Trần Hoài Dương sinh năm 1943, mất năm 2011. 40 năm gắn bó với văn chương, từ tuổi học trò cho đến khi ở vị trí biên tập viên, cộng tác viên hay người viết tự do, ông luôn đau đáu về một “miền xanh thẳm” trong sâu xa đời người. Viết cho độc giả nhỏ cũng là dịp “úp mặt” lên dòng sông thơ ấu, quên đi cuộc đời nặng gánh để trải trọn mọi yêu thương. Gọi những trang viết của Trần Hoài Dương là những giêng hai thương nhớ bởi đồng điệu với tâm sự của nhà văn Tô Hoài: “Không hiểu sao, đọc 54 truyện chọn lọc của Trần Hoài Dương, tôi cứ hình dung ra một thoáng tháng Giêng, tháng Hai đẹp đơn sơ như thế. Không biết tôi đang là trẻ thơ, tôi không nhớ tôi đã là một ông lão, tôi không biết tuổi đương đọc những sáng tác không có tuổi. Mỗi sáng tác hay thường khiến cho người đọc đánh mất tuổi như vậy...”.
Tháng Giêng, tháng Hai là tháng mở đầu của năm. Trần Hoài Dương gây dựng những mùa, những tháng “yêu kiều nhất”, non tơ nhất ấy chủ yếu từ những nhân vật “không tuổi”: những đứa trẻ và những nhân vật đồng thoại mang tâm hồn thơ trẻ. Những gương mặt như thế rất phù hợp với “giêng hai” của đời người. Nhân vật của ông vẫn thường thỏ thẻ trong từng trang viết: “Mẹ ơi, mẹ hãy nói với các bạn hộ con đi” (Em bé và bông hồng), “Ước gì có tấm thảm bay nhỉ? Bé sẽ ngồi trên tấm thảm đó, chỉ nháy mắt là đã đỗ bình yên ở bờ bên kia” (Cô tiên), “Chị Tẩy ơi! Em biết lỗi rồi! Hãy tha thứ cho em!” (Chị Tẩy và em Bút Chì)… Tiếng nói ấy thơ ngộ và muôn phần đáng yêu. Với quan niệm: “Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để vươn tới những gì cao đẹp nhất. Viết để tự hoàn thiện dần con người mình. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ”, Trần Hoài Dương viết văn như một cách cất bài hát tạ ơn và hơn thế là làm sáng cuộc đời. Niềm tin về cái Thiện tỏa rạng trên những trang viết của nhà văn một đời giản dị như “chiếc lá” (tên một tác phẩm của Trần Hoài Dương). Nàng công chúa biển - tác phẩm cuối đời của ông là minh chứng đẹp đẽ cho niềm tin mãnh liệt ấy. Nhân vật nàng công chúa biển - “hiện thân của cái đẹp toàn vẹn”, đã thể hiện năng lực cảm hóa mạnh mẽ, có khả năng hóa giải những phép thuật và lời nguyền, giúp con người hoàn lương. Ở vị trí của người đã nếm trải gần như đủ đầy mọi gia vị của đời, giữ được cái nhìn thiện lương ấy, phải là một trí tuệ sáng và nhân cách đẹp. Đấy cũng là điều nhà văn chắt chiu, rèn luyện, chăm chút từ những ngày bé thơ sớm xuất hiện mặc cảm “mình là người có tội, mình là gánh nặng của gia đình, không tự kiếm sống được mà phải dựa vào bố mẹ, ăn nhờ vào chính những người thân của mình” (Miền xanh thẳm). Chủ động vào đời sớm, chủ động tựa mình vào những trang văn của Victo Huygo, Macxim Gorki, Edmondo De Amicis, Andersen, Tô Hoài, Nguyên Hồng… dễ hiểu vì sao Trần Hoài Dương chung thủy se duyên với văn học thiếu nhi - mảng văn chương chưa thực sự màu mỡ nhưng luôn có một không khí trong trẻo như thứ Đạo mà ông luôn hướng đến. Những câu chuyện của Trần Hoài Dương như: Chiếc lá, Quà tặng của chim non, Cây lá đỏ… là những hạt cườm nhỏ nhắn nhưng trong trẻo ý nghĩa khai minh. Đây là điều đã được nhà văn Tô Hoài dự báo từ rất sớm khi đọc bản thảo văn chương của cậu học trò trẻ tuổi: “Văn anh sẵn sàng một không khí trong sáng lắm”. Về sau, khi cậu học trò ấy đã là nhà văn có tên tuổi, Tô Hoài vụt quên mất mình đã là một ông lão khi đọc truyện Trần Hoài Dương, có lẽ một phần là bởi những trang văn xanh non, ngọt mát tựa những giêng hai như thế.
