GS Đỗ Đức Hiểu và quá trình tìm tòi đổi mới phương pháp nghiên cứu thi pháp học ở Việt Nam

Tính đặc thù trong thành tựu của Đỗ Đức Hiểu cũng rất rõ: trong suốt cuộc đời nghiên cứu, không quá đi sâu vào phần lý thuyết thi pháp, ông chỉ thăng hoa thực sự trong phần ứng dụng. Trong toàn bộ sự nghiệp của ông, phần lý thuyết thi pháp được viết ra, chỉ chiếm chừng 20, 30 trang, mà ở đó, Đỗ Đức Hiểu cung cấp vừa đủ những kiến thức cơ bản cho bạn đọc hiểu được thế nào là thi pháp: Thi pháp thơ, thi pháp kịch, thi pháp tiểu thuyết, thi pháp phê bình... Còn lại, ông vận dụng nó chủ yếu cho việc khảo sát các nền văn chương (văn học Pháp, văn học Anh, văn học Hy Lạp, văn học Việt Nam...); các hiện tượng, trào lưu văn học (văn học lãng mạn, văn học cổ điển, văn học công xã Paris...); thể loại văn học (thơ, kịch, tiểu thuyết), các tác giả và tác phẩm văn học (Molière, Sade, V.Hugo, Balzac, Hồ Xuân Hương, Nam Cao, Vũ Đình Liên, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Minh Châu...). Còn lại, ông triển khai lý thuyết thi pháp trong phần ứng dụng vào các vấn đề cụ thể. Tôi cho rằng, những bài học Đỗ Đức Hiểu đem lại trong những trang viết của mình, về lý thuyết thi pháp là vừa phải, cụ thể và thiết thực, rất gần gũi với triết lý giáo dục hiện nay. Ông không đẩy người đọc vào cuộc chiến mê lộ thi pháp để chỉ nhằm thỏa mãn thú thời thượng của mình. Ông chỉ khao khát được trình bày các vấn đề sao cho dễ hiểu nhất. Chẳng hạn, về Đọc văn chương, ông chỉ tổng kết ngắn gọn trong bốn vấn đề: Đọc văn chương là gì?, Ai đọc?, Đọc gì?, Đọc thế nào?, từ đó, triển khai trên các trục: tác giả - tác phẩm - người đọc. Giải thích cho người đọc trên phương diện lý thuyết Đọc Văn chương là gì?, những kiến giải của Đỗ Đức Hiểu vừa rất hàn lâm, lại vừa dễ hiểu: “Đọc văn chương là tháo gỡ mã của các ký hiệu văn chương trong văn bản, là tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm thông qua các cấu trúc của văn bản (cốt truyện, kết cấu, nhân vật, đối thoại, không gian, thời gian...). Đọc là mã hóa cách đọc, là tổng hợp các khâu của việc đọc, cảm tưởng, phân tích, đối chiếu, tổng hợp, đánh giá... là phát hiện và sáng tạo” (4).

Với Đỗ Đức Hiểu, nói như một học trò rất gần gũi và cũng là đồng nghiệp của ông - Phan Quý Bích, chân lý không bao giờ trừu tượng. Đó là phong cách nhất quán trong cả một cuộc đời dài dằng dặc hơn 50 năm trên con đường chinh phục tri thức nhân loại của nhà giáo, nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu. Nếu so sánh với một số đồng nghiệp cùng thời Đỗ Đức Hiểu tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đặc biệt là với các chuyên gia văn học Việt Nam, số lượng công trình để lại của ông có thể không nhiều. Do ông không chỉ “thâm canh” riêng trong lĩnh vực nào, mà trải rộng mối quan tâm ra tất cả những gì mình yêu thích, hoặc nữa, ông cho là đổi mới.

