Tính tới nay, quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ ca hiện đại Việt Nam nói chung hay trong thơ Trần Nhuận Minh nói riêng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ xuôi theo dòng chảy của thời gian. Từ con người sử thi, trọng tâm đã chuyển dần về con người đời thường của cuộc sống phức tạp. Đó là do sự thay đổi về nhận thức của nhà thơ. Từ con người sử thi, ông hướng tới những ngóc ngách đời thường, sử dụng ngòi bút để “áp tải sự thật”, dũng cảm vạch ra những mặt tối, khuất lấp đang tồn tại trong con người hiện nay. Việc nghiên cứu sự vận động trong quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Trần Nhuận Minh qua hai giai đoạn sáng tác giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con người nhà thơ cũng như những điều mà ông muốn gửi gắm tới người đọc.
1. Trần Nhuận Minh và hành trình để lại dấu ấn trên con đường thơ ca
Trong mạch phát triển của nền văn học Việt Nam, Trần Nhuận Minh là người đi tiên phong, đem lại tiếng vang cho nền văn học Quảng Ninh. Giữa muôn vàn gương mặt thơ, tiếng thơ Trần Nhuận Minh nổi bật bởi chất “thực” đặc thù trong các sáng tác của nhà thơ. Chính vì chất kết dính có từ trong thơ ra đời mà thơ ông nhẹ nhàng lay động, đánh thức lương tâm người đọc.
Trần Nhuận Minh đã đóng góp nhiều công trình có giá trị cho nền văn học Quảng Ninh. Những cống hiến của Trần Nhuận Minh đã được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 2) năm 2007 cho 2 tác phẩm: Nhà thơ và hoa cỏ và trường ca Bản sonata hoang dã, giải thưởng Sông Mekông của khu vực 6 nước sông Mekông (Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam) năm 2020 cho tập thơ Qua sóng Trường Giang. Thơ văn của ông từ năm 1980 đã được tuyển chọn đưa vào chương trình học Ngữ văn phổ thông, đồng thời thường xuyên được lựa chọn, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí, trên sóng phát thanh, truyền hình…), được giới thiệu trong chương trình văn học Quảng Ninh (thuộc chương trình giáo dục địa phương) bậc phổ thông và bậc đại học, là gương mặt thơ Quảng Ninh tiêu biểu nhất.
Hành trình cầm bút của Trần Nhuận Minh tính tới nay đã là 60 năm có lẻ. Hành trình thơ của ông là hành trình từ sông ra biển, từ công nhân đến với nhân dân, từ nhân dân đến với con người. Quá trình sáng tác của Trần Nhuận Minh có thể chia làm hai chặng: trước thời kỳ Đổi mới (1960-1985) và thời kỳ Đổi mới đến nay. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông cùng các nhà thơ khác như: Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo… là những gương mặt thơ tiêu biểu. Trong quãng thời gian 25 năm thuộc giai đoạn thứ nhất, Trần Nhuận Minh đã cho ra đời 3 tập thơ mà nổi bật hơn cả là: Âm điệu một vùng đất. Các tập thơ: Nhà thơ áp tải, Nhà thơ và hoa cỏ, Bản sonata hoang dã, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh ra đời trong thời kỳ này thể hiện khát vọng nhân nghĩa và tự do, tôn vinh cái thiện và cái tốt… đồng thời, thể hiện năng lực sáng tạo dồi dào, luôn tự làm mới mình, để “không tập thơ nào cùng kiểu với một tập thơ nào”.
Với ý thức sáng tạo thầm lặng và bền bỉ, hơn 60 năm qua, “dòng sông thơ Trần Nhuận Minh” đã “chảy không ngơi nghỉ” để cống hiến cho đời những trang thơ văn đẫm triết lý, suy tư.
2. Sự vận động của quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Trần Nhuận Minh
Quan niệm nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Việt Nam hiện đại
Quan niệm nghệ thuật là một vấn đề cơ bản trong nghiên cứu văn học. Việc tìm hiểu quan niệm nghệ thuật giúp người đọc thấy được góc nhìn nghệ thuật của nhà thơ, từ đó hiểu sâu hơn về thế giới nghệ thuật của họ.
