• Nghệ thuật > Văn học

Hindu giáo trong một số tác phẩm văn học của Campuchia thời kỳ Angkor (802-1442)

Chung một mẫu số với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, ngay từ đầu công nguyên, qua con đường thương mại và truyền giáo, Campuchia đã có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ. Quá trình giao lưu, tiếp xúc này dẫn tới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Campuchia, đặc biệt là các tôn giáo lớn, trong đó có Hindu giáo. Cũng như văn hóa Ấn Độ, Hindu giáo du nhập một cách hòa bình và dần dần thấm sâu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Bài viết đề cập đến ảnh hưởng của tôn giáo này lên đời sống văn học, nghệ thuật Campuchia thời kỳ Angkor (802 - 1442), khẳng định sự chi phối mạnh mẽ của đạo Hindu lên đời sống văn hóa người Khơme; nhấn mạnh tính chủ động và sáng tạo của cư dân bản địa trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các luồng văn hóa đến từ bên ngoài.

Các vỉa tầng văn hóa trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Liên văn bản (intertextuality) là một phát hiện quan trọng của lý luận - phê bình văn học thế giới cuối TK XX, manh nha từ tư tưởng triết học của Mikhail Mikhailovich Bakhtin, được chính thức định danh bởi Julia Kristéva và tới Roland Barthes nội hàm khái niệm này được làm rõ. Ra đời trong bối cảnh các chủ thuyết cấu trúc luận đang có nguy cơ đổ vỡ, liên văn bản làm biến đổi mạnh mẽ tư duy văn học và ảnh hướng nhất định đến quá trình tiếp nhận văn học. Hòa vào dòng chảy chung của văn học thế giới như một tất yếu, tiểu thuyết Việt Nam đương đại sau năm 1986 là cuộc trình hiện và đối thoại của các vỉa tầng văn hóa. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã và đang trên hành trình đổi mới tư duy nghệ thuật. Nhà văn sử dụng các thủ pháp tự sự hiện đại với mục đích đối thoại đa chiều về/với hiện thực, trong đó có việc vận dụng kỹ thuật liên văn bản.

Hình tượng vua quỷ Ravana và vua khỉ Hanuman - từ nhân vật sử thi đến văn hóa đại chúng Thái Lan

Ramayana là một trong hai bộ sử thi nổi tiếng lâu đời, là tuyệt tác văn chương của nền văn hóa Ấn Độ. Bộ sử thi này có sự ảnh hưởng sâu đậm và rộng khắp các quốc gia Đông Nam Á. Ramayana là tác phẩm thuộc văn hóa tinh hoa đã dần trở thành văn hóa đại chúng không chỉ tại Ấn Độ mà còn ở các nước tiếp nhận nó. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến hai nhân vật quan trọng trong Ramayana là Ravana và Hanuman, vốn xuất thân từ tác phẩm kinh điển, nay đã trở thành hình tượng văn hóa đại chúng ở Thái Lan.

Về khái niệm chủ âm và thủ pháp trong lý thuyết Hình thức Nga

Lý thuyết của trường phái Hình thức Nga là một hệ hình lý thuyết tiến bộ. Chúng tôi đã tiếp cận các quan niệm và khái niệm cơ bản này, đặc biệt là giới thuyết kỹ hai khái niệm chủ âm và thủ pháp. Đây là hai khái niệm công cụ có vai trò quan trọng trong việc tiếp cận văn bản văn học theo quan điểm của các nhà hình thức Nga mà chúng ta có thể tiếp biến. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi khái lược lịch sử, tác giả, những quan niệm, khái niệm chính của trường phái; sau đó tập trung luận giải hai khái niệm chủ âm, thủ pháp và ý nghĩa của việc tiếp nhận lý thuyết này trong nghiên cứu.

Văn hóa dân tộc trong trích đoạn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm có chỉnh thể của một kết cấu trữ tình trọn vẹn, sâu lắng, khai thác bề sâu của truyền thống văn hóa dân gian, đã khắc họa diện mạo văn hóa Việt Nam từ nguồn gốc đến cách thức tổ chức đời sống, xã hội, đặc biệt những đặc trưng về phong tục tập quán. Từ đó, tác phẩm làm nổi bật lên những giá trị, phẩm chất, cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam.

Giá trị nghệ thuật của hệ thống hình tượng trong thơ Nguyễn Duy

Sử dụng hệ thống hình tượng là một trong những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của thơ Nguyễn Duy. Đọc thơ Nguyễn Duy, nhất là những bài thơ viết sau 1975, ta thấy hệ thống hình tượng xuất hiện với một tần số rất cao. Hình tượng tham gia vào nhiều yếu tố cấu trúc bài thơ, giúp thơ của ông được xây dựng bằng nhiều điểm sáng, có sức ám ảnh tâm trí người đọc. Đó cũng là cơ sở để tạo nên những điểm nhìn mới, giọng điệu mới cho tác phẩm và tạo nên nét độc đáo trong thơ Nguyễn Duy.

Văn học dấn thân của Jean Paul Sartre

Văn sử triết bất phân là một hiện tượng đặc thù trong tiến trình phát triển của xã hội, văn hóa và nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Hiện tượng này bắt đầu từ thời trung đại, tuy nhiên, đến thời hiện đại thì sự gắn kết và ảnh hưởng lẫn nhau của từng yếu tố ấy cũng rất chặt chẽ. Ở miền Nam giai đoạn 1954-1975, sự du nhập của triết học hiện sinh đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của một bộ phận trí thức bấy giờ. Tác động đó còn in lại trong những tác phẩm của họ, đặc biệt là tinh thần dấn thân của J.P.Sartre.

Biểu tượng con ngài - diễn ngôn của miền sâu vô thức

Tiểu thuyết Chúa trời của những chuyện vụn vặt của nữ nhà văn gốc Ấn Arundhati Roy đã xuất sắc đạt được giải thưởng văn học danh giá Man Booker năm 1997. Sự thành công của tác phẩm không chỉ khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của dòng tiểu thuyết Ấn Độ viết bằng tiếng Anh mà còn nêu cao tiếng nói nữ quyền trong xã hội Ấn Độ hậu thuộc địa. Tiểu thuyết Chúa trời của những chuyện vụn vặt gửi đến người đọc thông điệp đậm chất nhân văn, tuy vụn vặt đời thường nhưng da diết, bi thương và đầy nước mắt. Chúng được chép lại trên đôi cánh bùng cháy của biểu tượng con ngài như một diễn ngôn kỳ dị từ miền sâu vô thức.