Đỗ Đức Hiểu phiêu lưu vào khá nhiều “địa hạt” và gần như ở bất cứ “mảnh đất thâm canh” nào, ông cũng đều “gặt hái” được những mùa vàng. Bất cứ bài viết nào dù nhỏ nhất của ông cũng đều lấp lánh sự sáng tạo. Ông tự thú nhận, phải tới năm gần 60 tuổi, tức là quãng những năm 79, 80 của TK trước, ông mới có điều kiện tiếp xúc với Jakobson, Roland Barthes, Bachelard, Kristeva, Bakhtin, Genette, Aueurbach, Jules Lemaitre... Ông đọc mải miết các công trình mới lạ của các nhà nghiên cứu trên như một người “đói” lâu ngày, nay ngồi trước một mâm cỗ thịnh soạn. Phải có tới 10 năm tích lũy, bắt đầu từ những năm 90, những công trình đổi mới của Đỗ Đức Hiểu mới thực sự ra đời. Ông bắt đầu công bố một số bài viết cả văn học nước ngoài và văn học Việt Nam trên Tạp chí Văn học như: Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Tiếng Thu, thi nhạc của Lưu Trọng Lư, Về Bakhtin, Vũ Đình Liên - nhà thơ của tình thương, Phê bình mới trong văn học Pháp, Đọc Bướm trắng” của Nhất Linh, Đọc “Đôi bạn” của Nhất Linh, Bi kịch Vũ Như Tô, Mấy vấn đề về thi pháp kịch... Trong thời điểm từ năm 1993-1995, Đỗ Đức Hiểu công bố hai công trình được coi là quan trọng nhất của ông: Đổi mới phê bình văn học (1993) và Đổi mới đọc và bình văn (1999). Sở dĩ chúng tôi coi đây là hai trong số những công trình quan trọng nhất của Đỗ Đức Hiểu, vì phần lớn những bài viết trong cả hai cuốn sách trên đều được tập hợp lại trong cuốn thứ ba, xuất bản năm 2000, có tên Thi pháp hiện đại. Tôi đánh giá cao những công trình này, bởi vì, chỉ bắt đầu từ đây, Đỗ Đức Hiểu mới thực sự triệt để trung thành với khuynh hướng thi pháp vốn là mặt mạnh nhất của ông. Phê bình theo nghĩa này, không còn dừng lại ở những khen, chê, bình phẩm nội dung mang tính xã hội học. Trong quan niệm của giới nghiên cứu Pháp, thuật ngữ phê bình (critique) ở đây còn bao hàm cả ý nghĩa nghiên cứu. Chỉ cần điểm ra đây tên tuổi của một số nhà phê bình mà Từ điển Hachette xếp loại như Roland Barthes, Kristeva, G.Lanson, Bachelard, Lévis-Strauss, J.Sartre... chúng ta sẽ thấy việc lựa chọn trong sự đột phá mới mẻ của Đỗ Đức Hiểu là quan trọng thế nào. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, coi Đỗ Đức Hiểu là “người đổi mới phê bình văn học”. Ở ông, đổi mới, nhưng không phải là nói ngược. Ông bám vào ngôn ngữ và văn bản, vận dụng các lý thuyết từ phê bình truyền thống (xã hội học, tâm lý học, tiểu sử học...) đến phê bình hiện đại (văn bản học, nhân chủng học, tâm phân học). Trong cuộc hành trình đi tìm chân lý, cuối cùng Đỗ Đức Hiểu đã lựa chọn được cho mình phương pháp tiếp cận tác phẩm văn chương khoa học nhất: dành ưu thế cho phương pháp phân tích văn bản, phân tích hình thức, nhưng không vì thế mà bỏ rơi yếu tố nội dung. Bởi vì, cách tốt nhất, theo ông, để hiểu được nội dung, phải bắt đầu từ hình thức văn bản. Ý nghĩa đích thực của tác phẩm văn học toát ra từ đó. Ông giải thích về vị trí của những nhà phê bình lịch sử - qua trường hợp Lucien Goldmann rằng: “người nghệ sĩ không cắt đứt với xã hội, nhà văn viết để thông tin với xã hội, tức là yêu cầu sự có mặt của xã hội, nhà văn biểu đạt nhân sinh quan của một nhóm người tồn tại dưới dạng tiềm năng, và nhà văn với trực giác, cảm xúc, tài năng của mình, cá thể hóa nhân sinh quan ấy bằng ngôn từ riêng của mình” (5). Theo Đỗ Đức Hiểu, khuynh hướng phê bình ấy vẫn được coi là trường phái phê bình mới.

