1. Thiên nhiên gắn liền với những trò chơi tuổi thơ
Đối với những nhà khoa học, thế giới tự nhiên là một phạm trù to lớn và trừu tượng, nhưng trong thế giới tuổi thơ thì thiên nhiên lại là điều rất đỗi gần gũi, giản dị. Bất cứ sự vật nào cũng có thể khiến các bạn nhỏ tìm thấy niềm vui, tìm thấy nụ cười. Đơn giản có thể là những cây cỏ, nhụy hoa hay con sâu, con chuồn chuồn ớt... Chúng ta bắt gặp cậu bé Thiều, Tường dễ thương trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) của Nguyễn Nhật Ánh. Những lúc rảnh rỗi, Tường lôi con bổ củi ra chơi. Cậu có thể nằm bò ra đất cả tiếng đồng hồ để nghe tiếng gõ lịch kịch của nó. Âm thanh vui tai đó đã gãi lên trái tim cậu bé đa cảm những nốt nhạc vui vẻ, xuyến xao. Hay là trò chơi rình bắt con cúc cũng gây sự thu hút không kém đối với hai chị em Mận và Tường: “Chỗ nào con cúc vừa rúc mình, mặt đất xuất hiện một cái xoáy như miệng phễu tí hon. Phát hiện ra cái phễu đó bọn trẻ con thường bò lom khom, chúm miệng thổi nhè nhẹ cho cát bay đi” (1). Rồi những trò chơi bằng cỏ gà mà Tường và Thiều vẫn thường tỉ thí cũng thật hấp dẫn. Ngay cả những chùm nhụy phượng hồng cũng có thể hóa phép thành món đồ chơi đá gà yêu thích của trẻ nhỏ. Có lần đi hái cỏ gà, Thiều chợt thấy Tường ngồi lom khom một chỗ, bỏ bê nhiệm vụ chính là đi lấy cỏ gà. Thì ra là Tường đang dồn hết tâm trí và đội ngũ giác quan tinh nhạy của mình để say mê ngắm nhìn con sâu cuốn chiếu đang nằm co trong lòng bàn tay. Cậu còn đặc biệt yêu quý sinh vật bé nhỏ ấy và dành thiện cảm với chúng rồi khen ngợi chúng “hiền khô”. Quả đúng là: “trẻ con thôn quê là bạn của các con vật con trâu, con bò, con chó, con mèo, các loại chim chóc và các loại côn trùng” (2). Thiều có những chiếc hộp mà cậu yêu quý như là bảo bối. Đó là những hộp diêm và hộp các tông để đựng những báu vật: dế, cánh quýt, ve sầu, bọ rùa. Với Tường cũng vậy, cậu thân thiện và hồn nhiên chơi với cả kiến, chuồn chuồn, châu chấu, nhền nhện, sâu cuốn chiếu và sâu róm. Tường có thể thỏa sức vui chơi hàng tiếng đồng hồ với một con sâu róm đang ngo ngoe trên thân gỗ mục. Cậu say sưa ngắm nghía những người bạn nhỏ của mình đang vận động. Cậu yêu thương và tôn trọng quyền bình đẳng vạn vật nên trước những lời nói, hành động coi thường chúng sinh bé nhỏ thì Tường sẽ bênh vực, bảo vệ hết lòng. Đó là phản ứng rất tự nhiên của một trái tim biết trân quý vạn vật, muôn loài. “Nó bênh vực mỗi khi tôi bĩu môi vào đám bạn của nó” (3). Cách thể hiện tình yêu của Tường khảng khái, bộc trực mà thắm tình, đượm nghĩa biết bao! Chính tình cảm thánh thiện ấy khiến Tường không nỡ làm tổn hại những sinh vật bé nhỏ, luôn tìm cách chở che cho những sinh vật yếu ớt, khóc sưng cả mắt khi người bạn cóc không còn trên cõi đời... Tất cả những việc làm đó đều được khởi phát từ thiện tâm của một cậu bé mười tuổi. Biết thương yêu vạn vật thì trái tim đó nhất định sẽ luôn đập những nhịp đập yêu thương đồng loại thiết tha.
