Tín hiệu ngôn ngữ tình yêu trong bài Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn

Hương thầm được Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác vào mùa hoa bưởi tháng 3-1969 để ghi nhớ ngày cậu em Phan Hữu Khải (1953-1972) lên đường ra trận. Ở lớp cấp III có cô bạn thầm thương trộm nhớ cậu em ấy, nhưng chính cậu không hề biết, chỉ có người chị gái tinh ý biết được điều này. Trong cuộc thi thơ năm 1969-1970 của tuần báo Văn nghệ, bài thơ Hương thầm đoạt giải Nhì. Năm 1972, trong giai đoạn cam go của chiến dịch Quảng Trị, Hương thầm được Đài Tiếng nói Việt Nam soạn thành bản ngâm phát ra tiền phương. Chiến sĩ Phan Hữu Khải vội viết thư về để báo tin cho chị rằng đã nghe bài này, nhưng bà chưa kịp hồi âm rằng đây chính là món quà bà tặng cậu em thì Phan Hữu Khải đã hy sinh tại địa phận A Lưới.

Bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn được đăng trong Việt Nam, những bài thơ phổ nhạc, Nxb Quân đội Nhân dân, năm 2000, trang 142-143. Bản phổ nhạc được in ở trang 144-145 trong cuốn sách nói trên, do nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc năm 1984. Hương thầm quen thuộc với thế hệ 8X vì bài thơ này được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông thập niên 1980.

Hương thầm là bài thơ diễn tả một mối tình thầm lặng của người thiếu nữ với chàng hàng xóm, ở cách nhau khung cửa sổ: “cửa sổ hai nhà cuối phố”, ở sau nhà có cây bưởi tỏa hương ngan ngát. Chàng trai lên đường ra trận, cô gái e lệ “giấu chùm hoa trong chiếc khăn tay” để tặng chàng trai. Khi cô gái tặng chiếc khăn tay cho chàng trai, họ “ngồi im không biết nói năng chi”, không dám nói gì “nào ai đã một lần dám nói”. Tình yêu thầm lặng của người con gái trong sáng, tinh khiết lay động lòng người, đến lúc chia tay, cô gái ấy và chàng trai ấy “vẫn chẳng nói điều gì”, chỉ có hương bưởi thơm ngan ngát lặng lẽ, âm thầm “thơm mãi bước người đi”. Bài thơ nhẹ nhàng, từng lời, từng chữ như thấm đượm vào trái tim lần đầu biết rung động của những chàng trai, cô gái ở tuổi thanh xuân tươi đẹp. Những tín hiệu ngôn ngữ trong bài thơ được xâu chuỗi với nhau, tạo nên hệ thống các từ thuộc cùng một trường từ vựng - ngữ nghĩa nhằm diễn tả chủ đề tình yêu.

Tín hiệu ngôn ngữ “hương thầm”

Tên bài thơ là Hương thầm gợi cho độc giả một sự liên tưởng tới hương vị tình yêu thầm lặng. “Hương” vốn được dùng để miêu tả hương hoa bưởi. Hoa bưởi có hương thơm dịu nhẹ, ngan ngát trong không gian mùa xuân. Vào tháng 3, khi hoa bưởi nở, người ta cảm nhận được vẻ đẹp tinh khiết của mùa xuân. “Thầm” có nghĩa là lặng lẽ, âm thầm. Hương thơm của hoa bưởi nhẹ nhàng, âm thầm lan tỏa. Hương thơm ấy, qua quá trình biểu trưng hóa của ngôn ngữ thì có tính biểu tượng. Hương thơm của hoa bưởi tượng trưng cho hương vị thanh cao của một tình yêu trong sáng, thầm lặng. “Hương thầm” là một cách kết hợp từ độc đáo, mới lạ, tạo ấn tượng và cuốn hút độc giả, tạo ra những làn sóng rung động nhẹ trong lòng người đọc khi lần đầu tiếp nhận bài thơ.

