Bìa sách Cổ tích của nỗi buồn của Quế Hương
Cổ tích của nỗi buồn được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào tháng 12-2022 trên cơ sở tập hợp những sáng tác của Quế Hương - bút danh gắn liền với đời văn của Hoàng Thị Thương - tên thật của tác giả. Cô nữ sinh Đại học Sư phạm sau khi ra trường đã trở thành giáo viên dạy văn ở Hội An, Huế, Đà Nẵng. Năm 1989, vì lý do sức khỏe nên chị chia tay bục giảng. Từ đó đến nay, người phụ nữ mảnh mai, nhỏ nhắn này phải chống chọi với sáu, bảy thứ bệnh, nhưng ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp viết văn của Quế Hương là một cơn tai biến mà hậu quả là sa sút trí tuệ, là sự lãng quên ngoài ý muốn, đôi mắt cũng trở bệnh nặng. Bao nhiêu điều kỳ diệu Quế Hương đã chắt chiu hết cho những nhân vật bất hạnh của mình nên giấc mơ bình dị của chị vẫn xa xôi đâu đó - giấc mơ có sức sống, có đôi mắt khỏe. Với Quế Hương, đó mới là thứ hạnh phúc có thật của đời người. Nhiều lúc nhỏ nhoi, lơ ngơ giữa dòng đời tấp nập, người phụ nữ ấy thèm được khỏe đến ứa nước mắt. Khỏe để viết, để thổi vào những đứa con tinh thần vẻ đẹp của tưởng tượng, của nhân văn.
Nhiều năm qua, những tác phẩm của Quế Hương lặng lẽ đi vào tầm đón nhận của độc giả. Năm 2006, Quế Hương vào Hội Nhà văn Việt Nam. Viết hơn 80 truyện ngắn trong đó có 4 truyện vừa, Quế Hương vẫn thật thà thú nhận: “Ngoại trừ những nhà văn viết cho thiếu nhi thành công như Nguyễn Nhật Ánh, những người viết cho thiếu nhi không chuyên nghiệp như cô làm sao sống nổi với nhuận bút. Thỉnh thoảng có cái giải vài triệu, in cuốn sách được vài triệu. Viết để được điều gì khác chứ không viết để sống được”. Sở hữu nhiều giải thưởng văn học trong hơn 20 năm cầm bút (chỉ riêng truyện ngắn thiếu nhi là 9 giải và nhiều giải thưởng khác về truyện ngắn người lớn, bình văn, thơ, kịch bản phim truyện, có mặt trên gần 70 tuyển tập truyện ngắn trong cả nước và rất nhiều trang web, truyện audio, ebook…) nhưng với Quế Hương, những “vòng nguyệt quế” đó không quan trọng bằng niềm vui được viết, được sống nhiều đời, đau nhiều kiếp. Những năm gần đây, khi không thể viết được, nhà văn thương những đứa con tinh thần của mình. Sợ rằng sau khi mình ra đi, những đứa con ấy sẽ rơi vào quên lãng nên Quế Hương đã làm một tuyển truyện, với mong muốn chúng sống dài lâu hơn mình. Tập tuyển truyện này được in theo diện sách Nhà nước đặt hàng. Phân nửa trong số những truyện ngắn đã viết được có mặt trong tuyển truyện với cái tên chở đầy hy vọng: Cổ tích của nỗi buồn.
