Hình tượng thiên nhiên trong truyện ngắn cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1975

Trong thế giới hình tượng nghệ thuật của truyện ngắn cách mạng Việt Nam những năm chiến tranh, bên cạnh những con người anh dũng kiên cường trong lao động và chiến đấu, không thể không đề cập tới hình tượng thiên nhiên với tư cách là một trong những yếu tố cấu thành nên nét đặc biệt riêng của thể loại này ở giai đoạn 30 năm sau Cách mạng Tháng Tám. Bài viết phân tích, làm rõ những ý nghĩa của hình tượng thiên nhiên trong truyện ngắn cách mạng giai đoạn 30 năm chiến tranh, từ đó chỉ ra ý đồ của nhà văn khi xây dựng biểu tượng và cách xử lý chất liệu để xây dựng các biểu tượng đó.

Trong rất nhiều truyện ngắn của giai đoạn 30 năm kháng chiến (1945-1975), đặc biệt ở truyện ngắn thời chống Mỹ cứu nước, thiên nhiên hiện lên trong dáng vẻ vừa đau thương, vừa ngoan cường. Có thể thấy, thiên nhiên trong truyện ngắn thuộc giai đoạn lịch sử đặc biệt này vừa đóng vai trò là phông nền - không gian tồn tại của con người, vừa là yếu tố trong bối cảnh của sự kiện, vừa là một biểu tượng đa nghĩa, là chứng nhân của tội ác do giặc thù gây ra, biểu tượng cho đất mẹ thiêng liêng che chở, bao bọc con người, biểu tượng cho sức sống và khí phách của con người Việt Nam và là biểu tượng cho tinh thần lạc quan, tin tưởng, hướng về tương lai của dân tộc.

1. Thiên nhiên là chứng nhân của tội ác giặc thù

Trước hết, truyện ngắn giai đoạn 1945-1975 đã dùng hình tượng thiên nhiên để nói lên nỗi đau thương, mất mát của con người Việt Nam trong chiến tranh. Hình tượng thiên nhiên trong nhiều truyện ngắn đã hiện lên như chứng nhân của tội ác mà giặc xâm lăng gây ra đối với đất nước này. Để thiên nhiên trở thành biểu tượng cho nỗi đau con người, để độc giả nhận ra và giải mã được biểu tượng đó, các nhà văn đã chú ý sử dụng các biện pháp nhân hóa khi miêu tả thiên nhiên, qua đó, thiên nhiên bị tàn phá hiện lên với cảm giác thật đau đớn. Ở Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành mô tả: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn” (1). Các từ ngữ: “vết thương”, “cục máu lớn”, “loét mãi ra”, “chết”... khiến người tiếp nhận thấy được đó là nỗi đau của con người. Nhà văn đã mang nỗi đau của con người để biểu đạt cho nỗi đau của cây. Những cây xà nu bị thương, bị chết cứ ám ảnh gợi nhắc những con người đã ngã xuống. Thương tích mà xà nu mang trên mình gợi cho ta nghĩ đến thương tích của mỗi người và của toàn thể dân tộc Việt Nam trong chiến tranh.

Trong Giấc mơ ông lão vườn chim (Anh Đức), hình ảnh những cánh rừng U Minh bị bom xăng đốt cháy loang lổ, rừng cháy, cây chết, rùa rắn không còn hang, cò diệc không còn tổ, những tiếng kêu lạc lõng trong đêm vừa là hiện thực, vừa như một hình ảnh tượng trưng cho số phận con người trong chiến tranh. Trong Mùa gió (Anh Đức), cả một vùng xóm làng không còn một bóng cây, không còn một mái nhà, thậm chí “không có đường trên cái xóm kỳ lạ này nữa… các miệng hố bom đìa sâu hoắm ở liền nhau san sát như chén úp,...chỉ còn một thứ cây, đó là những chà gai tre rải trên mặt đất để ngụy trang chớ không có cây sống” (2) chính là bằng chứng tội ác tận diệt của chiến tranh. Còn ở Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), đó là hình ảnh: “Sau lưng cháu là đám dừa bị chất độc hóa học mà tàu lá chỉ còn những cọng khô như những chiếc xương cá khổng lồ treo lủng lẳng” (3). Đó còn là con đường Trường Sơn găm đầy thương tích trong Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê): “Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô, khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất” (4). Qua những hình ảnh thiên nhiên như vậy, người đọc thấm thía nỗi đau thương, mất mát của con người. Tội ác kẻ thù mang đến không những để lại dấu vết trên cơ thể con người, trên bàn thờ mỗi gia đình mà còn găm trên dáng vóc thiên nhiên.

