Nhà văn Sơn Tùng giã từ cuộc sống khi tuổi đã cao (1927-2021), song tôi cứ ngỡ ông vẫn đang ngồi suy ngẫm cách viết về sự nghiệp của Bác Hồ đối với non sông nước Việt, trước muôn triệu đồng bào yêu quý cùng nắm tay nhau xây dựng Tổ quốc ngày càng tươi đẹp theo con đường “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” mà Bác đã chọn. Sơn Tùng để lại hàng ngàn trang sách quý cho hậu thế. Gần như ông đã dành phần lớn khát vọng sáng tác để viết về Bác Hồ.
Nhiều lần Sơn Tùng đến Kim Liên trò chuyện với bà con họ hàng của Bác, nhất là ông cả Khiêm và bà Thanh để hiểu sâu về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân phụ Bác Hồ. Ngoài các bài thơ, bài báo, ông đã dựng được tiểu thuyết Búp sen xanh (1982) khắc họa chặng đường niên thiếu tới ngày rời Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Tiếp đến Bông sen vàng (1990) viết sâu về những năm tháng Người theo cha mẹ vào kinh đô Huế học tập. Truyện Bác về (2000) là hình ảnh Bác Hồ thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và những tháng ngày Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trái tim quả đất (1999) nhớ về Bác Hồ đi chiến dịch Đông Khê (1950) đánh Pháp giữa mưa nguồn suối lũ Cao - Bắc - Lạng. Cuốn Hoa râm bụt (1998) tập hợp các bài viết xung quanh Bác và Nhớ nguồn cùng kịch bản điện ảnh Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng và một số tác phẩm khác; tất cả hơn 12 cuốn. Có thể khẳng định, ngòi bút nhà văn muốn khắc họa tính cách của Bác Hồ trên hành trình hoạt động cứu nước gắn bó keo sơn với quá trình lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ đến thắng lợi…
Điều thành công nổi bật nhất, là qua các trang viết của Sơn Tùng, người đọc cảm nhận được rõ nét hình ảnh Bác Hồ gần gũi giản dị như những người được yêu kính nhất trong đại gia đình, nhưng lại là vị lãnh tụ sáng suốt đang dẫn dắt muôn triệu người con đất Việt cùng nhau tiến lên theo con đường giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của kẻ thù xâm lược…
Trước hết, tác giả chú ý đến tính chân thật của các sự kiện đời sống và lịch sử, xã hội dựa trên nhiều tài liệu với các chi tiết chính xác qua nhiều nhân chứng kể lại, nhà văn xây dựng nên một hệ thống truyện sinh động, hấp dẫn xung quanh cuộc đời hoạt động của Bác… Qua các cảnh người thật, việc thật, người đọc có thể nhận biết nhiều nét trong tính cách giản dị và niềm mến thương chu đáo của Bác với mọi người. Bác luôn ân cần rộng mở với bạn bè, đồng bào, đồng chí. Sâu sắc hơn, Bác thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần của tất cả mọi người, kể cả người cần vụ gần gũi bên Bác.
Qua lời kể của nhà nhiếp ảnh đang sống có tên Kim Côn, tác giả thuật lại nhiều chi tiết sống động không hề hư cấu, tưởng tượng. Với hàng ngàn trang viết, Sơn Tùng phác họa được chân dung Bác Hồ - một người bình thường mà vĩ đại.
Đọc chuyện về Bác, tôi bỗng liên tưởng đến những vần thơ của Mayakovxki - nhà thơ Nga trong bản Trường ca V.I.Lênin:
- Người như ta thôi:
hệt tôi với anh,
có lẽ,
khác chăng
là nơi khóe mắt…
Cũng như ta
Người phải vượt
hiểm nghèo bệnh tật
nhược điểm thường tình
ta cũng thấy
ở Người… (1)
Đúng như vậy, thời trẻ bắt đầu hoạt động cách mạng, trên đất Pháp, Bác Hồ đã bắt gặp được chủ nghĩa Lênin qua cuốn sách Vấn đề dân tộc và thuộc địa. Từ đấy, cuốn sách trở thành cẩm nang quý theo suốt chặng đường chiến đấu của Bác. Người học trò bình dị thời trai trẻ tràn đầy ý chí và khát vọng cùng nghị lực kiên cường luôn hướng theo con đường đã chọn và ngày càng được thăng hoa với tất cả trí sáng tạo nhằm cứu nguy cho dân tộc Việt Nam, giành được độc lập tự do, thoát khỏi xiềng xích áp bức của kẻ thù ngoại bang.
