Nhân vật là một bản thể mâu thuẫn trong Truyện Kiều

Truyện Kiều là tập đại thành của văn học dân tộc, mặc dù ra đời đã gần 300 năm nhưng những giá trị của Truyện Kiều vẫn còn luôn để ngỏ với nhiều bí ẩn trong câu chữ, trong hình tượng dẫn đến ý nghĩa của tác phẩm luôn như một dòng chảy không bao giờ vơi cạn. Bài viết tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều, góp phần lý giải cơ sở tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.

Nếu như nhân vật truyện Nôm hoặc tiểu thuyết chương hồi truyền thống thường được xây dựng đơn giản với tính cách bất biến, dễ hiểu thì với Nguyễn Du, mỗi nhân vật trong Truyện Kiều luôn đem lại nhiều cách hiểu, thậm chí tranh cãi kịch liệt với những quan điểm trái chiều. Tố Như đã chủ trương rũ bỏ những bộ quần áo vừa vặn, đóng khung cho nhân vật của mình. Không còn nhân vật lý tưởng, hoàn hảo mà thay vào đó nhân vật hiện lên là một bản thể đầy mâu thuẫn: Thúy Kiều vừa liều lĩnh vừa cam chịu, vừa hiền lành vừa nhẫn tâm, cơ hội; Kim Trọng là người hào hoa phong nhã, chung tình nhưng rõ ràng là người hiếu sắc, nói nhiều hơn làm; Hoạn Thư vừa thâm độc, nham hiểm vừa trọng tài, thương tình với Thúy Kiều… Đó là những hình tượng nhân vật phức tạp đầu tiên xuất hiện trong truyện thơ Nôm nói riêng và trong văn học Việt Nam nói chung. Tìm hiểu kỹ thuật, thủ pháp nghệ thuật tạo nên những hình tượng nhân vật đột biến, độc đáo đó, chúng tôi nhận thấy tài năng vượt thời của Nguyễn Du.

1. Nhân vật được biểu hiện với ngôn ngữ độc thoại giằng xé

Xây dựng nhân vật là những bản thể mâu thuẫn với chính mình, đầu tiên, Nguyễn Du tập trung bộc lộ con người nội tâm thông qua ngôn ngữ độc thoại giằng xé. Ngôn ngữ độc thoại của nhân vật ít nhiều đã xuất hiện trong truyện Nôm bác học như: trong Sơ kính tân trang (7 lần nhân vật độc thoại), Nhị độ mai (13 lần độc thoại), Truyện Song Tinh (16 lần độc thoại). Tuy nhiên, với những lần xuất hiện này, tiếng nói bên trong của nhân vật trùng khít với tiếng nói của người kể chuyện, khiến tính cách nhân vật hiện lên vẫn là phẳng phiu, tĩnh tại.

Đến với Truyện Kiều, không những nhân vật của Nguyễn Du độc thoại nội tâm nhiều hơn hẳn các tác phẩm cùng thời về số lượng (53 lần độc thoại) mà còn có sự đột biến về chất lượng sử dụng. Tố Như thường để nhân vật ngồi một mình, tự bộc lộ cảm xúc qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Qua đó, tác giả giúp “con người bên trong con người” (1) được phơi trải, có khi đầy mâu thuẫn, giằng xé.

Kiểu là nhân vật có nội tâm phức tạp xuất hiện khi nhân vật bị đẩy vào các mối quan hệ, đồng thời chồng chéo các tình huống trớ trêu buộc nhân vật phải lựa chọn cách ứng xử. Khi đó, nội tâm nhân vật bị phân ra thành hai tiếng nói đối thoại gay gắt, khiến nhân vật rơi vào trạng thái hoang mang, mông lung trong lựa chọn mà không thể chốt được phương án cuối cùng. Đây là mâu thuẫn biểu hiện ở cấp độ sâu kín nhất trong nhân vật của Nguyễn Du. Chẳng hạn, Nguyễn Du khai thác nội tâm giằng xé tập trung ở nhân vật Thúy Kiều. Ngay sau buổi gặp mộ Đạm Tiên rồi gặp chàng Kim, nhà văn đã để cho Thúy Kiều ngồi một mình, độc thoại nội tâm. Trong tiếng nói thầm kín đó, độc giả nhận thấy rõ sự đấu tranh, mâu thuẫn gay gắt bên trong của nhân vật: “Người mà đến thế thì thôi/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi/ Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?”.

