Thơ tượng trưng là một trong những trào lưu có sức sống bền bỉ và ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử văn chương nhân loại. Vốn hình thành ở Pháp từ cuối TK XIX trong bối cảnh xã hội hoàn toàn bất lợi cho sự phát triển nghệ thuật, thơ tượng trưng đã trải qua một cuộc hành trình không ít chông gai, trắc trở, có lúc tưởng phải bỏ dở giữa chừng. Thế nhưng, với bản lĩnh can trường và khát vọng sáng tạo vô biên, các thi tài C.Baudelaire, P.Verlaine, A.Rimbaud, S.Mallarmé, PValéry... đã vượt qua sự dèm pha, cười cợt của người đời, sự chỉ trích, kết tội của nhà cầm quyền để quyết tâm theo đuổi nàng thơ của mình và đã thành công.
Sang TK XX, thơ tượng trưng mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều thế hệ thi sĩ trên khắp năm châu đã se duyên với thơ tượng trưng rồi hạ sinh những đứa con lai mang cốt cách, hình hài của mỗi nhà thơ, mỗi dân tộc. Thơ tượng trưng Pháp còn chinh phục cả nền văn chương Á Đông - vốn cách xa cả về địa lý lẫn văn hóa. Các nhà thơ Nhật Bản (Susukida Kyuukin, Kanbara Ariake, Kihahara Hakushuu, Miki Rofuu...), Trung Quốc (Từ Chí Ma, Văn Nhất Đa, Chu Tương...), Việt Nam (Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương...), người trước kẻ sau, người nhiều kẻ ít đều bị quyến rũ bởi vẻ đẹp tân kỳ, vừa lạ vừa quen của thơ tượng trưng. Lạ, vì nó đến từ phương Tây xa xôi trong lối y phục hiện đại, cùng những cá tính sáng tạo đầy nổi loạn; quen, vì chúng có những điểm tương đồng trong tư duy nghệ thuật thơ, như sự đề cao thi trung hữu nhạc, thi trung hữu họa của thơ ca phương Đông. Do đó, thơ tượng trưng dễ dàng ảnh hưởng tiếp nhận, tiếp biến, tạo nên cú huých lớn, thúc đẩy con thuyền thơ của các nước Á châu nhanh chóng tiến ra đại dương, hòa mình vào thi ca hiện đại thế giới.
Thơ tượng trưng đã đem lại một cách nhìn mới về thế giới, con người, đời sống, văn hóa, tư tưởng, ngôn ngữ với những quan niệm thẩm mỹ đặc trưng. Những nhà thơ Việt Nam trong buổi chuyển giao văn học giữa mới - cũ đã nhìn thấy từ thơ tượng trưng những gợi ý vô cùng có ý nghĩa, từ đó, họ bước vào sáng tác một cách say sưa và nhiệt huyết, mặc dù, có người thành công, có người chưa thành công, nhưng về cơ bản, họ đã có những đóng góp đáng ghi nhận, góp phần nâng thơ dân tộc lên một tầm mới.
So với nhiều quốc gia khác, thơ tượng trưng đến Việt Nam khá muộn, nhưng bù lại, nó có một sức sống khá bền bỉ. Năm 1917, lần đầu tiên trên Tạp chí Nam Phong (số 6), Phạm Quỳnh có lời giới thiệu C.Baudelaire với độc giả Việt Nam nhằm mục đích kêu gọi mọi người học tập thi gia này để cách tân nền thơ dân tộc. Bởi theo ông, Baudelaire là bậc thiên tài và Những bông hoa Ác là một tuyệt tác: “Tập thơ ấy như luyện như đúc không biết bao nhiêu tư tưởng kỳ lạ, phản chiếu cho chúng ta những chốn thâm sơn cùng cốc trong chân thân mộng cảnh của người đời” (1). Tiếc rằng, các thi sĩ Việt Nam bấy giờ chưa hội đủ điều kiện, tâm thế tiếp nhận thơ Baudelaire.
