Chém cha cái khó, chém cha cái khó!
Thật không phải ngẫu nhiên, tiếng chửi vừa là tiếng kêu ai oán, đầy tức giận của một nho sinh thuộc lớp danh gia vọng tộc lại vang lên giữa đất trời đang bị chao đảo dữ dội! Đấy chính là tiếng nói khát vọng tồn tại của Nguyễn Công Trứ. Phải chăng đây cũng là tiếng kêu chung của đông đảo nhân dân nước Việt sống trong đói khổ, chết chóc trước cảnh chiến tranh xâm lược và nội chiến kéo dài triền miên thời bấy giờ?
Thực tế là xã hội Việt Nam cuối TK XVIII đã bị tàn phá đến tận cùng trước vó ngựa xâm lăng của 29 vạn quân Thanh làm bùng lên ngọn lửa khởi nghĩa của hàng triệu nông dân do nhà Tây Sơn chỉ huy đánh đuổi bè lũ cướp nước ra khỏi bờ cõi, lật đổ triều đình vua Lê chúa Trịnh suy tàn, bất lực.
Trong bối cảnh khủng hoảng gay gắt đó, cử nhân Nguyễn Công Tấn - thân phụ Nguyễn Công Trứ - đang làm tri huyện Tiên Hưng (Thái Bình) cùng gia đình lâm vào tình trạng thất thế, bế tắc. Ba lần được mời ra tiếp tục làm việc, nhưng viên quan “trung thần bất sự nhị quân” này từ chối hợp tác với vua Quang Trung. Ông bỏ về quê Uy Viễn (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), nơi đây nhà cửa, gia sản vườn tược đã bị tan hoang. Dựng căn nhà tre sống tạm qua ngày, và theo tập quán, ông mở trường dạy học chữ Hán cho lớp trẻ trong vùng. Nhà đông người, tám miệng ăn, cái đói rình rập, hiển hiện đe dọa từng giờ. Cậu nho Trứ vào độ tuổi 12 (1778-1858) từng được lớn lên trong hoàn cảnh sung túc, nay rơi xuống cảnh thiếu thốn, không có lối thoát. Dù có muốn “an bần lạc đạo”, dù có tức giận chửi bới, nhưng đang ở tuổi ăn, tuổi lớn, thì vẫn phải kiếm tìm sao cho đủ bữa mong qua ngày đoạn tháng: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no/ Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”.
Với bất kỳ nhà thơ nào, dù tài hoa đến mấy thì vẫn “Cuộc trăm năm chết nghèo trong cõi văn chương” (Nguyễn Du) bởi “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Cùng sống trên quê hương Nghi Xuân - cách làng quê nhà thơ Tố Như (1765-1820) ba cây số - một vùng đất cát ven biển nên mỗi bữa ăn của người dân nơi đây chủ yếu là khoai lang độn cơm, Nguyễn Công Trứ cũng không sao thoát khỏi vòng vây của miếng cơm tấm áo, dù chốn Lam Hồng vốn nên thơ, nên họa, từng sản sinh biết bao nhân tài cho đất Việt. Trước mắt, cậu nho Trứ vẫn ngày ngày chứng kiến cảnh cha mẹ khất lần khách đòi nợ: “Đến bữa chưa sẵn bữa, con trẻ khóc dường ong/ Qua kỳ lại hẹn kỳ, nhà nợ kêu như ó” (Hàn nho phong vị phú).
Cảnh nghèo là số phận chung của đông đảo quần chúng lao động cũng như tầng lớp kẻ sĩ từ bao đời trên mảnh đất Nghệ - Tĩnh.
Bài phú Hàn nho phong vị cũng như bốn bài thơ liên hoàn Than nghèo đúng là nỗi niềm tâm sự về khát vọng sống của Nguyễn tiên sinh, vừa là bức tranh chân thực về một thời kỳ lịch sử xã hội nông nghiệp lạc hậu, gắn liền với cuộc nội chiến liên miên kéo dài nửa thế kỷ: “Còn trời, còn đất, còn non nước/ Có lẽ ta đâu mãi thế này?/… Có lẽ ta đâu mãi thế này?/ Non sông lẩn thẩn mấy thu chầy” (Than nghèo).
