Vẻ đẹp tính nữ truyền thống trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Tính nữ (Femility) là yếu tố xác định sự khác biệt giới tính người nam và người nữ từ góc nhìn xã hội. Thuật ngữ này dùng để chỉ toàn bộ tính chất đặc thù nữ giới - “cái riêng có và chỉ có ở nữ giới, xuất phát từ người nữ và thuộc về người nữ, khu biệt với đặc tính của nam giới” (1). Ở một góc độ nhất định, tính nữ là thước đo đánh giá phẩm chất, nhân cách, đạo đức của người phụ nữ và tùy vào tính chất, mức độ của sự thực hành hay vi phạm những quy định đó mà người phụ nữ được xã hội vinh danh, khen ngợi hay bị chế giễu, lên án. Trong tiểu thuyết Việt Nam đầu TK XXI, một số yếu tố tính nữ được các tác giả tập trung nhấn mạnh: thiên chức làm mẹ (thiên tính mẫu); sự nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc; sự hy sinh, giàu lòng yêu thương, bao dung, vị tha… Đây cũng là yếu tố góp phần mang lại vẻ đẹp và hơi ấm nữ tính trong tiểu thuyết Việt Nam đầu TK XXI.

Người phụ nữ với thiên chức làm mẹ

Tiểu thuyết Việt Nam đầu TK XXI đã thể hiện tập trung và sâu sắc hình tượng người phụ nữ với thiên chức làm mẹ. Đó là những người phụ nữ khao khát được làm mẹ, hạnh phúc vô cùng khi được làm mẹ và cũng đau đớn tột độ khi bị tước đoạt quyền làm mẹ.

Khao khát được làm mẹ được thể hiện sâu sắc trong Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh. Trong tiểu thuyết, những người phụ nữ luôn khắc khoải mong đợi sinh được thật nhiều con. Đó là khát vọng mãnh liệt của bà cử Khiêm khi ở độ tuổi tứ tuần vẫn chưa có được một mụn con. Bởi vậy, bà đã đi cầu tự ở khắp mọi nơi: “Bà cử đi lễ ở Quán Cháo Đền Dâu, đền Sòng rồi cầu tự ở Phủ Giày. May mắn thay cuối cùng bà hoài thoai và sinh quý tử. Ông bà cử sung sướng vô ngần, nâng niu cậu ấm như hòn ngọc quý” (2). Không hiếm hoi như bà cử Khiêm nhưng bà vợ cả của lý Cỏn vẫn thấy hai con là chưa đủ. Ước ao thầm kín của bà là sinh được một bầy con, càng đông đàn dài lũ càng tốt. Ít nhất cũng phải đủ bộ bốn Long, Ly, Quy, Phượng mới thôi. Bà hai của lý Cỏn cũng “thèm đẻ thật nhiều con” (3).

Trong tiểu thuyết đầuTK XXI, thiên chức làm mẹ luôn được đề cao hơn cả. Với người phụ nữ, con là thứ quý giá, là món quà, là báu vật lớn nhất. Khi phải lựa chọn giữa thiên chức làm mẹ hoặc làm vợ, những người phụ nữ đã lựa chọn thiên chức thứ nhất. Thoát y dưới trăng là câu chuyện kể về một người phụ nữ bất hạnh nhưng đã vượt lên trên tất cả mọi nỗi đau để đón nhận thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ: “Cô đã nhận con nuôi là nhận về một thiên chức hết sức thiêng liêng. Có lẽ nào cô lại chối từ bản năng cao cả đó? Hơn nữa, cô là một đứa trẻ mồ côi và bất hạnh hơn những kẻ bất hạnh nào khác cô từng gặp trong cuộc đời của mình, bởi có bất hạnh cô mới cảm thấy hãnh diện vì sự hiện hữu cuộc đời mình trên thế gian này” (4). Rõ ràng, được làm mẹ không chỉ là quyền năng cao cả mà còn là niềm hãnh diện, lẽ sống còn của người phụ nữ. Họ không chỉ là người sinh thành mà còn là người nuôi dưỡng, nâng đỡ, che chở cho những cuộc đời bất hạnh, khổ đau. Điều này đã góp phần tô đậm vai trò không thể thay thế được của người phụ nữ trong xã hội.

