ truyền thống thôn bản, câu lạc bộ văn nghệ dân gian cấp xã, thôn. Tăng cường đấu tranh phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, mê tín dị đoan, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trái với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ba là, đảm bảo công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Lựa chọn, có định hướng cụ thể đối với việc sử dụng giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương. Tổ chức các ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc và trích đoạn lễ hội dân gian truyền thống, trưng bày, triển lãm di sản văn hóa dân tộc gắn với thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa, ẩm thực đặc trưng, tiêu biểu của từng dân tộc địa phương tới du khách trong nước và ngoài nước. Phát huy giá trị di sản văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh cao trong phát triển du lịch. Xây dựng Bảo tàng tỉnh trở thành điểm du lịch trung tâm, tìm hiểu giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Hà Giang. Bảo tồn văn hóa phải gắn với bảo tồn kiến trúc truyền thống, xây dựng làng, bản văn hóa, du lịch, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình Hội nghệ nhân dân gian, phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở. Phát huy giá trị di sản văn hóa để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đầu tư các làng văn hóa dân tộc, các khu du lịch sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tổ chức cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép với các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được phê duyệt theo quy định hiện hành. Huy động sự tham gia, hiến tặng của các nghệ nhân, các chủ thể nắm giữ, sưu tầm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Khuyến khích hỗ trợ các nghệ nhân thực hiện truyền dạy giá trị di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan; các nghệ nhân, các chủ thể nắm giữ, sưu tầm, thực hành truyền dạy văn hóa truyền thống, các câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ dân gian ở cơ sở. Xây dựng chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; hỗ trợ cho sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, xây dựng dựng thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn. Tiếp tục rà soát, phát hiện, thực hiện quy trình, kịp thời đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thế trong cộng đồng; phát huy vai trò Nghệ nhân Dân gian, người có uy tín trong cộng đồng.

Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế theo hướng bền vững; tích cực phổ biến, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa tạo sự lan tỏa, nâng cao giá trị di sản, ý thức bảo vệ gìn giữ di sản trong cộng đồng. Củng cố mối liên kết giữa nhà quản lý - nhà khoa học - nhà giáo dục - nhà kinh tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác các di sản văn hóa. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý di sản văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành văn hóa; ưu tiên sử dụng lao động là người địa phương làm việc tại các di tích, các khu, điểm du lịch. Duy trì và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về di sản văn hóa, tạo điều kiện cho di sản được giới thiệu, tôn vinh, chủ thể văn hóa được giao lưu, học hỏi với bạn bè trong nước và quốc tế. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý di sản văn hóa, xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa. Kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện quan điểm phát huy nội lực, biến khó khăn thành cơ hội phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững trên quê hương Hà Giang.

Hội Nghệ nhân dân gian xã Sủng Máng thực hiện nghi lễ cấp sắc tại Ngày hội văn hóa dân tộc Dao huyện Mèo Vạc - Ảnh: internet

 

NGUYỄN HOÀI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

 

;