Trong cuộc sống, mọi sự vật đều tồn tại trong thời gian và không gian. Nghệ thuật là một dạng tồn tại đặc thù, nó cũng có thời gian, không gian riêng. Thơ là tác phẩm nghệ thuật, do nhà thơ sáng tạo. Thời gian nghệ thuật có gì khác so với thời gian vật lý? Thời gian nghệ thuật có vai trò gì đối với việc thể hiện tư tưởng, cảm xúc, thái độ… của nhà thơ? Bài viết phân tích cách sử dụng những kiểu thời gian trong một số tư liệu thơ tiếng Việt bao gồm: bài Không ngủ được trong tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một số câu thơ của các tác giả trong tập Thơ tình người lính và trong tập Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo; hai câu thơ trong bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu.
1. Thời gian vật lý và thời gian nghệ thuật
Thời gian vật lý là thời gian được đo lường một cách chính xác và tồn tại khách quan trong nhận thức của mọi người. Các nhà vật lý xác nhận thời gian không chỉ là đo độ dài của một sự tồn tại mà còn là độ đo của một việc thực hiện. Như vậy, thời gian là một sự xác nhận đặc điểm, được gắn liền tất yếu với vật thể mà nó liên quan. Điều quan trọng là nếu không có thời gian vật lý thì tác phẩm nghệ thuật (trong đó có thơ) không tồn tại được.
Thời gian nghệ thuật là một khái niệm, một thành tựu nổi bật của khoa học nghiên cứu văn học hiện đại. Nhắc đến thời gian nghệ thuật là nhắc đến một phạm trù đặc trưng của văn học, bởi văn học là nghệ thuật thời gian. Về thuật ngữ này, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau.
Theo Trần Đình Sử, thời gian nghệ thuật là thời gian ta có thể chiêm nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều dài thời gian và hiện tại, quá khứ hay tương lai. Quan điểm này cho ta thấy, thời gian nghệ thuật là do nghệ thuật sáng tạo ra. Vì thế, nó mang tính chủ quan gắn với thời gian tâm lý: Nó có thể kéo dài hoặc rút ngắn thời gian thực tế, có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai hoặc có thể dừng lại.
Một số ý kiến khác cho rằng, thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người thưởng thức cảm nhận được: hoặc hồi hộp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào quá khứ. Thiếu sự cảm thụ, tưởng tượng của người đọc thì thời gian nghệ thuật không xuất hiện.
Tuy thế, có một số tác giả khác lại khẳng định thời gian nghệ thuật không phải là một hiện tượng tâm lý cá nhân như quan điểm trên, tức là, người đọc muốn cảm thụ nhanh hay chậm thế nào cũng được. Bởi lẽ, họ xuất phát từ quan niệm cho rằng thời gian nghệ thuật là một sáng tạo khách quan trong chất liệu. Nếu như một tác phẩm có thể tạo ra hiệu quả hồi hộp, đợi chờ đối với ai, lúc nào khi cảm thụ, thời gian ấy đều xuất hiện.
Từ góc độ thời gian nghệ thuật là một hình thức của hình tượng nghệ thuật, các nhà nghiên cứu khẳng định đây là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học bởi nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn thời điểm bắt đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, kể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo chủ động, tự do, chủ quan của nghệ thuật. Việc nhà nghiên cứu có thể tự do ứng xử với thời gian như trên được coi là một bước ngoặt trong văn học. Thời gian trong văn học (trong đó có thơ) là một trong những phương tiện hữu ích nhất để tổ chức nội dung của nghệ thuật.
Dù có thể có các quan niệm khác nhau về thời gian nghệ thuật nhưng chúng tôi quan niệm thời gian nghệ thuật là thời gian phản chiếu qua lăng kính của người nghệ sĩ, được cảm nhận qua cảm quan của người nghệ sĩ. Đồng thời, văn học, trong đó có thơ, là một bộ môn thuộc về nghệ thuật thời gian nên việc tái hiện các quá trình của đời sống diễn ra trong thời gian, tức là hoạt động sống của con người gắn liền với chuỗi cảm thụ, suy nghĩ, ý định, hành vi, sự kiện.