Văn chương Trần Hoài Dương gắn với sự hồi sinh bất ngờ của sinh thái. Có sự gần gũi giữa cách viết của Trần Hoài Dương với nhà văn L.M. Montgomery. Hai nhà văn, một nam, một nữ, ở hai thời đại và vùng văn hóa khác nhau, đều mơ màng, hân hoan đi tìm ánh sáng ở thế giới tự nhiên. Văn chương của họ như những bài đồng dao hiện đại, tươi trong hương sắc của vạn vật. Với Trần Hoài Dương, văn chương là chỗ trú ngụ an yên cho “rừng cây xào xạc”, “hàng chục loại âm thanh lảnh lót vang lên”, “cây hoàng lan tỏa hương ngọt ngào”, “những quả sấu tròn căng vàng ửng, lúc lỉu từng chùm”… Trần Hoài Dương rón rén đi vào cái thanh mát, yên tĩnh, vĩnh hằng của thiên nhiên để khám phá những quà tặng đẹp đẽ của tạo hóa và bày tỏ nỗi xúc động dịu dàng. “Sau cơn mưa lúc nửa đêm, người viết truyện này mở cửa sổ, dựa lưng vào tường lơ đãng nhìn ra vườn. Đêm mùa thu dịu dàng quá. Lẫn trong gió se lạnh, thoang thoảng mùi dạ lan, mùi hoa sữa đầu mùa vừa hé nở, đột ngột có mùi hoa hoàng lan thơm rất dịu, rất ngọt và lắng sâu. Người viết truyện hấp tấp bước ra khỏi nhà, đi ra vườn. Dưới ánh sáng mờ nhạt từ khung cửa sổ hắt ra, người đó nhìn thấy đằng cuối vườn, cây hoàng lan lần đầu tiên trổ hoa. Cái giống cây thật lạ. Thân thì cứng rắn, vững chãi nhưng các cành lại mảnh dẻ, thướt tha như những cánh tay vũ nữ đang múa. Một đợt gió, những cành lá lại nhún nhảy nhịp nhàng, khe khẽ xào xạc… Người viết truyện thốt lên khe khẽ: - Trời! Cây hoàng lan đã nở hoa!” (Cô bé mảnh khảnh). Hẳn ai cũng sẽ yêu thương những phút ngạc nhiên, hấp tấp, khe khẽ ấy của người viết truyện. Trần Hoài Dương không muốn làm cây xấu hổ, cứ co rúm trước cuộc đời, để rồi cõng mãi nỗi luyến tiếc: “Không biết có bao giờ con chim xanh huyền diệu ấy quay trở lại?” (Cây nhút nhát). Đa cảm, chân thành và tinh tế, tác giả không ngừng bận bịu với vạn vật, mây trời. Người nghệ sĩ ấy rong ruổi khắp nơi để thưởng lãm và không ngừng khám phá vẻ đẹp mang tính người của sinh thái. Đêm không ngủ của đàn sẻ trong hốc cây gạo (Đàn chim sẻ), hành trình cây đỗ vượt suối để thực hiện giấc mơ đến với cây móng bò của bạn Kiến Nâu (Con chim xanh), nỗi đau đớn của đám mây xinh đẹp trước khi hóa thành những giọt mưa để gặp lại mẹ Trái đất thân yêu (Áng mây)… Đấy là những phát hiện riêng của Trần Hoài Dương, một nhà văn giàu trí tưởng tượng và rất đỗi nhân văn, tươi mới trong cách nhìn đời.