Thế giới tự nhiên là nhân chứng đã chứng kiến bao khoảnh khắc buồn vui của con người giữa những buổi trưa hè oi bức, dòng suối mát trong đã xoa dịu đi phần nào cái nóng nực của thời tiết. Không những thế, khi được ngụp mình trong thế giới tự nhiên trong trẻo, mát lành này, trẻ thơ còn được tôi luyện bản năng sinh tồn. Chúng sẽ được người mẹ, người thày, người bạn thiên nhiên rèn luyện thêm kỹ năng sống để biết tự vệ trước tai ương. Đồng thời thiên nhiên cũng là một nhân tố không thể thiếu góp phần xây dựng tình bạn đẹp. Thiên nhiên được nói đến ở đây chính là dòng suối xóm Trong - đứa con tinh thần của Nguyễn Nhật Ánh trong truyện dài Cây chuối non đi giày xanh (2017). Con suối yêu thương ấy đã hiện hữu ở đây từ bao đời nay. Nó đã bao phen chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, đã lắng nghe những tâm sự sâu kín của con người. Nó là bạn tâm giao trung thành bậc nhất của mọi thế hệ. Với mỗi người bạn sẽ có cách thể hiện tình yêu, sự thấu cảm một cách khác nhau. Với lũ trẻ tinh nghịch đang tập bơi bên bờ suối thì dòng suối ấy cũng trở nên sôi nổi, vô tư để hòa cùng những khúc nhạc cười rộn ràng, giòn tan “ba đứa kia cởi áo nhảy ùm xuống nước bơi lội tung tăng, tiếng đùa giỡn chí chóe vang động cả một khúc suối vắng” (4). Sự đùa vui của lũ trẻ làm náo nhiệt cả khúc sông vắng hay chính sự náo động của lòng người đã đánh thức được cái bản tính vui vẻ dòng suối? Một bản tính tích cực của thiên nhiên đã được kích hoạt trở lại. Dù nói và hiểu như thế nào đi chăng nữa thì dòng suối xóm Trong và con người nơi đây đã cùng nhau lớn lên nên giữa họ có một mối liên kết bền chặt như chính máu thịt của nhau vậy. Mỗi dịp Tết đến xuân về, trẻ nhỏ đều nô nức với quần áo mới, bánh kẹo, đồ ăn, nhận lì xì... Nhưng với Đăng và chúng bạn thì thú vị nhất là được rủ nhau đến nhà bạn chơi, ngồi cắn hạt dưa, nói chuyện ríu rít, chạy ra vườn, ven sông chơi suốt một ngày dài, cùng nhau ùa chạy ra vườn hái trái, bới củ về ăn... Nặn tượng cũng là một thú vui vô tận của các bạn nhỏ. Đến với trò chơi này tâm trí trẻ thơ được cơi nới đến vô cùng về khả năng sáng tạo. Chúng sẽ hình dung, tưởng tượng ra mọi điều tuyệt diệu trong thế giới tươi đẹp và màu nhiệm này. Trong mỗi sản phẩm, mỗi hình tượng mình nặn ra, chúng sẽ thổi hồn vào đó, sẽ gửi gắm bao tình yêu, ước mơ xanh, khát vọng hồng của mình vào đó. Tất cả đều được kết đọng trong từng miếng đất sét, từng động tác nhào nặn, tỉa tót, tạo hình. Kỷ niệm Đăng, Thắm cùng chú tiểu Khôi đi kiếm tìm đất sét để nặn tượng sẽ còn lưu dấu mãi trong nhật ký tuổi thơ tươi đẹp.