2. Phân tích thời gian vật lý và thời gian nghệ thuật trong thơ tiếng Việt của một số tác giả
Trên cơ sở những khái niệm lý thuyết về thời gian vật lý và thời gian nghệ thuật ở trên, chúng tôi khảo sát, tìm hiểu và phân tích cách sử dụng những kiểu thời gian trong tác phẩm thơ cụ thể của một số tác giả. Hiện nay, có quan niệm khác nhau về các kiểu thời gian trong tác phẩm văn học, trong đó có thơ. Chẳng hạn, có học giả thì chú ý tới hai kiểu thời gian là: thời gian của truyện (hoặc tác phẩm/ thơ) và thời gian quy chiếu. Có nhà nghiên cứu khác thì lại chú ý tới thời gian lịch sử, thời gian sự kiện, thời gian trần thuật, thời gian phát ngôn, thời gian tâm lý, thời gian tâm trạng… Vì thế, bài viết này sẽ phân tích những kiểu thời gian đó trong một số tư liệu thơ.
Thời gian vật lý trong thơ
Trong thơ, thời gian vật lý được các nhà thơ sử dụng để đo đếm thời gian thực tế song hành cùng với tâm trạng của con người. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong bài Không ngủ được ở tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Ví dụ 1: Một canh, hai canh, lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn, giấc chẳng lành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh, mộng hồn quanh.
Nếu như ở trong câu thơ thứ nhất, thời gian vật lý được đo về độ dài bằng một khoảng thời gian xác định (một canh, hai canh, lại ba canh) thì ở câu thơ thứ ba, thời gian vật lý lại được đo bằng mốc thời gian (canh bốn, canh năm). Việc chuyển hóa từ khoảng thời gian vật lý sang mốc thời gian vật lý có tác dụng làm cho độc giả cảm nhận rõ được từng khoảnh khắc thời gian chậm chạp trôi qua (thời gian chậm chạp trôi - thời gian tiếp nối theo từng khoảng, từng mốc - thời gian được thể hiện theo trật tự tuyến tính), góp phần thể hiện một tâm trạng thường trực, canh cánh lo nghĩ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đang bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Bác Hồ đã thức trọn một đêm (cả năm canh) và trằn trọc không yên, đau đáu một mơ ước, một khát vọng khắc sâu trong tâm khảm là đất nước được giải phóng, độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc.
Thời gian vật lý không chỉ được định hình bằng từng khoảng thời gian hay mốc thời gian trong một đêm mà còn được định hình bằng thời gian trong ngày như: sáng, trưa, chiều, tối, đêm.
Ví dụ 2: Thức vừa rạng sáng
Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi (1).
Ví dụ 3: Sáng ra đỉnh núi ửng hồng
Hây hây gió nhẹ, trời trong nắng vàng (2).
Ví dụ 4: Nhớ lắm bạn ơi!
Nắng trưa Thượng Cát (3).
Ví dụ 5: Chiều qua trời bỗng trái ngang
Mây buồn vơ vẩn, lang thang không lời (4).
Ví dụ 6: Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn (5).
Ví dụ 7: Đàn đá đêm nay, quanh ché rượu cần quen quen là lạ
Nghiêng nghiêng sườn đồi cùng hát nghiêng đêm (6).