Chính vì ý thức được quyền năng và thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ nên Di trong Thoát y dưới trăng đã quyết định từ bỏ người chồng với cuộc sống giàu sang để bảo vệ những đứa trẻ dù chúng không phải con đẻ của mình. Đối với Di - một người phụ nữ cô đơn và bất hạnh, những đứa trẻ đó là lẽ sống, là niềm an ủi của đời cô. Chưa từng làm vợ, chưa từng sinh con, nhưng nội tâm Di đau đớn giằng xé trước cảnh một đứa trẻ bị bỏ rơi. Dù lý trí khuyên cô đừng lại gần đứa trẻ nhưng trái tim mách bảo cô rằng, cô cần phải cứu sống nó: “Cô đứng lại một giây, một giây ấy với cô thật dài, có một cuộc đấu tranh nội tâm rất quyết liệt trong tâm trí của cô lúc đó. Bởi nếu nuôi hai đứa trẻ, cuộc đời cô sẽ nhân đôi những lo toan mưu sinh và cho chúng tình yêu của người mẹ” (5). Cuối cùng, “Di quyết định quay về bên đứa bé, đôi mắt cô đã thấm đẫm nước mắt từ bao giờ. Cô khóc nức nở” (6). Di đã chấp nhận bán thân mình để lấy tiền mua sữa cứu sống hai đứa trẻ. Di còn chấp nhận phận lẽ mọn để cho hai đứa trẻ được đến trường. Cô chịu đựng tất cả, chấp nhận tất cả, chỉ vì con.

Lựa chọn thiên chức làm mẹ cũng là quyết định của người phụ nữ trong Người cha hiện đại của Trầm Hương. Khi người mẹ mang thai, người cha nhất mực ép người mẹ phải phá thai, nếu không anh ta sẽ bỏ mặc cô và hai đứa trẻ. Người phụ nữ phải đối mặt với sự lựa chọn - hoặc là giữ được chồng, hoặc là giữ được con. Trong sự lựa chọn đầy nước mắt ấy, bản năng làm mẹ đã chiến thắng. Hình tượng người chồng đổ sụp trong mắt cô khi cô quyết định giữ lại con và chấp nhận cuộc sống nuôi con một mình: “Khi anh đòi giết Khoai Lang, trong lòng tôi đã không còn anh nữa. Anh đi đi, hãy làm những gì tốt nhất cho anh. Tôi một mình nuôi con” (7). Chấp nhận nuôi con một mình không đơn giản chỉ là sự lựa chọn thiên chức làm mẹ mà còn chứa đựng trong đó sự hy sinh cao cả trong suốt cuộc đời còn lại của người phụ nữ: “Giữ Khoai Lang, mẹ chấp nhận mất ba, mất chỗ làm, mất nhiều cơ hội tiến thân. Và cả gánh nặng ở phía trước mẹ phải mang lấy một mình trên đường đời dài thăm thẳm” (8).

Cũng giống như người mẹ trong Người cha hiện đại, nhân vật Liễu trong Tiểu thuyết đàn bà cũng có sự lựa chọn tương tự. Từ khi lấy chồng, Liễu phải sống cuộc sống “dâu tôi vợ đòi”. Cô đã chấp nhận tất cả để các con cô có được cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, khi cô tận mắt chứng kiến cảnh mẹ chồng để mặc đứa con gái mới tám tháng tuổi khóc lăn lóc dưới đất, khóc đến nín thở, kiến lửa bu đầy người, mình mẩy tím đen tím đỏ thì cô đã không thể nào chịu đựng được nữa. “Cô Liễu không đôi chối gì hết, bồng con gái đi một lèo mười ngày mới về. Cổ về tới nhà là chồng cổ nhào vô đánh bầm giập te tua, cổ bồng con đi nữa” (9). Liễu đã chủ động đưa ra quyết định ly hôn, quyết định từ bỏ người chồng vũ phu, bạo lực để giải phóng mình và bảo vệ đứa con tội nghiệp, đáng thương của mình.

Bên cạnh việc khắc họa hình tượng người phụ nữ khát khao làm mẹ, tiểu thuyết giai đoạn này còn tô đậm nỗi đau đớn tột cùng của người phụ nữ khi bị tước đoạt quyền năng cao quý ấy. Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan đã phần nào nói lên tâm trạng, cảm xúc đau đớn của người phụ nữ mang tên Không Bé khi cô bị cự tuyệt quyền được làm mẹ. Không Bé - người phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Mỹ tên là Ted, sau khi kết hôn, Không Bé mong mỏi được sinh con với người mà cô thương yêu. Tuy nhiên, bởi hết lý do này đến lý do khác, Ted luôn trì hoãn điều đó. Khi khao khát thiêng liêng nhất của người phụ nữ bị chối bỏ, bị tước đoạt, cô cảm thấy đau đớn, xót xa vô cùng: “Không Bé nằm tê liệt giữa chăn nệm ngổn ngang, xộc xệch. Một món thủy tinh nữa vỡ tan trong lòng chị, miếng thủy tinh đang cắt đang ghim khắp người. Chị cảm thấy đau đớn nhiều hơn tủi nhục” (10).