Giai đoạn thứ nhất (1932-1936)
Ở giai đoạn này, người ta nhận ra nhà thơ Thế Lữ là người đầu tiên sớm mang nỗi “chán chường” (spléen), trụy lạc, muốn ngủ quên trong “thú đau thương” như Baudelaire: “Lòng đã tắt không còn tin tưởng nữa/ Thì quên đi! Quên hết để say sưa/ Để mê ly trong thú ái ân hờ/ Để trốn tránh những ngày giờ trống trải” (Trụy lạc - Thế Lữ). Hay trong thơ Lưu Trọng Lư ngân lên vài giai điệu du dương, mơ màng giống với Verlaine: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức?/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ?” (Tiếng thu - Lưu Trọng Lư). Với Tiếng thu, Lưu Trọng Lư quan niệm: Thơ không phải là nhạc nhưng nhạc điệu trong thơ cực kỳ quan trọng. Tiếng thu được chú ý gợi tả từ tiếng lòng, tiếng lòng xuất phát trên cơ sở cảnh thu. Ngoài nét nghĩa tượng trưng được gửi gắm trong hệ thống ngữ nghĩa của từ vựng, Tiếng thu còn chú ý sử dụng nhạc tính để biểu đạt, tất cả đều hướng tới tạo ra một không gian cô đơn vô bờ. Nhà thơ rất chú ý đến việc thể hiện những khoảnh khắc tâm trạng của cái tôi một cách chân thật, coi trọng cách diễn tả cái riêng của những nhạy cảm tâm hồn hơn là tìm ra cái khuôn mẫu. Thành thực với mỗi cảm xúc trào dâng trong lòng mình và những biến thái tinh vi của nó sẽ dẫn dắt những yếu tố cấu thành thi phẩm, đặc biệt là mạch cảm xúc mộng tình yêu và mộng giang hồ luôn kèm theo tâm trạng sầu buồn. Lưu Trọng Lư có thể xem là người đại diện, là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên ở chặng tiên phong.
Nhìn chung, có thể thấy, giai đoạn (1932-1936) chủ yếu vẫn là lãng mạn, chỉ mới nhen nhóm một vài yếu tố tượng trưng nhưng còn mờ nhạt, chưa rõ nét, nó đang ở dạng phôi thai, chưa hình thành một khuynh hướng.
Giai đoạn thứ hai (1936-1939)
Bước sang giai đoạn này, khi các nhà thơ Việt Nam ảnh hưởng văn chương Pháp có phần thấm thía hơn, thì thơ tượng trưng được người ta ưa chuộng hơn cả. Dấu ấn tượng trưng xuất hiện trong Thơ Mới giai đoạn này đã tạo nên một khuynh hướng thi ca với những đặc điểm rõ nét, như: thuyết tương giao, biểu tượng, nhạc tính…
Xuân Diệu là người đầu tiên có ý thức tiếp thu trường phái này, đặc biệt là sự ảnh hưởng C.Baudelaire. Xuân Diệu thừa nhận chính Baudelaire đã giúp ông đi toàn vẹn vào tính chất hiện đại của thơ. Ông học ở C.Baudelaire một nghệ thuật tinh vi để diễn đạt nguồn cảm xúc trữ tình lãng mạn của mình. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như: Trăng, Nhị hồ, Đây mùa thu tới, Huyền diệu, Vội vàng, Nguyệt cầm, Buồn trăng, Thơ duyên… đều kết hợp nhuần nhị giữa yếu tố lãng mạn và tượng trưng, trong đó, tiêu biểu nhất là Huyền diệu. Thi sĩ đã mượn câu thơ nổi tiếng của C.Baudelaire trong Tương hợp: “Les parfums, les couleurs et les sons se répondent” làm đề từ cho bài thơ của mình. Thi sĩ đã mở rộng các giác quan khi đứng trước thiên nhiên, cái đẹp và tình yêu... Một thế giới huyền diệu được mở ra dù chỉ là cảm xúc với ánh trăng, khúc nhạc, chiếc lá, làn gió… qua tâm hồn nhà thơ đã trở thành sự rung động. Huyền diệu là trạng thái đắm say đến ngất ngây. Sự giao cảm kỳ diệu trong thi phẩm này được dẫn dắt bởi âm nhạc, bài thơ lan tỏa bởi những khúc nhạc du dương: “Này lắng nghe em khúc nhạc thơm/ Say người như rượu tối tân hôn/ Như hương thấm tận qua xương tủy/ Âm điệu, thần tiên, thấm tận hồn” (Huyền diệu - Xuân Diệu). Âm nhạc như đang tỏa ra mùi hương thấm vào thể xác và linh hồn. Thế giới Huyền diệu đã nâng đôi cánh