Có hai tiếng nói vang lên trong suy nghĩ của nàng, một tiếng nói mang mặc cảm bạc mệnh: “Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi” khi Thúy Kiều nghĩ đến cuộc đời Đạm Tiên. Nàng lo sợ, dự cảm kiếp tài mệnh tương đố đó rồi sớm muộn cũng ứng chiếu vào mình. Một tiếng nói mang khát vọng tình yêu khi nàng nghĩ tới Kim Trọng, nàng không dám mong cầu “người đâu gặp gỡ làm chi”, không dám bước tiếp “Trăm năm biết có duyên gì hay không?” nhưng cũng không hẳn mất hết hy vọng chạm tới hạnh phúc. Cả hai tiếng nói đồng thời xuất hiện, đối thoại nhau, đấu tranh với nhau nhưng không thể ngã ngũ trong suy nghĩ của Kiều. Cuộc đời nàng rồi sẽ đi đâu, về đâu? Nàng cũng không biết nữa. Con người nội tâm của Thúy Kiều qua ngôn ngữ độc thoại hiện lên đa diện, phức tạp, vừa mặc cảm, cam chịu số phận định sẵn vừa hy vọng vượt thoát số phận để nắm giữ tình duyên.

Khắc họa nội tâm phức tạp, đầy mâu thuẫn chỉ đến Truyện Kiều của Nguyễn Du mới xuất hiện. Kiểu mâu thuẫn này là dấu hiện nhận biết nhân vật tự ý thức cao, có chiều sâu về tâm lý. Sau này, phải đến TK XX, văn học Việt Nam hiện đại mới trở lại kiểu loại nhân vật này trong truyện ngắn của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Minh Châu. Điều đó cho thấy, Tố Như đã tiến một bước rất xa so với thời đại trong nghệ thuật xây dựng nhân vật đồng thời cũng là người đặt nền móng cho nghệ thuật xây dựng nhân vật tự ý thức, nhân vật tâm lý sau này.

2. Nhân vật biểu hiện con người nội tâm mâu thuẫn với con người hành động

Không chỉ xây dựng thành công nhân vật có nội tâm phức tạp, Nguyễn Du còn đẩy mâu thuẫn lên cao khi tiếp tục để cho con người nội tâm mâu thuẫn với con người hành động của nhân vật. Kiểu nhân vật này thường xuyên rơi vào tình cảnh con người khát vọng với con người bổn phận không tìm được tiếng nói chung. Nhân vật mong mỏi một đằng nhưng phải làm một nẻo hoặc ngược lại hàng động một kiểu nhưng suy nghĩ một kiểu.

Thúy Kiều là nhân vật thường xuyên bị đẩy vào những hoàn cảnh éo le, buộc nhân vật phải lựa chọn. Dù lựa chọn cách ứng xử như thế nào nàng cũng luôn bị mâu thuẫn: lựa chọn theo tiếng nói bên trong thì mâu thuẫn với khuôn khổ, quan niệm đạo đức xã hội còn lựa chọn theo tiếng nói của con người phận vị thì nhân vật tự mâu thuẫn với chính mình. Hoang mang, mông lung, bất định trở thành trạng thái thường trực trong suy nghĩ của Thúy Kiều.

Sau đêm Thúy Kiều ngồi tự vấn, mặc dù đã dự cảm về một tương lai mù mịt đang chờ sẵn, đã được Đạm Tiên về báo mộng có tên trong sổ Đoạn trường nhưng Thúy Kiều vẫn đánh đổi, liều lĩnh chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Chạy theo tiếng gọi của trái tim, nàng xé rào, chủ động nhận lời tỏ tình của Kim Trọng, chủ động tìm gặp, hẹn hò người yêu: “Nàng rằng: khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa/ Bây giờ tỏ mặt đôi ta/ Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Thúy Kiều chẳng ngần ngại khi thừa nhận vì chàng, vì tình yêu của chúng ta mà thiếp bất chấp tất cả. Bước chân “đánh đường tìm hoa” là bước chân táo bạo, nổi loạn, vượt lên số phận nhưng cái dự cảm “biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” lại cho thấy cái lo lắng, mặc cảm thường thấy, cái dường như là chấp nhận, chờ đón số phận rồi sẽ an bài, không thể vượt thoát được của Kiều.