Cái khó của các bản ký sự và truyện lịch sử trong văn chương từ xưa đến nay chính là ở mối quan hệ giữa hiện thực và hư cấu. Nếu viết dã sử huyền thoại thì người viết có thể phóng bút tự do, thậm chí có chỗ phi lý, vì chỉ cần dựa vào một “cái đinh” lịch sử có thật nào đó, rồi cứ bịa, cứ phóng bút chẳng cần chú ý đến logic khách quan của xã hội và cuộc sống. Điều ấy thuộc phạm trù của dòng văn thơ lãng mạn duy tâm chủ quan. Ngược lại, dòng văn chương hiện thực không khuyến khích người viết phóng bút trên những yếu tố xác định mang tính lịch sử chính xác, nhất là đối với các nhân vật tiêu biểu có thật trong đời sống xã hội…
Ở Sơn Tùng cũng vậy. Tất cả các sự kiện đều được bắt nguồn từ sự thật. Chẳng hạn hình ảnh bà Hoàng Thị Minh Hồ - chủ ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang - chính là nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập vào dịp đại lễ Quốc khánh (2-9-1945). Bà chủ ngôi nhà được mời đứng trên lễ đài Ba Đình, kể lại: “Hai giờ chiều. Tiếng hô to kéo dài vang vọng: Chào cờ!... Cả một biển người im phăng phắc. Đoàn quân nhạc cử Quốc ca. Người tôi sởn gai ốc. Nước mắt lặng lẽ chảy trên má nóng ấm… Tôi nhìn lên kỳ đài thấy cụ Nguyễn Văn Tố cầm cái chiếc ô che nắng cho ông Cụ ở gác hai ngôi nhà của tôi lại là Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dõng dạc đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Nước mắt lại giàn giụa, tôi thấm dần hai khăn mùi xoa, ngây ngất quá, nhưng vẫn nghe rõ lời ông Cụ đọc. Tôi lại bâng khuâng liên tưởng đến những đêm tiếng máy chữ của ông Cụ gõ vang trong khuya khoắt tạo nên áng văn rửa cái nhục mất nước ngót trăm năm và khai sinh ra nước Việt Nam mới của ngàn năm tiên tổ mà đi vào tương lai” (2).
Tâm tư của bà Minh Hồ quả thật đã hòa nhập vào lịch sử của đất nước, bởi chính ông bà vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước thương nòi, rồi được nhân lên gấp bội khi thật sự chứng kiến phong trào yêu nước của Thủ đô đang bừng bừng sục sôi… Điều đó tạo nên sức mạnh không dễ gì có được ở thời kỳ vận mệnh đất nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”.
Cũng ở thời kỳ này, dường như đông đảo người dân thủ đô đều nghe: “Tiếng loa truyền ngay tại chỗ: - Cụ Hoàng Đạo Phương và ông bà Trịnh Văn Bô - Minh Hồ đã khai mạc tuần lễ vàng 117 lạng” (3).
Ở đây rõ ràng chất trữ tình hòa vào mạch nguồn hiện thực tự sự đan xen biểu hiện nội tâm một cách tinh tế mà sinh động, tự nhiên như dòng đời đang cuộn chảy…
Có thể nhận rõ hơn phong cách của nhà văn được biểu hiện qua một bức tranh khác về thời thơ ấu của hai anh em Khiêm và Côn nơi làng Sen, qua lời kể của bà Thanh trong bữa cơm gặp mặt sau 40 năm xa cách, kể từ ngày chia tay cậu em trai trên sân nhà bà ngoại ở làng Chùa năm Tân Sửu (1901) tiễn em và cha mẹ lên đường vào kinh đô Huế. Chiều hôm ấy, tại nhà Giáo sư Đặng Thai Mai vào năm 1945 giữa Thủ đô Hà Nội vừa mới được độc lập; bà Thanh từ Nam Đàn ra Hà Nội mang theo ba con vịt... Tại nhà bà Mai, bà Thanh vội nói với bà Mai luộc cả ba con. (…) Rồi bà nhớ lại: Năm xưa, “Nhà ngoại có giỗ. Năm đó cỗ bàn bà ngoại bày biện khá to. Tế lễ xong, đang chặt thịt vịt, thịt gà bày ra đĩa. Bà ngoại cho cậu Khiêm, cậu Côn mỗi cháu một cái chân vịt luộc. Cậu Khiêm chìa cái chân vịt phần mình ra trêu em: - Chân giò của anh to hơn. Cậu Côn tưởng thật, bỏ cái chân vịt phần mình xuống để giành cái của anh. Cả hai anh em không chịu nhường nhau, kéo co mãi. Rốt cuộc, cậu Khiêm thả tay ra bất ngờ, cậu Côn ngã sóng soài, tay quờ phải chồng đĩa cổ của bà, vỡ bảy chiếc. Cả hai anh em lúc đó xanh tái mặt, ngồi như tượng đá. Bà ngoại lấy cái roi cành dâu bằng chiếc đũa gọi hai cháu nằm lên giường…” (4).