Làm nên tựa đề vừa rạng rỡ, vừa đáng thương ấy một phần là từ nét rêu phong của văn chương Quế Hương. Màu rêu thành màu của truyện, màu của phố và của người. Tiếng thầm thì của quá khứ vọng lên từ những cổ mẫu. Các sắc độ xanh chồng lên nhau, “như những mảng thời gian được lưu giữ”, xanh đến tê tái, xanh đến “dại lòng”. Gạch đá rêu phong vô ngôn huyền bí, đền tháp điêu tàn lở lói trơ trọi (Apsara hoang dại), những ngôi nhà trĩu nặng thời gian tự tại nằm bên những kiến trúc mới (Bức tranh thiếu nữ áo lục), những con người đứng ngoài dâu bể thời gian (chị Thời trong Chiếc lá hình giọt lệ). Từ truyện Quế Hương tỏa ra mùi hương thanh đạm, rưng rưng của quá khứ. Mùi của những vụn mứt gừng, mứt dừa ngày Tết; mùi hương nhu, hương bưởi và bồ kết. Có thể ví truyện Quế Hương như nếp nhà cổ cất giữ bao ký ức, kỷ niệm cổ xưa. Chị viết như một người đói khát hương xưa. Kiếp tha hương và cái nhìn bi hoài về cuộc sống hiện tại càng làm quay quắt nỗi nhớ. Cứ thế, Quế Hương cứ lần theo lối mòn tìm về ký ức. Quá khứ trở thành khoảng lặng sâu xa trong nhiều câu chuyện. Vì khoảng lặng đó mà những người già gần đất xa trời đã vượt đường dài đi tìm bạn hát quan họ ngày xưa, tìm lại cội hoàng mai đã trên trăm tuổi của một mai gia trang quá vãng (Câu hát tìm nhau, Cội mai lưu lạc). Có những nhân vật ngay phút giây kề cận cái chết lại đau đáu vị đường bánh, mùi bánh lá (Đãi kiến một bữa, Đáo bỉ ngạn). Với họ, đó là mùi của ký ức: ngọt đậm, thơm tho. Nhoi nhói thèm ăn là bởi quá khát, quá nhớ vị của ngày xưa. Giữa rất nhiều sự quên lãng của người đời, truyện Quế Hương trở thành cõi vọng của những nét đẹp cổ xưa. Giữa lớp lớp rêu phong, Huế trở thành không gian thẩm mỹ dành được nhiều thương nhớ, hoài vọng. Cái trầm lắng, chậm rãi của thành phố đứng “bên lề chuyển động chóng mặt của thời đại” lặng lẽ hồi sinh con người (Bức tranh thiếu nữ áo lục). Thậm chí, Quế Hương không quên nhặt nhạnh những từ ngữ đẫm chất phương ngữ cố đô một thuở mà chỉ mới nghe thôi đã nghẹn lòng nhớ Huế.
Bước vào thế giới rêu phong đó đồng nghĩa với việc đi vào cõi lặng. Nhiều nhân vật như “một mảnh vỡ cổ kính vỡ ra từ đâu đó”, như “đi ra từ một câu chuyện xa xưa” (cô bé trong Bức tranh thiếu nữ áo lục, bà mẹ búp bê trong Quán búp bê). Trước những con đường, dãy phố đang giãy chết vì “bụi phù hoa”, họ trở thành phần tử lạc loài, lạc thời, lạ lẫm, bơ vơ, ngơ ngác, cũ kỹ (ông trong Bà mụ của búp bê, Mặt Buồn trong Gió đi đâu?). Nhân vật câm hiện diện khá thường xuyên trong truyện Quế Hương. Trong số đó không ai là câm bẩm sinh mà đều do những biến cố lớn của cuộc đời nên thành câm lặng. Thậm chí, những nhân vật không câm cũng có xu hướng câm bặt, ẩn mình sau những “bức tường” tự dựng hoặc bị dựng lên. Có thể nói, im lặng là dạng diễn ngôn đặc biệt trong truyện Quế Hương. Nhà văn quan niệm, “im lặng là một thứ ngôn ngữ”. Vì thế, trong vô thanh đã vọng lên một thứ ngôn ngữ riêng. Nhân vật của chị được so sánh với viên gạch Chăm “nói nhiều điều trong im lặng”. Ngay cả không gian truyện cũng đầy ắp những khoảng tịnh mặc đủ để làm tan biến bao nỗi đời (Bức tranh thiếu nữ áo lục). Quế Hương như một kẻ mơ mộng, sống như mộng du giữa thiên nhiên tĩnh lặng, nguyên sơ, độ lượng, phồn thực. Tác giả có xu hướng tìm đến với cõi ân ái của thiên nhiên. Chị nói nhiều về đám cưới cỏ - một vũ hội bí mật mở trong cõi lặng. Như một sự bù đắp cho hiện thực, như để giảm thiểu “tiếng rúc rích của đói nghèo”, như để gỡ nút thắt đau đớn cho nhân vật.
