Đẩy mạnh sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về đời sống, đề tài cách mạng, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay

1. Sáng tác văn học, nghệ thuật: hành trình nhận thức, khám phá và thể hiện về đời sống

Các nhà nghiên cứu mỹ học mác xít khẳng định: văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, phản ánh tồn tại xã hội - cơ sở làm nảy sinh ra nó. Tác phẩm là sự hình dung, tưởng tượng, hư cấu của người nghệ sĩ về thế giới xung quanh. Vì vậy, văn học, nghệ thuật chính là hình ảnh chủ quan của tác giả về đời sống xã hội và con người.

Văn học, nghệ thuật không phải là sản phẩm của “ý chí thượng đẳng” của thần thánh hoặc “tinh thần tuyệt đối” của ý thức chủ quan con người như các nhà triết học và mỹ học duy tâm từng quan niệm một cách phiến diện. Cũng như hệ tư tưởng chính trị, ý thức pháp quyền, khoa học, triết học, tôn giáo, văn học có đối tượng riêng, có đặc trưng riêng khi phản ánh khái quát, đánh giá đời sống hiện thực và con người.

Phản ánh luận Lênin từng nêu rõ: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan” (1).

Theo Lênin, nhận thức của con người là một quá trình ngày càng đi sâu vào khám phá thế giới khách quan, chứ không thể nhận thức một cách đầy đủ ngay được. Nhận thức bao giờ cũng là một quá trình biện chứng, có sự năng động, không phải là sự phản ánh đơn giản, mà có xu hướng ngày càng đi vào bản chất của sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Ý thức xã hội của con người sẽ dần dần được hình thành qua mọi sự tri giác về đời sống hiện thực. Các giác quan của con người liên tục tiếp nhận, “sao in”, “chụp hình” và “nhào nặn” vô vàn các tư liệu cuộc sống và sau cùng là đối chiếu, so sánh lại kết quả phản ánh với sự thật vốn có. Vì vậy, ý thức xã hội chính là sự phản ánh về thế giới khách quan, vừa cụ thể, vừa tổng hợp khái quát vào não bộ con người và in dấu ấn chủ quan của mỗi cá nhân con người.

Tổng hợp lại, khi tiếp cận nội dung cơ bản của Phản ánh luận Lênin, ta thấy bao gồm ba vấn đề then chốt như sau:

Thứ nhất, về nguồn gốc của nhận thức: bản chất của thế giới là vật chất, tồn tại một cách khách quan độc lập ngoài ý thức của con người. Ý thức là cái có sau và do vật chất quyết định, là sản phẩm, là phản ánh của vật chất.

Thứ hai, về khả năng của nhận thức: ý thức là cái có sau nhưng hoàn toàn có khả năng phản ánh được vật chất, thế giới khách quan bên ngoài. Chỉ có những vật chưa biết, chứ không hề có sự vật không thể biết.

Thứ ba, về tính chất của quá trình nhận thức: mặc dù có khả năng nhận thức được thế giới khách quan, nhưng đó là ý thức nói chung của cả loài người và trong trường kỳ lịch sử. Nhưng nếu xét từng cá nhân và từng giai đoạn thì nhận thức luôn luôn mang tính chất mâu thuẫn đấu tranh giữa cái đúng với cái sai, nhằm mục đích tiếp cận cho bằng được chân lý.

Tuy nhiên, cũng theo Lênin thì ý thức con người không phải chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan. Văn học, nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội phản ánh thực tại khách quan. Trong Bút ký triết học, Lênin khẳng định: “Khi trí tuệ (của con người) tiếp xúc với vật cá thể, từ đó rút ra một hình ảnh (một khái niệm), đó không phải là một hành vi giản đơn, trực tiếp, chết, không phải phản ánh trong một cái gương, mà là một hành vi phức tạp, có hai mặt khúc khuỷu - một hành vi bao hàm khả năng của ảo tưởng bay ra khỏi cuộc sống, và hơn thế nó còn bao hàm khả năng của một sự chuyển biến (không thấy được, mà người ta không có ý thức về nó) của khái niệm trừu tượng, của ý niệm thành một ảo tưởng...” (2). Vận dụng vào văn học, nghệ thuật, Lênin cho rằng tác phẩm văn học, nghệ thuật là hình ảnh chủ quan (của nghệ sĩ) về thế giới khách quan. Tác phẩm nghệ thuật là sự phản ánh đời sống thông qua con mắt nhận thức của tác giả (gồm thế giới quan, nhân sinh quan, vốn sống, thái độ đối với đời sống hiện thực). Đó là sự phản ánh có tính thẩm mỹ nghệ thuật, thể hiện tư tưởng tình cảm, khát vọng và tài năng sáng tạo của nhà nghệ sĩ. Tuy nhiên, nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật luôn luôn chịu sự tác động của tồn tại xã hội, bao gồm những yếu tố thời đại, hoàn cảnh lịch sử, xã hội cũng như điều kiện tự nhiên chi phối đến văn học, nghệ thuật.