2. Thiên nhiên là người mẹ che chở, bao bọc con người

Thiên nhiên trong truyện ngắn giai đoạn 1945-1975 còn là biểu tượng cho đất mẹ thiêng liêng che chở con người. Thiên nhiên chính là nơi những đứa con Việt Nam bé nhỏ mà anh dũng nương náu, hồi sinh và dựa vào để đứng lên giết giặc. Trong Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), trước những bom đạn khốc liệt trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch, Phương Định - cô thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom, mở đường gốc Hà thành luôn khắc khoải nỗi nhớ về một không gian xanh Hà Nội như là chốn nương tựa tinh thần quý giá, giúp họ tiếp tục kiên gan, bền chí, bám trụ trên dải Trường Sơn: “Nhưng chúng tôi không cười khi đọc thư. Nghiêm trang, chúng tôi nhìn về hướng Bắc. Ở đó có Hà Nội. Chúng tôi xa đã lâu. Chúng tôi nhớ thành phố xanh. Chúng tôi quý sự yên tĩnh như kỷ niệm... không lúc nào chúng tôi không nhớ tới Hà Nội. Ở Hà Nội, tôi có một căn phòng bé, gác hai. Căn nhà của tôi cổ và sâu trong ngõ, có nhiều cây xanh. Những cây ấy cũng qua bao năm tháng rồi, dây tầm gửi leo đầy. Ban đêm, tôi ngồi lên thành cửa sổ nhìn ra những mái nhà nhấp nhô, đen thẫm và hát. Tôi hát say sưa, ầm ĩ...” (5).

Thiên nhiên còn là nơi nuôi dưỡng, vỗ về tình yêu cuộc sống, tình cảm gắn bó với quê hương cho mỗi người. Thiên nhiên ấy bao bọc, chở che, đồng hành cùng hành trình phá cũi sổ lồng thoát khỏi gông cùm nhà thống lý Pá Tra để tìm đến vùng đất cách mạng của Mị và A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài): “Hai người đi ròng rã hơn một tháng. Họ chuyền trên những triền núi cao ngất, lốm đốm nhà, thấp thoáng ruộng, đất đỏ, suối trắng tinh, trông thấy trước mặt mà đi mấy ngày chưa tới. Từ Hồng Ngài xuống qua vùng ruộng ở Mường Quài của người Thái, từ Nậm Cất sang Chống Chia, từ Chống Chia qua dốc Lùng Chùng Phủng lại trở về bờ sông Ðà phía giữa châu Phù Yên sang châu Mai Sơn, chỗ đầu mối giao thông của ngoài vùng tự do vào khu du kích của các dân tộc Thái, Dao, Mèo bên kia sông. Rồi họ về trong những làng Mông Ðỏ hẻo lánh vùng Phìa Sa. Xa lắm rồi, thống lý không đuổi được nữa... Ròng rã, ăn rau rừng, củ nâu, mộc nhĩ, vừa hết mùa mưa, tới Phìn Sa” (6). Cũng trong vòng tay mẹ thiên nhiên, tình yêu thánh thiện của Nguyệt và Lãm (Mảnh trăng cuối rừng) phát triển. Trong lòng thiên nhiên, chàng trai tên Việt (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi) được chở che, thoát khỏi những đợt đạn pháo khốc liệt mà giặc trút xuống. Cũng trong vòng tay vĩ đại của người mẹ nhân từ ấy, những người chiến sĩ rừng U Minh được bao bọc, thoát khỏi con mắt điên cuồng tàn sát của kẻ thù (Giấc mơ ông lão vườn chim - Anh Đức).

Thiên nhiên với núi rừng, sông ngòi, biển cả trên đất nước này, dù thuộc miền núi hay miền xuôi, miền Nam hay miền Bắc đều là bà mẹ vĩ đại của quân, dân cách mạng. Đó là nơi trú ngụ của muôn loài, là cánh tay che chở an toàn cho bộ đội, là đường rút cho các quân kháng chiến sau mỗi trận công đồn… Trong cuộc kháng chiến trường kỳ đuổi Pháp, đánh Mỹ hào hùng, núi rừng là điểm tựa vững chắc để quân và dân ta đánh giặc, là nơi chở che, bao bọc khiến kẻ thù phải khiếp sợ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” (Việt Bắc - Tố Hữu). Thiên nhiên đồng sức, đồng lòng cùng con người để đánh tan giặc ngoại xâm.