Như một lời nguyền bấm chí theo truyền thống hiếu học của các nhà nho xứ Nghệ, dù nghèo đến mấy cũng phải cố gắng vươn lên, phải sống với đất trời để còn lo công danh sự nghiệp mai sau. Chẳng thế mà ít nhất có tới 14 bài thơ Nguyễn tiên sinh than nghèo. Và thực tiễn đời sống, qua nếm trải bao biến đổi tang thương, nhà thơ cay đắng ngộ ra rằng: “khi cùng, chớ cậy có văn chương” (Tự thuật). Cố quên đi, nhưng nợ nần cứ réo gọi ám ảnh hoài, đến nỗi phải bực bội, văng tục, mà vẫn cứ tin tưởng, đợi chờ sẽ có ngày bảng vàng bia đá ghi danh, sẽ tha hồ trả nợ người, nợ đời. Niềm vui sống vẫn bay lên: “Nợ có chết ai đâu, đòi mà chi, trả mà chi, cha cóc! Trời để sống tau mãi/ tiền cũng có, bạc cũng có, mẹ bò!” (Cảnh nghèo).
Điểm nổi bật nhất ở Nguyễn tiên sinh là không hề nản chí, không dừng bước, mà chỉ Than nghèo tự an ủi cho ngày tháng trôi qua, rồi lại hăm hở, kiên trì đeo đuổi một khát vọng lớn lao: đó là chiếm lĩnh cuộc sống làm người, sao cho đúng nghĩa của nó với tinh thần lạc quan yêu đời hiếm thấy: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” (Di thi tư vịnh).
Hai câu thơ trên được nhắc lại đến ba lần như một điệp khúc qua ba bài thơ khác nhau, ở các thời điểm không giống nhau và sắc thái cũng có phần khác biệt, song điều cơ bản vẫn là thể hiện khát vọng sự nghiệp, và làm sao cho tài năng của chính mình được thi thố với đời. Dưới chế độ phong kiến, kẻ sĩ muốn lập thân và lập danh, phải thi đỗ ông Nghè, ông Cử… mới có thể ra làm quan. Nếu không có vị trí trong xã hội, thì khó lòng bộc lộ được gì, mà vẫn phải chìm đắm trong nghèo hèn. Vào tuổi 38 (1816), Nguyễn tiên sinh mới thi đỗ giải nguyên (đỗ đầu Cử nhân). Dù có phần muộn, song hoài bão về tương lai tươi sáng vẫn luôn được nung nấu cháy bỏng trong con người đất Uy Viễn này. Với tài năng, chí lớn của mình, ông đã vươn tới đỉnh cao tột bậc của sự nghiệp: “Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng/ Khi thủ khoa, khi tham tán, khi tổng đốc Đông/ Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng/ Lúc bình Tây cờ đại tướng/ Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên…” (Bài ca ngất ngưởng).
Rõ ràng, với cương vị đại thần chốn triều đình, lúc Hình bộ tả thị lang, khi lại là một vị tướng đầy tài thao lược, đánh Đông dẹp Bắc, thật sự đạt tới bậc anh hùng, khiến không ít kẻ ganh tị. Vào tuổi thất thập cổ lai hy, sau khi đã về hưu, nhân dân Thái Bình ghi ơn ông bằng cách lập đền “thờ sống” (sinh từ), rồi linh đình đón rước ông từ Hà Tĩnh ra Tiền Hải dự lễ mừng thọ. Thế mà vẫn có kẻ xấu bụng nọ mật tấu lên triều đình với mục đích hạ thấp uy tín, danh dự của Uy Viễn tướng công. Nhà vua nghi ngờ vội vàng triệu ông vào kinh để truy hỏi, song ông vẫn vô sự. Sau đó, ông viết bài thơ Con tạo ghét ghen nhằm phê phán lũ “ghen ăn, ghét ở” luôn xúc xiểm hiểm độc! Bên cạnh việc lên án bọn xấu, khiến ông phải khốn đốn, ông vẫn thanh thản yêu đời, hành xử theo sở thích khát vọng tự do từ buổi thiếu thời. Con người dồi dào chất văn hóa bậc nhất thiên hạ này đã công thành danh toại. Và hai câu thơ từng viết bốn mươi năm về trước, vào thuở học trò vác lều chõng đi thi lại được vang lên, dường như để tổng kết: “càng phong trần, danh ấy càng cao”; sự nghiệp đến với ông thật sự xứng đáng, và mọi thứ đã được khẳng định: “Có sự nghiệp đứng trong trời đất/ Không công danh thì nát với cỏ cây!” (Gánh trung hiếu).