Vì vậy, phía cuối của rất nhiều nỗi buồn, của rất nhiều những ước vọng dang dở, vệt cổ tích đã bừng lên, rực rỡ và ấm áp. Nhà văn thường xuyên đi tìm những vệt sáng trong những “sinh vật khốn cùng” (Tí bụi, Đáo bỉ ngạn). Chị kiên nhẫn đợi ngày “tre nở hoa”, dù biết tre chỉ ra hoa vào cuối đời và nở xong là tre chết (Tre nở hoa). Ngay cả khi không sao thoát khỏi tổn thương, mất mát thì nhân vật của chị vẫn sáng đến không ngờ. Dù kết thúc truyện không phải là “nắng hoàng mai” mà bằng nước mắt (Chiếc lá hình giọt lệ) hoặc cái chết (Câu hát tìm nhau)... thì Quế Hương vẫn làm cho người ta tin về những cổ tích đời thường, thứ cổ tích được dệt lên từ tấm chân tình thủy chung, sâu nặng đến không ngờ. Quế Hương lặng lẽ nắm bắt những tiếng lòng đau đáu và từ tốn cứu rỗi bao cuộc đời. Trong mênh mang hư vô và tịnh lặng, khẽ rung ngân sự sống và những khao khát mơ hồ nhưng muôn phần đẹp đẽ của nhân vật. Những khoảnh khắc thoát xác của nhân vật là những khoảng thẩm mỹ đặc biệt trong những trang truyện. Những cuộc hóa thân lặng lẽ nhưng bội phần mãnh liệt. Như nhành xuân tuyệt tác bất ngờ mọc lên trên cội mai già nua, câm lặng. Như thời khắc hóa thân của Apsara hoang dại. Đứa trẻ chăn bò khốn khổ đã thực sự thoát xác với gương mặt lai láng “niềm hoan lạc thuần khiết” và những “đường cong sóng lượn” của điệu múa Chăm.
Truyện Quế Hương càng đúng nghĩa là cổ tích khi chị không chỉ tạo ra những “satna” thoát xác mà còn tạo ra cái kết có hậu, ở đấy, nhân vật được hồi sinh/ tái sinh một cách kỳ diệu. Có những câu chuyện đã thành “mộng viên”, nơi mộng trở thành thực, nơi kết giao đẹp đẽ giữa đời và thơ, người với vật, quá khứ và hiện tại. “Váy áo dát nắng vàng, nét mặt đắm chìm trong hoan lạc tự tại, cô không còn thuộc về thế giới phù hoa hư ảo của trần thế”. Apsara - đóa hoa dại câm lặng của núi rừng năm ấy đã trở thành vũ nữ múa Chăm. Đó là cái kết không thể đẹp hơn của Apsara hoang dại. Nó cũng diệu kỳ như “nhúm lá mục nát” trong truyện Vua lũ đồ chơi, thứ duy nhất có thể biến “tiếng hét đau đớn cuồng nộ thành tiếng đàn thánh thót dịu dàng, khiến chim sơn ca thành thủy tinh cất tiếng hót lảnh lót chạm thấu trời xanh, chạm tới giấc mơ của những chú bé”. Sự hồi sinh ấy đến từ nhiều phía. Kết nối những kết thúc có hậu của truyện Quế Hương sẽ thấy sự cộng sinh của nhiều điều huyền diệu. Đó là tình yêu văn hóa nguồn cội (Cội mai lưu lạc, Apsara hoang dại). Đó là sự đỡ đầu yêu thương đến từ những tấm lòng ngọt ấm vị cổ tích (Thằng tò he Xuân La, Bà mụ của búp bê). Đó là sức mạnh của trí tưởng tượng trẻ thơ khi một số đứa trẻ đã giải quyết nỗi buồn theo trí tưởng tượng bay bổng để biến nỗi buồn thành cái kết đẹp như mơ ước (Vua lũ đồ chơi, Quán búp bê). Và sâu xa trong những tưởng tượng của trẻ thơ bao giờ cũng là tình yêu dành cho bà mẹ thiên nhiên. Nhân vật của Quế Hương quan niệm: “Trồng hoa là cách hoằng hóa tâm đạo, truyền tiếng nói thầm lặng của thiền” (Ẩn lan). Phải vì điều đó mà Quế Hương biệt đãi thiên nhiên, tạo nên nhiều “bản hòa âm điền dã” trong các tác phẩm? Từ vẻ đẹp trong lành, bí ẩn và bất tận của đất trời, nhân vật đã run rẩy bật lên những thanh âm bấy lâu câm bặt (Quán búp bê).