Khi trao duyên cho Thúy Vân, hai con người lý trí và tình cảm cũng song song đồng hiện trong nhân vật Thúy Kiều. Con người bổn phận, lý trí thì thiết tha cậy nhờ “lạy em em có chịu lời” còn con người tình cảm thì đau đớn, níu giữ nhưng đành bất lực “ơi Kim lang! hỡi Kim lang!/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Sự mâu thuẫn này tạo ra cái thế giằng xé, chông chênh vừa muốn buông vừa muốn giữ trong hành động trao duyên của Kiều “duyên này thì giữ, vật này của chung”.

Hay trong đoạn Thuý Kiều khuyên Từ Hải ra hàng triều đình, Nguyễn Du cũng tạo ra “độ vênh” giữa con người suy nghĩ và con người hành động của nhân vật nghĩa là nhân vật nghĩ thế này mà nói thế khác. Nhớ về những lưu lạc gian truân đã trải qua, Thuý Kiều lo lắng sẽ lặp lại lần nữa, dù nghĩ đến thôi đã thấy vô định, mờ mịt. Vì vậy, chi bằng chịu tiếng vương thần “Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì”, đó là lựa chọn an toàn nhất. Nếu Từ Hải hàng, nàng suy nghĩ tính toán, cân nhắc mình được gì: được danh “Cũng ngôi mệnh phụ đường đường”, được tiếng “Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung”, được vinh quy bái tổ “Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha”, công tư vẹn cả hai bề. Mọi toan tính của nàng đều hướng tới lợi ích cá nhân đầy vị kỷ.

Nhưng khi khuyên Từ Hải, lời lẽ của nàng hoàn toàn khác: nàng vẽ ra trước mắt Từ Hải ơn “thánh trạch dồi dào” của nhà vua, “Bình thành công đức” của họ Từ khi quy thuận triều đình. Không những vậy, quy thuận triều đình sẽ đem đến cả “lộc trọng quyền cao”, công danh vang vẻ cho Từ Hải chứ không phải mang tiếng xấu là giặc cỏ như bây giờ: “Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào/ Sao bằng lộc trọng quyền cao,/ Công danh ai dứt lối nào cho qua?”. Cái lý lẽ ngoài lời của Kiều thì chỉ hướng đến quyền lơi, công danh, sự nghiệp của Từ.

Lời lẽ của Thúy Kiều vênh hoàn toàn so với suy nghĩ của nàng. Chính những biểu hiện trái ngược trong ngôn ngữ và suy nghĩ của nhân vật khiến Thúy Kiều hiện lên vừa lý trí vừa tình cảm, vừa cao cả vừa thấp hèn, vừa đáng thương, vừa đáng ghét, vừa chính diện vừa phản diện. Sự tự mâu thuẫn với chính mình khiến cho nhân cách của nàng trở nên đa diện, gây tranh cãi không bao giờ hết và vì thế mà hình tượng nhân vật trở nên đa nghĩa, mơ hồ.

3. Nhân vật với những biểu hiện mẫu thuẫn trong lời nói và hành động

Không chỉ mâu thuẫn với tiếng nói bên trong, nhân vật của Nguyễn Du còn được xây dựng với những biểu hiện bất nhất trong hành động và lời nói. Nhân vật thường xuyên được xây dựng nói năng không thống nhất, lời trước đá lời sau hoặc nói một đằng làm một nẻo, hành động mâu thuẫn nhau trong cách đối diện với cùng một vấn đề. Sự bất nhất đó có khi đến từ sự mâu thuẫn nội tại của nhân vật nhưng cũng có khi đến từ sự mâu thuẫn giữa tính cách và hoàn cảnh đầy nghịch lý. Điều đó khiến nhân vật của Tố Như luôn khó đoán, phức tạp, không thể định hình rõ ràng về tính cách, là “loại nhân vật không thể đồng nhất với chính mình” (2) mang dáng dấp của những nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại theo như M.Bakhtin đã nhận định.