Quan niệm nghệ thuật là: “nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó”. “Quan niệm nghệ thuật là sự miêu tả hữu hạn của thế giới vô hạn là cuộc đời, hình tượng văn học phải được mở đầu và kết thúc ở đâu đó, con người và cảnh vật phải được nhìn ở giác độ nào đó. Để tái hiện cuộc sống con người, tác giả phải hiểu cách họ giao tiếp với nhau, với thế giới và với bản thân, cách họ sống, hành động và suy nghĩ, điều họ quan tâm và không quan tâm trong cuộc đời” (1). Nói cách khác, quan niệm nghệ thuật là cách lý giải hiện thực của người nghệ sĩ. Quan niệm nghệ thuật là tên gọi khác cho cái nhìn của tác giả về cuộc đời, con người gắn với xúc cảm, tình cảm, với sự miêu tả nghệ thuật, phương tiện nghệ thuật.
Sự đổi mới và đa dạng của văn học trước hết là đổi mới và đa dạng trong quan niệm nghệ thuật về con người. Quan niệm nghệ thuật về con người cũng là sản phẩm của văn hóa, tư tưởng. Qua mỗi thời đại, quan niệm nghệ thuật về con người lại có sự vận động và phát triển.
Sự vận động của quan niệm nghệ thuật về con người
Con người sử thi và thời đại anh hùng: Trần Nhuận Minh là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Cùng với các nhà thơ chống Mỹ, Trần Nhuận Minh đã đi qua những năm tháng lịch sử hào hùng, khi cả dân tộc một lòng quyết tâm đánh giặc cứu nước. Đó là lý do, trong thơ ông thời chống Mỹ, mỗi nhân vật đều nhận thức một cách sâu sắc sự gắn bó giữa vận mệnh Tổ quốc và số phận cá nhân. Dù mỗi bài thơ hướng đến một đối tượng, vấn đề khác nhau như hình ảnh người chiến sĩ, người mẹ, hình ảnh xóm làng trong những năm chiến tranh… nhưng đều có chung thông điệp “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng”: “Còi báo động không giục ai lẩn trốn/ Chỉ giục đạn lên nòng” (Nơi rất bình yên).
Trong thơ Trần Nhuận Minh giai đoạn từ 1960-1986, hiện lên là những con người căng tràn nhựa sống, yêu đời, yêu người, lạc quan tin tưởng vào tương lai. Những câu chuyện sản xuất được thể hiện trong thơ đầy hứng khởi. Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng anh dũng đáng tự hào, ở đó, trong gian lao, con người vẫn ánh lên nụ cười và niềm tin chiến thắng: “Những buổi tối ở đây/ Nhà sáng xanh đèn mỏ/ Người chồng lo cho vợ/ Chọn giống, bón đón đòng/ Người vợ lo cho chồng/ Bữa ngon ngày mở vỉa/ Niềm vui và gian khổ/ Chia đều cho hai nơi” (Làng ven mỏ).
Từ năm 1964, lửa chiến tranh lan rộng cả hai miền Nam Bắc. Tác giả tập trung biểu hiện mối quan hệ biện chứng giữa thù nhà, nợ nước, đặt cái ta lên trên cái tôi, đặt Tổ quốc lên trên hạnh phúc cá nhân, riêng tư là cách xử lý được các nhà thơ thời chống Mỹ quán triệt, trong đó có Trần Nhuận Minh.
Những người lính xuất hiện trong tác phẩm của Trần Nhuận Minh đều có xuất thân là những người nông dân, thân thuộc với bờ tre gốc rạ, với điệu hò, lời ru êm ả: “Đây là nơi lần đầu tiên ta nhận ra Đất nước/ Ngổn ngang mây hong nắng chân trời xa/ Bát ngát câu hò, nẻo đường xòe nan quạt/ Gan bàn chân mát lạnh bóng tre ngà”(Cổng làng).