2. Thế giới tự nhiên với nhiều điều bí mật để khám phá
Sự tò mò về con ma cọp, công chúa đã khiến cặp giò của Thiều tiếp tục khua về phía trước mà quên đi nỗi lo sợ về con cọp thành tinh, không còn một chút ý nghĩ gì về miền đất ma quỷ hoành hành. Lần đầu tiên đặt chân lên đỉnh đồi Cỏ Úa nên cảnh vật ở đây cũng hoàn toàn khác lạ với Thiều. Trong thế giới quan của cậu bé mười ba tuổi này thì nơi đây là lãnh địa của ma quỷ, yêu tinh. Những hình ảnh đó hiện ra trong lời kể của những câu chuyện mà chú Đàn và mọi người vẫn thường đồn thổi. Hiện ra trước mắt Thiều lúc này không phải là những bãi cỏ mênh mông của nghĩa trang mà cậu vẫn thường gặp ở sau nhà mình mà đó là đồi cỏ hoang vu, quạnh quẽ. Không gian u tịch, hiu quạnh của nó khiến Thiều có cảm giác gây gây, sốt sốt. Đây là cảm nhận rất chân thật của một đứa trẻ “chúa sợ ma” lần đầu tiên đặt chân đến “lãnh thổ của ma tộc”. Khung cảnh âm u, cô quạnh như cái muỗng khuấy động vào tính tò mò, thích khám phá của Thiều. “Khung cảnh trơ trụi với những vạt cỏ cháy khô, xen lẫn màu xanh thưa thớt của những bụi chà là nhọn hoắc” (5). Thiên nhiên nơi đây đã tạc khắc về một một cuộc sống mà ở đó mùi vị chủ đạo là mùi vị của những “vạt cỏ cháy khô” hay cũng chính là mùi vị của những khổ đau, nghèo khó. Óc quan sát tinh tế, tỉ mỉ của Thiều cũng đã tìm ra và gọi tên được điểm đặc trưng của thiên nhiên, cảnh vật nơi đây. Với Thiều, thiên nhiên nơi làng quê nghèo này đã là một phần tâm hồn, tự bao giờ đã âm thầm thấm chảy vào trong từng mạch máu, huyết quản của cậu. Vì thế, mỗi đặc điểm của thiên nhiên đều được Thiều đóng đanh vào lòng để rồi chỉ cần một sự thay đổi nhỏ nhặt cậu cũng có thể nhận ra dễ dàng. Trái tim nhạy cảm, tinh tế ấy của Thiều còn cảm nhận được cả những thứ vô hình như tiếng gió và tiếng lá: “Không rõ là buồn vui nhưng người nghe là tôi cảm thấy lòng nao nao. Tôi đưa mắt lên những tàng cây chảy tràn ánh nắng” (6). Tiếng gió thổi, tiếng lá reo không biết là buồn hay vui hay cũng chính là tiếng lòng buồn vui lẫn lộn của một cậu bé vừa mới đặt chân đến mảnh đất chết để thám hiểm. Có bao cảm xúc chộn rộn lúc này khiến lòng Thiều nao nao. Vui vì đã để bàn chân của nhà trinh thám tới nơi mình muốn đến. Vui vì mình sắp vén được tấm màn bí mật của “mảnh đất thần chết” này. Xen lẫn vào đó là nỗi lo sợ vì tất cả những câu chuyện ma cọp đang sống dậy trong tâm trí, lo lắng những tai ương không đặt nổi tên ẽ bất giác đổ sập xuống đầu khiến cậu không kịp trở tay.
Bạn thiên nhiên gắn kết với những con tim non nớt nên đám trẻ con bắt gặp người bạn yêu dấu của mình trong cả những giấc mơ hay nói một cách khác thì hình bóng của thiên nhiên đã mọc rễ trong tâm thức của các bạn nhỏ nên những hình dáng quen thuộc, ngộ nghĩnh kia còn len lỏi vào cả trong tiềm thức, thậm chí là vô thức như một khát khao cháy bỏng. Điều này càng làm sống dậy khát vọng được khám phá, chinh phục, thấu hiểu thế giới tự nhiên của chúng: “Trong những giấc mơ của tôi, không chỉ có châu chấu, chuồn chuồn như những ngày thơ bé” (7). Tất cả những hình ảnh châu chấu, chuồn chuồn đều gợi lên bức tranh thiên nhiên miền quê thanh bình, yên ả. Nơi đây con người và thiên nhiên sống hòa hợp, thân thiện. Thắm và Đăng trốn cha mẹ giữa lúc trưa trời nắng chang chang để moi đất sét về nặn tượng. Việc trốn đi cho thấy những khát khao được khám phá thế giới tự nhiên luôn nung nấu trong lòng những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư và dường như những khát vọng đó ngày càng bùng cháy mạnh mẽ khi có thêm một chiến hữu có chung lý tưởng đó là chú tiểu Khôi. Chú tiểu Khôi cũng xin nhập bọn cùng, theo dự định thì chú tiểu sẽ nặn tượng Phật Di Lặc mà mình thành kính. Thắm sẽ nặn