“Hơn nhau hai chữ anh hùng”, đúng là con người này chưa bao giờ cam chịu yên phận nghèo hèn, mà luôn mong muốn thoát khỏi cảnh hàn nho, đạt được bảng vàng danh giá cùng “gươm vàng thẻ bạc”, “võ thét oai hùm dẹp bốn phương” (Vịnh văn võ).
Sự nghiệp đã thật sự thăng hoa: từ một kẻ sĩ làm thơ hay, sáng tác câu đối giỏi, Nguyễn tiên sinh đã được triều đình giao nhiều chức vụ quan trọng, nào là Tổng đốc Hải An, nào là Tham tán quân vụ, nào là Dinh điền sứ... Phải là người có tài đích thực mới có thể hoàn thành xuất sắc các sứ mệnh lớn lao đến thế: “Nặng nề thay đôi chữ quân thân/ Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ?” (Công danh).
Dường như những ngày còn mải mê bút nghiên đèn sách, Nguyễn tiên sinh đã chuẩn bị cả việc cầm quân, đợi thời cơ sử dụng: “Trước là sĩ, sau là khanh tướng/ Kinh luân khởi tâm thượng/ Binh giáp tàng hung trung” (Luận kẻ sĩ).
Chẳng thế mà thời trai trẻ, nhà thơ hằng mong ước: “Nợ tang bồng quyết trả cho xong/ Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung” (Chí nam nhi).
Hoài bão về một sự nhiệp vang lừng khắp bốn cõi là chính đáng, không tách rời cái chí lớn thôi thúc kẻ sĩ xông pha, mạo hiểm, cốt làm sao cho đông đảo dân nghèo thoát khỏi cảnh túng đói cũng là thỏa chí tang bồng: “Chí làm trai nam bắc đông tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Chí khí anh hùng).
“Một mình để vì dân vì nước” đó là điều đẹp đẽ nhất trong con người và cuộc đời Nguyễn Công Trứ. Từ trong tâm khảm, Nguyễn tiên sinh có ý thức dồi dào về sứ mệnh quân thân, mà ngôn từ ngày nay là làm tròn trách nhiệm của người công dân, của một đấng trượng phu tự xác định cho mình: “vũ trụ chi gian giai phận sự” hay có thể nói một cách khác là niềm khát vọng cứu đời và cứu người luôn dâng trào trong vị danh nhân văn hóa này.
Thời trai trẻ đang tuổi học trò sôi nổi, chưa có định hướng rõ nét thì cậu thư sinh họ Nguyễn đã bộc lộ cái tôi ngang tàng bằng cách giả vờ đau bụng, đắp chiếu nằm ngủ trong quán bên đường, phớt lờ Ngài tả quân Lê Văn Duyệt đi thị sát qua rộn ràng trống dong cờ mở; thế là cậu bị phạt bắt làm vế đối để đáp lễ mới được tha về: “Ba vạn anh hùng đè xuống dưới/ Chín lần thiên tử đội lên trên”.