Lớp lớp thế hệ nối tiếp nhau lên đường vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc. Những dấu chân của trai làng in hằn “chi chít” nơi cổng làng như một minh chứng rõ nét cho tinh thần chiến đấu quả cảm của người dân Việt Nam. Viết về hành trình của lớp người cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, nhà thơ Thanh Thảo cũng đã từng viết về những dấu chân: “Dấu chân ai đọc nên vần/ Nên nào ai biết đi gần đi xa./ Cuộc đời trải mút mắt ta/ Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường/ Những người sốt rét đang cơn/ Dấu chân bấm xuống đường trơn, có nhoè?...” (Dấu chân qua trảng cỏ).
Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, tương trợ không chỉ là vẻ đẹp riêng có của những người lính Cụ Hồ mà còn là vẻ đẹp tinh thần, là truyền thống nghìn đời của toàn thể dân tộc Việt Nam. Vẻ đẹp đó được Trần Nhuận Minh truyền tải qua những hình ảnh, chi tiết đầy sức lay động: “Người đàn bà ấy ập vào hang cùng với hơi bom/ Lát sau chị đau bụng đẻ/ Chiếc bàn mổ bỗng thành bàn sinh nở/ Chúng tôi nén đau, không ai nỡ rên/ Phải để chị sinh con trong những giây phút bình yên” (Chuyện trong hang cấp cứu)
Phía sau những bước chân của người lính có con mắt đau đáu dõi theo của những người bà, người mẹ, người cha, có niềm tin yêu, niềm hy vọng gửi gắm cho những đứa con ra trận. Bao đấng sinh thành đã nén đau thương để động viên con ra trận, họ tin tưởng con mình sẽ thắng giặc để trở về. Nhưng bao nhiêu ngày tháng là bấy nhiêu lần cha mẹ già ngóng đợi tin con. Sự hy sinh thầm lặng ấy chỉ có lòng người làm cha, làm mẹ mới hiểu: “Cha anh các em gửi lại chúng tôi/ Bao nhiêu lo toan, thương yêu và hy vọng/ Không ở đâu như ở đây/ Một chút buồn vui cũng thành lớn lao/ Cũng thành vang động/ Trong lòng người làm mẹ, làm cha…” (Nơi ở chúng tôi).
Bên cạnh việc ngợi ca những tấm gương chiến đấu ngoan cường, thơ Trần Nhuận Minh thời chống Mỹ còn tập trung ngợi ca những con người hết mình lao động, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước. Họ có thể thuộc các lực lượng khác nhau, nghề nghiệp khác nhau như bác sĩ, nông dân, dân chài, thợ mỏ, thợ lò, thợ hàn... nhưng đều giống nhau ở tinh thần cống hiến, hy sinh, hết mình lo toan cho công việc chung dù bản thân hoặc gia đình gặp hoàn cảnh, khó khăn thiếu thốn: “Tổ quốc mình bát ngát cánh đồng xưa/ Đang nuôi lớn những vùng công nghiệp/ Làm thật nhiều than, đấy là điều tâm huyết/ Đang gọi trong tim tôi hôm nay” (Trên tầng cao 380).
Trong thơ Trần Nhuận Minh, hình tượng người công nhân được khắc họa đậm nét và chân thực. Tuy làm công việc khác nhau, ở các vị trí khác nhau nhưng họ đều có chung tình yêu với vùng đất mỏ. Vượt qua khó khăn, họ quyết tâm góp sức mình vào sự phát triển của đất nước.
Trần Nhuận Minh nhìn những người thợ bằng con mắt của lòng ngưỡng mộ và sự cảm phục. Bởi vậy, dù công việc mệt nhọc nhưng hình ảnh những người thợ trong lao động vẫn hiện lên thật đẹp: “Từ tay em, những tia lửa bay ra/ Em thành trung tâm muôn ngàn sao sa/ Nối liền trời và đất/ Nối liền ước mơ và sự thật/ Nối liền hôm nay và ngày mai” (Cô thợ hàn trên khung nhà cao tầng).