Ở thời điểm những năm 90, giới nghiên cứu nước ta hết sức cổ vũ, ủng hộ cho sự đổi mới trong nghiên cứu và phê bình văn học. Các nhà giáo và nhà nghiên cứu như: Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Phan Ngọc... mỗi người đều đã có những công trình riêng tạo nên ấn tượng trong đời sống nghiên cứu văn học đương thời. Không quá đào sâu vào lý thuyết, Đỗ Đức Hiểu trong 10 năm liền, từ 1990-2000 đã đem đến cho giới nghiên cứu phê bình văn học một diện mạo hoàn toàn mới mẻ. Thật tiếc, vào thời gian này, sức khỏe của ông đã suy kiệt dần. Những cơn đau xen kẽ trong nhiều năm liền tuy không hề ngăn cản những mơ mộng, nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự đổi mới sáng tạo của ông. Dường như để giành giật với thời gian và tự đổi mới mình, để mình không còn là “kẻ xa lạ”, là “kẻ khác”, ông đã hì hục “đánh vật” với từng con chữ, cho ra đời những ý tưởng mới lạ. Ông “đào bới” Phố huyện của Thạch Lam để phát hiện ra những đốm sáng lấp lánh trong tâm hồn hai đứa trẻ, đối lập với cái tĩnh mịch, cô đơn, tăm tối nơi một làng quê nghèo. Ông phiêu lưu cùng chất thơ trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, coi mỗi chuyến ra đi đến một vùng đất lạ, mỗi sáng tạo, là “một cuộc sống mới”. Qua lớp sóng ngôn từ của Vũ Trọng Phụng, ông đã tìm thấy ở Số đỏ, cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nhất của “ông vua phóng sự đất Bắc Kỳ”, một cuốn bách khoa các loại hình tiểu thuyết, tiểu thuyết châm biếm, tiểu thuyết triết lý, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết huyễn hoặc, tiểu thuyết picaresque, carnavalesque, gồm hàng chục phóng sự kế tiếp nhau với một không gian, thời gian quay cuồng. Ông “ngột ngạt” trong không gian Sống mòn của Nam Cao, đem đến cho tiểu thuyết của Nhất Linh, nhà văn lãng mạn, một thời đã bị “đánh lên, đánh xuống” và bị các nhà nghiên cứu phê bình né tránh, một cái nhìn khách quan, trân trọng. Ông cũng là một trong số những người có tư tưởng mới mẻ trong việc đánh giá thành tựu của các nhà văn đổi mới đương thời như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài. Ông cũng hết sức trân trọng từng chút mới mẻ trong những trang viết đầu tiên của Đào Duy Hiệp, một học trò và cũng là đồng nghiệp của ông... Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, Đỗ Đức Hiểu đã thực sự hòa nhập vào không khí đổi mới của giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam ở thời điểm hội nhập với thế giới hiện đại.

 Đến đây, chúng tôi cũng xin lưu ý, cần có cái nhìn tổng thể về những mơ mộng, sáng tạo của Đỗ Đức Hiểu trong việc tiếp cận với phê bình thi pháp học của ông, không nên chia tách, cô lập nó trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Nghĩa là, đừng cố công tách rời một Đỗ Đức Hiểu của giai đoạn này với Đỗ Đức Hiểu của giai đoạn kia; hoặc nữa không nên tách rời ông trong vai trò một nhà nghiên cứu phê bình với một công chức giáo dục ở Ban Tu thư, một Đỗ Đức Hiểu với một nhà giáo Đỗ Đức Hiểu. Chắc chắn, để đánh giá được chính xác và đầy đủ thành tựu của ông, cần phải nhìn ông trong sự tổng hòa của tất cả các mối quan hệ trên.