Các khoảng thời gian vật lý từ ví dụ 2 đến ví dụ 7 như: rạng sáng, sáng, trưa, chiều, tối, đêm được đưa vào trong thơ để tạo nên những điểm chốt về thời gian có thực, khách quan. Tuy thế, những khoảng thời gian trong ngày ấy khi đi vào thơ thì có cái vỏ là thời gian vật lý nhưng thực chất cũng đã có sự biến hóa. Xét về nghĩa biểu thị thời gian vật lý thì các từ: rạng sáng, sáng, trưa, chiều, tối, đêm đều là các từ chỉ về một buổi nào đó trong ngày, cho ta biết được thời gian đó là sớm hay muộn khi so sánh với các từ chỉ thời gian vật lý khác trong cùng trường nghĩa. Ví dụ: sáng là muộn hơn so với rạng sáng nhưng lại là sớm hơn so với trưa. Tương tự như vậy, chiều muộn hơn trưa nhưng sớm hơn so với tối và đêm. Tuy nhiên, khi các từ chỉ thời gian vật lý này được đưa vào trong thơ, thì mỗi từ chỉ thời gian đó lại gắn với một ngữ cảnh riêng, do đó, ý nghĩa về thời gian vật lý ban đầu cũng có sự chuyển biến. Có từ chỉ thời gian thì vẫn được dùng để chỉ về mức độ sớm hay muộn trong ngày (ví dụ 2, 3) nhưng cũng có từ được dùng để chỉ thời gian đã có sự chuyển nghĩa nhất định, tức là các từ này vừa diễn đạt thời gian vật lý, đồng thời nó đã có cả nội hàm của thời gian nghệ thuật (ví dụ 4, 5, 6, 7). Tuy nhiên, ở phần này, chúng tôi chỉ lấy các ví dụ từ ví dụ 4 đến ví dụ 7 để minh chứng ở khía cạnh là các từ chỉ thời gian vật lý được xuất hiện trong thơ để giúp các nhà thơ, đồng thời giúp độc giả định hình được về một khoảng thời gian hoặc một mốc thời gian nào đó (tức là các từ này ở các ví dụ trên có cái vỏ là thời gian vật lý). Còn về khía cạnh thứ hai là các từ chỉ thời gian vật lý nói trên cũng đồng thời được chuyển hóa để có cái chất là thời gian tâm trạng thì chúng tôi sẽ bàn ở mục tiếp theo.
Xét ví dụ 2 và ví dụ 3, tuy 2 từ rạng sáng và sáng là những từ chỉ thời gian vật lý cho ta biết thông tin về thời gian thông thường trong ngày nhưng khi được dùng kết hợp với các từ chỉ mức độ (vừa + rạng sáng) và từ chỉ hướng (sáng + ra) thì ý nghĩa về thời gian vật lý cũng đã có sự khác biệt rõ ràng và “cao cấp” hơn hẳn rạng sáng và sáng. Vừa rạng sáng để chỉ mức độ đúng lúc về thời gian khi thời gian đó còn sớm chứ không chỉ miêu tả một khoảng thời gian sớm, bắt đầu một ngày mới. Vì thế, cụm từ vừa rạng sáng góp phần nhấn mạnh thời điểm những người lính thức giấc, rất đúng lúc mà cũng rất khó khăn, vì họ phải tranh thủ từng giây, từng phút để hành quân cho kịp thời gian, thời gian đối với họ là vô cùng quý báu. Ở ví dụ 3, sáng ra thể hiện một kết quả chứ không chỉ là một sự miêu tả về thời gian sáng. Vì có từ chỉ hướng ra nên độc giả hình dung được, chủ thể của hành động vừa trải qua một đêm, để đón chờ một ngày mới với khung cảnh mới, để có một tâm trạng mới, cảm xúc mới. Nếu như từ sáng chỉ một khoảng thời gian (= tĩnh) thì sáng ra vừa chỉ một kết quả (sau một đêm), vừa chỉ một sự vận động (từ đêm sang ngày) (= động). Do đó, từ chỉ thời gian vật lý khi được kết hợp với từ chỉ hướng, chỉ sự phát triển (ra) thì nó có tác dụng làm cho thời gian (có sự vận động theo tuyến tính) nhưng được “cố định hóa” bằng mốc về khoảng thời gian tĩnh sáng được chuyển thành thời gian vật lý có tính chất động - sáng ra.