Chất khí khái của cậu học trò giỏi xứ Nghệ, nghèo kiết xác vẫn muốn ra oai cái tôi cá nhân trước cường quyền cho “thỏa chí tang bồng”! Phải chăng Ngài đại quan họ Lê đã cảm thấy trong kẻ sĩ này cái khí chất lạ? Thế là được tha bổng không bị đánh đòn. Nhưng khi Nguyễn tiên sinh đã là một Tổng đốc trọng thần của bộ máy Nhà nước, chắc hẳn kẻ sĩ ấy đã ngộ ra rằng cái danh đó phải gắn liền với cái thực, đem lại lợi ích cho dân, cho nước: “Chí những toan xẻ núi lấp sông/ Làm nên đấng anh hùng đây đó tỏ” (Chí khí anh hùng).
Nỗi trăn trở tự đáy lòng, làm sao cứu giúp được hàng vạn dân phiêu tán lang thang thoát cảnh nghèo đói, mà chính ông từng nếm trải. Giờ đây, ông được nhà vua giao phó chức Dinh điền sứ đất Ninh Bình, Thái Bình; đặc biệt là khi nhà vua ban lệnh: “…Nay việc dinh điền đã giao cho khanh, phàm việc gì có thể trừ hại, hưng lợi cho dân thì khanh cứ tùy tiện mà làm, khanh nên gia tâm kinh lý, mau được thành công để thỏa lòng Trẫm trông cậy là tốt” (1).
Đã đến lúc, nỗi niềm khát vọng tha thiết của kẻ sĩ gặp thời cơ biến thành hiện thực: “Rồng mây khi gặp hội ưa duyên/ Đem quách cả sở tồn làm sở dụng” (Luận kẻ sĩ).
Trọng trách mới mẻ này được bộc lộ qua bản Sớ về việc khẩn hoang (1828) dâng vua Minh Mạng, Nguyễn tiên sinh điều trần: “…Trước kia, tôi đi qua tỉnh Nam Định, thấy về huyện Giao Thủy (...) đất đai hoang phế, trông thấy mông mênh, ngoài ra chỗ khác cũng còn lắm đất ruộng hoang kể tới hàng ngàn mẫu. Tôi đã hỏi người sở tại (...) như cấp của công thì có thể triệu tập dân nghèo mà khẩn trị được. Làm thế thì Nhà nước không tốn bao nhiêu, mà cái lợi tự nhiên lâu dài mãi mãi” (2).
Tiếp năm sau (1829), ông dâng bản sớ về Quy ước trong làng, nói rõ: “Những ấp lý mới lập ở huyện Tiền Hải và huyện Kim Sơn đều là nhóm họp những dân xiêu giạt lại cả, chưa có gì làm cho chúng liên kết đoàn tụ với nhau, vậy định làm quy ước để cho chúng biết kiểm thúc, lâu thành thói tốt”. Trong đó có hai điều:
Đặt nhà học: “Ấp và lý đều đặt một cái nhà học, rước một ông thầy, mỗi lý thời lấy mười mẫu ruộng, mỗi ấp thời lấy tám mẫu đặt làm học điền, tha không đánh thuế. Những học điền ấy nhân dân hợp sức cày bừa, đồng niên thu được bao nhiêu để làm học bổng. Trẻ con sinh ra tám tuổi cho vào nhà học (...) đến lúc 16 tuổi học đã hơi thành, theo thứ tự nâng lên, thăng lên các nhà học ở huyện, phủ và trấn. Đứa nào học không tấn hóa thì cho về tìm nghề khác”.
Đặt xã thương (quỹ cứu trợ người nghèo): “Ấp và lý đều đặt xã thương, chọn người cẩn tín coi giữ, hễ khai khẩn thành ruộng, ba năm đầu còn được tha thuế. Khi nào giá cao thời bán, giá hạ thời mua, phòng gặp lúc thủy hạn bất thường, thì đem thóc chiếu cấp từng người, năm nào được mùa sẽ theo sổ đã cấp trước thu lại để chứa trữ” (3).
Chỉ mới đọc hai đoạn trích trong các bản sớ tâu lên vua khoảng 180 năm về trước, ngày nay, chúng ta càng hiểu thấu khát vọng cao đẹp cứu dân, giúp đời của Uy Viễn tiên sinh vẫn mang tính thời sự hiện đại đối với xã hội ta đầu TK XXI.