Tín hiệu ngôn ngữ “hoa bưởi” và “chiếc khăn tay”

Nói đến hoa bưởi, người Việt Nam thường nghĩ đến mùa xuân, nghĩ đến tuổi trẻ. Hoa bưởi là loài hoa được người con gái Việt Nam ngày xưa cài lên tóc cho đẹp, cho thơm. Hoa bưởi cũng được phái đẹp ở Việt Nam thời xưa dùng để nấu nước gội đầu (cùng với lá bưởi, sả, bồ kết), để làm cho tóc mượt, đen óng ả. Sau khi người con gái gội đầu bằng nước đun có hoa bưởi, hương thơm của hoa bưởi còn vấn vương trên mái tóc, thoang thoảng trong gió vị thanh mát của hương hoa. Hoa bưởi còn được người Việt Nam dùng để ướp trà; khi uống trà, người uống sẽ được thưởng thức dư vị ngọt ngào của hương bưởi dịu dàng.

Người Việt Nam cũng từng nhắc đến hoa bưởi trong bài ca dao xưa: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em đã lấy chồng anh tiếc lắm thay…”.

Trong ca dao xưa, hoa bưởi được nhắc đến như một loài hoa mà những chàng trai sẽ hái tặng cho người con gái mà họ đem lòng thầm thương, trộm nhớ. Hoa bưởi có màu trắng, hương thơm ngan ngát nên hoa bưởi tượng trưng cho tình yêu trong trắng, trong sáng, thuần khiết, ngọt ngào. Nhưng đến thời hiện đại, người hái hoa bưởi không còn là chàng trai nữa. Trong bài Hương thầm, người hái hoa bưởi là cô gái. Người tặng hoa bưởi cũng là cô gái. Chỉ riêng yếu tố đó cũng đủ làm cho người đọc cảm nhận được một sự chuyển biến lớn trong quan niệm về tình yêu của thanh niên thuộc thế hệ những năm 1970-1980 ở Việt Nam. Trong tư duy tình yêu của thanh niên thời đó đã không còn sự ràng buộc của những yếu tố xưa cũ. Hoa bưởi vẫn là loài hoa biểu trưng cho tình yêu nhưng đã được gắn với chủ thể hái hoa là cô gái. Tức là, người bày tỏ tình cảm là cô gái. Tín hiệu ngôn ngữ “hoa bưởi” được đặt trong ngữ cảnh này đã góp phần thể hiện một đặc trưng mới trong ngôn ngữ thơ: tín hiệu “hoa bưởi” góp phần vào việc thể hiện tình yêu của nữ giới, thể hiện sự chủ động trong tình yêu của những người con gái thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tuy thầm lặng nhưng có phần mạnh mẽ. Người con gái trong Hương thầm không còn mang bóng dáng của người con gái như thời kỳ phong kiến (là người nhận hoa bưởi) mà đã có dáng dấp của người con gái thời kỳ hiện đại (là người chủ động tặng hoa bưởi cho con trai để thể hiện tình yêu của mình). Có thể nói, tín hiệu ngôn ngữ “hoa bưởi” đã gắn liền với một tư duy thơ mới, gắn liền với một thời đại mới - đó là thời đại mà nữ giới dám bày tỏ tình yêu với nam giới, đã vượt lên số phận, đã tạo ra những bứt phá trong hệ tư tưởng, không còn thụ động trong tình yêu nữa. Tín hiệu ngôn ngữ “hoa bưởi” đã góp phần tạo nên một biểu tượng cho tình yêu thời hiện đại - tình yêu tự do và bình đẳng. Dù người con gái chủ động bày tỏ tình yêu bằng cách tặng hoa bưởi cho chàng trai trước khi chàng trai ra trận nhưng cách thức bày tỏ tình yêu của người con gái ấy vẫn rất tinh tế: “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay”. Dù chủ động, người con gái ấy vẫn “ngập ngừng” khi “sang nhà hàng xóm”. Người đọc cảm nhận được sự dễ thương, e lệ của cô gái khi bày tỏ tình cảm của mình thông qua hình ảnh ẩn dụ “hoa bưởi”. Hoa bưởi là hình ảnh ẩn dụ cho “con đường của tình yêu”, là thứ mà những người con trai và con gái tặng nhau khi muốn bày tỏ tình cảm.