Khi xây dựng thiên nhiên trong ý nghĩa biểu tượng này, các nhà văn thường sử dụng bút pháp lãng mạn, khiến thiên nhiên hiện lên vừa hùng vĩ với dáng dấp người cha, vừa thơ mộng, dịu hiền như vòng tay và trái tim người mẹ. Tất cả hiện lên trong dáng vẻ yêu thương, thân thiết đến vô cùng.

3. Thiên nhiên là biểu tượng cho sức sống và khí phách con người Việt Nam

Thiên nhiên trong truyện ngắn giai đoạn 1945-1975 còn là biểu tượng cho sức sống và khí phách của con người Việt Nam. Mặc dù bị bom đạn chiến tranh dập vùi tới mức như Phùng Quán đã mô tả: “Hãy đi từ Ải Nam Quan/ Thẳng đến tận hàng dương Côn Đảo/ Nhặt lên từng hòn đất nếm xem/ Có hòn nào không hăng nồng vị máu?” (Huyệt lửa chôn chung) nhưng thiên nhiên nước Việt vẫn hồi sinh nhanh đến kỳ lạ. Và trong truyện ngắn, thiên nhiên cũng là biểu tượng cho sinh khí của dân tộc, cho sức sống bất diệt và tinh thần bất khuất của con người. Để thể hiện biểu tượng ấy, các nhà văn đã chú ý đặt mạch kể về thiên nhiên song song với mạch kể sự kiện con người, hai mạch song song soi chiếu và ánh xạ lên nhau. Ở truyện Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã lấy nỗi đau và vẻ đẹp của con người làm chuẩn mực để nói về xà nu khiến xà nu trở thành một ẩn dụ cho con người, một biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất, kiên cường: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời... Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loáng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, nhưng vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng… Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời” (7). Ngược lại, khi miêu tả con người, tác giả cũng thường so sánh với xà nu. Cụ Mết có bộ ngực “căng như một cây xà nu lớn”, tay “sần sùi như vỏ cây xà nu” (8). Cụ Mết chính là cây xà nu cổ thụ, hội tụ tất cả sức mạnh của rừng xà nu. Các thế hệ con người làng Xô Man cũng giống như các thế hệ cây xà nu. Tnú cường tráng như một cây xà nu được tôi luyện trong đau thương, đã trưởng thành mà không đại bác nào giết nổi. Dít trưởng thành trong thử thách với bản lĩnh và nghị lực phi thường cũng giống như cây xà nu phóng lên rất nhanh tiếp lấy ánh mặt trời. Cậu bé Heng là mầm xà nu đang được các thế hệ xà nu trao cho những tố chất cần thiết để sẵn sàng thay thế trong cuộc chiến cam go còn có thể phải kéo dài “năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa”. Để miêu tả sức sống thiên nhiên, cũng là sức sống của con người, các nhà văn thường sử dụng thủ pháp đối lập giữa: bị tàn phá - hồi sinh, gục ngã - vươn dậy và biện pháp tăng cấp trùng điệp. Trong Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành miêu tả: “cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên” để khẳng định khát vọng và sức sống con người thật mạnh mẽ. Trong Giấc mơ ông lão vườn chim, rừng bị bom xăng đốt cháy từng mảng, nhưng sức sống của nó thì vẫn tiềm tàng: “Xung quanh ông, rừng tràm vẫn vươn những thân trắng lốp, lá tràm vẫn xanh ngắt che rợp trên đầu” (9). Còn đây là hình ảnh trong Mùa gió (Anh Đức): “những hố bom cũ loang loáng nước bò kín rau muống, cọng non trườn tới ngóc đầu hệt những con rắn nhỏ... Ở một hố bom khác… bên trên che rợp những giàn bầu, giàn mướp, trái lớn trái nhỏ treo lòng thòng…” (10). Trong truyện Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), bên cạnh những cây dừa bị bom Mỹ đốn là: “lớp lớp đọt non vừa mới đâm lên, xa trông như một rừng gươm” (11). Những hình ảnh giàu sức gợi như vậy còn xuất hiện ở nhiều truyện ngắn khác của giai đoạn này như: Bức thư làng Mực (Nguyễn Chí Trung), Mẹ vắng nhà (Nguyễn Thi), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Một chuyện vui (Nguyễn Quang Sáng)... Tất cả đã thể hiện thông điệp rõ ràng về tinh thần tràn đầy sức sống, vượt lên tàn khốc chiến tranh của đất nước và con người Việt Nam.