Câu chuyện còn dài hơn, nếu đọc hết sẽ thấy tác giả chú ý khắc họa tính cách giản dị, hồn nhiên của một con người bình thường như mọi người dân khác từng được sinh ra và lớn lên sau lũy tre xanh giữa họ hàng làng xóm thân thương. Ưu điểm nổi bật của nhà văn là không thần thánh hóa, không sùng bái cá nhân lãnh tụ, mà chỉ cá thể hóa một chân dung cụ thể. Tuy vậy, trong chừng mực nào đó, người viết đã phần nào huyền thoại hóa theo logic nội tại những câu chuyện từng diễn ra xung quanh Bác Hồ. Ví như ông Đào Nhất Vinh, một Việt kiều 80 tuổi về nước đã kể lại rằng, một lần tới Paris thăm anh Nguyễn đúng vào lúc anh đang làm giỗ mẹ: “Nghe tiếng gõ cửa, anh Nguyễn hé từ từ cửa phòng, thấy tôi: “Chú Vinh! Vào đi em!”. Tôi bối rối nhìn vào cái bàn bên cửa sổ, nơi anh làm việc thường ngày đang là bàn thờ hương khói nghi ngút. Ngọn nến sáng lắt lay bên con gà ngậm bông hoa râm bụt ấp trên đĩa xôi. Anh Nguyễn bùi ngùi... “Ngày giỗ mẹ anh. Hai mươi năm về trước… 22 tháng Chạp năm Canh Tý, mẹ anh qua đời!”.
Xem đến đây, người đọc phần nào hình dung được giữa một căn phòng nhỏ nơi ngõ Congpoanh - Thủ đô nước Pháp xa xôi có một trái tim vĩ đại đang thổn thức nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ về quê hương đất nước và nhân dân đang bị đọa đày dưới ách áp bức bóc lột của kẻ thù tàn bạo. Chất trữ tình hòa quyện vào nét tự sự, tạo nên sức hấp dẫn đối với người đọc.
Không dừng lại đó, tác giả còn mở rộng nói về cảnh nước mất nhà tan. Thời bấy giờ, Vua Thành Thái bị lật đổ, rồi bị đày biệt xứ sang tận châu Phi. Buổi sáng hôm ấy, kinh thành Huế ủ rũ, cảm động trong nước mắt tiễn đưa vị vua yêu nước: Chim không bay về! Hoa vườn Thượng uyển ủ rủ! Mặt người dân kinh đô nặng trĩu căm hờn, ánh lên trong niềm thương nhớ đức vua. Mỗi nhà một nhang án hương nghi ngút đặt trước sân, đầu ngõ và mọi người quần áo chỉnh tề tiễn biệt đức Vua Thành Thái!... (5).
Câu chuyện lịch sử đau buồn ấy đã trở thành huyền thoại, hay là huyền thoại đó đã hòa vào lịch sử, hòa vào lòng người dân kinh thành Huế cũng khó phân biệt!