người bạn nhỏ thân thiết của mình đó là chú chó yêu quý trong nhà, còn Đăng nặn hình một con voi siêu ngộ nghĩnh. Trước những khó khăn hiểm nguy, bọn trẻ vẫn kiên trì, háo hức kiếm tìm mục tiêu. Cả ba hăm hở ra sát bờ nước, cúi người thò tay xuống đẩy bụi cỏ nửa chìm nửa nổi để tìm đất sét. Đăng nhìn thấy chú tiểu Khôi đang cầm những nắm đất dẻo trong tay mà lòng như nở hoa. Với ba bạn nhỏ thì những nắm đất dẻo kia thật quý giá biết nhường nào: “Tôi thấy trong bàn tay chú cả một bụm đất sét màu xám. Tôi bốc một nắm, Thấy dẻo ơi là dẻo. Đất này mà nặn tượng thì mê tơi” (8). Từ “mê tơi” đã trực tiếp nói hộ cảm giác sung sướng, hạnh phúc của Đăng lúc này. Sự tinh tế khi cảm nhận độ dẻo của đất qua xúc giác, qua thị giác càng làm nổi rõ tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương của những trái tim đa cảm. Hòa chung với niềm vui khôn xiết của Đăng, Khôi thì Thắm cũng reo mừng “nhảy tưng tưng” và sẵn sàng cùng các bạn moi đất sét. Niềm vui vỡ òa đã bộc bộc phát ra ngoài qua hành động hồn nhiên của một cô gái đang tràn ngập tuổi xuân. Chỉ với một bụm đất sét thôi mà cả thảy đều reo mừng như mình vừa có được một phát minh khoa học quan trọng vậy! Niềm yêu thích khám phá đang ươm mầm những hạt giống vàng cho những nhà khoa học vĩ đại trong tương lai.
3. Thiên nhiên góp phần điểm tô cho vẻ đẹp con người
Khi được bao bọc trong thế giới tự nhiên, ta không chỉ được hít thở một bầu không khí trong lành, không chỉ để trái tim mình ngân rung, hòa cùng nhịp đập, hơi thở của vạn vật, tâm hồn ta cũng được gọt rửa, thanh lọc để trở nên đẹp đến trong ngần mà ngay cả diện mạo con người cũng trở nên đẹp lung linh dưới ánh nắng chói lọi của mặt trời. Vẻ đẹp trong trẻo của thiên nhiên như ánh nắng vàng óng ả chảy tràn trên các nhành cây, lớp cỏ xanh mềm nơi nghĩa trang cũng góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của công chúa Nhi. “Một nàng công chúa xinh đẹp đột ngột hiện ra từ đâu đó giữa nghĩa trang và đang chạy như bay về phía nhà tôi trên đôi hài nhỏ nhắn. Trông như cô đang lướt đi trên cỏ, những tua ren kim tuyến trên tay áo và chuỗi ngọc trên cổ lấp lánh trong nắng mai nhìn từ xa tựa như những ngôi sao đang di chuyển giữa ban ngày” (9). Vẻ đẹp vừa hiện thực vừa huyền ảo đã đưa trí tưởng tượng của nhân vật và cả người đọc lạc vào miền cổ tích xa xăm. Ở xứ sở thần tiên đó toàn là những chuyện diệu kì, toàn những điều tuyệt đẹp như: chuyện công chúa và hoàng tử. Mà viễn cảnh đang nhảy múa trước mắt Thiều lúc này là một điều rất thật. Một cô công chúa đang chạy nhảy tung tăng với đôi hài nhỏ nhắn và chiếc váy kim tuyến thật đẹp. Ánh nắng cũng muốn nô đùa cùng sắc đẹp rực rỡ của công chúa nên đã để cho những tia nắng dát đủ các sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng... trên những sợi kim tuyến khiến chiếc váy trở nên lộng lẫy. Ngay cả những hạt ngọc cũng đang cùng nắng nhảy vũ điệu sôi động trên cổ công chúa và phát ra ánh sáng lấp lánh tựa những ngôi sao đang di chuyển trên mặt đất. Cảnh tượng đẹp lãng mạn và nên thơ đó đã được Thiều chụp gọn vào trái tim nhạy cảm của mình. Khi những bó hoa dại nhiều màu sắc ngoan ngoãn nằm trên tay công chúa cũng tôn thêm vẻ đẹp thuần khiết của con người và cảnh vật. Công chúa cũng trao gửi tình yêu tha thiết của mình với người bạn thiên nhiên qua thái độ nâng niu, yêu chiều từng nhành hoa chiếc lá. “Điểm sinh động duy nhất mà tôi nhìn thấy là nàng công chúa đang dạo bước giữa những hàng cây thưa” (10). Hai từ “dạo bước” nói lên tâm thế an nhiên, hạnh phúc, vô ưu của một tâm hồn trong trẻo như nước suối đầu nguồn và như muốn nói rằng: Khi con người và thiên nhiên sinh sống hòa hợp với nhau thì cuộc đời thật yên bình biết bao!
