Plei Ơp - ngôi làng giữa phố cao nguyên

Nếu muốn một lần được trải nghiệm không gian yên bình ở làng xa, nơi cộng đồng người dân tộc bản địa sinh sống lâu đời tại điểm đến, mời bạn về thăm làng Ớp, ngôi làng giữa phố cao nguyên.

Nhà rông Plei Ơp - ngôi làng giữa phố cao nguyên

Làng trong phố…

Đã từng có khá nhiều dịp được trải nghiệm không gian ngôi làng trong phố, thế nhưng mỗi lần đến, tôi đều cảm nhận được những điều thi vị, mới lạ từ sự giản đơn, bình dị nhất trong chính đời sống người dân nơi đây.

Với ưu thế là ngôi làng nằm giữa trung tâm thành phố, làng Ơp (đường Bùi Dự, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) được định hướng trở thành làng văn hóa du lịch, điểm đến tham quan, trải nghiệm đời sống cộng đồng người Jrai sinh sống lâu đời tại nơi đến. Hơn 200 hộ người dân tộc Jrai sinh sống, lao động, có bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt với yếu tố cố kết cộng đồng bền chặt tại làng Ơp sẽ mang lại những trải nghiệm thật sự ấn tượng với du khách.

Nằm giữa trung tâm thành phố, Plei Ơp trở thành làng văn hóa du lịch đầu tiên của phố núi Pleiku với vẻ đẹp rất đơn sơ nhưng vô cùng ấn tượng. Bao quanh bởi phố xá đông đúc nhưng làng vẫn giữ nguyên bản sắc xưa cũ của đồng bào Jrai. Vẫn còn đó ngôi nhà Rông truyền thống vững chãi ngay giữa khoảng sân rộng. Bên cạnh là cây cổ thụ cao lớn, chứng kiến bao thăng trầm của bà con dân làng qua mưa nắng thời gian. Xung quanh là những bức tượng gỗ với đủ cung bậc cảm xúc được thể hiện qua bàn tay đục, đẽo khéo léo của người dân làng Ơp. Tại khoảng sân này, trong dịp hội hè, dân làng thường xuyên cùng nhau quây quần trước mái nhà Rông, dưới bóng cây nêu, thưởng thức những ché rượu cần thơm ngọt và hòa mình trong âm thanh cồng chiêng ngân vang, nhịp nhàng điệu Xoang mượt mà, uyển chuyển.

Du khách trải nghiệm giã gạo cùng bà con làng Ơp

Làng có từ khi nào người già cũng ít ai nhớ được chính xác, chỉ biết ngày ấy có già làng dẫn dân đến đây, thấy cây cối tốt tươi, cua cá đầy suối, thung lũng rộng bằng, già bảo dân làng dừng lại chặt cây dựng nhà sinh sống và lập làng cho đến ngày nay.

Du khách khi ghé thăm làng Ơp sẽ được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp và thanh bình của dòng suối Ia Nin và Ia Năk hiền hòa thơ mộng chảy qua làng. Đi sâu về phía trong, nơi có giọt nước Ia O, Ia Grông mà hầu như chiều nào các chị em cũng rủ nhau lấy nước cho vào những quả bầu khô và chai nhựa, túm tụm tắm rửa cho con cái, giặt giũ… và cho bầu nước vào gùi ngược dốc cõng về nhà. Những cánh đồng, bãi rau, vườn hoa, cây cảnh xuôi theo con đường dốc đổ chùng cánh võng đan khắp làng, vẽ nên bức tranh thanh bình. Đi về cuối làng là khu nhà mồ nằm khép mình giữa thiên nhiên, bên cạnh là những tượng nhà mồ nhiều sắc thái, những ché rượu cần còn vương lại dưới gốc đa già cổ thụ giữa khoảng không u tịch.

Hiện tại, làng còn giữ được một số bộ cồng chiêng. Làng có 2 đội cồng chiêng, 1 đội người lớn và 1 đội thanh thiếu niên cùng đội múa Xoang với khoảng hơn 20 thiếu nữ  biết múa các điệu truyền thống, có khả năng biểu diễn trước cộng đồng, phục vụ khách du lịch đến thăm làng. Trong làng có 3 người lớn tuổi có thể truyền đạt, dạy đánh cồng chiêng cơ bản. Cồng chiêng được bà con làng Ơp sử dụng tại một số nghi lễ vòng đời của hộ gia đình như lễ cưới hỏi, ma chay, nghi lễ trưởng thành… và một số hoạt động văn hóa theo các sự kiện của địa phương. Một vài người trong làng còn biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống khác.

Đến thăm làng Ơp, du khách không thể bỏ qua Khu trưng bày “Tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai” ngay cạnh ngôi nhà Rông. Với 54 tượng gỗ được khắc họa chân thực, sinh động thuộc nhóm mô tả đời sống sinh hoạt thường nhật trong đời sống và lao động sản xuất của bà con đã góp phần quảng bá một điểm đến du lịch văn hóa, thu hút sự quan tâm của du khách khi đến phố núi Pleiku. Diện mạo làng Ơp ngày càng đổi thay. Khu vực quanh làng, nhiều quán ăn truyền thống, quán cà phê sở hữu không gian núi đồi, các homestay được thiết kế theo phong cách hòa hợp với thiên nhiên… mang lại nhiều sự lựa chọn thú vị cho người dân và du khách.