Điều đó cho thấy, hình tượng người phụ nữ gắn chặt với thiên chức làm mẹ - thiên chức thiêng liêng, cao quý và cũng là đặc trưng tính nữ vĩnh cửu của phụ nữ. Bởi vậy, tiểu thuyết giai đoạn này đã tố cáo những nhân tố chà đạp, tước đoạt quyền năng chính đáng ấy của người phụ nữ. Việc người phụ nữ được quyền nuôi con cũng đã góp phần khẳng định quyền làm mẹ một cách chính đáng của người phụ nữ trong xã hội.

Người phụ nữ với đức hy sinh, lòng yêu thương, bao dung, vị tha

Người mẹ là “thánh Mẫu” - “Mẹ nuốt lại đắng cay cho con mật ngọt/ Mẹ đi qua địa ngục cho con thiên đường” (11). Gắn liền với bản năng cũng như thiên chức của người mẹ là đức hy sinh, lòng yêu thương, sự bao dung và vị tha. Điều này được thể hiện tập trung và sâu sắc qua hình tượng người phụ nữ trong một số tiểu thuyết Việt Nam đầu TK XXI như: Chinatown, Tiểu thuyết đàn bà, Trên đỉnh dốc, Gia đình bé mọn, Thoát y dưới trăng, Mẫu Thượng Ngàn…

Trong Thoát y dưới trăng, sự hy sinh, lòng yêu thương, sự bao dung và vị tha luôn gắn liền với hình tượng người phụ nữ. Mẹ Di - người đàn bà khổ hạnh với cuộc đời có quá nhiều những đau thương và mất mát nhưng lại có một trái tim nhân hậu, đầy ắp tình yêu thương. Trong cái nghèo, cái khốn khó và kiệt quệ cùng với đó là sự cự tuyệt, cay nghiệt và chát chúa của những người xung quanh, mẹ Di đã phải lấy thân mình làm vốn sống, hy sinh bản thân mình, hy sinh danh dự của mình để nuôi con, hy sinh tất cả vì con, nhưng lúc nào người mẹ ấy cũng day dứt, oán hận bản thân và thấy mình có lỗi với con. Rất nhiều lần, người mẹ ấy đã khóc để sám hối với con của mình: “Mẹ yêu con rất nhiều, Di đừng ghét bỏ mẹ nhé! Ánh mắt mẹ nhìn Di van lơn và ủ dột. Ánh mắt chở nặng một khối nước đục ngàu, khổng lồ” (12). Những ngày cuối trong cuộc đời mẹ, tình yêu thương ấy càng trở lên mãnh liệt hơn: “Di, Di ơi, mẹ yếu lắm rồi, Di ơi, ai sẽ là người yêu thương con. Người mẹ nhìn con nức nở” (13).

Không chỉ yêu thương con mình, mẹ của Di còn dành tình yêu thương vô bờ cho những đứa trẻ bất hạnh. Kể cả khi sắp chết, mẹ Di vẫn xin làm “công tiễn” cho những hài nhi xấu số tại khoa sản của một bệnh viện nhi. Khi bế ẵm những thi thể hài nhi lạnh ngắt trên tay, mẹ Di tắm rửa cho chúng, cưng nựng chúng, trò chuyện với chúng như thể chúng là những sinh mệnh còn đang tồn tại trên cõi đời này: “Mẹ thương mi nhiều, mẹ tắm sạch sẽ cho mi nhé, những dòng nước ấm nối đuôi nhau chạy trên gương mặt đầy u ẩn của mẹ. Cho mi bú tí mẹ một chút cho có hơi ấm nè. Không thì chết tội lắm con. Di run bắn người khi thấy mẹ đưa đầu ti của mẹ day day vào miệng đứa trẻ. Mẹ hôn lên trán nó rồi đặt đứa trẻ vào cái tiểu bằng sành để trên chiếc bàn trải ga…Vừa chôn đứa bé mẹ vừa khóc nức nở” (14). Những trang viết ấy thực sự lấy đi nước mắt của người đọc trước tình yêu thương vô bờ của người phụ nữ. Chỉ có thể là người phụ nữ và chỉ người phụ nữ giàu lòng yêu thương mới có thể làm được việc đó.