Tôi muốn nhắc đến ở công trình Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa công bố năm 1978 của Đỗ Đức Hiểu. Nhà nghiên cứu, học trò và đồng nghiệp của ông - Phan Quý Bích, đã có một bài viết rất khách quan, chân tình về cuốn sách này. Một số nhà nghiên cứu Việt Nam ở hải ngoại, trong thời điểm đó, đã từng có ý kiến góp ý về sự thiếu công bằng của Đỗ Đức Hiểu với các nhà hiện sinh, ngay sau khi ông công bố cuốn sách này. Nhưng vẫn phải khách quan thừa nhận rằng, hãy gạt ra ngoài một số ý kiến thiếu khách quan (do sự chi phối có tính lịch sử), còn lại Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa của Đỗ Đức Hiểu, cũng không nằm ngoài những thành tựu, đóng góp chung của ông. Ở thời điểm khi giới nghiên cứu nước ta còn thiếu thốn thông tin với bên ngoài, sách vở tài liệu nghiên cứu văn học nước ngoài còn hết sức ít ỏi, chúng ta lại đang tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược, một công trình như Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa vẫn là cần thiết. Tất nhiên, chính bản thân ông, khi đã có đủ thời gian nhìn lại mình, ông không hề chối bỏ sai lầm.

“Không đánh mất bản thân mình”, trong bất cứ lĩnh vực nào, Đỗ Đức Hiểu cũng đều để lại những dấu ấn cá tính. Ngay trong lĩnh vực dịch thuật, điều mà bấy lâu nay vẫn còn có người cho rằng, không cần nhiều lắm cá tính sáng tạo, nhưng thử hỏi, nếu đọc một bản dịch văn chương chỉ theo lối mot à mot, ai còn có thể tìm thấy được tình yêu văn chương? Ngay từ những năm trước 60, khi còn là thành viên nhóm Lê Quý Đôn, dịch Những người khốn khổ, Đỗ Đức Hiểu cùng nhóm Lê Quý Đôn đã biến những câu văn xuôi tiếng Pháp từ TK XIX của nhà văn Pháp Victor Hugo: Paris a un enfant/ Et la forêt a un oiseau/ L’oiseau s’appelle le moineau/ Lenfant s’appelle le gamin thành đoạn văn xuôi tiếng Việt lấp lánh chất thơ: Paris có một đứa trẻ/ Khu rừng có một con chim/ Con chim là con chim sẻ/ Đứa trẻ là đứa nhóc con? Hơn ai hết, chính Nhà giáo Nhân dân Lê Hồng Sâm, người có rất nhiều cống hiến cho lĩnh vực dịch thuật, cụ thể là dịch tiếng Pháp, là người bắc cầu nối cho mối quan hệ Pháp - Việt đã nhận xét rất đúng về phẩm chất và tài năng của Đỗ Đức Hiểu trong lĩnh vực này: “Những đóng góp lớn trong lĩnh vực dịch thuật - cũng như lĩnh vực phê bình - của một nhà giáo yêu nghề đến như vậy, theo tôi, trước hết nhằm mục đích đào tạo. Không kể những truyện nổi tiếng dành cho thiếu nhi, các tác phẩm anh dịch thuộc một số tác giả tiêu biểu trong lịch sử văn học Pháp: Tartuffe, Anh ghét đời, Lão hà tiện của Molière (TK XVII), Paul và Virginie của Bernadin de Saint - Pierre (TK XVIII), kịch Marion Delorme và tiểu thuyết Những nguời khốn khổ (dịch chung) của V.Hugo (TK XIX)... Trong bộ Tuyển tác phẩm văn học Pháp song ngữ, do anh và tôi đồng phụ trách, anh chủ biên và dịch phần lớn tập II (TK XVII). Anh đã dịch những trang cuối cùng của đời mình vào dịp kỷ niệm 200 năm sinh Balzac, đó là Lời nói đầu bộ Tấn trò đời” (6).