Những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị sẽ tạo ra những cơn địa chấn tinh thần của nhân loại, xây dựng những thế hệ con người của một thời đại. Ví dụ như: tiểu thuyết Người mẹ của M.Gorki đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng Nga năm 1905. Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của N. Ôxtơrốpxki đã chi phối mạnh mẽ đến một thế hệ thanh niên Xô viết dũng cảm trong cuộc chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân Liên Xô và cũng là cuốn sách có ảnh hưởng rất lớn đến cả một thế hệ thanh niên Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống chống Mỹ như: Nguyễn Văn Trỗi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Bảy, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Vũ Xuân Thiều, Phạm Tuân…

Với sức mạnh cảm hóa, giáo dục đặc biệt, tác phẩm có giá trị sẽ mang sứ mệnh và trách nhiệm cao cả đối với nhân loại, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và con người thông qua các chức năng xã hội của văn học, nghệ thuật. Rõ ràng, Phản ánh luận Lênin đã đưa văn học, nghệ thuật trở về với hiện thực cuộc sống, coi đây là mối liên hệ không thể tách rời. Trên thực tế, văn học, nghệ thuật luôn luôn gắn bó với đời sống xã hội. Nếu từ bỏ mối quan hệ này, văn học, nghệ thuật sẽ dễ trở nên viển vông, vô nghĩa, xa xôi bí ẩn, gây ra sự khó hiểu khôn cùng.

2. Kiến tạo giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật từ cội nguồn đời sống cách mạng, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước

 Lịch sử văn học, nghệ thuật nhân loại hàng ngàn năm cho thấy: giá trị của một tác phẩm thường được đánh giá bằng chiều cao của lý tưởng xã hội thẩm mỹ và chất lượng của sự phản ánh nghệ thuật do nghệ sĩ thể hiện. Tác phẩm văn học, nghệ thuật chỉ có giá trị khi nó chuyển tải thông điệp tư tưởng nghệ thuật cao quý nhân văn của tác giả nói riêng, của thời đại nói chung trong sự đón nhận của đông đảo công chúng.

Vậy, tư tưởng và tư tưởng nghệ thuật nên được hiểu như thế nào? Trước hết, tư tưởng là sản phẩm trí tuệ của con người nghiêng nhiều về mặt lý trí. Tư tưởng thường gắn với các quan niệm triết học nhân sinh bao hàm sự đánh giá thế giới xung quanh, thể hiện quan điểm, thái độ của con người đối với tự nhiên, xã hội và con người. Rất nhiều thế kỷ, người ta thường thể hiện tư tưởng thông qua sự giải thích, đánh giá thế giới bằng các quan điểm triết học, chính trị, xã hội.

Trong đời sống tinh thần nhân loại luôn luôn có sự song hành, gắn kết và tác động qua lại giữa tư tưởng và tình cảm. Tư tưởng nghệ thuật bao hàm các ý niệm, ý nghĩ có tính thẩm mỹ và các quan niệm nghệ thuật nhằm bộc lộ thái độ đánh giá của nghệ sĩ về đời sống hiện thực. Tư tưởng nghệ thuật gắn bó chặt chẽ với tư tưởng triết học, tư tưởng chính trị xã hội của nghệ sĩ. Tư tưởng nghệ thuật thường xuyên được triển khai thông qua thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Tư tưởng nghệ thuật thấm đẫm và nhuần nhuyễn quan điểm mỹ học của nghệ sĩ. Lịch sử nghệ thuật là quá trình phát triển các quan niệm về cái đẹp. Quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh luôn luôn khẳng định cái đẹp chính là cuộc sống con người. Cái đẹp đó vừa phi thường lại vừa giản dị, đồng thời phải là cái hữu ích đối với cuộc sống nhân loại.

Quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật chủ trương đi tìm cái đẹp duy mỹ một cách cực đoan, không vụ lợi, xóa nhòa ranh giới giữa cái thiệncái ác, giữa cái cao thượngcái thấp hèn. Đó là quan niệm duy mỹ thuần túy, chủ trương tôn vinh “cái đẹp nghệ thuật vị nghệ thuật” đối lập với cái hữu ích, nghĩa là có thể “cái đẹp nghệ thuật vị nghệ thuật” đó không phù hợp với cuộc sống trần thế nhưng vẫn được đánh giá là đạt “chuẩn thẩm mỹ” (!?). Ngày nay trên thế giới, vẫn có những văn nghệ sĩ duy trì quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật như câu chuyện xưa cũ của các trường phái lãng mạn, tượng trưng, siêu thực TK XX. Đó là các quan niệm duy tâm siêu hình gắn nghệ thuật với tín ngưỡng và tôn giáo, đưa người ta vào những thế giới kỳ ảo, thần bí, rắc rối và phản cảm, phản thẩm mỹ đối với số đông công chúng trong một cộng đồng xã hội.

Trên thực tế, quan điểm nghệ thuật bao giờ cũng thể hiện đẳng cấp và trình độ của nghệ sĩ và tác phẩm. Quan điểm nghệ thuật sẽ chi phối toàn bộ thế giới hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Để có tư tưởng nghệ thuật chân chính, người nghệ sĩ phải có quan điểm triết học khoa học, duy vật, tiến bộ, vị nhân sinh. Hơn bao giờ hết, chỉ khi nào nhìn nhận đánh giá đời sống một cách khoa học chính xác và công tâm bằng quan điểm triết học khoa học tiến bộ thì người nghệ sĩ mới có cơ sở để đưa ra một bức tranh đời sống đảm bảo giá trị (nghĩa là nhận diện, miêu tả đúng bản chất bên trong của cuộc sống, tôn trọng giá trị khách quan, nhìn thấy sự vận động đi lên của tương lai, quyết không xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, vu khống về cuộc sống).

Nói tóm lại, tư tưởng nghệ thuật cao quý trên nền tảng Chân, Thiện, Mỹ của nghệ sĩ là cơ sở quan trọng, là quỹ đạo tinh thần trong sáng, định hướng và tạo nên giá trị cao quý cho tác phẩm văn học, nghệ thuật. Cho nên, khi bàn đến giá trị văn học, nghệ thuật là phải xem xét giá trị tư tưởng nghệ thuật. Trên cơ sở tư tưởng nghệ thuật đó mới có thể nắm bắt đầy đủ ý nghĩa thông điệp của hình tượng nghệ thuật mà nhà nghệ sĩ gửi đến cuộc đời. Theo đó, cần đánh giá những tác động và ảnh hưởng của tác phẩm đến công chúng, sự chi phối của nó đến đời sống văn hóa tinh thần nhân loại và thúc đẩy lịch sử xã hội phát triển ra sao.

Vậy, giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật thường sẽ bị chi phối bởi những yếu tố nào? Trở lên với những quan niệm mỹ học mác xít, chúng ta thấy văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, thuộc kiến trúc thượng tầng, bị chi phối bởi cơ sở kinh tế. Chủ thể sáng tạo và thưởng thức tiếp nhận văn học là con người. Mà con người là sản phẩm của thời đại trong sự tác động của các yếu tố triết học, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, đạo đức lối sống... Nói cách khác, văn học, nghệ thuật luôn tồn tại gắn bó với con người, gắn bó với cơ sở kinh tế, bị chi phối bởi kinh tế, văn hóa, xã hội. Giá trị của tác phẩm thường được kiểm chứng theo độ lùi thời gian. Cho nên không nên tùy tiện, vội vã đánh giá giá trị những tác phẩm nghệ thuật mới.