Biện pháp nghệ thuật so sánh: “Cô gái như chùm hoa lặng lẽ” góp phần tạo nên sự liên tưởng về vẻ đẹp thuần khiết, trong trắng của cô gái với vẻ đẹp của chùm hoa mang màu sắc tình yêu - một tình yêu không lời, âm thầm, một tình yêu mà người con gái chưa một lần dám nói nhưng chùm hoa bưởi đã lặng lẽ nói giúp cô gái ấy rất nhiều. Vì thế, hoa bưởi còn tượng trưng cho tiếng nói của tình yêu, tượng trưng cho tình yêu không lời của cô gái trong bài Hương thầm.

Cùng với “hoa bưởi”, “chiếc khăn tay” cũng là một tín hiệu ngôn ngữ biểu trưng cho tình yêu. Thời xưa, khi người con gái có tình cảm với ai thì họ sẽ tặng khăn tay cho người đó. Ca dao của người dân Việt Nam có những câu gần gũi về chiếc khăn: “Em về, anh mượn khăn tay/ Gói câu tình nghĩa, lâu ngày sợ quên”. Hay: “Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai, khăn vắt lên vai”.

Chiếc khăn/ chiếc khăn tay là hình ảnh quen thuộc trong kho tàng ca dao Việt Nam. Chiếc khăn tay được người Việt xưa coi như kỷ vật, là biểu tượng cho những lời hẹn ước của những người con trai, con gái khi có tình cảm với nhau. Đến thời hiện đại, chiếc khăn tay vẫn có tính biểu trưng ấy. Trong Hương thầm, chiếc khăn tay được cô gái dùng để giấu chùm hoa bưởi để tặng chàng trai. Cô gái tặng hoa bưởi cho chàng trai và cũng là tặng khăn tay cho chàng trai. Chiếc khăn tay là biểu tượng cho tình cảm, cho tấm lòng, cho lời hẹn ước của cô gái - hẹn ước đợi chờ chàng trai trở về sau chiến trận. Hai tín hiệu ngôn ngữ “hoa bưởi” và “chiếc khăn tay” được đặt trong cùng một ngữ cảnh, tạo nên một hình ảnh đẹp và thể hiện việc tỏ tình của cô gái. Hình ảnh ấy cũng thể hiện sự khéo léo của cô gái trong việc tỏ tình, đồng thời cũng phần nào khắc họa nét đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Việt xưa: ứng xử tinh tế và thanh lịch trong giao tiếp, có những trường hợp không dùng lời nói mà dùng hành động để biểu thị cảm xúc.

Tín hiệu ngôn ngữ “thơm” và “hương thơm”