4. Thiên nhiên là biểu tượng cho tinh thần lạc quan, tin tưởng, hướng về tương lai của dân tộc

Mặc dù sống trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, máu lửa, đau thương, đầy gian khổ nhưng người Việt Nam giai đoạn 30 năm kháng chiến luôn hướng về tương lai với tinh thần lạc quan, tin tưởng. Thực tế lịch sử ấy được ánh xạ trong các hình tượng văn học, thể hiện đặc biệt rõ ở tinh thần của đội ngũ công, nông, binh, trí thức. Tinh thần ấy còn lấp lánh trong hình tượng thiên nhiên mà văn học, trong đó có truyện ngắn thời kỳ này thể hiện.

Một trong những đặc điểm nổi bật của văn học cách mạng giai đoạn 1945-1975 là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Thiên nhiên trong văn học giai đoạn này (ở cả thơ và truyện) lấp lánh vẻ đẹp lãng mạn. Đây là hình ảnh thấm đẫm lãng mạn trong Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu): “Xe tôi chạy trên lớp sương bềnh bồng. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc chắn người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. Chốc chốc, tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường! Tôi vội nhìn thẳng vào đoạn đường đầy ổ gà, không dám nhìn Nguyệt lâu. Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảnh ánh trăng...” (12). Giữa chiến trường ác liệt, nơi sự sống và cái chết chỉ là ranh giới mong manh, những đêm trăng mang vẻ đẹp vừa thực, vừa ảo như vậy đã nâng đỡ, ôm ấp, làm tươi mới tâm hồn con người. Bức tranh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình ấy vừa là kết quả của thi pháp sáng tác, vừa là phẩm chất vốn có của thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp nghìn đời mà chính nhà văn Nguyễn Minh Châu từng tâm sự trong bài viết Người viết trẻ và cánh rừng già (1973): “Những ngày đi men theo dải Trường Sơn tôi ngắm đến mê say những cánh rừng khộp, một thứ cây chỉ ở phía Tây Trường Sơn mới có. Đó là một thứ cây vỏ dày bằng đốt ngón tay, sạm đen và nứt nẻ, cứng như đá, cả thân và cành tưởng vắt không có giọt nước. Trong xã hội loài cây ở rừng chả khác nào xã hội loài người, chỉ có từ ngàn đời nay có thể mọc trên những bãi đá phẳng lỳ mùa hè nóng đến nỗi không còn sống một ngọn cỏ, chỉ có lá khộp trắng lát đầy, khô cong, một chút gió nhẹ đi qua cũng đủ nổ ra tiếng động. Không hiểu sao mỗi lần đứng trước một cánh rừng khộp bao giờ tôi cũng cảm thấy nôn nao không yên trong dạ. Nền trời trên chỏm rừng trắng bợt ra và trên cái khoảng trắng bàng hoàng đó không biết cơ man nào những cây phong lan đang nở hoa, những bông hoa tím, trắng hoặc vàng đẹp một vẻ đẹp kiều diễm” (13). Trường Sơn thời chiến tranh đã bị bom đạn giặc thù hủy diệt ngàn vạn lần. Nhưng từ trong bom đạn chiến tranh, Trường Sơn vẫn sừng sững một dải, hùng vĩ kiêu hãnh với điệp trùng núi đồi ngút ngàn xanh tươi. Màu xanh của Trường Sơn là màu xanh của sự sống, của niềm tin và hy vọng.

