U tình lục của Hồ Biểu Chánh nhìn từ sự ảnh hưởng truyện thơ nôm trung đại

Bài viết nghiên cứu những ảnh hưởng của văn hóa truyền thống của thể loại truyện thơ Nôm ở U tình lục để thấy tính kế thừa cũng như vai trò cầu nối của Hồ Biểu Chánh trong nền văn học Việt Nam.

Những năm đầu TK XX, văn chương Nam Kỳ có sự chuyển biến về mặt thể loại. Chặng đường đầu tiên của tiến trình hiện đại hóa văn học, hình thức văn xuôi quốc ngữ đã manh nha từ những năm cuối của TK XIX ở Nam Bộ. Một số nhà văn từng bước cách tân các truyện thơ Nôm, cải biến từng phần hình thức cũ để chuyển tải những nội dung mới. Truyện thơ quốc ngữ ra đời kế thừa rất nhiều tinh hoa từ truyện thơ Nôm, với nội dung gửi gắm đến người đọc nhiều bài học đạo lý. Trong đội ngũ tác giả giai đoạn này không thể không kể đến Hồ Biểu Chánh, cây bút mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Hồ Biểu Chánh đã đi từ thể loại truyện thơ quốc ngữ với tác phẩm đầu tay U tình lục với 1790 câu thơ lục bát, kể lại mối tình buồn, éo le giữa Lâm Cúc Hương và Lê Tấn Nhơn. Tác phẩm là một trong những “chiếc gạch nối” giữa truyện thơ và tiểu thuyết, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam những năm đầu TK XX.

1. Ảnh hưởng của tư tưởng truyện thơ Nôm trong U tình lục

Trong truyện tình, thứ mà người đọc lúc bấy giờ ưa thích là tình yêu theo kiểu tài tử giai nhân. Khi so sánh với tiểu thuyết cổ điển của Trung Hoa, truyện tài tử giai nhân ít rườm rà hơn, tuy có nhiều thử thách nhưng cũng tiến tới kết cục đẹp là đôi trai tài gái sắc đoàn tụ. Truyện tài tử giai nhân thường khá hiện thực, nếu có một vài tình tiết hoang đường thì độc giả vẫn có thể chấp nhận được. Hồ Biểu Chánh cùng các nhà tiểu thuyết buổi đầu đã học được rất nhiều từ loại truyện tài tử giai nhân. Buổi đầu của tư duy tiểu thuyết hiện đại, cốt truyện là yếu tố đầu tiên nhà văn phải lưu ý tới. Trong văn học trung đại, một thể loại lớn là khúc ngâm, giàu khả năng diễn tả nội tâm nhưng không có cốt truyện và chưa có sự xây dựng tính cách nhân vật. Tiểu thuyết chương hồi có thể khắc phục được giới hạn của khúc ngâm trong việc giúp nhà văn xây dựng cốt truyện và tổ chức trần thuật, nhưng tính chất của thể loại này lại đối lập với tính chất của tiểu thuyết hiện đại. Tiểu thuyết chương hồi ghi chép người thực, việc thực, nội dung câu chuyện được thể hiện chủ yếu qua hành động và ngôn ngữ nhân vật hơn là qua sự miêu tả tỉ mỉ về tâm lý, tính cách. Những đặc điểm này đối lập với văn xuôi hư cấu, đặc biệt là tiểu thuyết hiện đại. Thể loại tiểu thuyết hiện đại đòi hỏi người viết phải sử dụng trí tưởng tượng phong phú, không giới hạn và chú trọng đến miêu tả tâm lý nhân vật. Như vậy, trong những bước đầu của thời kỳ xây dựng tư duy văn học hiện đại, Hồ Biểu Chánh cũng như những nhà viết tiểu thuyết đã chọn những đặc điểm của thể loại truyện thơ Nôm để học hỏi và kế thừa. Thể loại truyện thơ Nôm có cốt truyện và các tác giả bắt đầu có sự để tâm đến tính cách nhân vật. Những diễn tiến ngắn gọn, các tình tiết hướng về chủ đề nhất định làm các truyện này có những chất liệu gần gũi với tiểu thuyết hiện đại.