Kim Trọng là nhân vật có lời nói mâu thuẫn với hành động, ngôn ngữ thì thiết tha nhưng hành động thì hạn chế. Biết Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha, chàng vô cùng đau xót và thốt ra những lời nói đầy quả quyết: “Bao nhiêu của, mấy ngày đàng/ Còn tôi, tôi một gặp nàng mới thôi” nhưng hành động lại hoàn toàn mâu thuẫn với những gì chàng đã hứa hẹn. Tất cả những gì chàng làm trong gần mười lăm năm chỉ dừng lại ở việc cất người “tìm tõi”, đưa người “nhắn nhe”. Chàng chẳng có hành động gì gọi là đáng kể trong công cuộc tìm kiếm chỉ quanh quẩn đi vào bế tắc.

Hời hợt trong việc tìm kiếm người yêu nhưng trong thái độ biểu hiện, Kim Trọng lại tỏ ra vô cùng thương nhớ người cũ tình xưa: “Dường như bên nóc, trước thềm/ Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng”. Nỗi nhớ người yêu đi cả vào trong tiềm thức, thường trực ngay cả trong mơ. Rõ ràng hành động của Kim Trọng rất mâu thuẫn khi mặc dù đau đớn cực điểm “Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao” mà thương nhớ nàng Kiều nhưng Kim Trọng vẫn lấy Thúy Vân, sinh con đẻ cái với nàng Vân.

Chàng Kim của Tài Nhân đi tìm kiếm Kiều trước khi đỗ đạt làm quan còn chàng Kim của Nguyễn Du mãi đến khi đỗ đạt, có địa vị, có quyền lực trong tay và đặc biệt khi tình hình đất nước yên ổn “Xảy nghe thế giặt đã tan/ Sóng êm Phúc Kiến, lửa tàn Chiết Giang” mới rủ Vương Quan tiện đường đi tìm Kiều “Được tin Kim mới rủ Vương,/ Tiện đường cùng lại tìm nàng sau xưa”. Điều này chứng tỏ Kim Trọng không thực sự thiết tha, nhiệt tình với nàng Kiều như những lời nói mà chàng khẳng định: “Rắp mong treo ấn từ quan/ Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua/ Dấn mình trong án can qua/ Vào sinh ra tử họa là thấy nhau”.

Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động, sự chần chừ, chậm trễ, thiếu linh hoạt trong quá trình tìm kiếm của Kim Trọng khiến độc giả không khỏi băn khoăn, nghi ngờ về tình yêu tưởng chừng như lý tưởng của chàng Kim dành cho Thúy Kiều “Người ta có thể hoài nghi chính sự tha thiết, sướt mướt của chàng, bởi không ai thương yêu nồng nhiệt một người đàn bà mà suốt mười lăm năm dài chịu ngồi tròn tại một chỗ, không đẩy mình vào cuộc phiêu lưu của sự gian khổ kiếm tìm” (3). Còn Thanh Thủy thì nhận định: “Yêu như Kim Trọng thì ai chẳng yêu được, chàng sinh ra để hưởng thụ tình yêu bởi khi người yêu cần cánh tay chàng che chở thì chàng lại vắng bóng” (4). Kim Trọng hiện lên là một bản ngã không thống nhất trong hành động và ngôn ngữ, biến thành một bài toán mở ra nhiều lời giải: chàng “nhạt, hèn”, “yên ổn phận vị” hay sâu sắc, “mang trong mình một bi kịch thầm kín” (5). Chàng là người yêu lý tưởng hay là người đàn ông bộc lộ rất nhiều những hạn chế trong cách ứng xử với cuộc đời?