Giá trị của tác phẩm được soi chiếu bởi con mắt thời đại, thậm chí là con mắt đánh giá của nhiều thế kỷ. Thực tế cho thấy giá trị tác phẩm được xác lập trên hai phương diện: Một là, bản thân tác phẩm được xây dựng theo thiết kế của tác giả, mà bản thiết kế ấy được chi phối bởi tư tưởng nghệ thuật, bởi quan niệm thẩm mỹ và tài năng của chính người nghệ sĩ. Hai là, sau khi tác phẩm ra đời sẽ mang những ý nghĩa xã hội khách quan mới rộng hơn, thậm chí nằm ngoài tầm kiểm soát của tác giả. Ý nghĩa khách quan này còn tiếp tục thay đổi theo thời gian, tùy cách nhìn nhận đánh giá của đương thời và hậu thế, trong nước và ngoài nước.

Như vậy, giá trị là một phạm trù tương đối, mang tính thời đại, lịch sử và xã hội. Giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật không nằm ngoài quy luật đó. Biến đổi giá trị tác phẩm là một hiện tượng tất yếu khi thời đại chuyển động, phát triển nhanh chóng. Khi cơ sở kinh tế, xã hội thay đổi thì sự biến đổi quan niệm về giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật chỉ còn là vấn đề thời gian, thời điểm diễn ra điều đó. Tác phẩm không chỉ là tượng đài văn học, nghệ thuật chói lọi, ghi công trạng cho tên tuổi tác giả mà tác phẩm còn phải nằm trong vòng tay đón đợi, yêu mến của công chúng.

Một nhân tố quan trọng có thể thúc đẩy văn học, nghệ thuật phát triển chính là những đòi hỏi mới và chính đáng của công chúng hiện đại. Không có sự thưởng thức, tiếp nhận của công chúng thì không thể phát triển văn học, nghệ thuật. Xã hội hiện đại là xã hội phân phối, tiêu thụ, tiêu dùng nghệ thuật. Ngày nay, trình độ và nhu cầu nghệ thuật của công chúng ngày càng cao và đa dạng có tác dụng kích thích văn học, nghệ thuật phát triển. Trên cả nước, một thị trường văn hóa phẩm đã và đang hình thành rất sôi động. Công tác xuất bản, in ấn, phổ biến tác phẩm hiện đại và nhanh chóng đã làm cho hình thức tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, “bắt mắt” đối với người đọc. Sự phát triển của truyền thông đại chúng đã tích cực góp phần đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng kịp thời, rộng khắp. Nhu cầu của công chúng ngày càng cao đòi hỏi văn nghệ sĩ phải đổi mới và nâng cao chất lượng phản ánh nghệ thuật trong tác phẩm.

Trong giai đoạn hiện nay, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về một Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, vì hạnh phúc của con người, hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc nhân loại… là tiêu điểm sáng ngời mà đại đa số văn nghệ sĩ hướng theo. Tuy nhiên, để có được chất lượng phản ánh nghệ thuật cao, đòi hỏi tác giả phải có tài năng nghệ thuật. Thông qua thế giới hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, tác giả trình bày tư tưởng nghệ thuật cao quý, đồng thời cũng bộc lộ khả năng, trình độ nhận thức của mình trước cuộc đời. Tư tưởng nghệ thuật của tác giả bao giờ cũng được hình thành dần dần trong thực tiễn sáng tác và bộc lộ trong tác phẩm. Tư tưởng nghệ thuật sẽ ngày càng được phát triển và hoàn thiện trong suốt cuộc đời sáng tạo của tác giả và là quỹ đạo chuyển động, làm nên giá trị tác phẩm.

3. Định hướng đẩy mạnh sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về đời sống, đề tài cách mạng, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước trong bối cảnh hiện nay

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” (3). Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả đó, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ cả nước phải luôn ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm” (4). Đó là hành động sáng tạo nghệ thuật cao cả bằng mệnh lệnh của trái tim luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, luôn luôn vì con người, vì nhân dân, cao hơn nữa là vì nhân loại. Trong bài viết Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật xứng tầm với công cuộc xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai” (5) và sáng tạo văn học nghệ thuật là để “nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống lại cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học nghệ thuật” (6).