Cũng như mẹ Di, Di cũng là người phụ nữ giàu lòng yêu thương và đức hy sinh như thế. Nếu không có một trái tim dạt dào tình yêu thương, Di đã không đủ dũng cảm để trở thành mẹ nuôi của hai đứa trẻ xấu số. Không mẹ, không cha, không nhà cửa nhưng Di đã mở rộng vòng tay yêu thương nâng đỡ cuộc đời của hai đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi. Với cô, đứa trẻ đáng thương hơn cả cuộc đời của cô. Cô tự nhủ sẽ dành cho các con tất cả những gì tốt đẹp nhất, để các con được lớn lên bình yên như bao nhiêu đứa trẻ khác. Để làm được điều đó, cô đã hy sinh cả cuộc đời của mình để nâng đỡ, yêu thương hai đứa trẻ bất hạnh ấy. Sự hy sinh vô điều kiện cũng như tình yêu thương lớn lao của người phụ nữ làm sao có thể cân đo đong đếm nổi? Chính từ lòng yêu thương và sự hy sinh ấy mà người phụ nữ đã trở thành người nâng đỡ cuộc đời, hàn gắn những vết thương và sưởi ấm cho những trái tim giá lạnh, khổ đau. Đúng như Nguyễn Xuân Khánh đã khẳng định: “Người đàn bà là Mẫu, là Mẹ - Người đàn bà là Đất xứ sở. Người đàn bà là văn hiến” (15). Người phụ nữ “lặng lẽ ban phát ân huệ cho tất cả mọi người... Nó làm cho nỗi lòng của kẻ đang gặp khổ sở được xoa dịu, giúp cho kẻ bệnh tật tăng thêm sức kháng cự, biến kẻ ác đang có dã tâm lương thiện cũng được hưởng phúc, đã tốt lành lại càng tốt lành hơn” (16).

Mây và mẹ Mây trong Thoát y dưới trăng cũng là những người phụ nữ bao dung và vị tha như thế. Mây - người yêu của Mạnh, nhưng chính Mạnh đã tiếp tay cho bọn đàn em xâu xé, làm nhục Mây đến mang thai. Tận mắt chứng kiến thân xác tả tơi cùng những đớn đau kiệt quệ về thể chất và tinh thần của con gái, mẹ của Mây lòng đau quặn thắt. Với chừng ấy nỗi đau, Mạnh đã tưởng rằng, oán hận sẽ dâng đầy trong trái tim hai người phụ nữ. Tuy nhiên, tất cả nằm ngoài dự đoán của Mạnh. Mẹ Mây gọi điện cho Mạnh chỉ để nói lên những lời tâm sự gan ruột, xót xa: “Cô đã rất buồn, rất đau lòng cháu ạ. Cô không nghĩ cháu làm điều đó ngay cả lúc này. Thanh Mây đã lên máy bay đi Hàn Quốc chiều nay. Nó thật tội nghiệp vì lúc lên máy bay vẫn không biết là mình sẽ đi đâu? Nó vẫn cứ ngơ ngác và giật mình thon thót vì đêm nào cũng gặp ác mộng… Cháu gắng sống cho tốt nghen. Đừng phụ lòng người lớn. Bà viện trưởng không một lời trách móc dù trong bà như có lửa đốt” (17).

Việc mẹ Mây chọn cách tha thứ cho Mạnh đã là khó thì đối với Mây, điều đó càng khó khăn hơn gấp bội phần. Với người đàn ông mình từng trao thân, gửi phận, việc bị anh ta phụ tình đã là một nỗi đau không dễ gì vượt qua được. Đối với Mây, nỗi đau ấy nhân lên gấp bội phần khi cô bị chính bọn đàn em của người mình yêu làm nhục đến mang thai. Cô mang thai mà không biết được cha của đứa trẻ là ai. Cô đã phải trải qua những đau đớn về thể xác và tinh thần không gì so sánh nổi. Nhưng cuối cùng, vượt lên trên tất cả những nỗi đau ấy, cô đã chọn cách tha thứ cho người mình yêu: “Mây thanh thản nhiều khi gặp lại Mạnh. Mạnh mới khỏe lại sau lần trúng gió. Chỉ cần nhìn thấy Mạnh như thế cô có thể tha thứ và quên hết mọi chuyện. Cô nghĩ đến Mạnh bằng một cảm giác thanh thản và rộng lượng với cuộc đời” (18). Cô đã chủ động gặp Mạnh chỉ để nói rằng cô đã tha thứ cho Mạnh: “Cách duy nhất để em quên đi quá khứ buồn là học cách tha thứ. Chính vì vậy em quyết định tha thứ cho anh” (19). Chỉ có thể bằng sự bao dung, độ lượng và vị tha thì Mây, mẹ Mây mới có thể tha thứ cho tất cả những tội lỗi của Mạnh.