Khi lòng người đang chất ngất những nỗi buồn thì thiên nhiên lại sẵn sàng dang rộng vòng tay của mình để vỗ về, an ủi những trái tim mong manh, vỡ vụn. Và khi được ở trong chiếc nôi yên bình của thiên nhiên, lòng người thấy an yên, nhẹ nhõm đến lạ: “Tôi đi thơ thẩn giữa cánh đồng li ti hoa dại, thấy lòng từ từ dịu lại. Có cảm giác những cánh bướm chập chờn chung quanh đã cõng nỗi buồn của tôi đem đi đâu xa lắm” (11). Những bông hoa dại đang xoa dịu, chữa lành những vết thương lòng đang rỉ máu của Đăng. Nhìn thấy sức sống kiên cường của nó, Đăng như được cổ vũ phải mạnh mẽ lên, vượt qua đau thương và tiếp tục nhìn về phía trước. Những cánh bướm “chập chờn” trong nắng cũng như khích lệ anh bạn hãy lạc quan lên nhé! Quả nhiên linh nghiệm, trong phút chốc Đăng không còn bị giam cầm trong hố biển âu sầu nữa mà tâm trạng phấn chấn với dòng hoài niệm thênh thang. Đăng nhớ về những khoảnh khắc vui cùng Thắm bên bờ suối. Bất giác làm sống lại cảm xúc hạnh phúc pha lẫn chút ngượng ngùng khi dạy Thắm tập bơi. Hay làm đầy bể yêu thương khi nhớ về kỷ niệm hai người thong dong cùng ăn một trái ổi. Hương ổi thơm đầy nỗi vương vấn ấy sẽ theo Đăng suốt cuộc đời.
4. Thiên nhiên mang trong mình thiên chức của một nhà tiên tri
Vũ trụ thông báo cho con người những thông tin về thời tiết bằng cách thức của riêng mình. Cu Cậu mà Tường rất mực yêu quý luôn có dự cảm chính xác về sự thay đổi của thời tiết nên hễ “Đêm nào Cu Cậu nghiến răng ken két dưới gầm giường, sáng hôm sau thế nào trời cũng mưa” (12). Cu Cậu đưa đến những thông tin chính xác như vậy nên nó chẳng khác nào một chuyên gia khí tượng thủy văn cả. Ở một nơi xa, cơn mưa như nghe rõ tiếng gọi của Cu Cậu nên hôm sau chúng đã kéo mây đen về rồi nhanh chóng thả những hạt mưa xuống. Những hạt mưa thi nhau nhảy múa với tốc độ nhanh dần, nhanh dần. Tiếng mưa rơi tí tách rồi rào rào cũng đánh động những người bạn thiên nhiên khác nên kế theo đó là những chú mối mũm mĩm với những đôi cánh mỏng tang ồ ạt theo về. Khi ấy, Tường, Thiều và Cu Cậu có một màn tắm mưa thật vui nhộn, sảng khoái. Ve kêu râm ran đón gọi hè sang. Anh em Tường cũng thích thú bước vào hè với trò chơi con trẻ là bắt ve sầu. Thế rồi quả cầu lửa của chị hè oi ả cũng nhanh chóng nhường ghế cho quả cầu trăng hiền hòa của chị thu êm dịu: “Cỏ dưới chân nó xanh biêng biếc nhưng ánh mắt tôi vẫn bắt gặp những cánh hoa vàng li ti đang kín đáo nở trong nách lá và điều đó cho tôi cảm giác rằng mùa hè khắc nghiệt sắp sửa trôi qua” (13). Sự dự báo của hoa vàng trên liếp cỏ xanh khiến Thiều như thấy được từng bước đi lặng lẽ, âm thầm và khắc nghiệt của thời gian. Chúng sẽ tạm xa mùa hè oi ả, tạm xa những chùm phượng hồng, những bản đàn ve để chào đón ánh nắng thu vàng dịu và một năm học mới cũng bắt đầu. Thiên nhiên trong mắt trẻ thơ cũng là một lực lượng dự báo thiên tai. Những ngày bão nổi, những ngày lũ về cũng được mẹ thiên nhiên dự báo bằng những dấu hiệu rất riêng mà chỉ những người bạn thân thiết luôn biết lắng nghe và thấu hiểu mới đọc được. “Ngoài trời mây đen xuống thấp gần chạm nóc ngôi nhà