Văn học Việt Nam thời trung cận đại ảnh hưởng từ Nho giáo với quan niệm “Văn dĩ tải đạo” và “Thi dĩ ngôn chí”. Với thể loại truyện thơ Nôm, nhà nghiên cứu Bùi Xuân Bào cho rằng: “Tác giả các truyện Nôm này là các nhà nho coi văn học chỉ có chức năng “văn dĩ tải đạo” nên đã lấy các nguyên lý của Nho giáo làm nội dung tác phẩm” (1).

Đây là nhận định về các tác phẩm truyện thơ Nôm bác học, với đội ngũ sáng tác là các nhà Nho. Tác giả của truyện thơ Nôm là những nhà Nho, vì vậy nội dung tư tưởng của các tác phẩm có sự ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nho giáo và lễ giáo phong kiến. Truyện thơ Nôm đã phản ảnh khá đầy đủ các mặt của đời sống xã hội phong kiến. Mặc dù đề cập đến các vấn đề trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhưng truyện thơ Nôm không dừng lại ở việc ca ngợi đạo đức phong kiến theo những khuôn phép, chuẩn mực cũ, mà cao hơn, truyện thơ Nôm đã thể hiện được ý chí vươn lên để bảo vệ tình yêu đôi lứa, phản ánh những khát vọng sống mãnh liệt, vượt qua số phận, vượt qua những định kiến để vươn lên và tận hưởng hạnh phúc do mình tạo dựng.

Tác phẩm U tình lục của Hồ Biểu Chánh đã kế thừa rất nhiều từ truyền thống truyện thơ Nôm. Nét còn sót lại rõ nhất của một nền văn chương trung đại “thi ngôn chí, văn dĩ tải đạo” được thể hiện ở chí hướng sáng tác ngay từ tác phẩm đầu tay U tình lục của Hồ Biểu Chánh. Ông đã tiếp thu quan niệm “thiên mệnh” của Nho giáo, con người “sống chết có mệnh, giàu sang tại Trời” ngay từ những câu thơ đầu của tác phẩm: “Xưa nay muôn việc ở đời/ Nên hư cũng bởi ý trời định phân/ Bôn chôn lo tính xa gần/ Rồi ra mới biết cái phần về đâu”.

Câu thơ thể hiện quan niệm của tác giả, ở đời dù có “bôn chôn” - gấp gáp, lo lắng thực hiện việc gì thì có trời lo hết, ai có phần nấy. Kế thừa quan niệm “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan bạc mệnh” từ văn chương Nguyễn Du, Hồ Biểu Chánh miêu tả nhân vật chính Cúc Hương với vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt sắc lại chịu nhiều sóng gió, truân chuyên. Nàng Cúc Hương “Thông minh nhan sắc phi thường” nên cuộc đời nàng trải qua nhiều biến cố. Lời của nhân vật Hồng Ngọc nói với nàng đầy thương cảm: “Cuộc đời nghĩ đến ngạt ngào/ Hồng nhan lắm chịu lao đao trăm phần”. Hồ Biểu Chánh đã để nhân vật Cúc Hương phải tự thốt lên rằng: “Mang chi cái kiếp hồng nhan/ Cho dày dạn mặt, cho tan tác mày”.

Trong U tình lục, thuyết thiên mệnh cũng được tác giả Hồ Biểu Chánh thể hiện xuyên suốt tác phẩm. Nhân vật Tấn Nhơn và Cúc Hương gặp nhiều gian nan, khi hai người đã thề nguyền trăm năm lại bị Tạ Văn Thiên chen vào gây rối, Tấn Nhơn trúng gian kế của Xuân Lan mà bỏ Cúc Hương ra đi không một lời từ biệt, đến nỗi chia lìa, buồn khổ lưu lạc trong 6 năm trường, nhưng vì họ là người tốt nên cuối cùng cũng được hạnh phúc trong hôn nhân. Còn Tạ Văn Thiên chơi bời lêu lổng và Xuân Lan gian ngoan độc ác thì dù có lập gia đình với nhau, gia đình cũng trở thành địa ngục trần gian. Chính Xuân Lan đã nói với Tấn Nhơn về đời sống chung của nàng và Tạ Văn Thiên.

