Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc ở Việt Nam trên suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Trong dòng chảy văn hóa cộng đồng qua nhiều thời đại khác nhau, Phật giáo từng chiếm vị trí dẫn lưu của hệ tư tưởng chính thống. Thực tiễn cho thấy, “từ nhiều thế kỷ (...), mặc dù Nho giáo là quốc giáo độc tôn, có thể xác nhận rằng tôn giáo của người Việt Nam chủ yếu là Phật giáo” (1). Cũng như Nho giáo và Đạo giáo, Phật giáo chi phối tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối với văn học, Phật giáo để lại dấu ấn đậm nét trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại. Trong đó, đáng lưu ý là hệ chủ đề về bi kịch gia đình.
1. Ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa gia đình của người Việt Nam
Du nhập vào Việt Nam từ khoảng TK II-V, nét nổi bật xuyên suốt của Phật giáo là sự tương hợp về các quy chuẩn đạo đức Phật giáo và quan niệm nhân sinh của người Việt.
Tứ diệu đế (bốn chân lý lớn) là: “khổ”, “tập”, “diệt”, “đạo”. Cụ thể, “khổ” hàm chứa toàn bộ sự phiền lụy, khổ hại trong cuộc đời; “tập” nêu rõ nguồn gốc gây ra “khổ” (dục vọng cá nhân); “diệt” đề cập giải pháp tối thượng để tiêu biến cái “khổ”; “đạo” chỉ ra con đường giải thoát khỏi mọi nỗi “khổ”. Vì dục vọng cá nhân (tham) không có điểm dừng nên mỗi người phải biết thế nào là đủ (tri túc). Thiền sư Thích Trí Bảo (thời Lý) từng giải đáp Phật tử: “Phàm người xuất gia và tại gia đều phải dừng lại ở chỗ “tri túc”. Nếu biết “tri túc” thì ngoài không xâm phạm đến ai, trong không tổn hại đến mình. Bé mọn như lá cỏ, nếu người ta không cho, mình cũng không nên lấy, huống gì vật khác. Của cải của người, nếu ta mơ tưởng đến thì cuối cùng không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ sinh lòng trộm cắp. Đến như vợ cả, vợ lẽ của người, nếu ta mơ tưởng thì cũng không dừng ở đó mà sẽ sinh lòng tà dâm” (2). Song hành và quán chiếu phổ độ của Thiền sư, từ xưa, người Việt đã thường nhắc nhau: “Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” (Ca dao). Phật tử tại gia hay bậc tu hành chốn thiền môn, đều phải tâm niệm theo chính đạo. Trong gia đình, cha mẹ như Phật sống: “Chí tâm niệm Phật đêm ngày/ Cầu cho cha mẹ sống tày non cao” (Ca dao). Hơn thế nữa, phải biết “tri túc” trong mọi hoàn cảnh để không vượt qua sự cấm kỵ về đạo đức: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Lành cho sạch, rách cho thơm” (tục ngữ).
Thập nhị nhân duyên chỉ 12 mối quan hệ liên quan, ảnh hưởng đến thân và sinh, lão, bệnh, tử của vòng đời cá nhân. Tại gia đình, tuy “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” (tục ngữ) nhưng giữa cha mẹ và con cái có mối nhân duyên gắn bó. Con cái (quả) có thể báo thiện, báo ác tùy thuộc quá trình tu trước đó (nhân) của cha mẹ. Tích đức hành thiện không chỉ là phương châm cao nhất của bậc chân tu mà còn là lẽ sống đậm chất nhân văn của gia đình Việt được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó cũng là kết quả hoan hỉ khi hoằng pháp (giáo hóa chúng sinh) được phổ độ rộng rãi. Có thể nói, mục đích tối thượng của hoằng pháp là “làm sao để mọi người có thể hiểu và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống để giải thoát khổ đau và có được sự bình an, hạnh phúc” (3).
Ngũ uẩn xác định 5 thuộc tính sẵn có của sinh vật (theo quan niệm Phật giáo), đó là “sắc”, “thọ”, “tưởng”, “hành” và “thức”. Trong đó, “sắc” là dạng thức bên ngoài; “thọ” là sự quan sát, tri giác; “tưởng” là sự chú tâm, suy tư; “hành” là hoạt động trong thực tiễn; “thức” là sự nhận biết. Sau khi chết, “ngũ uẩn” không những không tan biến mà còn kết hợp với nhau nhờ “nghiệp”, để tiếp tục luân hồi trong cõi vô thường (tái sinh). Tuy nhiên, theo Phật giáo điều đó không đồng nghĩa với “sự lưu chuyển của linh hồn” mà là quá trình “tác thành một đời sống mới do ảnh hưởng của các hành động trước kia của sinh vật” (4). Thực chất, đây là sự nối dài cuộc sống ở trạng thái “vãng sinh” (sống phiêu diêu trong thế giới khác). Bởi vậy, trong các gia đình Việt, tiền nhân luôn “hiện hữu” và “đồng hành” với hậu thế trong mọi cảnh ngộ của đời sống: “Cháu con ở đâu, tổ tiên ở đấy”, “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo” (tục ngữ). Ở phạm vi lớn hơn, cả nước có chung một ngày Quốc giỗ (giỗ Tổ Hùng Vương) như trong đại gia đình. Đó là một trong những nét độc đáo của văn hóa Việt.
Nghiệp được tạo ra từ hành động xuất phát bởi dục vọng. Trong đó, “hành động xấu khiến con người phải nhận hậu quả của nó (nghiệp báo), thành ra cứ luẩn quẩn trong vòng luân hồi, không thoát ra được” (5). Để thoát “nghiệp”, phải diệt được “nghiệp”. Khi đó, mới có thể thành chính quả, dự vào “niết bàn” (thế giới được giải thoát hoàn toàn). Muốn vậy, “ngũ uẩn” phải hướng về “bát chính” (8 con đường chân chính, gồm: chính kiến, chính ngữ, chính tư duy, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh thần, chính niệm, chính định); trì thủ các “giới” (không sát sinh; không tà dâm; không trộm, cắp; không nói dối; không uống rượu) nhằm đắc đạo. Những hành thức phạm giới được cổ nhân khái quát và cảnh báo: “Khẩu xà, tâm Phật”, “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, “Chiếc áo không làm nên thày tu” (thành ngữ), “Đi tu mà chẳng trọn đời/ Sinh ra con ếch cho người lột da” (ca dao).
2. Sự chi phối của Phật giáo đối với bi kịch gia đình trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại
Đạo đức Phật giáo được quán chiếu qua giáo lý về sự hành thiện, tính từ bi hỉ xả. Trong gia đình, chúng sinh phải năng vun trồng cây đức để tạo quả phúc cho đời sau, như cha ông ta vẫn dạy: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con” (ca dao).
Dạy bảo lòng hiếu kính đối với tiền nhân và cha mẹ
Đối với Phật tử tại gia, cần luôn tâm niệm: “Phàm con người ta, là con, là cháu ở đời phải hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ, yêu kính họ hàng, anh em, chị em, chị dâu, em dâu, đó tức là Phật ở nhà ta vậy” (6). Điều ác lớn nhất là bất kính với cha mẹ, chẳng khác nào thấy cây quên gốc, nhìn nước không nhớ nguồn. Thói tệ hại về đạo đức loại này được phản ánh rải rác trong nhiều thiên truyện với các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng chủ đề, như: Báo thiện, báo ác; Kẻ bất hiếu phải chịu tai ương; Phật sống ở ngay trong nhà; Dựng miếu thờ Đạo nhân (Trần Tân Gia); Truyện tiếc gà chôn mẹ (khuyết danh)... Ở truyện Báo thiện, báo ác, viên Thủ hợp Đề hình trấn Sơn Nam là Nguyễn Ngọc Nguyên, “Nhà có mẹ già nhưng y đối xử rất bạc bẽo, để quần áo rách rưới, ăn uống đạm bạc” (7). Cùng với đủ mọi thói bất nhân, bất nghĩa khác đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội bên ngoài; cuối cùng y bị sét đánh, như một sự tuyên phạt thích đáng cho những hành vi chẳng thể dung tha của y.