Thật ra, những câu chuyện trong quá khứ xa xôi thường chỉ còn lưu lại một số nét cốt lõi, giản đơn; nếu người thuật truyện non tay thì khó tránh khỏi tình trạng khô khan, gượng ép. Với tài năng của mình, Sơn Tùng đã vượt qua được cửa ải gay go ấy và những trang viết thật sự đã góp phần khẳng định một phong cách viết truyện danh nhân, góp phần làm phong phú dòng văn nghệ Việt Nam hiện đại. Điều nổi bật là người viết đã không tách rời nhân vật lịch sử với nhịp bước thăng trầm của vận mệnh đất nước. Điều này không chỉ đòi hỏi tài năng sáng tạo, mà còn phải kết hợp nhuần nhuyễn chất trí tuệ sáng láng gắn liền với ý thức trách nhiệm của người cầm bút…
Hãy đọc thêm đoạn đối thoại giữa Nguyễn Tất Thành với nhà chí sĩ cách mạng Đặng Thái Thân - người đại diện của lãnh tụ Phan Bội Châu - tới nhà thuyết phục cậu Thành du học tận Nhật Bản: “Thưa chú, tìm con đường cứu nước cứu dân là tối trọng. Phải thận trọng, phải nghĩ kỹ, tính đến nước, đến cái. Bởi “nhất thất túc thành thiên cổ hận, tái hồi đầu thị bách niên thân” (Sai một bước, ôm hận suốt đời, lúc ngoảnh nhìn lại thì đã trăm tuổi mất rồi!)… (6).
Rõ ràng đoạn đối thoại ngắn trên đã toát lên bản chất cao đẹp và trí tuệ sáng láng trong tầm nhìn kẻ thù của người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường trung học. Điều thú vị là ngòi bút nhà văn không máy móc tư biện, mà là dựa vào những thông tin hợp lý đã manh nha trong tâm tư của cậu Nguyễn từ thực tiễn đời sống đấu tranh của đồng bào ta, mà chính cậu từng tham gia biểu tình chống thuế từ ngày còn đang học ở Huế.
Và cũng chính từ đấy, người đọc hình dung rõ hơn quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của cậu Nguyễn luôn luôn gắn kết với thực tiễn thành bại của phong trào cách mạng trong nước, chứ không thể viển vông mơ hồ gửi gắm kỳ vọng vào những nơi xa xôi, mà chính mình chưa hề hay biết.
Nhìn lại một số tác phẩm được viết theo lối kể chuyện dân gian, vừa hiện thực, vừa trữ tình, nhà văn đã định hình được một phong cách viết về Bác Hồ - người Anh hùng hội tụ tinh hoa của dân tộc. Hình ảnh Bác tỏa sáng dẫn dắt muôn triệu người từ các cụ phụ lão đến các em thiếu nhi hăng hái tiến lên đánh đuổi mọi kẻ thù cướp nước đến thắng lợi cuối cùng. Qua hàng ngàn trang viết, tác giả đã đem lại cho bạn đọc trong và ngoài nước cùng bè bạn năm châu hiểu rõ quá trình hình thành và khẳng định lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Điều đáng quý là nhà văn Sơn Tùng đã vượt qua bệnh tật, dốc hết khả năng và sức lực miệt mài viết nên các tác phẩm có giá trị sẽ mãi mãi sống cùng nhân dân con Lạc cháu Hồng trong thời đại mới.
Với tôi, tuy nhà văn Sơn Tùng thuộc lớp đàn anh cao tuổi hơn, song lại đậm đà tình đồng hương xứ Nghệ cùng thích thú văn chương nên thỉnh thoảng gặp nhau trò chuyện đông tây kim cổ để thêm tin yêu cuộc sống. Tôi tìm thấy ở người bạn văn chương nguồn nghị lực kiên nhẫn chân chính vì sự nghiệp cao đẹp. Sơn Tùng từng làm phóng viên Báo Tiền phong, nhiều năm lăn lộn tại chiến trường miền Nam, ông bị thương nặng vì bom đạn Mỹ, hai tay bị liệt không sử dụng được máy tính, song may mắn là tay phải còn lại hai ngón cụt lún, mà vẫn nỗ lực ngày đêm miệt mài run rẩy viết và viết… với trái tim nóng hổi muốn dâng hiến cho đời những trang sách sống động hấp dẫn. Ông đã sống và viết xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lao động về văn học nghệ thuật”.
____________________
1. Hoàng Ngọc Hiến (dịch), Trường ca V.I. Lênin, Nxb Văn học.
2, 3, 4. Sơn Tùng, Bác về, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2000, tr.77, 79, 30.
5. 6. Sơn Tùng, Búp sen xanh, Nxb Kim Đồng, 2020, tr.210, 203.
PGS, TS NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022