Thời gian vật lý còn được tính bằng các đơn vị thời gian: giây phút, ngày, tháng, năm. Các từ chỉ các đơn vị về thời gian như vậy đi vào thơ để xác định những mốc thời gian cụ thể (như ngày kia, hôm nay, tháng năm trong các ví dụ ví dụ 9, 10, 11, 12 dưới đây) hoặc cũng có thể để đánh dấu một mốc thời gian có tính vật lý nhanh, ngắn, khẩn trương và vô cùng quý báu, là thời khắc thiêng liêng:
Ví dụ 8: Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được nhìn nhau một lần (7).
Ví dụ 9: Ngày kia tôi về tới
Được đi đánh cái đồn
Hay được đi chống càn
Là thế nào cũng thắng (8).
Ví dụ10: Hôm nay đứng gác biên cương
Đón thư, đón cả tình thương quê nhà (9).
Ví dụ 11: Hôm nay em trở lại
Mái trường xưa thăm thầy (10).
Ví dụ 12: Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng (11).
Hoặc là, thời gian vật lý để chỉ “một chặng đường”, “một khoảng thời gian tương đối dài” so với ngày hay tháng:
Ví dụ 13: Ba năm rồi gửi lại quê hương,
Mái lều gianh,
Tiếng mõ đêm trường (12).
Ví dụ 14: Chặng đường dài 40 năm
Đi trong bom đạn, bão giông nắng rừng (13).
Khi thời gian đi vào tác phẩm thơ, có những từ chỉ thời gian vẫn có vỏ là thời gian vật lý nhưng đồng thời nó cũng đã chuyển hóa để mang “cái chất” của thời gian nghệ thuật. Nói một cách khác, thời gian vật lý có một quá trình phát triển, “lột xác” để từng bước chuyển hóa thành thời gian nghệ thuật. Các ví dụ 4, 5, 6, 7 ở trên là những ví dụ tiêu biểu cho điều này. Từ chỉ thời gian vật lý trưa trong ví dụ 4 đã vận động trong ngữ cảnh cụ thể, gắn với “nỗi nhớ” khôn nguôi về một nơi gọi là Thượng Cát, gắn với nỗi nhớ về cái nắng ban trưa của vùng đất ấy. Vì thế, trưa không chỉ là từ để người ta biết về khoảng thời gian từ 10h đến 12h của một ngày, mà lại giúp tác giả diễn tả, đồng thời giúp người đọc hình dung được về nắng trưa, về nỗi nhớ đối với nắng trưa, nỗi nhớ đối với vùng quê Thượng Cát tâm tình. Do vậy, thời gian trưa không làm người ta chú ý nhiều đến cái oi ả, hay cháy bỏng của nắng trưa mà lại làm người ta bâng khuâng với nỗi nhớ nhiều hơn. Từ trưa đã “hóa thân” thành từ biểu đạt thời gian nghệ thuật - thời gian tâm trạng. Cũng tương tự như vậy, từ chỉ thời gian chiều được gắn kết với từ chỉ thời gian quá khứ gần (qua = hôm qua) không chỉ cung cấp cho người đọc thông tin về thời gian khoảng từ 13 giờ đến 17 giờ của quá khứ gần (hôm qua) mà còn làm cho người đọc có cảm nhận về một nỗi buồn bất ngờ, đột ngột: trời bỗng trái ngang, mây buồn vơ vẩn, lang thang không lời. Khung cảnh trời, mây như vô định, u uẩn hơn vào khoảng thời gian buổi chiều, gợi nên nỗi buồn không tên, không xác định nhưng cứ quấn quyện tâm hồn nhà thơ và cả tâm hồn người đọc, một nỗi buồn “vơ vẩn” không có lý do nhưng tiềm ẩn “trái ngang” và đồng thời cũng là nỗi buồn phiêu dạt không bờ bến, không có điểm dừng (lang thang), một nỗi buồn “câm lặng”, tĩnh đến nao lòng (không lời). Vì thế, từ chỉ thời gian chiều qua rõ ràng có hình thức là thời gian vật lý nhưng lại hàm chứa trong bản thân nó một thứ thời gian nghệ thuật trầm ẩn - thời gian tâm trạng, thời gian tâm lý.