thờ duy nhất trong làng. Gió đong đầy hơi nước, báo hiệu lũ sắp về” (14). Đoạn văn miêu tả thiên nhiên như một thước phim sắc nét. Ở đó, người đọc như nhìn thấy các sự vật đang chuyển động, thậm chí như nghe thấy cả những bước chân thần tốc của mãnh thú. Sự vật này vừa xuất hiện thì ngay lập tức mời gọi sự vật kia tiếp ứng để sự việc được diễn ra thật khẩn trương, mau lẹ. Cảm nhận tinh nhạy nơi các giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác của con người đã mở được mọi mật ngữ của tự nhiên. “Làng tôi lũ tháng bẩy, tháng mười, năm nay ve sầu vừa kéo đàn mà trời đã muốn sa mưa” (15). Lũ năm nay đã về sớm hơn so với những năm trước đó. Sự ghé thăm đột ngột, bất thường này của mưa lũ khiến người dân trong làng trở tay không kịp. “Mây tụ lại từng bầy như đội quân đang điểm binh, mây kéo về tập hợp mỗi ngày một dày, chậm rãi nhưng quyết liệt và khi đã giăng kín bầu trời với lượng nước ước chừng có thể làm trôi cả ngôi làng, mưa bắt đầu rơi” (16). Mưa lũ kéo về đem theo cả những hạt mầm đau thương và gieo rắc khắp nơi sự đói nghèo, li tán. Trước sức uy hiếp thần tốc của thiên nhiên thì con người phải chịu nhiều tổn thất nặng nề cả về vật chất và tinh thần.
Cũng giống như bao đứa trẻ khác, Đăng rất yêu thích mùa hè. Không chỉ vì mùa hè giúp Đăng gác lại chuyện sách vở học hành và mở ra cả thế giới trò chơi sảng khoái mà còn vì một nguyên cớ nữa đó là mùa hè khiến tình bạn giữa Đăng và Thắm càng gắn bó khăng khít hơn nữa. Vì thế những bước chân nhẹ nhàng của chị hè cũng được Đăng nhận diện một cách dễ dàng không chỉ bởi những tín hiệu quen thuộc mà còn bởi trong lòng Đăng đang đầy thổn thức, háo hức và chờ mong: “Khác với mùa hè mùa thu rón rén, bao giờ mùa hè cũng về với những bước chân rộn ràng. Cây phượng trước sân trường tôi và cây phượng trước sân chùa Giác Nguyên thi nhau nở hoa đỏ thắm mấy hôm nay” (17). Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của Đăng thấy rõ mồn một bước chân của thời gian, hiểu rõ đặc điểm, tính cách của từng mùa. Mùa thu bước chân “rón rén”, chùng chình giống như bản tính thong dong, dịu dàng, nhẹ nhàng của nàng thu hiền dịu còn mùa hè nóng bỏng, sôi nổi sẽ được bộc lộ cùng với bước chân “rộn ràng”, sôi động. Có thể nói, sự đồng điệu của hai tâm hồn đã đưa những cảm nhận của Đăng theo sát từng nhịp thở của vạn vật. Hay nói cách khác, đây cũng là biểu hiện của sự tôn trọng thế giới tự nhiên của con người. Câu văn sinh động và hấp dẫn người đọc bởi tài năng nhân hóa của nhà văn. Một phạm trù thiên nhiên là mùa thu, mùa hạ vốn trừu tượng, vô hình, vô ảnh nhưng dưới tuyệt bút tràn đầy một tình yêu bao la, sự tôn trọng tuyệt đối với tạo hóa thì bỗng trở nên hữu hình, hữu ảnh và còn có cả diện mạo, tâm hồn, tính cách như con người. Những chùm hoa phượng thi nhau nở hoa đỏ thắm một góc trời. Tín hiệu mùa hè không chỉ được đánh thức qua bước chân vội vã của chị hè, những cánh phượng hồng trong nắng dệt thơ, sắc màu vàng tươi giòn tan của nắng mà còn là âm thanh của những chú ve sầu đam mê với sở thích chơi đàn: “Trên những ngọn cây cao hai bên bờ suối, tiếng ve đã bắt đầu râm ran. Và trên cánh đồng dẫn vô con suối xóm Trong, cỏ khô đi dưới cái nắng như thiêu, rủ nhau chuyển sang màu rơm rạ” (18). Bức tranh thiên nhiên mùa hè được chạm khắc rất tỉ mỉ, tinh tế, sinh động. Chàng trai mới lớn đã căng mở mọi giác quan của mình để thu vào tâm trí mình những vẻ đẹp của tạo hóa, lắng nghe và cảm nhận hồn cốt vạn vật. Bức tranh thiên nhiên được thêu dệt bằng thị giác, xúc giác, thính giác và cả tâm hồn rạo rực, xôn xao của một trái tim say đắm. Nét bút nhân hóa tài hoa, mềm mại của Nguyễn Nhật Ánh đã hô biến thiên nhiên thành một nhân vật sống động. Sẽ rất nhanh thôi là sang với bầu trời thu xanh ngắt và bước vào mùa tựu trường. Khi ấy, Đăng sẽ lại được gặp cây chuối non sau bao ngày xa nhớ: “Tôi thấy bớt nhớ nhỏ Thắm hơn một chút trong những tiếng ve đã bắt đầu thưa thớt và một buổi sáng thức dậy tôi ngỡ ngàng nhận ra dàn đồng ca trên những nhánh cây cao đã biến thành song ca rồi đơn ca, rồi đến một ngày chú ve cuối cùng xếp lại chiếc vĩ cầm mỏng manh để lặng lẽ giã từ mùa hạ” (19). Âm lượng của tiếng đàn ve cứ giảm dần, thưa dần đều theo nhịp bước thời gian: dàn đồng ca đông vui đã nhường sân khấu cho tiết mục song ca, đơn ca, rồi ngay cả tiếng ve cuối cùng cũng tắt tiếng, bặt âm. Đó là lúc mùa hè kết thúc và bánh xe thời gian đang dần lăn về phía mấy tầng cao để mở cánh cổng chào thu. Đăng là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này cùng với đó là sự tinh tế trong cảm nhận của đôi mắt tinh tường, đôi tai sắc bén và con tim nhạy cảm nên chỉ cần chú tâm quan sát thấy sắc màu, dáng hình của vạn vật hữu linh là cậu biết ngay những lời thì thầm của chúng: “Quê tôi bắt đầu vào mùa mưa, cỏ lên xanh rờn dọc lối đi. Nắng chiều hửng lên cuối chân trời và trên cao mây tụ thành bầy, trông như hàng nghìn cánh cò chen chúc” (20). Bằng lối quan sát tỉ mỉ và điểm nhìn từ thấp lên cao, từ gần đến xa, Nguyễn Nhật Ánh đã tái dựng thành công bức họa đồng quê tuyệt đẹp.
Qua những áng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cho độc giả thấy được mối quan hệ sâu rộng giữa thiên nhiên và con người. Điều này đã khiến cuộc sống có thêm những gam màu thi vị, những bản tình ca du dương, chốn nương náu yên bình và cả những con tim được tươi mới trở lại. Khi cảm nhận được sự thân thiện, hòa hợp với vạn vật thì con người sẽ càng nâng niu, trân trọng cuộc sống này hơn dẫu đó chỉ là những điều giản dị, đơn sơ như một nhành hoa, một ngọn cỏ, một cánh chim trời... Chúng ta càng ý thức được trách nhiệm bảo vệ thế giới tự nhiên, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta và trái tim nhân ái cũng trở nên bao la hơn!.
_______________
1, 2, 3, 5, 6, 9, 10, 12, 13, 14, 15, 16. Nguyễn Nhật Ánh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2023, tr.216, 102, 102, 319, 340, 315, 319, 62, 373, 235, 235, 235.
4, 7, 8, 11, 17, 18, 19, 20. Nguyễn Nhật Ánh, Cây chuối non đi giày xanh, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2018, tr.51, 176, 41, 173, 77,77, 148, 173.
ĐOÀN THỊ DIÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023