Truyện tiếc gà chôn mẹ (khuyết danh) dựng lại tình huống điển hình khi đứa con trai ở một gia đình nọ coi trọng con gà chọi của y hơn mạng sống của người thân. Người mẹ là hiền mẫu, đứng ra nhận trách nhiệm thay con dâu (vô tình làm chết gà của chồng). Tâm tính ích kỷ đã khiến y bất chấp đạo lý, toan chôn sống mẹ ruột. Ở xã hội Á Đông, đây là tội ác tày trời, vì “chức phận của người nam tử ở Á Đông đối với gia đình tuyệt trọng (…), một chữ hiếu đã chiếm quá nửa công việc trong đời người” (8). Tuy vậy, sự độc ác đến cùng cực của đứa con trai đã vượt xa suy đoán thông thường của thế gian. Kết cục thê thảm dành cho kẻ đại bất hiếu là một bản án thích đáng do Hóa nhi hành đạo: “Huyệt vừa đào xong thì trời liền nổi gió, một tiếng sét vang lên đánh chết y ngay bên huyệt” (9). Cùng mạch tự sự này, truyện Kẻ bất hiếu phải chịu tai ương (Trần Tân Gia) tái hiện tình cảnh một gia đình đông con, với ông bố trải qua hai đời vợ. Hai con của người vợ trước có gia tư sung túc, trong khi tám người con vợ kế ở vào hoàn cảnh khó khăn, mặc dù giàu có nhưng cả hai người con trai của vợ cả đều bỏ mặc cha già sống khổ cực. Không chỉ có thế, họ còn liên tục đay nghiến cha rằng “đã khuyên can gắng ở vậy mà không nghe, để ngày nay phải khốn khổ nuôi dưỡng lũ con yêu tinh” (10). Họ bỏ ngoài tai mọi góp ý của dân làng. Kết cục, cả hai đều chịu số phận thê thảm. Người bị chó dại cắn chết; kẻ bị nhà cháy, thiêu rụi hết gia sản, vợ con chịu tai nạn. Rồi dịch bệnh tràn đến vùng quê, có điều lạ là “chỉ có con cháu hai nhà (...) nối nhau chết đến hai mươi đứa, cuối cùng cũng không tránh khỏi ông bố già và các em con bà mẹ kế phải đưa đi chôn cất” (11). Với cái kết này, tuy “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” (tục ngữ) nhưng sự táng tận lương tâm của những “nghịch tử” đều thể hiện sự bại hoại đến tột cùng về nhân phẩm.
Khuyến thiện ngừa ác và sự nhân quả báo ứng
Thủ trì nghiêm cẩn các “giới” là con đường chân chính để tránh họa, tạo phúc cho bản thân và gia đình. Điều đó được tích tụ từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, vì “Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật” (Nguyễn Trãi). Nhưng thực tế cho thấy họa phúc nhiều khi hiện hữu ngay trong kiếp sống hiện tại của mỗi người, không chờ đến kiếp sau. Các truyện: Truyện chùa Quang Minh làng Hậu Bổng (Vũ Phương Đề); Trí Phú bất nhân; Phúc lạ, họa cũng kỳ (Trần Tân Gia); Vụ án mạng ở Từ Sơn; Cha con Nguyễn Bá (Cao Bá Quát)... là những cảnh huống điển hình. Ở Truyện chùa Quang Minh làng Hậu Bổng (Vũ Phương Đề), quan Lễ bộ Thị lang Nguyễn Tự Cường vì một chút lòng tham (hai cây đèn bằng vàng và bạc dùng để tế tự) nên bản thân bị chết thảm; con cháu sa sút. Quả báo đến với gia đình, gia tộc Nguyễn Tự Cường như một điều tất yếu, ứng vào lời cảnh báo của hoàng đế triều Minh rằng nếu không làm trọn những việc công đức như đã được ủy thác thì “huyền cơ báo ứng họa phúc của Phật gia sẽ thấy ngay” (12). Một trong các vương tử của chúa Trịnh Tùng được ông xem tướng (thông qua Chúa) đã ngầm đầu độc ông: “Vạn Quận công biết chuyện, sai người đến mời ông vào hỏi việc khác, rồi đánh thuốc độc giết ông” (13). Viên đại quan triều Hậu Lê có học thức uyên thâm, nhưng chưa triệt ngộ hoằng pháp và thực hiện trọn vẹn sự “ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống để giải thoát khổ đau, có được sự bình an và hạnh phúc” (14); không tuân theo lời dạy của tiền nhân: “Bé mọn như lá cỏ, nếu người ta không cho, mình cũng không nên lấy, huống gì vật khác” (Thích Trí Bảo).