Lịch sử hào hùng của dân tộc, đời sống cách mạng phong phú và công cuộc đổi mới hết sức sôi động của đất nước hiện nay là mảnh đất đời sống hiện thực màu mỡ nuôi dưỡng các sáng tác văn học, nghệ thuật. Đất nước ta đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới toàn diện, thực hiện chuyển đổi số, giao lưu và hội nhập với quốc tế và khu vực. Chưa bao giờ hiện thực đời sống lại có nhiều biến động như hiện nay. Biết bao nhân tố mới đang được sinh ra, và những gì cũ kỹ lạc hậu cũng đang dần phải thay đổi. Những tấm gương tiêu biểu, những điển hình mới xuất hiện từ công cuộc đổi mới có tác dụng khơi nguồn sáng tạo. Người nghệ sĩ có thể tìm thấy nhiều cảm hứng thật sự từ cuộc sống trên đất nước để sáng tạo nên tác phẩm có giá trị. Thêm nữa, đất nước ta có một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, nhiều thế hệ giàu nhiệt tình, tâm huyết với nghề, khát khao sáng tạo và cống hiến. Trong xu thế giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, văn học, nghệ thuật nước nhà có điều kiện học hỏi tinh hoa của nhân loại, vươn lên những trình độ hiện đại mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tổng kết thực tiễn sâu sắc về những năm đổi mới, phát triển tư duy lý luận, tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, đem hạnh phúc đến cho mọi nhà với tinh thần “quyết không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phát huy tiềm năng của văn nghệ sĩ, khuyến khích sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật là những nội dung quan trọng trong lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các cơ quan chức năng. Hơn bao giờ hết, các nhà lãnh đạo, quản lý cần đặc biệt chú trọng đến giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, bởi đây là ý nghĩa to lớn của văn học, nghệ thuật tác động đến cuộc đời và con người.

Người nghệ sĩ phải có đôi mắt sáng, tấm lòng trong, có thế giới quan khoa học, duy vật biện chứng, có nhân sinh quan lành mạnh khi nhìn nhận và thể hiện đời sống bằng hình tượng nghệ thuật. Chủ thể lãnh đạo, quản lý phải có con mắt tinh đời khi phát hiện và đào tạo các tài năng văn học, nghệ thuật, phải đảm bảo tự do, dân chủ trong sáng tác, coi đó là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn học, nghệ thuật và phát triển tài năng của văn nghệ sĩ.

Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần phải phát triển trên một tầm cao mới để vừa đánh giá, vừa gợi dẫn cho sự phát triển văn học, nghệ thuật, đồng thời phải có con mắt chuyên nghiệp nhà nghề khi thẩm định tác phẩm. Cần đặc biệt chú trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các loại văn học, nghệ thuật “ngoài luồng” trên không gian mạng, những “tác phẩm” dung tục đi ngược lại thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh, thị hiếu văn hóa của dân tộc, những tác phẩm có biểu tượng hai mặt tầm thường, thô thiển, những hình tượng nghệ thuật có tính ám chỉ, xúc phạm đời tư nguyên mẫu.

Cần thường xuyên theo dõi tình hình phát triển văn học, nghệ thuật, kịp thời uốn nắn những lệch lạc của văn nghệ sĩ. Tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác trên các vùng miền của đất nước. Xây dựng văn hóa phê bình văn học, nghệ thuật thật sự dân chủ khách quan, lành mạnh, tránh kiểu phê bình “chụp mũ” chủ quan, áp đặt, xã hội học dung tục. Nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật phải đồng hành cùng tác giả, chân thành giúp đỡ để văn nghệ sĩ tiếp tục hoàn thiện tác phẩm của mình.

Trong lãnh đạo quản lý phát triển văn học, nghệ thuật, cần tích cực đổi mới công tác tổ chức các giải thưởng văn học, nghệ thuật có giá trị trong nước và ngoài nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu giao lưu văn hóa ngày càng rộng mở, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ cả nước có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, học thuật, thực sự tiếp xúc, tiếp nhận và tiếp biến các giá trị văn học, nghệ thuật nhân loại đương đại, đồng thời lan tỏa các giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam trên toàn thế giới trong bối cảnh hiện nay.

_________________

1. V.I. Lênin toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.179.

2. V.I. Lênin, Bút ký triết học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr.396.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 67, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.653.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.157.

5, 6. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.324, 320.

PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

_________________

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9-2023).

;