Ở Hoạn Thư, Nguyễn Du lại tập trung khai thác mâu thuẫn trong cùng một đơn vị ngôn ngữ và hành động của nhân vật khiến độc giả không rõ tính mục đích của lời nói hay hành động đó là tốt hay xấu. Ví như, trong đoạn Hoạn Thư đối thoại với Thúc Sinh khi chàng trở về thăm nhà, mặc dù “lửa tâm càng dập càng nồng” nhưng khi đối diện với người chồng thay lòng đổi dạ, Hoạn Thư vẫn biểu hiện là một người vợ hiểu chuyện, tuyệt đối tin tưởng chồng: “Rằng trong ngọc đá vàng thau/ Mười phần ta đã tin nhau cả mười/ Khen cho những chuyện dông dài,/ Bướm ong lại đặt những lời nọ kia”.

Lời nói của Hoạn Thư cùng lúc tồn tại hai giọng điệu, mở ra hai mục đích đối lập nhau khiến người đọc mơ hồ, tranh cãi. Ta có thể hiểu, Hoạn Thư đang tạo cho chồng lợi thế được mớm cung - “Bướm ong lại đặt những điều nọ kia”. Thông tin được nàng để lộ rất rõ rằng nàng đã nghe được chuyện chàng đang trăng gió bên ngoài nhưng kì thực chưa tin. Nếu Thúc Sinh hiểu ý Hoạn Thư thì đây sẽ là cơ hội tốt để chàng thú thật với vợ. Bởi, Hoạn Thư vẫn có thể chấp nhận Kiều làm lẽ mọn nếu Thúc Sinh đừng che giấu để qua mặt nàng vì trong thâm tâm nàng đã nghĩ: “Ví bằng thú thật với ta/ Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên/ Dại chi chẳng giữ lấy nền/ Tốt chi mà rước tiếng ghen vào người”. Điều mà nàng coi trọng nhất là giữ gìn thể giá của gia đình mình chứ không phải là mấy trò ghen tuông tầm thường vì sợ mất chồng.

Bên cạnh đó, ta cũng có thể hiểu những lời mà Hoạn Thư thốt ra không phải có ý “mớm cung” mà thực chất là cách nói “rào trước đón sau” nhằm “chặn họng” không cho Thúc Sinh có cơ hội thành thật. Nàng tỏ ra mình không hề biết gì ra vào một mực nói cười như không”, trước sau như một, tin vào sự chung thủy một lòng của Thúc. Chính vì tin nhau mười phần như vậy, nên khi nghe được tin đồn nàng bỏ ngoài tai mọi lời bướm ong bịa đặt của những kẻ miệng nói dông dài, chẳng suy nghĩ chi cho mệt óc, dơ bụng, làm trò cười cho thiên hạ và ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Với lối nói phủ đầu, đặt niềm tin tuyệt đối vào chồng như vậy, Thúc Sinh có gan to bằng trời cũng không dám nói lật lại, dẫm đạp lên niềm tin của vợ. Hơn nữa, lời nói của Hoạn Thư còn khiến Thúc Sinh vững dạ tin rằng: “Nghĩ đà bưng kín miệng bình/ Nào ai có khảo mà mình lại xưng”. Cứ như vậy, Thúc Sinh từng bước rơi vào cái bẫy mà vợ mình đã cài sẵn để cuối cùng không còn phương án nào tốt hơn đó là “thuận lời chàng đã nói xuôi đỡ đòn”. Cách hiểu này khi so sánh với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Vân Tài Nhân cũng rất trùng khít.

Vậy rút cuộc với những lời nói nước đôi mà nàng thốt ra, ta nên hiểu là Hoạn Thư đang “mớm cung” hay “chặn họng” người chồng phụ bạc có cơ hội được thú thật đã có vợ bé ở bên ngoài? Hiểu theo cách nào cũng có cái lý riêng của nó. Ta luôn phải cảnh giác, không rõ là ý tốt hay xấu trong mỗi lời mà nàng phát ra “Cái tài của Hoạn Thư là trí trá mà không có ai có thể bắt bẻ là dối trá, thâm sâu mà không ai có thể kết tội là thâm sâu bởi câu nào lý lẽ cũng chính trực cả” (6).