Ở trong hoàn cảnh đất nước đang cần sự đồng lòng của toàn dân, khi những người công nhân mỏ hăng say khai phá tiềm lực công nghiệp của Tổ quốc, thì những người nông dân tăng gia sản xuất: “Dọc ngang mương máng nổi/ Dẫn nước mỏ về đồng/ Rửa mặn và khoanh vùng/ Lúa đã vào năm tấn/ Ruộng gần rồi bãi xa… Gái làng làm theo ca/ Khơi mương và gặt lúa” (Làng ven mỏ).
Như vậy, có thể thấy, thơ Trần Nhuận Minh những năm kháng chiến là tiếng thơ của tuổi trẻ, của khát vọng sống và chiến đấu. Nhân vật trữ tình trong thơ ông lúc bấy giờ là những người say mê lý tưởng, dám sống, cống hiến và hy sinh cho đất nước. Đó là những con người sử thi, đại diện cho tầm vóc, sức mạnh, ý chí và khát vọng của cả cộng đồng, của dân tộc, đất nước.
Có một đặc điểm xuyên suốt trong thơ Trần Nhuận Minh từ những ngày đầu sáng tác tới hôm nay đó là: thơ ông như là một câu chuyện về cuộc đời, về số phận con người.
Khi viết về những số phận bất hạnh, ông dành nhiều tình cảm cho những người phụ nữ. Đó có thể là một người quen thân mà nhà thơ thấu tỏ từng trang cuộc đời, như trường hợp thím Hai Vui trong bài thơ cùng tên. Những năm mưa bom bão đạn, người lính ra chiến trường nguyện hy sinh thân mình để xây nên tường thành bảo vệ cho Tổ quốc. Họ đi chẳng hẹn ngày gặp lại, để sau lưng nỗi nhớ thương, lo lắng của mẹ già, của vợ dại con thơ. Hơn bao giờ hết những người phụ nữ hiểu được giá trị của ngày trở về, ngày đoàn tụ. Vậy mà với thím Hai Vui những năm người chồng ra trận lại là “những năm hòa bình”. Nghịch lý quá! Phải đọc toàn bộ “câu chuyện” đời thím trong cả bài thơ thì độc giả mới thấu hiểu và sẻ chia được những nỗi niềm tưởng như nghịch lý ấy. Ở thím Hai Vui có cái tần tảo, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam. Ngày nghe tin chú mất, thím lẳng lặng ở vậy gồng gánh, chắt chiu nuôi con: “Nuôi hai con ăn học/ Cấy cày đến quắt người”.
Rồi bất ngờ chú về… Lẽ ra thím phải vui, phải hạnh phúc vì người chồng tưởng đã phải gửi thân nơi chiến trường nay đã trở về. Lẽ ra thím phải hãnh diện vì chồng trở về trong vinh quang với “huân chương đầy chiếu”. Vậy nhưng: “Thím cười mà như mếu/ Nước mắt chẳng buồn lau”.
Đọc những trang thơ viết về số phận con người của Trần Nhuận Minh, ta không khỏi trăn trở, xót xa. Bởi lẽ, những câu thơ ấy được viết từ một trái tim nhân hậu của người nghệ sĩ. Nhà văn Nam Cao từng phát biểu: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (2). Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã làm tròn trách nhiệm của người nghệ sĩ khi ông nói hộ nỗi lòng những số phận bất hạnh kia. Quả không sai khi Trần Nhuật Thu cho rằng nhà thơ Trần Nhuận Minh luôn “cùng đau nỗi đau của Nhân dân… Trái tim ấy luôn thao thiết khôn nguôi trước bao cảnh đời, bao số phận” (3).