cảm xúc thăng hoa hòa vào màu sắc và âm thanh du dương: “Hãy tự buông cho khúc nhạc hường/ Dẫn vào thế giới của du dương/ Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy/ Hiển hiện hoa và phảng phất hương” (Huyền diệu - Xuân Diệu). Dường như Xuân Diệu nhạy bén với âm nhạc nên không chỉ Huyền diệu mà rất nhiều thi phẩm khác như Nhị hồ, Nguyệt cầm cũng đều khởi phát cảm hứng bằng những rung cảm về âm thanh. Đối với thơ tượng trưng, khám phá và hé mở sự bí ẩn sâu xa của thế giới là bản chất, các nhà thơ tượng trưng còn hướng đến biểu hiện tương giao của vạn vật. Xuân Diệu vốn là thi sĩ nhìn thế giới bằng đôi mắt xanh non, nên luôn phát hiện ra vẻ đẹp tươi tắn, hòa hợp, tràn đầy thơ mộng, cũng xuất phát từ nguyên tắc tương giao, Xuân Diệu nhìn thấy một thế giới huyền diệu, du dương: “Một tối bầu trời đắm sắc mây/ Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy/ Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ/ Nghiêng xuống làn rêu một tối đầy” (Với bàn tay ấy - Xuân Diệu). Phải chăng, với sự ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp, đặc biệt là phép màu nhiệm của thuyết tương giao, Xuân Diệu đã dẫn dắt người đọc bước vào thế giới huyền diệu, giúp con người thâm nhập được góc khuất, sự bí ẩn của nó. Từ quan niệm về tượng trưng của Xuân Diệu, thế giới mở ra trước mắt nhà thơ không phải những gì quan sát được mà là phần huyền diệu, du dương mà lối tư duy thông thường khó có thể nắm bắt nổi.
Sau Xuân Diệu thì Huy Cận cũng tìm đến với thơ tượng trưng, với Baudelaire một cách say sưa và chủ động. Ông chú ý nhiều tới phép tương ứng giác quan. Có thể thấy rằng, ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp đến Huy Cận là ở thuyết tương ứng, là quan niệm về tính thống nhất sâu xa và huyền bí của vũ trụ, điều này được thể hiện rõ ở Lửa thiêng. Thơ Huy Cận luôn hiện diện hình tượng một thi sĩ mang khát vọng đăng cao như một lý tưởng thẩm mỹ, để cái tôi cá nhân giao hòa vào vũ trụ: “Gió trăng ơi! nay còn nhớ người chăng/ Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng/ Nỗi hiu quạnh của hồn buồn vô cớ” (Mai sau - Huy Cận). Huy Cận còn chịu ảnh hưởng Verlaine sâu sắc. Một số bài thơ của ông như: Buồn đêm mưa, Nhạc sầu, Ngậm ngùi... là những “bản hòa tấu của trái tim”, vang ngân muôn giai điệu, như có một sợi dây vô hình kết nối từ tâm linh người nghệ sĩ đến đáy sâu của tạo vật thiên nhiên. Nói như Đỗ Lai Thúy: “Xuân Diệu, và nhất là Huy Cận, là dòng lãng mạn được cườm vào yếu tố tượng trưng” (2). Ảnh hưởng thơ tượng trưng Pháp đến Chế Lan Viên là ở sự thay đổi tư duy “làm thơ là làm sự phi thường”. Ông dám công khai đối đầu với quan điểm cái đẹp phải gắn liền với cuộc sống, nghệ thuật phải gắn với đạo đức, chính trị, xã hội. Việc đề cao quá mức quan điểm thần bí hóa quá trình sáng tạo đã dần đưa thơ vào địa hạt siêu hình, bí hiểm: “Ngoài kia trăng sáng chảy bao la/ Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn/ Thôi ngụ lặn trong ánh trăng vàng hỗn độn/ Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da” (Tắm trăng - Chế Lan Viên). Còn Hàn Mặc Tử thừa nhận khi sáng tác, thi sĩ ở trạng thái mê sảng, chiêm bao, mất trí “làm thơ tức là điên” - như ông quan niệm. Ông chỉ dựa vào tiềm thức, trực giác chứ không có sự can thiệp của lý trí. Phải chăng, điều này là do ảnh hưởng sân sắc thơ tượng trưng Pháp, đặc biệt là Baudelaire: “rõ ràng Hàn Mặc Tử gặp gỡ Baudelaire trong cái nhìn hướng thượng” (3).