Bên cạnh đó, hành động của Hoạn Thư cũng nhiều khi mâu thuẫn bởi nó cùng lúc hướng đến nhiều mục đích đối lập nhau. Sau khi hành hạ chồng và người tình hả hê, nàng ta đồng ý lời thỉnh cầu của Kiều xin đi tu ở Quan Âm Các. Đối với Thúy Kiều và trong mắt người đời thì đó là sự gia ân, tỏ chút lòng thương cảm, thể hiện sự tử tế của Hoạn Thư. Có lẽ, thực tình nàng không phải là người hoàn toàn xấu bởi những lời Hoạn Thư khen Kiều tỏ ra rất thành thật: “Rằng: Tài nên trọng mà tình nên thương!/ Ví chăng có số giàu sang,/ Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”.

Nhưng nhiều người hoài nghi lòng tốt của Hoạn Thư và cho rằng hành động đồng ý cho Kiều đi tu nhìn ngoài tưởng tử tế nhưng thực ra bên trong chứa đựng cả một dã tâm. Nàng trả thù xong rồi, hả hê rồi cũng không thể để Thúc Sinh ở gần Thúy Kiều được nên nhân cớ Kiều xin đi tu, Hoạn Thư muốn mượn nước đẩy thuyền, dùng cửa Phật để diệt tài, diệt tình của một cô gái đang thì xuân sắc như Kiều, để Kiều sống mà như đã chết. Nếu đúng thực như vậy thì Hoạn Thư quả rất thủ đoạn, khôn ngoan, đẩy người ta vào chỗ chết rồi lại giả tạo giơ tay ra cứu vớt để người ta phải biết ơn mình.

Với cách xây dựng ngôn ngữ cũng như hành động đều mang tính hai mặt, Hoạn Thư tốt hay xấu, thủ đoạn hay có tình người, cứ thật giả, hư thực lẫn lộn, người đọc không biết đường nào mà đoán định. Đây là trường hợp nhân vật có ngôn ngữ, hành động phức tạp nhất trong Truyện Kiều.

Có thể thấy, các mâu thuẫn trong bản thể nhân vật được Tố Như khai thác triệt để, đào sâu và đẩy tới cao độ góp phần thể hiện quan niệm mới mẻ về con người của Nguyễn Du. Nhân vật trong Truyện Kiều không còn là những con người đạo lý như trong Kim Vân Kiều truyện mà đã trở thành những con người tâm lý, con người cá nhân với “sự thực nội tâm” phức tạp, là con người “hiển minh của lưỡng lự” (Milan Kundera), “Con người không bao giờ đồng nhất với bản thân” (M. Bakhtin). Đó là những bản thể luôn luôn tồn tại đồng thời hai mặt mâu thuẫn: rồng phượng - rắn rết, cao cả - thấp hèn, trong sáng - tăm tối, hạnh phúc - khổ đau… Con người dù thánh thiện đến đâu cũng có lúc biến thành quỷ dữ và ngược lại dù là con người xấu xa, độc ác cũng có lúc lấp lánh trong tâm hồn ánh sáng của thiên lương. Bởi thế, cá nhân con người là “bất định” - phi xác quyết”, thể hiện tính “không hoàn kết”, “không khuôn gọn mình vào địa vị và thân phận của mình, có phần dư thừa nhân tính” (7). Chính sự độc đáo này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự mơ hồ, nhiều cách lý giải, tạo nên tiếng nói đối thoại không dứt giữa các quan niệm về tính cách của nhân vật. Đây là điểm thực sự mới lạ trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, trước Nguyễn Du chưa đâu có.

______________

1. Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội,1985, tr.178.

2. Trần Đình Sử (chủ biên), Giáo trình Lý luận văn học tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2011, tr.192.

3. Vũ Hạnh, Đọc lại Truyện Kiều, Nxb Văn học, Hà Nội, 2015, tr.58.

4. Phan Thị Thanh Thủy, Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2016, tr.145.

5. Đinh Bá Anh, Kim Trọng, nhân vật văn chương vĩ đại của Nguyễn Du, vanviet.info, 18-8-2015.

6. Lê Thị Hồng Minh, Ngôn ngữ nhân vật Truyện Kiều và các truyện thơ Nôm bác học tiêu biểu, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2018, tr.122.

7. M. Bakhtin, (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch), Những vấn đề thi pháp Dotoievski, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.72.

Ths NGUYỄN HỒNG HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;