Các nguyên tắc luân lý được tác giả trình bày thấm nhuần trong toàn cốt truyện và được các nhân vật trong truyện thể hiện một cách rõ ràng. Những bài học đạo đức khiến chúng ta nhớ tới những chủ trương trung, hiếu, tiết, nghĩa của các truyện diễn ca cổ điển trước kia. Hồi Tấn Nhơn mới khôn lớn, khi sửa sang hành lý, tạ từ cha mẹ, nhập tràng Mỹ Tho đã có những lời căn dặn con: “Ông rằng: Làm phận học trò/ Sôi kinh nấu sử phải lo đêm ngày/ Mẹ cha niên kỷ cao dài/ Mong con gửi bước thang mây kịp người/ Đừng mê tửu sắc chơi bời/ Lụy mình còn lại tiếng đời cười chê”.

Từ tư tưởng trọng “nhân”, “nghĩa” và “lễ” của Nho giáo, trong quan hệ giữa cha - con, người cha đã có những lời dặn dò, dạy dỗ Tấn Nhơn. Lời cha căn dặn Tấn Nhơn phải “sôi kinh nấu sử” - học thuộc làu kinh sử để làm tròn phận vị của một người học trò. Thêm nữa, Tấn Nhơn cũng phải cố gắng thi đậu để mẹ, cha được nở mày nở mặt với thiên hạ.

Những lời Lâm ông khuyên Tấn Nhơn cũng là những lời khuyên về việc làm người học trò phải gắng công học hành, lúc đỗ đạt ra làm quan giống như rồng gặp được mây, phỉ sức bay cao. Ông khuyên chàng nên tập trung vào việc học hành thành tài trước rồi mới lo chuyện hôn nhân sau: “Rừng hiền biển thánh minh minh/ Học mà ôn cố, mới thành thân cho”.

Lời Lâm ông căn dặn Tấn Nhơn cũng thể hiện quan niệm ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng Nho giáo. Lâm ông cho rằng việc học đạo thánh hiền mênh mông như rừng, bao la như biển, sử dụng thành ngữ “ôn cố tri tân” - tức xem và học lại cái cũ để biết cái mới, từ đó “thành thân” tức thành tài, thi đậu, nên danh với đời.

U tình lục với nội dung đạo lý chứa đựng những tư tưởng nhân văn không chỉ từ ảnh hưởng của Nho giáo. Sáng tác đầu tay của Hồ Biểu Chánh có sự xuất hiện của tinh thần Nho giáo lẫn Phật giáo. Những sáng tác tiếp theo thuộc thể loại tiểu thuyết mang đậm chất giáo dục nhân văn của giai đoạn đầu TK XX là sợi chỉ đỏ xuyên suốt con đường sáng tác của nhà văn Nam Bộ. Trong U tình lục, triết lý của câu chuyện bắt nguồn từ Nho giáo và Phật giáo nhưng đã được cụ thể hóa, trở nên giản dị như những suy luận nhẹ nhàng dựa trên lương tri của những người bình dân. Lời của ngư ông nói với Cúc Hương khi được ông cứu vớt đã thể hiện quan niệm này của tác giả: “Nhủ rằng: May rủi lẽ thường/ Ý trời đã vậy, lòng nường bội sao?/ Trầm luân giồi dập thế nào/ Rồi đây may cũng cao sang như người”.

Ngư ông nói với Cúc Hương, may rủi vốn là lẽ thường, “lòng nường bội sao” - lòng cô chống lại “ý trời” hay sao? Ông khuyên nàng rằng cuộc đời nay có đau khổ thì sau này sẽ hanh thông, sung sướng.

Triết lý Nho giáo và Phật giáo được hiểu theo góc nhìn của người bình dân còn được thể hiện thông qua lời ân nhân của nhân vật chính Cúc Hương là Hồng Ngọc khi nàng phải chịu vạ đánh ghen: “Rằng: Xin cô chớ ưu phiền/ Người đời ai dễ vẹn tuyền mười phân/ Phật còn tai nạn mấy lần/ Mà lòng từ thiện dần dần gỡ xong/ Xin cô lòng hãy dằn lòng/ Oan ưng thì cũng ở trong có trời”.