Kết luận
Bước chuyển mình của lịch sử đã dẫn đến quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Trần Nhuận Minh có sự vận động: Từ con người sử thi và thời đại anh hùng đến con người của cuộc sống đời thường, phức tạp. Sự vận động đó đã cho thấy những thay đổi trong tư tưởng và nhận thức của nhà thơ. Trước Đổi mới, Trần Nhuận Minh tập trung khắc họa những con người anh hùng, kết tinh phẩm chất, sức mạnh của cộng đồng. Ông viết về những năm tháng kháng chiến, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của cả dân tộc. Nhưng từ thời kỳ Đổi mới trở đi (sau 1986), Trần Nhuận Minh quan niệm làm thơ văn là để “áp tải sự thật” và ông đã dùng ngòi bút của mình dựng dậy các ngóc ngách của cuộc sống để phản ánh hiện thực xã hội và số phận con người. Nhân vật trong thơ ông không còn là con người anh hùng sống hết mình cho lý tưởng mà là những con người của cuộc sống đời thường, phức tạp. Trần Nhuận Minh đặc biệt chú ý đến con người nghèo khổ, bất hạnh, bần hàn và con người tha hóa. Ông đã dũng cảm vạch ra những mặt tối, khuất lấp đang tồn tại trong con người hiện nay. Việc nghiên cứu sự vận động trong quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Trần Nhuận Minh qua hai giai đoạn sáng tác sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về con người nhà thơ cũng như những điều mà ông muốn gửi gắm tới người đọc. Để hiểu thấu đáo hơn quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ Trần Nhuận Minh, bên cạnh việc khảo sát các mảng nội dung phản ánh thì phương diện nghệ thuật thể hiện cũng là đối tượng cần được tập trung nghiên cứu, bởi đó cũng là yếu tố then chốt giúp ta hiểu sâu sắc hơn vấn đề quan niệm nghệ thuật trong thơ Trần Nhuận Minh.
_______________
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1999, tr.273-274.
2. Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.112.
3. Trần Nhuận Minh, Thơ - Tuyển tập tác phẩm 1960-2003, Nxb Văn học, Hà Nội, 2007, tr.197.
Tài liệu tham khảo
1. Lại Nguyên Ân, Thử tìm hiểu loại hình các mô-tip chủ đề trong văn học Việt Nam hiện đại, Tạp chí Văn học, số 6, 1987.
2. Nguyễn Bao, Về tuyển tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ, Báo Quảng Ninh, 16-12-1996.
3. Nguyễn Thị Bình, Đặc điểm ngôn ngữ thơ Trần Nhuận Minh, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Vinh, 2012.
4. Phùng Trọng Bình, Trần Nhuận Minh, thi ca tinh tuyển, Nxb Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc, 2014.
5. Phạm Quốc Ca, Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2003.
6. Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
7. Hà Minh Đức (chủ biên), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.
8. Hoàng Thị Thu Giang (chủ biên), Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nxb Văn học, 2014.
9. Hoàng Thị Thu Giang (chủ biên), Văn học Quảng Ninh, Nxb Khoa học xã hội, 2021.
10. Lê Thị Hải Hà, Chủ thể trữ tình trong thơ Trần Nhuận Minh, Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.
11. Trần Minh Hà, Trần Nhuận Vinh, (sưu tầm, biên soạn) Trần Nhuận Minh - và ba lần định vị cho thơ - Đọc thơ Trần Nhuận Minh của nhiều tác giả, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009.
12. Trần Minh Hà, Trần Nhuận Vinh, (sưu tầm, biên soạn) Trần Nhuận Minh và một hướng tìm diện mạo mới cho thơ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.
13. Trần Minh Hà, Trần Nhuận Vinh, (sưu tầm, biên soạn) Trần Nhuận Minh và để những câu thơ hóa thạch thời gian, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018.
14. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1999.
15. Ngô Xuân Hội, Để những câu thơ hóa thạch thời gian, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2015.
16. Nguyễn Văn Hưng, Thơ Trần Nhuận Minh, Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2011.
17. Phong Lê (chủ biên), Văn học về đề tài công nhân, tập 1, 2, Nxb Lao động, Hà Nội, 1985.
18. Phương Lựu (chủ biên), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.
19. Trần Nhuận Minh, Tuyển tập tác phẩm - Thơ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
20. Trần Nhuận Minh, Thơ - Tuyển tập tác phẩm 1960-2003, Nxb Văn học, Hà Nội, 2007.
TS HOÀNG THỊ THU GIANG - Ths NHỮ THỊ HỒNG NHUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022