Bên cạnh đó, những kẻ phạm vào “bát chính” (một trong số đó là không chính ngữ) khi cố tình “thêu dệt”, đổi trắng thay đen để hãm hại người lương thiện cũng phải chịu kết cục thảm hại, như: Vụ án mạng ở Từ Sơn (Cao Bá Quát); Truyện tri huyện Nguyễn Danh Cử (khuyết danh); Báo thiện, báo ác (Trần Tân Gia)... Tri huyện Lập Thạch Nguyễn Danh Cử (Truyện tri huyện Nguyễn Danh Cử) với “tâm địa giảo hoạt, thường hay thêm hoặc bớt tội cho người khác, quan trên không sao bắt được tang chứng” (15). Ở tuổi “gần đất xa trời” vào thời điểm đã nghỉ hưu; gia đình tên quan này xảy ra nhiều biến cố, hoạn nạn giống với những gì hắn đã làm với các nạn nhân. Chẳng hạn, việc hủy hoại, làm biến dạng ba xác chết khiến cho bị mất dương vật, cắt tóc, cắt mũi thì sau này cả ba con trai hắn thì đứa làm hoạn nhân, đứa cạo đầu đi tu, đứa phạm tội ăn cắp bị xẻo mũi... Trong khi đó, viên Thủ hợp Đề hình trấn Sơn Nam Hạ là Nguyễn Ngọc Nguyên (Báo thiện, báo ác), “khi xét xử các vụ án, y thường cố ý thêm bớt, thay đổi để đòi hỏi yêu sách. Nếu không được bèn thay đổi một, hai chữ trong bản án để khép người ta không phải tử hình thì cũng trọng tội” (16). Đã vậy, sẵn có tiền bạc, quyền thế trong tay; y trở nên dâm dật vô độ. Kết cục, cuối đời, y mắc bệnh giang mai và chịu sét đánh; vợ con bị thiêu cháy ra tro.
Duyên tái sinh và sự nối dài vòng luân hồi
Tính bất biến của “ngũ uẩn” theo nguyên lý vận hành của các chi duyên khởi (bánh xe sinh hóa). Ở đó, “vô minh vẫn tồn tại như là kết tinh các hiệu quả của các hành động được tạo ra trong suốt cuộc sống” (17). Duyên kiếp tái sinh được xem là sự nối dài của vòng luân hồi.
Truyện tiền kiếp luân hồi (khuyết danh) là thiên tình sử bi thương nhưng có hậu của một đôi trai gái sống trong vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến. Thượng thư Ngô Trí Hòa (Nghệ An), lúc trẻ trọ học tại kinh thành, gắn bó tình cảm với cô gái hàng xóm là tiểu thư quan binh phiên. Cha mẹ cô không biết nên gả về một gia đình trong làng. Cô gái không chấp nhận hoàn cảnh nhưng bất lực; bèn đến chỗ trọ của Nho sinh tự vẫn. Chàng trai đau khổ, viết vào tay người yêu câu thơ hẹn tái ngộ ở kiếp sau; rồi bí mật chôn cất để tránh liên lụy. Sau này, chàng đỗ tiến sĩ, nhậm chức tại Sơn Nam; tình cờ, biết cô gái bán trầu cạnh lỵ sở; trên tay có dòng chữ năm xưa. Viên quan nhận ra người yêu, bèn đem lễ vật cưới cô làm vợ. Tương tự, Thượng thư Vũ Cẩn (Bắc Ninh) vợ mất sớm; nhiều năm sau cũng gặp lại “vợ cũ” ở Sơn Tây, nhờ câu thơ lưu bút trên cánh tay hiền thê. Sự trùng hợp “tái sinh duyên” ở hai trường hợp trên có chung mô típ với câu chuyện dân gian Mối lương duyên kỳ lạ là một minh triết sống động về Phật pháp, rằng “tất cả mọi loài chúng sinh đã nhận đời sống hiện tại như là kết quả tự tạo, và ngay ở hiện tại, chúng cũng đang tự tạo lấy” (18). Bởi vậy, trong Truyện chùa Quang Minh làng Hậu Bổng (Vũ Phương Đề) do “nghiệp” chưa hết nên thiền sư chùa Quang Minh (Hải Dương) đã tái sinh trong thân phận hoàng đế Trung Hoa triều Minh (Trung Quốc); hoặc ở Truyện Trạng nguyên xã Bình Dân (Phạm Đình Dục), người cha của Thám hoa Nguyễn Quán Đạo (Hưng Yên) được Thượng đế cho phép “trở lại” trần thế, làm con một gia đình khác để sau này phò vua, giúp nước. Ông “bố” này tiếp tục đi thi liên tiếp nhưng đến khoa thứ ba mới đỗ Trạng nguyên (với tên mới là Nguyễn Kỳ). Danh vị khôi nguyên đại khoa là sự tưởng thưởng xứng đáng cho tâm sức khổ luyện thành tài của người cha “kiếp trước” quan Thám. Trên trục thời gian luân hồi, mỗi kiếp chúng sinh vừa thể hiện sự tiếp nối: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - (tục ngữ) vừa là một hành trình độc lập “Gieo gió, gặt bão” - (tục ngữ).