Khác với trường hợp từ ví dụ 4 đến ví dụ 7 đã nêu trên thì ví dụ 15 sau đây lại không có từ chỉ thời gian nhưng người đọc vẫn cảm nhận được thời gian nghệ thuật đang được “trau chuốt” từng khắc, từng khắc như những giọt lệ, như những giọt buồn vĩnh viễn:
Ví dụ 15: Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
B b B t T b b
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm… (14)
B b B t B b t
Ở ví dụ 15, chúng ta không thấy có từ nào chỉ thời gian, nhưng vẫn cảm thấy từng khắc, từng khắc thời gian đang trôi chảy đi theo dòng tuyến tính của thời gian vật lý và của thời gian tâm trạng. Chính nhịp điệu chậm rãi, kéo dài đến não nùng và thanh điệu của những câu thơ đã mang đến cho chúng ta nhận thức - cảm giác - hiểu biết về cả thời gian vật lý và thời gian nghệ thuật đang “tràn trề nhựa sống” trong câu thơ. Thời gian dài đến mức khắc khoải, não nùng nhưng lại có sức mạnh bền bỉ, kéo dài đằng đẵng trên hai dòng thơ. Người đọc cảm nhận được từng khoảng ngừng, nghỉ của giọt thời gian nhưng những khoảng ngừng, nghỉ ấy chính là sợi dây liên kết có thực làm cho thời gian được lấp đầy trong hai câu thơ: thời gian chậm chạp - thời gian não nùng - thời gian buồn bã - thời gian ngừng nghỉ - thực ra thời gian không ngừng nghỉ mà được nối chặt với nhau bằng những khoảng ngừng nghỉ… Cảm giác về nỗi buồn, về sự tĩnh lặng là rõ ràng. 10 tiếng bằng/ 14 tiếng/ 2 câu thơ đã kéo dài thời gian, trải rộng không gian buồn mênh mang của cảnh vật và của nỗi lòng nhà thơ. Sáu sắc thái khác nhau của trăng và đàn được rải đều ở hai câu thơ: thương, nhớ, ngần, buồn, lặng, chậm, được hòa đều trong 10 tiếng bằng khiến độc giả có thể cảm nhận được từng giọt buồn nhỏ li ti, từng sự tĩnh lặng đọng chuỗi trong nỗi khắc đang dần thấm đượm của khổ thơ.
Khác với hai kiểu ví dụ ở trên, chúng tôi thấy trong thơ còn có một kiểu thời gian khá đặc biệt, đó là thời gian nghệ thuật mang tính ẩn dụ.
Ví dụ 16: Trả lại cho anh một thời áo trắng
Em đi rồi!...mai thành phố cô đơn! (15)
Trong ví dụ 16, một thời áo trắng là danh ngữ chỉ thời gian mang tính ẩn dụ với nghĩa: một thời gian đã qua; thời gian còn đi học; thời gian mà mỗi người còn ngây thơ, trong trắng; thời gian có những kỷ niệm (vui, buồn) đáng để nhớ với mỗi người. Về một mặt nào đó thì thời gian nghệ thuật ở kiểu thứ 3 này có sự tương đồng với kiểu thứ 1 (= có từ chỉ thời gian vật lý: một thời) nhưng khác với kiểu 1 ở chỗ từ chỉ thời gian này được gắn kết với hình ảnh ẩn dụ để “biến đổi” ngay thành từ được dùng để chỉ thời gian ẩn dụ (một thời áo trắng).