Phản kháng lại hoàn cảnh, vượt lên chính mình, làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn đã trở thành một chí hướng đẹp đẽ đầy tâm huyết và hiệu quả xuyên suốt cuộc đời Nguyễn Công Trứ. Không chỉ quyết tâm khẳng định cái tôi tài hoa, dồi dào năng lực quản lý dinh điền, mà còn trải rộng lòng nhân ái của mình trước mọi số phận nghèo khổ, bất hạnh…
Cùng với việc chiêu dân lập ấp cứu đói, giáo hóa lớp người hư hỏng sa đọa, giúp họ trở thành những người dân lành chăm chỉ làm ăn lương thiện, quan Hình bộ tả thị lang còn chú ý trừng trị bọn quan lại, hào lý hống hách, tham nhũng, đồng thời thăng thưởng cho các quan thanh liêm: “Hiện nay lại dịch tham nhũng thường làm hại dân là bởi cớ chưa có định lệ khuyên răn. (...) Xin xét những bọn lại dịch các địa phương, thải bỏ những người non nớt bất lực mà giảm đi một nửa, rồi cấp thêm lương thưởng để làm kế dưỡng liêm...” (4).
Đọc kỹ các bản sớ tấu lên vua của vị Dinh điền sứ họ Nguyễn, tuy chữ nghĩa có phần mộc mạc, cổ kính, nhưng là những đóng góp thiết thực, thật sự vĩ đại và người đọc có thể tìm thấy nhiều nét gần gũi với các bản báo cáo về tình hình nông thôn ngày nay.
Rõ ràng, Nguyễn Công Trứ không chỉ là một nhà thơ tài hoa, mà là một đấng trượng phu dồi dào năng lực kinh bang tế thế, một nhà khai sáng chân chính, một “bán diện thiên tử” đầy trách nhiệm “hộ quốc cứu dân”, tràn trề nhiệt tình dựng xây thôn xóm ấm no, vang tiếng ca yên bình. Thật không phải ngẫu nhiên mà nhân dân Thái Bình lập đền thờ sống ông sùng bái như một vị Thánh sống. Trong lịch sử xã hội Việt Nam ta, đây là một hiện tượng hiếm thấy: “Đường mây rộng thênh thang cử bộ/ Nợ tang bồng trong trắng vỗ tay reo/ Thảnh thơi thơ túi rượu bầu!”.
Sau khi nợ nước và nợ đời đã trả xong, con người tự do của Nguyễn tiên sinh có quyền vỗ tay reo mừng thắng lợi và nghĩ về cuộc hành lạc cho thỏa chí, đắm mình vào “thơ túi rượu bầu”, mặc cho ai đó dè bỉu. Khát vọng tự do sống thanh thản, bởi những năm tháng vào ra chốn quan trường, ông từng nếm trải biết bao cay đắng. Từ một vị tướng tài ba, lắm kẻ ganh tị, gièm pha; dù đã cao tuổi ông vẫn bị cách chức xuống làm lính trơn. Bài thơ Tình cảnh làm quan dường như ông viết vào dịp này, trong đó có hai câu tiêu biểu lưu mãi đến tận bây giờ như một thành ngữ dân gian sống động, đầy tính thời sự: “Ra trường danh lợi vinh liền nhục/ Vào cuộc trần ai khóc lộn cười/ Chuyện cũ trải qua đà chán mắt/ Việc sau nghĩ lại, chẳng thừa hơi…”.
Có lẽ vào tuổi về hưu, Nguyễn tiên sinh mới cảm nhận đầy đủ: “Vào vòng cương tỏa chân không vướng/ Tới cuộc trần ai áo chẳng hoan…”.
Đúng là mỗi lần nhìn lại quá khứ với tâm trong sáng của mình, ông tự cảm thấy thoải mái và tự cho mình được quyền tận hưởng hạnh phúc, “thích chí ngao du” theo sở nguyện. Khát vọng hành lạc càng được tự do, nhà thơ tự ban cho mình mảnh “trời riêng cho một cuộc nhàn”, nhằm giải thoát khỏi cảnh đời tục lụy: “Hẹn với lợi danh ba chén rượu/ Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ” (Thoát vòng danh lợi).