2. Ảnh hưởng của thi pháp truyện thơ Nôm trong U tình lục

Kết cấu

Tác phẩm U tình lục mang những đặc điểm của truyện thơ cổ truyền, trước hết là ở cốt truyện. Trong truyện thơ Nôm, cốt truyện thường được tổ chức theo mô hình: gặp gỡ - chia ly - đoàn tụ. Về mặt xây dựng cốt truyện, hình thái cấu trúc của truyện Nôm ảnh hưởng của hình thái cấu trúc mô hình gặp gỡ - tai biến - đoàn tụ của thể loại truyện cổ tích. Mở đầu truyện là sự gặp gỡ của đôi trai gái, rồi tai họa ập đến buộc họ phải chia lìa, sau khi đã trải qua nhiều sóng gió, họ được sum vầy đoàn tụ. Mô hình này đã chi phối toàn bộ sự phát triển của các tình tiết cũng như tính cách của nhân vật trong truyện. Bởi thế các tình tiết dù có phát triển và diễn biến éo le, ly kỳ, phức tạp đến đâu cũng vẫn không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của mô hình cốt lõi này.

Kiểu kết cấu gặp gỡ - tai biến - đoàn tụ là kết cấu chung của hầu hết truyện Nôm, kể cả truyện thơ Nôm bác học và bình dân.

Có thể thấy, cốt truyện U tình lục được xây dựng trên mô hình gặp gỡ - tai biến - tái hợp - mô hình truyền thống của loại truyện tài tử - giai nhân thường được mô tả trong thể loại truyện Nôm. Ở màn gặp gỡ, Tấn Nhơn và Cúc Hương là cặp đôi được xây dựng đúng theo môtíp tài tử - giai nhân, nhà ở sát cạnh nhau, từ nhỏ đã tới lui trò chuyện: “Tấn Nhơn có rảnh khi nào/ Lân la qua lại biết bao nhiêu lần/ Càng lui càng tới càng thân”.

Thế rồi trong tiệc cưới của nhà họ Lê, cô Lâm Cúc Hương sang giúp cỗ bàn, khi bước ra vườn gặp Lê Tấn Nhơn, hai người bộc lộ tình cảm và thề nguyền với nhau. Chàng Nhơn nói: “Mấy lời xin nhớ mấy lời/ Ví dầu vật đổi sao dời chớ quên/ Vái cùng vai vác hai bên/ Ai mà đen bạc xin biên chép vào”.

Sau gặp gỡ, hẹn ước, tình yêu của đôi trai tài gái sắc phải chia ly, cái cớ mở đầu cho một chuỗi ngày trắc trở, gian nan. Cốt truyện tiến triển theo hướng có sự tai biến khi Tấn Nhơn lên Mỹ Tho trọ học, tại quê nhà, Cúc Hương bị gán ghép lấy con ông huyện, nàng sợ cha mẹ không dám nói lời từ chối quyết liệt. Tấn Nhơn sau khi học xong về thăm nhà đã ghé sang thăm gia đình họ Lâm. Tấn Nhơn được Cúc Hương kể hết sự tình bị ép duyên nên đêm hôm đó, chàng đã nhảy tường vào nhà Cúc Hương. Khi hai người lén gặp nhau, lửa gần rơm, giây phút tình cảm trào dâng đã được Hồ Biểu Chánh miêu tả: “Mấy thu nhạn núi cá gành/ Đêm thanh gần gũi giữ gìn sao đang/ Tiệc xuân một giấc mơ màng/ Vườn xuân ong đã mở đường vào ra”.