Trải nghiệm tour du lịch cộng đồng làng Ơp

Tôi về thăm lại làng Ơp vào dịp tour du lịch cộng đồng tại làng Ơp được chính thức ra mắt vào cuối năm vừa qua. Đây là kết quả của quá trình triển khai “Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ơp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku” của UBND thành phố Pleiku. Bà con được các chuyên gia, giảng viên khoa Nghiệp vụ Du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) bồi dưỡng các kỹ năng nghề du lịch cộng đồng; thành lập và vận hành các tổ phục vụ du lịch như ẩm thực, lưu trú, thuyết minh viên, câu lạc bộ cồng chiêng và Xoang, tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp phát triển hoạt động du lịch tại địa phương.

Thiếu nữ làng Ơp xinh đẹp bên giọt nước làng

Ông Dương Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư thông tin: “Với mục tiêu khai thác các tiềm năng về văn hóa, phục vụ cho hoạt động du lịch, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nhân dân, từ đó tạo sinh kế, nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, UBND phường đã định hướng hình thành tour du lịch tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Jrai tại làng Ơp mang bản sắc và thương hiệu riêng của làng. Sau quá trình triển khai, đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo nhân dân làng Ơp”.

Anh Rah Lan Thắng - Thuyết minh viên của làng Ơp là người đồng hành đưa chúng tôi trải nghiệm tour du lịch cộng đồng ngày hôm nay. Qua câu chuyện anh kể về nhà Rông, những vật dụng được trưng bày, ý nghĩa của từng mô hình tượng gỗ dân gian… chúng tôi hiểu thêm nhiều điều về đời sống tâm linh, tinh thần của bà con làng Ơp. Là người con sinh ra và lớn lên từ làng, anh Thắng đã truyền nguồn cảm hứng chân thực và sinh động để mỗi người khi đến thăm làng đều vô cùng thích thú và cảm nhận được tình yêu dành cho vùng đất này để rồi hẹn sẽ quay trở lại và cùng lan toả.

Bà con đang tiến hành các công đoạn ủ rượu cần, thức uống truyền thống của dân làng Ơp

Khi trải nghiệm tour du lịch cộng đồng tại làng Ơp, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động như: tham quan nhà Rông - biểu tượng văn hóa cộng đồng của người Jrai; thăm giọt nước - tìm hiểu về tín ngưỡng đa thần; trải nghiệm nghề truyền thống của người dân (nghề dệt thổ cẩm, đan lát và ủ rượu cần) tại nhà ông Puih Alik; trải nghiệm văn hóa ẩm thực phong phú, đặc sắc của dân làng tại sân nhà Rông; xem trình diễn cồng chiêng, hòa nhịp Xoang, sinh hoạt tập thể, đốt lửa trại cùng đội nghệ nhân của làng.

Sau khi tham quan khu vực nhà Rông, em Rơ Mah H’Mai (18 tuổi) đưa chúng tôi đến trải nghiệm giọt nước của làng. Vừa giới thiệu về ý nghĩa của giọt nước trong đời sống của bà con nơi đây, em H’Mai dùng những chiếc hồ lô hứng từng bầu nước tinh khiết, mát lành chảy ra từ khe suối mời du khách thưởng thức. Trải nghiệm này cũng rất thú vị đối với lữ khách phương xa về thăm phố nhỏ.

Nhà ông Puih Alik được chọn là mô hình mẫu cho du khách đến trải nghiệm các hoạt động cộng đồng tại làng. Tại đây, chúng tôi được tận mắt xem ông Puih Jiâo (68 tuổi) cùng ông Puih Joch (67 tuổi) đan những chiếc gùi nhỏ xinh. Bên hiên nhà, chị Siu H’Mai (42 tuổi) dệt chiếc váy bằng sợi chỉ len trên chiếc khung cửi bằng gỗ đã tô điểm cho bức tranh làng quê thêm phần huyền hoặc và sinh động.

Chị Siu H’Mai (42 tuổi) dệt chiếc váy bằng sợi chỉ len trên chiếc khung cửi

Sau hành trình khám phá, du khách nghỉ ngơi, được thưởng thức những món ăn đặc trưng do người dân chế biến như: gà nướng, cơm lam, lá mì, cà đắng, cá suối nướng, thịt nướng xiên… Tối đến, bên ánh lửa bập bùng giữa khoảng sân rộng, hình ảnh du khách cùng bà con nhịp nhàng điệu Xoang giữa âm thanh cồng chiêng vang vọng chắc hẳn sẽ mang đến xúc cảm khó quên về một vùng đất yên bình nơi miền xanh cao nguyên.

Anh Nguyễn Tấn Thuận - Công ty TNHH MTV Du lịch Tân Thành chia sẻ: “Hành trình trải nghiệm này thật sự rất hấp dẫn cần được lan toả và nhân rộng về một mô hình du lịch cộng đồng tiềm năng của địa phương. Các hoạt động đã giúp du khách khám phá những đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt đời thường của người Jrai ở ngôi làng trong phố, qua đó để dân làng được đón tiếp, phục vụ du khách, tạo nguồn sinh kế, tăng thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Chắc rằng trong thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ thiết kế liên tuyến, kết nối với điểm đến ấn tượng này trong hành trình khám phá phố núi Pleiku xinh đẹp”.

Bài và ảnh: VÕ THANH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025

;