Sự bao dung, độ lượng và vị tha của người phụ nữ có sức mạnh tái sinh con người. Chính sự vị tha, độ lượng của Mây và mẹ Mây đã cứu vớt cuộc đời Mạnh. Khi ngọn lửa hận thù trong Mạnh còn đang hừng hực cháy thì sự bao dung, độ lượng của mẹ con Mây như một dòng nước mát dập tắt ngọn lửa ấy. Nó làm “vơi đi cái ngột ngạt bế tắc trong con người Mạnh” (20). Sự bao dung và vị tha của những người phụ nữ đã làm cho cuộc đời này vơi bớt những oán giận, thù hằn và trở nên tốt đẹp hơn, giàu tình người hơn.

Người phụ nữ nhạy cảm, tinh tế, giàu cảm xúc

Khi nghiên cứu về cấu trúc và chức năng não bộ của nữ giới và nam giới, các nhà khoa học đã kết luận rằng: “cùng một sự kiện tác động đến trạng thái tình cảm, nhưng thần kinh tạo cảm giác phiền muộn ở nữ có diện tích lan tỏa gấp 8 lần so với nam giới” (21). Vì vậy, so với nam giới, bộ não của người phụ nữ phát triển hơn ở khu vực của cảm giác, của linh cảm và của trí tưởng tượng. Điều này đã quy định đặc trưng của tính nữ: đó là sự nhạy cảm, tinh tế, giàu linh cảm và sự tưởng tượng.

Qua những trang viết của mình, Thuận đã làm nổi bật nên tính nữ của nhân vật “tôi” trong Chinatown - một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế. Nhân vật “tôi” trong Chinatown của Thuận là người phụ nữ dễ xúc động với tất cả mọi sự việc diễn ra xung quanh mình. Trong hoàn cảnh tất cả mọi người trong trường - từ học sinh đến giáo viên, hiệu trưởng, đoàn trường… đều đưa Thụy vào tầm “theo dõi sát” thì với một lòng trắc ẩn, với một sự nhạy cảm, tinh tế và cảm thông, “tôi” đã có sự đồng cảm, thương xót Thụy. Và trong một giây phút định mệnh: “Để vai tôi có dịp được Thụy ngả đầu lên. Để năm năm học ở Nga không sao quên nổi. Để đến bây giờ vẫn không yên… Yên Khê cũng là đêm đầu tiên mất ngủ” (22). Đó là cảm xúc mãnh liệt của người con gái nhạy cảm, tinh tế khi đón nhận sự “động chạm” đầu tiên với một người khác giới. Đó cũng là thứ tình yêu sét đánh nhưng lại đeo bám “tôi” suốt cuộc đời.

Nhạy cảm với những điều nhỏ bé nhất, trong cuộc sống “tôi” luôn mang theo những dự cảm, lo âu: “Một tháng liền tôi nằm mơ Thụy ốm…Đọc Tội ác và trừng phạt, nhân vật chính tự sát. Tôi lại lo Thụy chán đời không thiết sống nữa…Thụy đi đâu về muộn, tôi chỉ sợ có người đến đập cửa báo tin Thụy đã quyên sinh. Tôi sợ nhất Thụy quyên sinh” (23). Những dự cảm lo âu không chỉ ám ảnh nhân vật trong cuộc sống thường nhật mà còn len lỏi cả vào trong những giấc mơ. Và “mỗi giấc mơ của tôi đều là một thảm kịch” (24), “giấc mơ nào cũng cũng tội nghiệp như giấc mơ nào” (25). Vì quá nhạy cảm nên “tôi” thường hay tưởng tượng ra tất cả những viễn cảnh cuộc sống xung quanh mình: “Tôi cũng hay tưởng tượng Thụy sống với vợ mới như thế nào. Thụy có thêm mấy con. Thụy có yêu vợ mới con mới của Thụy không. Tôi không sao nín được” (26).