Cũng chẳng hề dễ dàng khi một kẻ sĩ danh tiếng vang lừng khắp bốn cõi như Nguyễn Công Trứ, mà lại ung dung vượt khỏi vòng cương tỏa của tục lệ phong kiến đương thời. Phải là một đấng chính nhân quân tử đích thực, một con người đủ bản lĩnh văn hóa sống mới có thể thực hiện được niềm vui chính đáng của mình như một thách thức giữa thời cuộc. Mặc cho ai đó coi mình là “ngất ngưởng” thì cái tôi cá nhân vẫn được tự tôn vui vẻ, “khách tang bồng rộng đất chơi ”, bay bổng như “cây thông đứng giữa giời mà reo”.
Vào cuối đời, quan niệm hành lạc được thể hiện đậm nét trong triết lý “nhân sinh ảo mộng” của nhà thơ là mang tính lịch sử quá khứ: “Ôi! Nhân sinh là thế ấy/ Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao!” (Vịnh nhân sinh).
Nếu như thời trai trẻ tự coi mình là “thông minh nhất nam tử”, thì sau khi đã công thành danh toại, ông lại tự phong cho mình cài tài hưởng thụ: “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi” (Cầm kỳ thi tửu).
Tháng ngày chơi giữa thiên nhiên, ngao du sơn thủy, phong, vân, tuyết, nguyệt, và đắm say cùng bầu bạn cầm, kỳ thi, tửu bộc lộ rõ cốt cách đích thực của một nhà nho tài tử: “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù?” (Chơi xuân kẻo hết xuân đi).
Như thế chưa đủ, trong “cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí”, Nguyễn tiên sinh còn tự coi mình được quyền tận hưởng lạc: “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưỡng…”.
Sợ thời gian qua mau, ông tỏ ra tự hào và say sưa tiêu dao ngày tháng: “Lần lữa tiết xuân dương có mấy/ Bóng quang âm chơi lấy kẻo già…/ ...Đem ngàn vàng mua lấy miệng cười/ Phong lưu cho bõ kiếp người!” (Trong tràn mấy mặt làng chơi).
Đúng là đã trải nghiệm một cuộc sống mãnh liệt lên bổng, xuống trầm giữa một thời kỳ đầy bão táp, về cuối đời, Nguyễn tiên sinh cũng muốn an cư trong niềm vui tuổi già có phần ngông nghênh cho thỏa chí tang bồng. Đó cũng là điều dễ hiểu. Khát vọng tự do được nhà thơ thực hiện với niềm vui như trẻ lại khi “Cái tôi được giải thoát”: “Hỏi giang sơn mấy kẻ anh hùng? Tri ngã giả, bất tri ngã giả/ Người có biết ta hay thì chớ/ Chẳng biết ta, ta vẫn là ta” (Thích chí ngao du).
Thật khó có thể nói hết nét tài hoa và sức sống mãnh liệt cùng công lao vĩ đại của Nguyễn Công Trứ qua một bài viết nhỏ. Song, dù đứng ở góc độ nào thì sức lan tỏa trên nhiều phương diện của bậc danh nhân này vẫn vô cùng rộng lớn, mà trước hết phải nói đến cốt cách, khí tiết gắn kết hòa quyện trong tấm lòng ưu ái đầy trách nhiệm với nhân dân, với số phận của tầng lớp nghèo khổ trên đất nước một thời đã qua…
______________________
1, 2, 3, 4. Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Đồng Nai, 2005, tr.165, 164, 160, 163.
Tài liệu tham khảo
1. Dương Quảng Hàm, Quốc văn trích diễm, Nxb Bốn phương, Hà Nội, 1941.
2. Nguyễn Công Trứ, Thơ với tuổi thơ, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2001.
3. Trương Tửu, Tuyển tập nghiên cứu, phê bình: Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nxb Lao động, Hà Nội, 2002.
PGS, TS NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022