Như vậy, ở giai đoạn thứ hai (1936-1939), các nhà Thơ Mới ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc nhất từ thơ tượng trưng Pháp, như: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê… họ đã mượn hình thức của thơ tượng trưng phương Tây (thơ Pháp), tiếp thu những yếu tố hiện đại phương Tây để tỏ lòng, trong đó, nổi bật là sự chủ động, ý thức “làm thơ” tượng trưng của Bích Khê.
Giai đoạn thứ ba (1939-1945)
Đến giai đoạn này, thơ tượng trưng đã chiếm trọn tình cảm của nhiều nhà Thơ Mới Việt Nam. Bởi họ hiểu rằng, muốn đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa thơ ca dân tộc, chỉ có thể đi trên con đường tượng trưng chủ nghĩa. Chưa bao giờ các nhóm thơ lại được xuất hiện nhiều như lúc này, trong đó, năm 1942, nhóm Xuân Thu ra đời và cho xuất bản giai phẩm Xuân Thu Nhã Tập (bao gồm cả thơ ca, nhạc họa và một bài khảo luận). Những suy nghĩ và thể nghiệm trong giai phẩm này đã cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét trường phái tượng trưng. Đặc biệt, những tuyệt phẩm của Đoàn Phú Tứ - Màu thời gian, Nguyễn Xuân Sanh - Buồn xưa, còn sáng tác của Phạm Văn Hạnh là sự nén chặt của chất tượng trưng thâm hậu với ngôn từ đạo học phương Đông, ông có tập thơ Giọt sương hoa, trong đó, nhiều bài giàu chất tượng trưng. Bên cạnh đó, các tác giả của Xuân Thu Nhã Tập muốn ngăn cái họa mất gốc nên đã tìm trong thi phái tượng trưng “một căn cước dân tộc, hay căn cước phương Đông, bằng cả lý luận lẫn sáng tác” và “những vấn đề mà Xuân Thu Nhã Tập đặt ra hình như thơ Việt Nam hôm nay còn đang tiếp tục trả lời” (4). Với Xuân Thu Nhã Tập, chủ trương này càng được khẳng định quyết liệt hơn. Họ chủ trương một lối thơ thuần túy, trong trẻo, hàm súc. Họ chỉ cần một thứ thơ rung động, chứ không cần hiểu cặn kẽ và không cần giải thích nhiều. Họ đã làm một cuộc thể nghiệm và đi khá xa trong sự tìm tòi với những bài thơ kín mít, một thời bị đánh giá là lối thơ “hũ nút”.
Bên cạnh đó, còn có nhóm Dạ đài, tuy xuất hiện khá muộn và chỉ ra một số báo vào ngày 16-11-1946, nhưng thực chất các nhà thơ trong nhóm (Đinh Hùng, Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Nguyễn Văn Tậu) sáng tác từ trước, gắn với phong trào Thơ Mới. Ngoài thực tiễn sáng tác in đậm dấu ấn thi học tượng trưng, Dạ đài có hẳn một bản tuyên ngôn, chứng tỏ họ có ý thức lập nên thi phái với đường lối sáng tạo riêng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Các tác giả đã tỏ rõ thái độ khước từ lối viết của thơ lãng mạn, vì theo họ, nó quá nghèo nàn, đơn điệu, cũ kỹ, sáo mòn. Từ đó, họ đề xuất một lối viết mang màu sắc hiện đại trên cơ sở kết hợp Đông - Tây. Họ đã rất có ý thức và khát vọng muốn vượt lên những quan niệm thi ca sẵn có nhằm mở ra một hướng đi riêng trên tinh thần thâu tóm tất thảy tinh hoa của nền thơ nhân loại. Dù tự nhận là “thi sĩ tượng trưng” nhưng Dạ đài không phải là tượng trưng thuần túy, họ còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực ở lối viết vụt hiện. Sáng tạo trong trạng thái phi lý tính, đan bện giữa tượng trưng và siêu thực, làm cho thơ của Dạ đài hướng tới một vóc dáng tân kỳ, ảo diệu, không dễ nắm bắt ngay tức thì. Dạ đài quan niệm “thơ cũng phải âm u như cảnh giới của cái tôi thầm lặng”, gần gũi với cái vô ngôn chi mỹ, cái ảo diệu lung linh của Đường thi. Bích Khê cũng đắm chìm trong sự ảnh hưởng của thơ tượng trưng quá rõ, đến mức “cuồng”, “điên”, “dại” rồi đi đến hóa giải thành thơ: “Ôi! Say khướt mới dào muôn ý tứ/ Ôi điên rồ mới ngớp ánh chiêm bao” (Trái tim - Bích Khê).