Không chỉ là một người phụ nữ nhạy cảm, đa cảm, Tôi trong Chinatown còn có linh cảm chuẩn xác. Ngay từ khi Thụy ngả đầu lên vai Tôi, Tôi đã biết tôi sẽ hết lòng vì Thụy. Ngay từ đêm đầu tiên nằm bên cạnh Thụy, Tôi đã biết sẽ có ngày Thụy ra đi: Tôi sợ ngay từ đêm nằm cạnh Thụy, lần đầu tiên, trên chiếc giường mới… thậm chí ngay từ khi Tôi quyết định lấy Thụy. Ngay từ khi Tôi bắt đầu yêu Thụy. Tôi đã biết là Thụy sẽ ra đi. Ra đi rất nhanh. Không có gì để nuối tiếc. Sẽ có ngày Thụy nói: Thụy chán Hà Nội lắm rồi. Những dự cảm lo âu ấy làm cô không có một giây phút hạnh phúc. Khi sống bên cạnh Thụy, cô luôn nghĩ tới ngày Thụy sẽ ra đi - đi mãi mãi. Ngày đó quả thực không xa - chỉ đúng một năm sau ngày cưới - khi con trai cô tròn một tháng tuổi.

Bên cạnh Tôi trong Chinatown, trong tiểu thuyết Việt Nam đầu TK XXI, ta còn gặp không ít các nhân vật nữ giới khác cũng mang những đặc trưng tính nữ tương tự. Trong Tiểu thuyết đàn bà, Không Bé lấy chồng và định cư tại Mỹ nhưng trong cô luôn mang những dự cảm lo âu về người mẹ nơi quê nhà. Khi cô gọi điện cho mẹ mà không được, cô òa khóc như đứa con nít bị đòn oan. Trong Mẫu Thượng Ngàn, bởi sự nhạy cảm và tinh tế nên bà Ba Váy là người duy nhất phát hiện ra Trịnh Huyền chính là anh Phác ngày xưa cho dù anh ta đã thay đổi khuôn dạng, giọng nói…

Vì rất nhạy cảm và sâu sắc nên những người phụ nữ thường dễ cảm thông, dễ động lòng trước nỗi đau của người khác. Đó là chất keo bền chặt gắn kết tình người trong xã hội. Nếu không có sự đồng cảm và tình yêu thương, cuộc đời của những đứa trẻ bị bỏ rơi như Minh Nguyệt, Ánh Dương trong Thoát y dưới trăng, như Khoai Lang trong Người cha hiện đại… rồi sẽ ra sao? Vì thế, những người phụ nữ không chỉ góp phần gắn kết tình người trong xã hội mà họ còn là người mang đến nguồn dưỡng khí ấm nóng để nâng đỡ, cứu vớt sự sống.

Như vậy, mặc dù đã bước sang TK XXI, nhưng khi nhìn lại tiểu thuyết Việt Nam trong mạch nối với truyền thống, một số yếu tố tính nữ vẫn được bảo lưu như: thiên chức làm mẹ; sự nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc; sự hy sinh, giàu lòng yêu thương, bao dung, vị tha… Đây cũng là yếu tố góp phần mang lại vẻ đẹp và hơi ấm nữ tính trong tiểu thuyết Việt Nam đầu TK XXI.

__________________

1, 21. Hồ Khánh Vân, Từ lý thuyết phê bình nữ quyền nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi của các tác giả nữ Việt Nam từ 1990 đến nay, Luận văn thạc sĩ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2008, tr.134, 24.

2, 3, 15, 16. Nguyễn Xuân Khánh, Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, 2009, tr.291, 193, 806, 708.

4, 5, 6, 12, 13, 14, 17, 18, 19, 20. Thủy Anna, Thoát y dưới trăng, Nxb Văn học, 2010, tr.41, 34, 34, 10, 10, 18, 112, 152, 153, 112.

7, 8, 11. Trầm Hương, Người cha hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr.18, 124, 140.

9, 10. Lý Lan, Tiểu thuyết đàn bà, Nxb Văn nghệ, 2009, tr.143, 56.

22, 23, 24, 25, 26. Thuận, Chinatown, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr.113, 40, 40, 120, 126.

Tài liệu tham khảo

1. Dạ Ngân, Gia đình bé mọn, Nxb Phụ nữ, 2008.

2. Lê Ngọc Mai, Trên đỉnh dốc, Nxb Hội Nhà văn, 2006.

TS VŨ THỊ HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;