 Khi kể hết với ba mẹ, Lâm bà nổi giận ầm ầm, la mắng. Cúc Hương mới tính kế viết thư cho cậu họ Tạ, để xin cậu tìm chỗ khác và xin đừng đòi cưới cô. Cô bỏ vào bao thư, nhờ Xuân Lan trao giùm thư cho cậu họ Tạ. Cô Lan vốn đã say mê Tấn Nhơn từ lâu, thừa dịp nói gạt với Tấn Nhơn. Do hiểu lầm tình cảm của Cúc Hương, Tấn Nhơn học xong đã bỏ ra Bắc làm quan. Cúc Hương bị ép duyên, sau khi có mang bị hắt hủi nên nhảy xuống sông tự vẫn. Sau đó, Cúc Hương may mắn được một lão ngư ông cứu lên, đem về nuôi. Lão ngư ông bị bệnh qua đời, nàng mang con về Sài Gòn tìm đường sinh sống. Tại đây, Cúc Hương bị một người đàn ông có vợ say mê, dù không hề có tình cảm nhưng nàng bị đánh ghen, lại phải đưa con đi lẩn tránh. Về phần Tấn Nhơn, đang làm quan ông huyện ở Bắc kỳ, một hôm gặp người quen khuyên chàng nên xin đổi việc về quê để tiện phụng dưỡng cha mẹ già. Chàng đồng ý. Nhớ Cúc Hương, chàng tìm đến nhà nàng, nay hoang tàn vì cha mẹ nàng đã bỏ nhà đi tu, thì bỗng gặp Xuân Lan. Cô cho biết đã lấy chồng nhưng không ra gì nay muốn về với Tấn Nhơn. Tấn Nhơn cự tuyệt. Xuân Lan rất ngượng, lại hối hận về những việc làm cũ bèn tự tử sau khi viết cho Tấn Nhơn lá thư kể hết ngọn nguồn. Cuối cùng, trải qua nhiều sóng gió, Tấn Nhơn đoàn tụ với Cúc Hương và đứa con trai, cùng nhau chung sống một cuộc đời hạnh phúc.

Có thể thấy, trong việc xây dựng kết cấu U tình lục, tác giả đã ảnh hưởng đậm nét mô hình cấu trúc của truyện thơ Nôm. Phần gặp gỡ giới thiệu về nhân vật và thể hiện sự gắn kết ban đầu giữa các nhân vật chính, phần tai biến mang nhiều biến cố tạo nên phần lớn nội dung câu chuyện. Cuối cùng là phần đoàn tụ, kết thúc sự chia ly, nhân vật chính được đoàn tụ và sống cuộc đời hạnh phúc bên gia đình. Môtíp với kết thúc “có hậu” cũng được tái hiện trong tác phẩm đầu tay của Hồ Biểu Chánh. Kết thúc có hậu được xem là quy luật có tính tất yếu trong các thể loại văn học dân gian, kết thúc có hậu sang giai đoạn văn học trung đại cũng là đặc trưng của thể loại truyện thơ Nôm. Tình tiết dù có phát triển phức tạp thì kết thúc vẫn phải viên mãn. Kết thúc U tình lục vẫn là một kết thúc có hậu với việc Tấn Nhơn và Cúc Hương tái hợp và nên duyên chồng vợ, hưởng hạnh phúc lâu dài.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật

 Truyện Nôm thuộc phạm trù văn học trung đại, nghệ thuật xây dựng nhân vật nói chung, nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật nói riêng, đều chịu ảnh hưởng sâu sắc bút pháp tượng trưng, ước lệ. Các nhân vật nam trong truyện Nôm bác học thường được xây dựng là những trung quân, thư sinh có tinh thần hiếu học, là một trang nam tử hảo hán.

Trong U tình lục, Hồ Biểu Chánh đã học tập truyền thống truyện thơ Nôm khi xây dựng nhân vật chính Tấn Nhơn và Cúc Hương. Tấn Nhơn được miêu tả đầy đủ tư cách của một văn nhân, nói lời tao nhã, thuộc làu sử kinh, thông minh đến lạ lùng: “Tấn Nhơn đáng mặt văn nhân/ Tuổi nên mười bốn tinh thần có dư/ Lời tao nhã, nết hiền từ/ Sử kinh lảu thuộc, thiên tư đâu là”.

Khi tả hành động, tâm trạng nhân vật, tác giả U tình lục không thoát khỏi dấu ấn ảnh hưởng câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Chàng Kim Trọng sau buổi gặp gỡ, tương tư đã: “Xăm xăm đè nẻo Lam - kiều lần sang”, Thúy Kiều vì mong gặp Kim Trọng cũng đã mạnh dạn “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Nhân vật Tấn Nhơn khi nhớ Cúc Hương đã được tác giả diễn tả bằng hành động: “Xâm xâm bước tới bên nàng dừng chân”.