Đọc truyện Quế Hương, tôi ấn tượng với sự kết hợp giữa phần trẻ con và người lớn trong mỗi nhân vật. Đã thành mô típ, trong những nhân vật người lớn thường tồn tại một đứa trẻ từ thời thơ dại. Đứa trẻ tự nhiên chui ra từ những hình hài mục ruỗng, đau đớn, bầm dập, trở thành phần vô thức dẫn dắt nhân vật “đi tìm thời gian đã mất”. Mặt khác, nó vừa tưới tắm tâm hồn để nhân vật bất ngờ chuyển đổi, hồi sinh (Phố Hoài, Bà mụ của búp bê). Phía khác, những nhân vật trẻ con lại trở thành những đứa trẻ già. Một nửa trong gia sản văn chương Quế Hương là những câu chuyện về những đứa trẻ già trong thế giới người lớn. Trẻ con được tiếp cận ở góc độ một người đang lớn, sống cùng người lớn. Rất nhiều vấn đề của cuộc sống hiện đại đã tác động đến tâm lý, nhận thức của trẻ, làm nảy nở những mảng màu nằm ngoài bức tranh ấu thơ thường tình. Trong truyện Bà mụ của Búp Bê, Biển và Người, Ả... ìa... âu?, các đứa trẻ đã già đi vì những mặc cảm thân phận, vì thiếu sự yêu thương thấu hiểu của người lớn, vì phải còng lưng cõng thêm những bà mẹ điên, những bà mẹ “mắc bệnh cười”. Hiện thực cuộc sống đầy vết rạn, làm sao chúng có thể non tơ như nụ trên cành?
Trong thế giới văn chương đương đại, Quế Hương thuộc về “phần tử lạc loài”. Chị trơ trọi, cô đơn đứng ngoài biến động của nghệ thuật. Giống hệt nhà văn Mặt Buồn trong truyện Gió đi đâu?, truyện của chị khá cũ. Quế Hương cứ mãi da diết với những điều xưa cũ viết về nó với nỗi niềm không vơi. Nhân vật của chị thường xuyên khổ vì thương, vì nhớ. Nỗi buồn trong truyện cũng bạc màu thời gian. Nhưng từ thế giới cũ kỹ ấy vẫn luôn hiện hữu những đường lượn thanh tao, làm mềm lòng người đọc. Văn phong Quế Hương đẹp giản dị. Chị viết tự nhiên như ăn, như thở mà không nghĩ tới những mục đích to tát, những cách tân rổn rảng. Viết như bật ra từ đứa trẻ cư ngụ trong mình. Mãi đến khi Quế Hương già đi vì bệnh tật mà đứa trẻ vẫn thế. Những điều chị viết nhẹ mà thấm, đời mà thơ, lấp lánh ánh sáng ngay trong cái xộc xệch, méo mó.
Đôi ba lần, Quế Hương ngầm thể hiện quan điểm của mình về văn học thiếu nhi, mảng văn học bất ổn ngay từ tên gọi. “Tôi đọc Hoàng tử bé như đứa trẻ nhà nghèo lần đầu tiên được nếm một mẩu chocolate, không hiểu mà vẫn thích vị ngọt đắng tinh tế… Mỗi lần đọc vừa nhỏ lại, vừa lớn bổng lên. Kỳ diệu thế đấy!” (Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm). Tin rằng, như mẩu chocolate mà nhà văn nói đến, những Cổ tích của nỗi buồn mang tên Quế Hương cũng sẽ làm cho người đọc vừa nhỏ lại, vừa lớn bổng lên với không ít điều kỳ diệu.
TS NGUYỄN THANH TÂM*
Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023