Điểm cuối cùng nói đến Đỗ Đức Hiểu, cần phải nhắc đến “tính khả thi” và “ứng dụng” trong các công trình nghiên cứu thi pháp mơ mộng và sáng tạo của ông. Đặt Đỗ Đức Hiểu trong cái chung, việc ứng dụng thi pháp trong nghiên cứu văn học ở nước ta, đến thời điểm này, hẳn không còn mới mẻ gì, nhưng vẫn có cảm giác khá nhiều những công trình nghiên cứu thi pháp ở nước ta, vẫn còn nặng về lối dịch thuật. Và vì thế, từng có thời nhà phê bình Lại Nguyên Ân cho rằng, lẽ ra, sự truyền bá học thuật của một số người cấp tiến phải mang đến hiệu quả tốt nhất cho giới nghiên cứu văn học nước nhà, thì ngược lại, theo ông, lại không được như mong muốn. Đa số các nhà văn, những bạn đọc trẻ là sinh viên văn học, thậm chí cả những nghiên cứu sinh của chúng ta, dường như vẫn còn rất khó khăn để hiểu được những điều mới mẻ trên. Trong khi đó, Đỗ Đức Hiểu lại có cách tiếp cận riêng rất hiệu quả của mình. Ông không đào quá sâu vào các khái niệm, các vấn đề mà ông cho rằng ở thời điểm ấy, chính bản thân mình cũng như khả năng tiếp nhận của người đọc Việt Nam, chưa thật chín. Vì thế ông dành tâm sức mổ xẻ các vấn đề thi pháp ứng dụng qua những bài viết ngắn về thơ, kịch, truyện và phê bình ở cả hai nền văn học phương Tây và Việt Nam. Người đọc nhờ thế sẽ có điều kiện để so sánh.