Trong truyện Nôm, nhân vật nữ vai chính thường được khắc họa thành những cô gái tài sắc vẹn toàn, là những mẫu hình phụ nữ lý tưởng trong xã hội xưa. Nhân vật nữ trong truyện Nôm cũng là những người mang số phận éo le, bi thảm, phải trải qua biết bao sóng gió cuộc đời để đến với hạnh phúc. Cách miêu tả ấy một mặt thể hiện quan niệm “bỉ sắc tư phong”, đồng thời, qua hình tượng nhân vật nữ trong truyện Nôm, các tác giả cũng gửi gắm ước vọng về quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Ngoại hình là một trong những yếu tố biểu hiện tính cách nhân vật, góp phần tạo nên một nhân vật hoàn chỉnh. Ngoại hình là khái niệm chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… tức toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật. Trong U tình lục, nàng Cúc Hương cũng được miêu tả vẻ đẹp với công thức truyền thống: “Thông minh nhan sắc phi thường/ Mặt như mãn nguyệt, miệng dường đào hoa”.

Tác giả sử dụng hình ảnh “mãn nguyệt” - trăng tròn, “dường đào hoa” - đẹp giống như hoa đào để miêu tả người con gái đẹp theo đúng con đường của các bậc tiền nhân. Khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ, văn chương trung đại thường sử dụng thành ngữ “trầm ngư lạc nhạn” tức “chim rơi cá chìm” để chỉ nhan sắc người đàn bà cực đẹp.

Hồ Văn Trung tiếp thu bút pháp ước lệ của văn chương trung đại miêu tả vẻ đẹp của Cúc Hương với lời ví “ cá lặn nhạn sa”, một dáng vẻ tha thướt như cành liễu trước gió phất phơ: “Thấy nàng, cá lặn nhạn sa/ Khi vào liễu múa, khi ra hoa chào/ Hương trời sắc nước mấy màu/ Ngón sen non nhớt, thơ đào bảnh bai”.

Kết luận

Cuốn tiểu thuyết bằng thơ đầu tiên mang tên U tình lục của Hồ Biểu Chánh ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa truyền thống. Với kết cấu theo kiểu truyện thơ Nôm của văn học cổ điển, truyện được viết bằng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc và cốt truyện tài tử giai nhân quen thuộc. Đề tài và nhân vật của U tình lục kế thừa từ các truyện thơ của TK XIX, vẫn là trung hiếu tiết nghĩa của Nho giáo. Nhân vật của U tình lục có phức tạp hơn các truyện thơ trước đó nhưng vẫn chưa vượt khỏi quan niệm ác giả ác báo, ở hiền gặp lành truyền thống. Kết thúc câu truyện vẫn là một kết thúc có hậu với việc Tấn Nhơn và Cúc Hương tái hợp và nên duyên chồng vợ, hưởng hạnh phúc lâu dài. Tuy nhiên, Hồ Biểu Chánh vừa kế thừa nhiều đặc điểm của truyện thơ Nôm, vừa phải cách tân nó để đáp ứng những đòi hỏi của độc giả thời bấy giờ. U tình lục có những nét gần gũi với một truyện Nôm bác học. Nhưng câu chuyện tình trong U tình lục lại không phải chỉ là một mô phỏng truyện Nôm. Khác với nhiều truyện Nôm thường lấy bối cảnh là đất nước Trung Hoa, Hồ Biểu Chánh lấy bối cảnh và nhân vật của câu chuyện là ở mảnh đất Gò Công vào những năm 1880. U tình lục tạo cảm giác chân thật của những nhân vật trong bối cảnh đầy phức tạp của xã hội đương thời. Ảnh hưởng của văn hóa phương Đông và phương Tây được thể hiện trong sáng tác đầu tay của Hồ Biểu Chánh, đây chính là bước đệm cho những tác phẩm thể loại tiểu thuyết giai đoạn sau của ông.

_____________________

1. Bùi Xuân Bào, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 -1945 khai sinh & tiến trình, Nxb Tri thức, 2024.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - Hết thế kỷ XIX), Nxb Giáo dục, 1999.

2. Nguyễn Văn Sâm (giới thiệu và chú giải), Kể chuyện tình buồn - U tình lục, Nxb Hồng Đức, 2022.

3. Hồ Văn Trung, U tình lục, Imprimerie F. -85 4H. Schneider, Sài Gòn, 1913.

4. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Quốc Học tùng thư, Sài Gòn, 1965.

KHÚC THỊ KIM NGÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;