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, “ngũ uẩn” được tái sinh có liên quan đến oán thù từ tiền kiếp. Các truyện Vụ án mạng ở Từ Sơn (Trần Tân Gia), Truyện nghiệp oan của nàng Đào thị (Nguyễn Dữ), truyện Ông Lê Trãi (Phạm Đình Hổ - Nguyễn Án)… cho thấy những thân phận khác nhau, có mô típ gần gũi với truyện dân gian (Cái cân thủy ngân). Trong truyện Vụ án mạng ở Từ Sơn, đứa con trai tri phủ họ Trần chính là anh học trò nghèo kiếp trước (nay đầu thai để trả thù) bị giết oan uổng, nhưng không được viên quan này xét xử công minh do đã nhận tiền “chạy án” từ kẻ sát nhân. Từ đó, “việc ỉm đi, ông Trần mang đầy túi tiền bạc trở về, giàu có đến ức vạn” (19). Những đồng tiền “bẩn” vào nhà quan tham không bao lâu đã “đội nón ra đi”. Đứa con trai nhỏ đau ốm liên miên làm gia sản của y khánh kiệt nhanh chóng, đến nỗi vào tuổi “gần đất xa trời” phải đi ăn mày. Cô quạnh nơi quán trọ rét mướt, viên hưu quan khóc than cho thân phận. Chỉ đến khi đứa con (và cũng là “nạn nhân”) vạch rõ tội trạng, y mới hối hận thì đã quá muộn. Chính lòng tham vô đáy cùng sự bất chấp liêm sỉ đã đẩy y đến chỗ tự hủy diệt.
Sự chi phối của Phật giáo đối với bi kịch gia đình trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại không chỉ bao hàm hệ quả di dưỡng giáo lý đạo Phật trong đời sống tinh thần người Việt mà còn thể hiện chiều sâu triết học Phật giáo qua những tác phẩm cụ thể. Quy chuẩn đạo đức Phật giáo thấm nhuần trong các mối quan hệ gia đình. Bao trùm lên tất cả là “quan niệm con người và cái nhìn đạo lý trong văn học trung đại” (20). Đây cũng chính là một trong những căn nguyên kiến tạo nên tính nhân bản của hệ giá trị văn hóa Việt Nam mà văn học trung đại nói chung và văn xuôi tự sự nói riêng đóng góp một phần quan trọng.
____________________
1. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973, tr.172.
2, 20. Nguyễn Hữu Sơn, Văn học trung đại Việt Nam - Quan niệm con người và tiến trình phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.49, 13.
3. Thích Thiện Bảo, Hoằng pháp là phải hướng dẫn Pháp hành, giacngo.vn, 14-9-2012.
4, 17, 18. Juniro Takakusu, Tinh hoa triết học Phật giáo (Tuệ Sỹ dịch và chú), Nxb Phương Đông, TP.HCM, 2007, tr.49, 44, 59.
5. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2018, tr.240.
6, 7, 10, 11, 16. Trần Tân Gia (Chủ biên), Bà tâm huyền kính lục, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập II, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1997, tr.882, 907, 910, 911, 907.
8. Nguyễn Khắc Hiếu, Sự quan hệ của người đàn bà ở Á Đông đối với gia đình của người chồng, An Nam Tạp chí, số 21, 1931, tr.11.
9, 15. Khuyết danh, Thính văn dị lục, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập II, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1997, tr.956, 973.
12, 13. Vũ Phương Đề, Công dư tiệp ký, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập I, Nxb Thế Giới , Hà Nội, 1997, tr.537, 540.
14. Thích Thiện Bảo, Hoằng pháp là phải hướng dẫn Pháp hành, giacngo.vn, 15-9-2012.
19. Cao Bá Quát, Mẫn Hiên thuyết loại, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập II, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1997, tr.641.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016.
2. Mã Giang Lân (Giới thiệu và tuyển chọn), Tục ngữ, ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
TRỊNH TUẤN ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024