Ở những trang viết về sinh thái, Trần Hoài Dương thể hiện thế mạnh miêu tả tự nhiên, đặc biệt là tự nhiên “âm thầm tích nhựa” để tạo ra sự bung nở diệu kỳ. Đặc tính đó của tự nhiên dường như cũng vận vào tác phẩm Trần Hoài Dương. Truyện của ông rất hiền, gọn nhưng không nhanh, vui nhiều hơn buồn, cái bình thường nhiều hơn kịch tính. Nhưng nếu không đọc kỹ Trần Hoài Dương hẳn sẽ bỏ qua nhiều “giêng hai” ý vị. Bởi trong mỗi trang văn hiền lành đến thật thà ấy bao giờ cũng có những đoản khúc giàu chất thơ và ngọt ngào như đất trời buổi sang xuân. “Giêng hai” trong văn Trần Hoài Dương còn bảng lảng khói sương huyền thoại. Nhiều câu chuyện của ông náu mình trong hình hài truyện cổ tích (Bà cháu, Hương bay xa nghìn dặm, Nàng công chúa biển…). Không gian, thời gian đời xưa và những phép thuật ly kỳ rủ nhau kéo về, khiến người đọc tự nhiên vương vấn, nghĩ ngợi về nguồn cội. Bút pháp huyền ảo đó không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết và gắn bó của Trần Hoài Dương với văn học, văn hóa dân gian dân tộc mà còn là tình riêng với ông hoàng kể chuyện cổ tích của thế giới: nhà văn Andersen. Xem Andersen như một vị thánh, Trần Hoài Dương thậm chí còn chuyển hóa tình yêu ấy thành sản phẩm cụ thể, mang tên: Những đóa hồng bạch dâng tặng Andersen. Tính liên văn bản của tác phẩm này rất đậm. Sự chuyển vị của “hệ thống ký hiệu” mang tên Andersen diễn ra nhuần nhụy, duyên dáng. Trần Hoài Dương chứng tỏ khả năng đọc vị Andersen và văn chương Andersen chính xác đến kỳ lạ. Không giấu giếm, không giảm trừ ảnh hưởng của Andersen, Trần Hoài Dương cố tình vực dậy cốt cách, hơi thở của thần tượng với sự ngưỡng mộ không kìm nổi. “Giêng hai” trở nên muôn phần mơ mộng với sự hiện diện song song của hai nhà kể chuyện cổ tích hiện đại, ở đó, với tư cách của hậu bối, Trần Hoài Dương khiến ta khâm phục bởi đã yêu Andersen bằng sự thông thái trẻ con.
Dù mơ mộng, mang chất cổ tích và đồng thoại, văn chương Trần Hoài Dương không mất đi sự mộc mạc. Nhà văn không cầu kỳ trong diễn đạt. Gọn gàng, chặt chẽ về câu cú, không thích dùng sáo ngữ, văn Trần Hoài Dương có vẻ đẹp tự nhiên như trời đất buổi đầu xuân. Nhân vật trong truyện Trần Hoài Dương không làm màu mà sống đủ đầy, chân thật với cả những vết rạn rất nhỏ về tâm lý, tính cách, số phận. Trong hệ thống tác phẩm, tự truyện Miền xanh thẳm đánh dấu bước chuyển về bút pháp. Đó là những lời kể chân thực về ấu thơ của nhà văn, một ấu thơ lam lũ, “chật chội”, “tù mù”. Ngày xưa đã “hun hút bay về phương trời phía sau”, nhưng vẫn day dứt trên từng trang viết. Một Trần Hoài Dương nhạy cảm, tử tế, vị tha, nhân hậu đã được hình thành từ chính những ngày đói, ngày lạnh; từ nỗi côi cút và những chia sẻ chân chất mộc mạc. Vì nhà văn không có ý định bao bọc quá khứ bằng những thứ ánh sáng khác lạ nên người đọc đi thẳng vào đời tư, vào cõi lòng tác giả và ngậm ngùi khi biết rằng: “Mẹ tôi sinh nở tám lần. Ba em sau tôi đều mất sớm, khi mới hai, ba tuổi. Tôi là thứ năm, cuối cùng thành con út. Mẹ tôi khóc rất nhiều trong lúc hấp hối, có lẽ chính vì thương đàn con còn quá nhỏ dại đã mất mẹ, không biết tương lai sẽ thế nào”. Với tính chất của tự truyện, có thể xem Miền xanh thẳm là nguồn tư liệu giá trị về nhà văn Trần Hoài Dương.
Con người luôn “chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn” để “tinh túy” hóa, “trong ngần” hóa văn chương ấy đã giã biệt cuộc đời vào ngày 6-5-2011. Cái cách ông ra đi cũng lặng lẽ như chính nhà văn ông gửi trọn yêu thương - Andersen. Nhưng những đóng góp của ông với văn học thiếu nhi nước nhà, mảng văn chương mà sinh thời ông thấy “thừa bề rộng thiếu chiều sâu”, thì vẫn nguyên vẹn. Bạn văn tiếc thương một người “vẫn giữ vẹn nguyên cái đẹp trong trẻo trong những trang văn cuối cùng” (Lê Phương Liên), một nhà văn “lặng lẽ và kiêu hãnh” (Trần Đức Tiến), “người bộ hành chung thủy với văn học thiếu nhi” (Lê Nhật Ký)… Những tác phẩm của Trần Hoài Dương là hoa, là quả của ước vọng ấy - những trang viết luôn hướng về phía mặt trời, những “giêng hai” trong lành và thơm thảo. Đúng như Tô Hoài đã nói, đó là những áng văn chương “không tuổi”, nhưng đủ sức để nâng đỡ những tâm hồn thơ bé bay lên cùng với cõi văn chương mơ mộng mà thật thà, nhẹ nhõm mà ý vị sâu xa.
_______________
1. Vân Thanh (biên soạn), Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2006.
Tác giả: Thanh Tâm Nguyễn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020