Có thể khẳng định, đến giai đoạn này (1939-1945), chủ nghĩa tượng trưng đã chiếm lĩnh hoàn toàn các nhà Thơ Mới Việt Nam từ quan niệm mới mẻ về thế giới, về quan niệm thẩm mỹ thấm đẫm màu sắc triết học. Với cái nhìn thấu thị, tư duy liên tưởng, họ không chỉ khám phá ra sự tồn tại của cõi siêu hình, mà còn mở rộng thế giới tới những miền xa thẳm, vô biên. Nhờ đó, thi nhân có thể làm những cuộc phiêu lưu qua nhiều cõi giới và mang về cho nàng thơ những sắc hình diễm ảo, lung linh, huyền nhiệm vốn chưa từng có trước đây. Song, đôi khi, nó cũng khiến thi nhân lạc lối, đi vào chỗ tối tăm, không lối thoát.
Sự ra đời của thơ tượng trưng đã thực hiện cuộc cách tân cho Thơ Mới trên cả hai hệ thống: hệ thống thể thơ thuần Việt và hệ thống thể thơ du nhập. Hai hệ thống thể thơ này bổ sung cho nhau, tạo nên diện mạo đặc sắc cho Thơ Mới. Thơ tượng trưng Pháp đã du nhập vào Việt Nam, tuy nhiên, nhờ bản lĩnh, trí tuệ và lòng tự tôn dân tộc, tầng lớp trí thức Tây học bản địa đã biết chọn lọc những tinh hoa để tiếp thu. Các nhà thơ hiện đại Việt Nam không chỉ phát hiện ra cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của thi phái này, họ còn tìm thấy nó có những điểm tương đồng với nền thơ dân tộc. Vì thế, thơ tượng trưng nhanh chóng chiếm được tình cảm của không ít thi nhân Việt, làm nên một cuộc hội ngộ mang tính lịch sử. Thơ tượng trưng - lối thơ xoáy sâu vào chủ thể, lối thơ biểu hiện sự phản ứng đối với cuộc sống tầm thường nhỏ nhen, vị kỷ, vị lợi, trở nên có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với các nhà thơ Việt Nam.
Có thể thấy, sự tiếp thu chủ nghĩa tượng trưng vừa là một yếu tố khách quan trong tiến trình hiện đại hóa văn học, vừa là một sự lựa chọn nghệ thuật của các tác giả phong trào Thơ Mới. Tuy là một thi phái đến từ phương Tây, nhưng thơ tượng trưng không quá xa vời truyền thống và kinh nghiệm thẩm mỹ của người phương Đông và Việt Nam. Sự tiếp thu và gặp gỡ này tạo nên những dòng tượng trưng: Trường thơ loạn, Xuân thu nhã tập và Dạ đài, nơi hội tụ những điều thiêng liêng, kỳ bí đã khơi gợi hồn thơ của biết bao thi sĩ, trong đó, có những gương mặt thơ độc sáng, kiến tạo nên một tổ chức thi ca với tuyên ngôn nghệ thuật lạ lẫm, đã mang lại dáng dấp hiện đại mới cho thơ, góp phần làm nên sự đa sắc màu cho cả một nền văn học.
_________________
1. Phạm Quỳnh, Luận giải văn học và triết học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.382.
2, 4, 5. Đỗ Lai Thúy, Mắt thơ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.215, 248, 215.
3. Hồ Văn Quốc, Khuynh hướng thơ tượng trưng hiện đại Việt Nam, Luận án, Huế, 2016, tr.67.
Tài liệu tham khảo
1. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, 2003, Hà Nội.
2. Minh Huy, Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1962.
3. Lê Đình Kỵ, Thơ mới những bước thăng trầm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
4. Nguyễn Bá Thành, Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996.
5. Thụy Khê, Từ lãng mạn đến siêu thực, thuykhe.free.f, 2009.
6. Phan Lạc Phúc, Nhân cái chết của Đinh Hùng, nghĩ về thơ tượng trưng, Tạp chí Văn, số 91, 1967, tr.86-91.
7. Lê Hồng Sâm, Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XIX, tập 4, Nxb Ngoại văn, Hà Nội, 1990.
TS NGUYỄN THỊ MINH HIỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022