Theo dõi những phần viết khác nhau của Đỗ Đức Hiểu, dù về văn học Pháp, văn học Anh, văn học Hy Lạp hay văn học Việt Nam, ta đều thấy ảnh hưởng Pháp ở ông khá rõ. Đỗ Lai Thúy, nhà phê bình, rất gần gũi và hiểu biết ông những năm cuối đời, có nhận xét chính xác rằng Đỗ Đức Hiểu đã cùng lúc làm một cuộc hành trình kép: từ nghiên cứu đến phê bình và từ phương Tây về Việt Nam. Ở cuộc hành trình thứ nhất, chúng tôi sẽ lý giải sau, còn cuộc hành trình thứ hai, nhận xét của Đỗ Lai Thúy về Đỗ Đức Hiểu đúng nhưng chưa đủ. Quả thật, dường như trước khi đặt bút khai phá nét tinh hoa trong nền văn học dân tộc của mình, trước đó, Đỗ Đức Hiểu đã từng có sự khai phá và thử sức mình trong văn học Pháp. Chẳng hạn, vào thời điểm từ 1997, ông bắt đầu công bố loạt bài về Thi pháp kịch, rồi sau đó ứng dụng lý thuyết thi pháp kịch phân tích các trường hợp tiêu biểu trong kịch của Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Phú Tứ… Thế nhưng khoảng đầu những năm 90, thời kỳ đồng chủ biên bộ Lịch sử văn học Pháp đồ sộ mười một tập cùng Lê Hồng Sâm, với sự cộng tác của các đồng nghiệp ở trường đại học Paris 7, riêng Đỗ Đức Hiểu chịu trách nhiệm chính, gần như toàn bộ tập hai, Văn học cổ điển Pháp, trong đó có phần viết về hài kịch Molière. Phải thừa nhận rằng, cho đến thời điểm này, viết về người - hài lớn nhất thế kỷ cổ điển, không chỉ của văn học Pháp mà còn của văn học thế giới, chưa có ai viết mớihay như Đỗ Đức Hiểu. Đó là tiền đề để ông có được công lực tốt nhất khám phá vẻ đẹp thực sự của một số nhà viết kịch Việt Nam. Ông vận dụng thi pháp đọc kịch của Anne Ubersfeld, so sánh Cornelle với Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Phú Tứ với Musset… Không chỉ thế, ông còn vận dụng những kiến thức của mình về kịch của Nhật Bản, loại hình kịch lãng mạn của Victor Hugo, kịch gián cách của Bertolt Brecht (Đức), kịch tượng trưng của Maeterlinck (Bỉ)… Nghĩa là, để có được những trang viết cô đúc, lấp lánh sáng tạo về kịch Việt Nam, Đỗ Đức Hiểu đã trải qua hàng chục năm tích lũy, nghiên cứu tri thức kịch nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng, trước khi trở thành người giảng dạy và nghiên cứu văn học phương Tây, Đỗ Đức Hiểu vốn là một nhà Việt Nam học. Ông đã từng dạy văn học Việt Nam ở bậc phổ thông, từng làm việc trong ban Tu thư của Bộ GD&ĐT với vai trò biên soạn sách giáo khoa văn học Việt Nam cho bậc phổ thông trung học, là thành viên nhóm Lê Quý Đôn - một nhóm học thuật rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Tương tự ở các phần viết Thi pháp thơ, Thi pháp truyện, Thi pháp phê bình, ta cũng dễ dàng bắt gặp sự kế thừa và sáng tạo của Đỗ Đức Hiểu trong việc tiếp thu tinh hoa văn học phương Tây đặc biệt là văn học Pháp. Chẳng hạn, nếu không có cuộc biến động trong phê bình mới ở Pháp, tôi tin rằng, Đỗ Đức Hiểu khó có được những trang viết hay như thế về Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh... Con đường từ nghiên cứu đến phê bình của ông như Đỗ Lai Thúy nhận xét, có vẻ như là một hành trình ngược (vì thông thường người ta đến với phê bình trước rồi mới chuyển sang nghiên cứu). Tuy nhiên, với Đỗ Đức Hiểu, tôi cho rằng đó là hành trình rất tự nhiên. Bởi lẽ ông đến với văn chương trước hết với vai trò của một nhà giáo và một giáo sư đại học. Có thể vì hoàn cảnh khách quan của đất nước ta, phải đến tận đầu những năm đầu thập niên 90, mới có điều kiện đổi mới. Đến thời điểm này, Đỗ Đức Hiểu như được mở rộng đôi cánhtầm nhìn, ông có dịp tiếp xúc trực tiếp với các giáo sư Pháp từ trường Đại học Paris 7, đến chính đất nước của Molière, Hugo, Balzac… đọc trực tiếp các công trình nghiên cứu mới nhất từ nguyên bản tiếng Pháp. Lúc này ông đã thực sự chín muồi. Tuy nhiên, oái oăm thay, đúng vào lúc này sức khỏe của ông đã bắt đầu sa sút. Để có được những đóng góp kịp thời, Đỗ Đức Hiểu không còn sự lựa chọn nào tốt hơn con đường phê bình. Trong khi quỹ thời gian của ông chỉ còn rất ngắn. Ông phải giành giật lấy nó để mơ mộngsáng tạo. Ba tập sách cuối cùng Đổi mới phê bình văn học (1993), Đổi mới đọc và bình văn (1999), Thi pháp hiện đại (2000), ra đời khi TK XX vừa khép lại. Nó là một bằng chứng khẳng định rằng, cho đến tận cuối đời, Đỗ Đức Hiểu, bao giờ cũng trăn trở đổi mới. Ông luôn nhất quán trong những suy nghĩ vạch ra từ đầu, cho dù, có thời điểm sự đổi mới chưa thực sự làm cho ông hài lòng với chính mình. Nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân đã có những nhận xét tinh tế về Đỗ Đức Hiểu rằng những trang viết của ông in dấu những run rẩy, vừa quả quyết, vừa ngỡ ngàng của một nhà nghiên cứu đang muốn nghĩ về cái mới. Có lẽ, để hiểu Đỗ Đức Hiểu rõ hơn, chúng ta hãy thử đọc và suy ngẫm cả những trò chuyện của ông với các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo và các đồng nghiệp của ông. Là thế hệ hậu sinh thua kém rất nhiều bậc tiền bối của mình, không dám chủ quan cho rằng đã hiểu hết về ông - con người với bề sâu tâm hồn và trí thức thăm thẳm, tôi chỉ có thể viết đôi dòng tản mạn như trên về Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Đỗ Đức Hiểu: “Hãy đọc chính ông để hiểu về ông”.

 (tiếp theo số 584 và hết)

______________________

4, 5. Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà Văn, 2000, tr.42, 54.

6. Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3, 2003.

TRẦN HINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024

;