Song song với cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, nhân dân Việt Nam còn ra sức lao động, sản xuất để xây dựng một cuộc sống mới ấm no. Họ sẵn sàng theo lời vẫy gọi của Tổ quốc yêu thương để đến những vùng đất khác, để tiếp tục lao động, chiến đấu. Hình ảnh thiên nhiên xanh tươi cũng chính là biểu tượng cho cuộc sống mới tốt lành, mang bao niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng. Đó là hình ảnh những đồi cỏ non xanh ngút ngàn trong Cỏ non (Hồ Phương) mang lại những cảm xúc tươi vui, hồ hởi, lan tỏa niềm tin vào cuộc sống mới ấm no: “Ngày hôm đó, mầm cỏ đã lấm tấm xanh khắp các ngọn đồi. Tuy chưa ăn được nhưng đàn bò cũng lộ rõ vẻ khoan khoái. Nhẫn đem sách đi nhưng chưa học được, anh vẫn còn phải chạy suốt ngày để tìm cỏ cho bò ăn. Ðêm đó trời lại mưa phùn. Ðêm hôm sau nữa lại mưa tiếp. Sáng ngày thứ ba, Nhẫn lùa đàn bò ra đi. Cả đàn bò rống lên sung sướng. Nhẫn cũng phải đứng dừng lại một bước, hai mắt sáng rực lên. Qua có mấy đêm mưa phùn mà cả khu đồi Con Cuông đã thay đổi hẳn bộ mặt. Cỏ non đã mọc tua tủa. Một màu xanh non ngọt ngào, thơm ngát, trải ra mênh mông trên khắp các sườn đồi” (14). Đó còn là hình ảnh bãi trồng lạc ở cánh đồng phía tây Hồng Cúm mênh mông trong Mùa lạc của Nguyễn Khải: “Giữa cái màu xanh lặng lẽ của lá lạc, lá cỏ nghệ và rút đồng, nổi lên một điểm vàng sẫm của mấy mảnh gianh và lá cót đan lẫn lên nhau. Đấy là nơi sinh động nhất của toàn bãi: tiếng chân đạp trên bàn gỗ rình rịch, tiếng vòng trục quay ù ù của ba cái máy tuốt lạc, tiếng bàn cào rê lạo sạo trên mình vỏ lạc thu gọn lại ở khoảng giữa. Mùi hăng của thân lạc tươi mới nhổ xếp lớp lớp trên các cáng và mùi ẩm ướt nồng nồng của những cây lạc đã tuốt đánh đống phơi mưa suốt đêm qua” (15). Bức tranh thiên nhiên tươi mới, tràn đầy sức sống trên nông trường Điện Biên ấy chuyển tải thông điệp về sự hồi sinh mạnh mẽ, thay da đổi thịt của cả đất nước và con người sau mấy chục năm trời chiến tranh tàn khốc, là tín hiệu “cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi” của đất nước, con người Việt Nam anh dũng, kiên cường.

5. Kết luận

Có thể thấy, với nguyên tắc sử thi hóa, diễn ngôn truyện ngắn đã tạo nên thế giới hình tượng có sức mạnh tuyên truyền đặc biệt mạnh mẽ. Nó khơi gợi trong mỗi người Việt Nam tình yêu và lòng căm thù, ý thức chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho non sông Tổ quốc thiêng liêng. Hình tượng thiên nhiên trong truyện ngắn giai đoạn 1945-1975 vừa kỳ vĩ, lớn lao vừa thân thương, gần gũi, mang hơi thở của cuộc đấu tranh trường kỳ chống ngoại xâm. Thiên nhiên trong truyện ngắn cách mạng lấp lánh vẻ đẹp hiện thực và lãng mạn, lãng mạn và sử thi, mang tới và củng cố ở độc giả niềm tin, tinh thần lạc quan, ý chí quật cường - những phẩm chất tinh thần cần thiết để con người đứng vững trong hoàn cảnh nghiệt ngã.

_________________

1, 7, 8, 12. Bộ Giáo dục và Đào tạo, SGK Văn học lớp 12, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.342, 342, 346, 390.

2, 9, 10. Phạm Văn Sĩ, Văn học giải phóng miền Nam, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1976, tr.271, 271, 272.

3, 11. Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Quang Sáng tuyển tập, Nxb Văn nghệ TP.HCM, TP.HCM, 2002, tr.49, 49.

4, 5. Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2016, tr.7, 25.

6. Tô Hoài, Truyện Tây Bắc, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 202, tr.219.

13. Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Minh Châu toàn tập, tập 5, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.159.

14. Hồ Phương, Truyện ngắn Hồ Phương, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006, tr.305.

15. Nguyễn Khải, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002, tr.18.

TS HOÀNG THỊ THU GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;