3. Kết luận
Qua việc phân tích các ví dụ trên, chúng tôi thấy thời gian nghệ thuật trong thơ có thể được diễn tả bằng các từ có “vỏ” là thời gian vật lý, có “chất” là thời gian nghệ thuật - kiểu 1 (gồm thời gian sự kiện, thời gian tâm trạng, thời gian tâm lý…) (từ ví dụ 4 đến ví dụ 7) hoặc cũng có thể được diễn tả bằng nhịp điệu, thanh điệu và ý thơ (nội dung thơ) mà không có sự xuất hiện của các từ dùng để chỉ thời gian - kiểu 2 (ví dụ 15). Trong thời gian nghệ thuật có nhiều kiểu thời gian cụ thể; ở các ví dụ trên, chúng tôi thấy có kiểu thời gian tâm trạng và thời gian sự kiện được thể hiện rõ nét. Hai kiểu thời gian này lồng ghép, đan xen với nhau nhằm thể hiện xúc cảm của mỗi nhà thơ (ví dụ 15 là ví dụ có sự đan xen giữa thời gian sự kiện và thời gian tâm trạng rất rõ nét). Bên cạnh đó, kiểu thời gian nghệ thuật mang tính ẩn dụ - kiểu 3 (ví dụ 16) là kiểu thời gian hàm chứa những nội dung mang tính chất liên tưởng, gợi ra những dòng chảy thời gian ở các giai đoạn khác nhau trong tâm thức của người đọc, người cảm nhận thơ. Kiểu thời gian ẩn dụ này có thể gắn liền với sự hồi tưởng về quá khứ, cũng có thể nối liền với sự liên tưởng tới tương lai.
Có thể nói rằng, những kiểu thời gian trong thơ thể hiện các cung bậc cảm xúc, tư duy thơ, cách tổ chức nội dung thơ theo trật tự tuyến tính (theo thời gian vật lý) và theo trật tự phi tuyến tính (không nhất thiết theo thời gian vật lý mà theo thời gian nghệ thuật: thời gian tâm lý, cảm xúc, thời gian thuộc về những giai đoạn khác nhau được đan xen với nhau...) của người sáng tác. Chúng ta có thể vận dụng những nội dung nói trên vào việc nghiên cứu, giảng dạy thơ tiếng Việt cho người Việt Nam và người nước ngoài ở các bậc đào tạo khác nhau, góp phần hỗ trợ cho người học, người đọc trong việc cảm thụ giá trị của thơ từ góc độ ngôn ngữ nghệ thuật.
_________________
1. Hồng Nguyên, Nhớ, Thơ tình người lính, Nxb Phụ nữ, 2004, tr.10.
2. Nguyễn Thị Mỹ Dung, Thời tiết Đà Lạt, Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.48.
3. Trần Việt Ba, Có một thời để nhớ, Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.37.
4. Tân Hà, Tự thoại, Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.126.
5. Nguyễn Đình Thi, Nhớ, Thơ tình người lính, Nxb Phụ nữ, 2004, tr.13.
6. Tú Nhật, Đàn đá đêm nay, Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.286.
7. Hữu Loan, Màu tím hoa sim, Thơ tình người lính, Nxb Phụ nữ, 2004, tr.17.
8. Cầm Vĩnh Ui, Nhớ vợ, Thơ tình người lính, Nxb Phụ nữ, 2004, tr.15.
9. Lê Mậu Cường, Thư em đến với biên cương, Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.40.
10. Cẩm Thạch, Về thăm trường cũ, Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.335.
11, 12. Hồng Nguyên, Nhớ, Thơ tình người lính, Nxb Phụ nữ, 2004, tr.9, 8.
13. Cẩm Thạch, Còn vương trăng ngàn, Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.339.
14. Xuân Diệu, Nguyệt cầm, Thơ thơ và Gửi hương cho gió, Nxb Hội Nhà văn, 2000, tr.125-126.
15. Phạm Ngọc Thái, Màu áo trắng, Tuyển thơ Nhà thơ - Nhà giáo, Nxb Hội Nhà văn, 2002, tr.341.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
2. Hữu Đạt, Nhà văn, sự sáng tạo nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1997.
3. Hữu Đạt, Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2016.
4. Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.
5. Đỗ Việt Hùng, Nguyễn Thị Ngân Hoa, Phân tích phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm văn học (ngôn từ - tác giả - hình tượng), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2004.
6. Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995.
7. Nguyễn Thị Phương Thùy, Xu hướng tự do hóa ngôn ngữ thơ tiếng Việt thế kỷ XX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.
PGS, TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÙY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022