 Thơm là một tính từ miêu tả mùi hương theo nghĩa tích cực. Hương thơm là danh từ dùng để chỉ mùi dễ chịu. Hai tín hiệu ngôn ngữ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài Hương thầm, tạo nên một hệ thống trường từ vựng - ngữ nghĩa có tính biểu tượng cho tình yêu lứa đôi: “ngan ngát hương đưa”, “hương bưởi thơm cho lòng bối rối”, “Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ”, “Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”, “Rồi theo từng hơi thở của anh/ Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực”, “Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp”, “Mà hương thầm thơm mãi bước người đi”. Hai tín hiệu ngôn ngữ “thơm” và “hương thơm” qua quá trình chuyển nghĩa, đã được nhà thơ dùng làm phương tiện ngôn ngữ để bộc lộ cảm xúc, bộc lộ tâm trạng của những người mới yêu hoặc đang yêu. Hương thơm ấy “mở lối đưa đường” cho “lòng bối rối”. Hương thơm ấy là phương tiện truyền tải thông điệp của tình yêu, có sức mạnh hơn mọi lời nói, giúp người con gái bày tỏ được tình cảm của mình với chàng trai sắp ra trận “nói hộ tình yêu”. Hương thơm ấy như một dấu ấn đặc biệt của tình yêu, có sức mạnh “thấm sâu vào lồng ngực” và “theo từng hơi thở của anh”. Nói cách khác, hương hoa bưởi là biểu tượng cho hơi thở của tình yêu, gắn liền với mỗi nhịp thở của chàng trai (và cũng gắn liền với mỗi nhịp thở của cô gái), đồng thời cũng gắn liền với sự sống (hơi thở gắn liền với sự sống), là nguồn động viên mạnh mẽ, là tình cảm của cô gái ở hậu phương, góp phần tạo nên niềm tin và sức mạnh chiến đấu cho chàng trai khi ra trận. Hương thơm ấy như một thứ hành trang không lời theo bước chân chàng trai đi khắp mọi nẻo đường nơi chiến trường gian khổ: “Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp”. Hương thơm của hoa bưởi không chỉ là hương thơm của một loài hoa vào mùa xuân mà còn là hương thơm của tình yêu, của niềm tin bền bỉ, hương thơm của sự đợi chờ (của cô gái nơi hậu phương gửi gắm tới người con trai ra trận), là hương thơm của sự hy vọng và sự chung thủy, thương nhớ (dù chàng trai ở chiến trường nào, hương thơm mà cô gái tặng chàng trai ấy cũng luôn ở bên chàng trai, gắn liền với hơi thở của chàng trai, thấm sâu vào lồng ngực của chàng trai, theo chàng trai “đi khắp” mọi nẻo đường). Vì thế, hương thơm của hoa bưởi lắng sâu vào tâm khảm người đọc, làm trái tim của mỗi người đang ở tuổi thanh xuân phải rung lên nhè nhẹ, khiến trái tim của những người đã đi qua năm tháng của chiến tranh cũng bồi hồi, thao thức khi nhớ về những năm tháng của Hương thầm.

Hương thầm đã đi qua bao năm tháng của chiến tranh, đã trải qua bao năm tháng của hòa bình. Cho đến hôm nay, bài Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn vẫn làm rung động trái tim của bao thế hệ thanh niên ở lứa tuổi mới yêu và đang yêu. Người đọc vẫn nhớ mãi hình ảnh: “Anh không dám xin, cô gái chẳng dám trao” và những dấu ấn tình yêu còn vương hương thơm của hoa bưởi trong sự rụt rè dễ thương của những chàng trai, cô gái của “một thời để yêu” và “một thời để nhớ”: “Họ ngồi im không biết nói năng chi/ Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi/ Nào ai đã một lần dám nói”. Đọc Hương thầm, người đọc cảm nhận được tình yêu thầm lặng mà bền bỉ trong thời kỳ chiến tranh của những người con gái, con trai. Tình yêu ấy sẽ sống mãi với thời gian, là “bản nhạc thanh nhã” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Hương thầm cũng thể hiện đặc trưng văn hóa ứng xử, giao tiếp khéo léo, tinh tế của thiếu nữ Việt Nam nói riêng, của người dân Việt Nam nói chung.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Hữu Đạt, Tiến trình phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam (từ sau 1986 đến nay), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.

2. Hữu Đạt, Bạn đọc, Nhà văn và Phong cách, Nxb Hội Nhà văn, 2018.

3. Hữu Đạt, Các vấn đề của Ngôn ngữ nghệ thuật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.

4. Nguyễn Lai, Ngôn ngữ với việc sáng tạo và tiếp nhận văn học, Nxb Giáo dục, 1998.

5. Nguyễn Thị Phương Thùy, Xu hướng tự do hóa ngôn ngữ thơ Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2014.

6. Hoàng Kim Ngọc (chủ biên), Hoàng Trọng Phiến, Ngôn ngữ văn chương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.

PGS, TS MÔNG LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;